Avsnitt

  • Làng bóng đá thế giới đang bước vào mùa giải mới với nhiều thay đổi, hứa hẹn nhiều trận cầu sôi động. Thể thức mới của Champions League, phiên bản mới 32 đội của Club World Cup và World Cup 2026 lần đầu tiên với 48 đội. Sự thay đổi này có chung một điểm : sẽ có nhiều trận đấu hơn! Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tiếng nói trong giới bóng đá lên tiếng cảnh báo lịch thi đấu quá dày đặc do những thay đổi sẽ gây nguy hại cho sức khỏe của các cầu thủ.

    Những cầu thủ trụ cột của nhiều câu lạc bộ lớn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Rodri, tiền vệ tấn công của Manchester City là một trong những người đầu tiên lên tiếng về vấn đề này. Cầu thủ này thâm chí còn gợi đến ý tưởng đình công, khi nói cầu thủ đang ở « gần » với giải pháp triệt để này để phản đối lịch thi đấu quá tải khiến thể lực cầu thủ bị vắt kiệt dẫn đến nguy cơ bị trấn thương cao. Quan điểm của anh được nhiều cầu thủ quốc tế khác tán thành như hậu vệ cánh Jules Koundé hay thủ môn Courtois của câu lạc bộ Real Madrid.

    Sau các cầu thủ, đến lượt các huấn luyện viên. Trong một cuộc họp báo trong tuần, Pep Guardiola huấn luyện viên nổi tiếng người Tây Ban Nha thừa nhận tình hình đã đến mức không thể chịu được nữa. Ông nói : « Tôi tin rằng phải thay đổi cái gì đó », trước khi đá quả bóng sang chân các cầu thủ rằng « bóng đá thương mại có thể bỏ qua các huấn luyện viên, các giám đôc kỹ thuật, truyền thông, các ông chủ câu lạc bộ nhưng cầu thủ thì không được. Không có họ, chúng ta không thể chơi bóng, những người duy nhất có quyền thay đổi mọi việc là họ ».

    Không có gì ngạc nhiên khi nhiều lời chỉ trích đến từ các cầu thủ Manchester City. Mùa trước chẳng hạn, Rodri đã thi đấu 64 trận. Nhưng con số này sẽ còn tăng hơn nữa với việc sửa đổi Champions League và thể thức mới của Club World Cup với 32 câu lạc bộ tham dự, sẽ diễn ra từ 15/06 đến 13/07 năm 2025 tại Hoa Kỳ. Như vậy một cầu thủ của Manchester City có thể chơi tới 76 trận mùa này. « Chúng tôi không thể chơi 60 đến 70 trận mỗi mùa,» Rodri nói cách đây vài ngày, « từ 40 đến 50 trận, một cầu thủ có thể chơi ở phong độ cao nhất, nhưng nếu nhiều hơn thế, tình trạng thể chất của anh ấy sẽ giảm sút đáng kể. »

    Trước tình hình này, công đoàn cầu thủ bóng đá thế giới FIFPro đã phải nhảy vào cuộc. Vào đầu tháng, hiệp hội đã kêu gọi các biện pháp để bảo vệ các cầu thủ để tránh buộc họ phải chơi quá sức với mật độ và nhịp độ thi đấu ngày càng lớn.

    Tham gia chương trình với chúng ta hôm nay, chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui cho rằng nguy cơ các cầu thủ chơi ở các giải châu Âu bị kiệt sức vì lịch thi đấu mới quá dày đặc là có thực. Ông phân tích :

  • Hai tháng sau vòng chung kết Euro 2024, sân cỏ bóng đá châu Âu đang hào hứng bước vào mùa bóng mới 2024/2025. Bên cạnh các giải vô địch quốc gia, những giải đấu lớn danh giá từ cấp độ câu lạc bộ đến cấp đội tuyển quốc gia bắt đầu khởi tranh cùng với những thay đổi thể thức thi đấu nhằm đem lại cho người hâm mộ nhiều trận đấu hấp dẫn có chất lượng cao hơn.

    Tham gia chương trình Tạp chí thể thao hôm nay, chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui sẽ cùng chúng ta tìm hiểu, những cải tiến thể thức ở Nations League và Champions League, hai giải đấu chủ chốt của UEFA, sẽ làm cho mùa bóng này của Châu Âu trở nên hấp dẫn như thế nào ?

  • Saknas det avsnitt?

    Klicka här för att uppdatera flödet manuellt.

  • Thế vận hội dành cho người khuyết tật lần thứ 17 Paralympic Paris 2024 đã khép lại sau 10 ngày thi đấu sôi động của các vận động viên có những hoàn cảnh đặc biệt trên khắp thế giới. Không khí náo nhiệt hào hứng ở Paris 2024 những ngày qua đã cho thấy ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh của người khuyết tật đã tạo được bước ngoặt lịch sử, với sự đổi về cách nhìn, mối quan tâm ngày càng lớn của xã hội đối với cộng đồng chiếm tới 1/6 dân số của hành tinh.

