Avsnitt
-
Tâm sự thay lời tạ bạch:
Chúng tôi làm công việc đối chiếu Thiền Nguyên Thủy và Thiền Phát Triển này là việc làm vô cùng mạo hiểm, chỉ vì đáp ứng nhu cầu chính đáng và bức thiết hiện nay của thế hệ Tăng Ni Phật tử trẻ là muốn biết cốt lõi chung của thiền là gì để không còn phân vân khi chọn lựa pháp môn tu tập phù hợp với căn tính của mình. Chính vì vậy Học Viện Phật Giáo Việt Nam Thành Phố Hồ Chí Minh đã đưa vào chương trình giảng dạy môn học này cho lớp cử nhân Phật học bắt đầu từ khoá 6, khoá 7.
Khi được Học Viện mời giảng môn này tôi thật sự không dám nhận nhưng quí thầy trong Hội Đồng Điều Hành Viện động viên khuyến khích nên tôi đành phải khẩn trương biên soạn giáo án cho kịp thời biểu của các khoá học. Vì thời gian cấp bách, nên tôi phải vận dụng trí nhớ nhiều hơn là tham khảo tài liệu. Đó là một khuyết điểm lớn, tuy nhiên tôi tự an ủi rằng thiền cốt ở chỗ thấy chứ không lệ thuộc nhiều vào sách vở, nên cứ chân thành nói ra cái gì mình thấy rồi sẽ tham khảo bổ chính sau.
Có một sinh viên Tăng thành thật hỏi: “Sư đã ngộ chưa? Nếu ngộ chúng con mới tin, còn nếu chưa ngộ làm sao chúng con biết sư giảng đúng hay sai?”
Thật ra, dù người giảng có ngộ, có nói rất đúng, rất tận tình thì cũng không chắc gì có mấy người tin hay ngộ. Ngược lại, có khi người giảng không ngộ, thậm chí còn giảng sai mà người nghe vẫn nhân đó tỏ tường. Chính vì nhân bài kệ chưa ngộ của Thần Tú mà ngài Huệ Năng tỏ rõ thiền cơ. Trong khi đó Tổ Hoằng Nhẫn là người đã ngộ, giảng câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang biết bao lần mà chưa ai liễu giải, chỉ có ngài Huệ Năng mới thấy được tức thì. Tinh thần đại học là cứ khách quan mà nghe trình bày và tiếp thu có sáng tạo, chứ không nên lệ thuộc giáo điều hay uy tín của thầy, như kinh Kalama đức Phật đã cảnh báo.
Tôi thành thật cám ơn những sinh viên Tăng Ni trong các lớp cử nhân khoá 7 đã chân thành nêu lên những câu hỏi rất hữu ích để vấn đề được mổ xẻ rõ ràng và thiết thực hơn.
Trong tập giáo án này, những chỗ đối chiếu còn rất nhiều thiếu sót, chưa nói được hết ý hoặc thậm chí còn lầm lẫn nữa, phạm vi đối chiếu cũng còn rất hạn hẹp, chỉ nói đại cương v.v... vì vậy chúng tôi rất mong được sự góp ý bổ sung của chư tôn thiền đức để cung cấp cho sinh viên Tăng Ni một tài liệu tham khảo tương đối hoàn chỉnh hơn.
Học Viện, ngày 30 – 11 – 2007
Viên Minh -
Saknas det avsnitt?
-
Thiền (Trung Quốc) và Zen (Nhật Bản) có nguồn gốc phiên âm từ Jhāna trong văn học Pāḷi Phật Giáo Nguyên Thủy, hay Dhyāna trong ngôn ngữ Sanskrit Phật Giáo Phát Triển, nhưng về sau các tông phái sử dụng từ thiền với nhiều ý nghĩa khác nhau và thay đổi tùy thời.
Trong Thiền Tông Đông Độ thiền là kiến tánh chứ không phải tịnh và định, nhưng trong văn học Pāḷi, Phật giáo Nguyên Thủy, Jhāna lại dùng để chỉ tịnh hay cận hành (upacāra) như niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng… và định hay an chỉ (appanā) để gọi những trạng thái thiền chứng theo nội dung các thiền chi như đệ nhất thiền (paṭṭhamajjhāna), đệ nhị thiền (dutiyajjhāna), đệ tam thiền (tatiyajjhāna), và đệ tứ thiền (catutthajjhāna) trong các bậc định thuộc sắc giới thiền (rūpajjhāna). Về sau Jhāna còn dùng để gọi vô sắc giới thiền (arūpajjhāna), tựu trung vẫn là thiền định. Từ Pāḷi bhāvanā (tu tập, thực hành, tiến hành) được dùng cho cả thiền định hay thiền chỉ (samatha bhāvanā) lẫn thiền tuệ hay thiền quán (vipassanā bhāvanā)...
-
Giáo án này lúc đầu được biên soạn để giảng tại Học Viện Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh khóa 6 và lớp Đào Tạo Phiên Dịch Hán Tạng tổ chức đặc biệt cho một số Tăng Ni hậu đại học tại Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. Sau đó được bổ sung thêm cho các lớp cử nhân Phật học khoá 7.
Trước đây nhiều Tăng Ni, Phật tử Nam Bắc Tông cho rằng thiền Phật giáo Nguyên Thủy và thiền Phật giáo Phát Triển là hai loại thiền hoàn toàn khác biệt và thậm chí bên nào cũng tự cho rằng thiền của tông môn mình hay hơn, đúng hơn. Tất nhiên điều này phát xuất từ sự nghiên cứu, học hỏi một chiều, nặng cảm tính hơn là sự đối chiếu, so sánh một cách nghiêm túc, khách quan.
Trước khi nói đến thiền, chúng ta cần tìm hiểu hai khuynh hướng đang tồn tại trong Phật giáo, đó là khuynh hướng Nguyên Thủy và khuynh hướng Phát Triển.
Những người theo Phật giáo Nguyên Thủy có khuynh hướng bảo nguyên những lời dạy của chính đức Phật Gotama (Sakya Muni) trong suốt 45 năm hoằng hóa độ sinh. Những lời dạy này được kết tập lần đầu tiên tại Ấn Độ ba tháng sau đức Phật Niết-bàn cho đến lần thứ sáu tại Yangon, Myanmar, 2500 năm sau đức Phật Niết-bàn. Cả sáu lần kết tập ấy đều trùng tuyên bằng tiếng Pàḷi và không thêm bớt. Mặc dù từ lần kết tập thứ ba đã bắt đầu có thêm phần chú giải, rồi phụ chú và tiểu phụ chú, nhưng vẫn không xem là chánh tạng. Về sau Phật giáo Nguyên Thủy còn được gọi là Thượng Tọa Bộ vì phần lớn các vị trưởng lão theo khuynh hướng bảo nguyên...