    Paralympic Paris tiếp theo đà thành công đặc biệt của Thế vận hội mùa hè Paris, vài ngày trước khi khép lại đã được giới quan sát và các nhà tổ chức đánh giá là kỳ Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử phong trào Paralympic quốc tế về cả mặt tổ chức, thành tích thi đấu thể thao cũng như truyền thông giúp cho Paralympic trở nên gần gũi, hấp dẫn hơn với người hâm mộ thể thao trên thế giới.

    Số lượng vé bán ra, theo ban tổ chức Paralympic đã vượt con số 2,5 triệu. Trong số đó có hơn 52% người đến Paris để lần đầu tiên trữ tiếp theo dõi Paralympic và rất đông trong số này cũng lần đầu tiên được biết đến các môn thể thao của người khuyết tật.

    Nhưng trên hết, sự kiện mang những giá trị nhân văn được chuyển tải qua các cuộc thi đấu thể thao rất hấp dẫn của các vận động viên khuyết tật. Chuyên gia Trần văn Mui, tham gia chương trình với chúng ta hôm nay nhận xét :

    Để thể thao của người khuyết tật trở nên phổ biến

    Có rất đông khán giả ở Paris cũng như qua truyền hình hay mạng xã hội, lần đầu tiên theo dõi các cuộc thi đấu thể thao khuyết tật. Bên cạnh việc tổ chức hoạt động của Paralympic, chính quyền thành phố Paris còn quan tâm giúp cho mọi người yêu thể thao được tìm hiểu khám phá và chơi các môn thể thao dành cho người khuyết tật với mục đích phổ cập thể thao Paralympic đến mọi người. Hoạt động đã thu hút sự quan tâm, hứng thú của nhiều người dân ngay giữa lúc các cuộc thi đấu thể thao ở Paralympic đang diễn ra. Chi Phương ghi nhận qua phóng sự tại cậu lạc bộ đấu kiếm trên xe lăn tại trung tâm thể thao quận 20 Paris.

  • Giải bóng đá hấp dẫn nhất thế giới UEFA Champions League mùa bóng 2024/2025 đã được khởi động với lễ rút thăm chia cặp đấu vòng đầu diễn ra tại Monaco tối ngày 28/08/2024. Mùa giải thứ 70 tính từ khi ra đời năm 1955 này, Champions League sẽ diễn ra theo thể thức mới nhằm tăng tính hấp dẫn cũng như thu nhập của giải đấu.

    Không phải ngẫu nhiên mà châu Âu luôn là nơi hội tụ của bóng đá đỉnh cao với những giải đấu hấp dẫn và những tài năng hàng đầu thế giới bóng đá. Bởi vì bóng đá châu Âu là không ngừng phát triển cải tiến từ tên gọi, quy mô giải đấu đến các quy định, thể thức thi đấu mới, nhằm thích ứng với những thay đổi lớn trong bóng đá cũng như nhu cầu thưởng thức của người hâm mộ trên khắp hành tinh.

    Để bảo đảm những cải tiến của mùa bóng 2024/2025 sẽ mang lại những điều kiện tốt nhất cho các câu lạc bộ, các cầu thủ và những cổ động viên, Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu đã tiến hành nhiều nghiên cứu, tham khảo các đối tác chính của cả cộng đồng bóng đá Châu Âu về nhiều mặt khuôn khổ giải đấu, cách thức tuyển chọn, lịch thi đấu các giải đấu ở Châu Âu …

    Mục đích cải cách của UEFA là tạo điều kiện để có nhiều trận đấu hấp dẫn và tiền thưởng cũng sẽ tăng. Từ mùa bóng này, nhà vô địch Champions League sẽ nhận được tối thiểu 86 triệu euro tiền thưởng, so với 68 triệu trước đây. Tổng số 2,467 tỷ euro sẽ được phân chia cho các đội bóng dự giải, tùy theo mức độ thành tích. Mùa giải trước con số này là 2 tỷ euro.

    Tham gia chương trình với chúng ta hôm nay, chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui sẽ giúp chúng ta hiểu thêm những gì sẽ thay đổi, những gì không thay đổi ở Champions League và thể thức mới có ảnh hưởng thế nào với người hâm mộ cũng như các câu lạc bộ bóng đá của UEFA.

  • Điền kinh là một trong những môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic, có số lượng nội dung thi đấu nhiều nhất, tới 48 nội dung bao gồm các nội dung ngoài đường, trong sân vận động. Đây cũng là một bộ môn được đầu tư trọng điểm của những nước xếp trong hàng cường quốc thể thao. Điền Kinh Việt Nam được tiếng thống trị khu vực Đông Nam Á nhưng ở đấu trường lớn như Olympic lại tụt hậu so với cả các nước cùng khu vực.

    Ở Olympic Paris 2024, điền kinh Việt Nam không đạt chuẩn chỉ có một đại diện duy nhất là vận động viên chạy 100m nữ Trần Thị Nhi Yến được dự thi đấu theo suất đặc cách nhưng cũng không để lại ấn tượng gì, thậm chí thông số thi đấu còn kém cả thành tích cá nhân ở trong nước. Đấu trường Olympic vẫn còn quá lớn đối với thể thao Việt Nam nói chung cũng như bộ môn điền kinh nói riêng, rõ ràng còn nhiều hạn chế về cả số lượng cũng như chất lượng.

    Sau thất bại không có gì bất ngờ ở Olympic Paris vừa qua, dư luận báo chí thể thao đã chỉ ra nhiều vấn đề, nguyên nhân khiến thể thao Việt Nam tụt hậu ngay cả so với các nước trong khu vực. Đa số đều cho rằng đó là Việt Nam vẫn đầu tư dàn trải, quá chú trọng vào thành tích ở Đại hội thể thao khu vực SEA Games, thiếu chiến lược đầu tư bài bản lâu dài ...

    Riêng với môn điền kinh, nhiều năm qua các vận động viên Việt Nam vẫn loay hoay thi đấu để đạt chuẩn để có vé chính thức. Trao đổi với Tạp chí Thể thao, ông Dương Đức Thủy, nguyên trưởng bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục Thể thao, nay là Cục Thể dục Thể thao, cho biết thực trạng những hạn chế của điền kinh Việt Nam :

  • Olympic Paris 2024, Thế vận hội Mùa hè trở lại nước Pháp sau đúng một thế kỷ, là một thành công đặc biệt về mặt tổ chức, đại chúng và trên phương diện thể thao, để lại ấn tượng và được khen ngợi trên khắp thế giới: Một lễ khai mạc hoành tráng độc đáo, các địa điểm thi đấu mang đậm nét biểu tượng lịch sử văn hóa Pháp , tổ chức hoàn hảo về mọi mặt, từ thi đấu, đón tiếp khách đến tôn trọng những cam kết được đưa ra trong các vấn đề xã hội và môi trường...

    Trên hết, Thế vận hội là một cuộc so tài thể thao, về phương diện này, Paris 2024 là kỳ Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử Olympic hiện đại. Trong hai tuần thi đấu từ 26 tháng 7 đến 11 tháng 8 hàng chục kỷ lục Olympic và thế giới đã bị phá, đưa nhiều tên tuổi vận động viên vào lịch sử Olympic, như Armand Duplantis, vận động viên nhảy sào Thụy Điển, nữ vận động viên chạy vượt rào Mỹ Sydney Mclaughlin-Levrone, kình ngư Pháp Léon Marchand hay đô vật Cuba Mijain Lopez, từ biệt thảm đấu Olympic với 5 tấm huy chương vàng cá nhân liên tiếp qua 5 kỳ Thế vận hội mùa hè. Đã có rất nhiều dấu mốc lịch sử được đặt tại kỳ Thế vận hội này.

    Riêng với nước chủ nhà, ngoài thành công rực rỡ về mặt hình ảnh, thể thao Pháp đã lập thành tích lịch sử ở Olympic với 64 huy chương ở 27 môn tham gia thi đấu, trong đó có 16 vàng, 26 bạc và 22 đồng, gấp đôi so với kỳ Olympic Tokyo 2020 và phá kỷ lục 43 huy chương giành được ở Bắc Kinh 2008, hoàn thành mục tiêu vào tốp 5 trên bảng xếp hạng chung cuộc. Các vận động viên Pháp đã đạt được nhiều thành tích lịch sử : 4 tấm huy chương và cùng 4 kỷ lục Olympic của tay bơi Léon Marchand ; cú đúp huy chương vàng (đồng đội và cá nhân) của võ sĩ Judo hạng nặng Teddy Riner ; danh hiệu vô địch Olympic đầu tiên trong lịch sử của đội bóng rugby 7 ; huy chương vàng taekwodo đầu tiên của Althéa Laurin và môn đua xe đạp BMX racing giành trọn bộ 3 huy chương vàng, bạc, đồng, điều chưa từng có từ 100 năm qua.

    Cùng với các màn so tài quyết liệt đầy của các vận động viên trên sân đấu là cuộc cạnh tranh thứ hạng của các đoàn cũng diễn ra không kém phần hồi hộp hấp dẫn. Nhìn lại thành tích huy chương chung cuộc của các đoàn ở Paris 2024, chuyên gia Trần Văn Mui nhận định :

  • Tham dự Olympic Paris 2024, có 11 quốc gia Đông Nam Á với 182 vận động viên tranh tài, nhưng chỉ có 5 nước có huy chương, được xuất hiện trên bảng xếp hạng chung cuộc gồm Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Điều này cho thấy trình độ của thể thao khu vực Đông Nam Á vẫn còn ở khoảng cách khá xa đấu trường thế giới dù những năm gần đây các quốc gia này đã có những nỗ lực đầu tư cho các môn thuộc hệ thống Olympic.

    Ở Paris 2024, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều tập trung vào các môn được cho là thế mạnh của mình để tranh chấp huy chương như bắn súng, cầu lông, quyền Anh, cử tạ, bóng bàn cùng các môn võ... Tuy nhiên trình độ của các nước vẫn dừng lại ở tầm khu vực. Tổng số huy chương của các nước khu vực Đông Nam Á là 16 huy chương, trong của Philippines có 2 vàng, 2 đồng, Indonesia giành được 2 vàng 1 đồng và Thái Lan 1 vàng, 3 bạc, 2 đồng, Singapore có được 1 huy chương đồng.

    Thành tích huy chương khá nghèo nàn của các vận động viên Đông Nam Á nối lên điều gì? Cùng với chuyên gia thể thao Trần Văn Mui chũng ta cùng điểm lại những thành tích đáng chú ý của một số nước trong khu vực Đông Nam Á tại kỳ Olympic Paris 2024 :

  • Thế vận hội Paris 2024 đã đi được nửa chặng đường. Các vận động viên chủ nhà Pháp đã có một tuần thi đấu đầy hứng khởi với cuộc bứt phá thành công mang về số lượng huy chương nhiều hơn tổng số đã giành được kỳ Olympic Tokyo 2020, trong đó có những tấm huy chương vàng ghi dấu ấn lịch sử thể thao Pháp.

    Sau một tuần thi đấu đầy hứng khởi trên sân nhà, đoàn thể thao Pháp đang có một kỳ Thế vận hội tuyệt vời nếu nhìn vào tổng số huy chương giành được và không khí cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà. Đó là một tuần, người hâm mộ thể thao Pháp đã trải qua những cảm xúc đầy phấn khích khi chứng kiến các vận động viên nhà thi đấu và giành được những tấm huy chương vàng lịch sử, cùng sự xuất hiện của những vận động viên đang trên đường trở thành những huyền thoại thể thao.

    Đó là kình ngư Léon Marchand giành 4 tấm huy chương vàng cùng 4 kỷ lục Olympic mới ngay trong lần đầu dự Thế vận hội, của người « khổng lồ » võ sĩ Judo, Tedy Riner với danh hiệu vô địch Olympic thứ 3 liên tiếp, anh cũng là người póp phần quyết định trong chiến thắng đội Nhật Bản giành tấm huy chương vàng đồng đội hỗn hợp, hay những danh hiệu vô địch Olympic mà các vận động viên Pháp mong đợi hàng chục năm nay, đó là tấm huy chương vàng của đội tuyển Rugby 7 người, của vận động viên đua xe đạp băng đồng địa hình VTT Pauline-Ferrand Prévot, của nữ vận động viên ba môn phối hợp Cassandre Beaugrand đó la chưa kể đến những tấm huy chương của các vận động viên lần đầu có được ở Olympic.

    Người hâm mộ Pháp có thêm niểm tin các vận động viên nhà có thể đạt được mục tiêu tốp năm trên bảng xếp hạng chung cuộc, khi mà trong suốt tuần qua, thành tích của Pháp, dù chỉ là tạm thời, liên tục cạnh tranh ở vị trí cao với các cường quốc Olympic như Trung Quốc, Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Và thể thao Pháp vẫn còn không ít tiềm năng huy chương ở nhiều môn thi đấu trong chặng cuối cùng của Olympic.

    Tham gia chương trình hôm nay, chuyên gia thể thao Trần Văn Mui nhận định về thành tích của chủ nhà Pháp sau tuần đầu thi đấu :

  • Thế vận hội mùa hè Paris 2024 đã chính thức khai cuộc. Sau buổi lễ khai mạc hoành tráng với những màn trình diễn đầy sáng tạo độc đáo, ấn tượng gây không ít tiếng vang trên thế giới, hơn 10 nghìn các vận động viên của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp hành tinh đang lần lượt bước vào các cuộc so tài quyết liệt ở các sân đấu Olympic Paris.

    Theo số liệu chính thức của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Tại Paris 2024, tổng cộng có 10714 vận động viên của 206 đoàn thể thao bao gồm cả 2 đoàn thi đấu dưới mầu cờ trung lập của các vận động viên Nga và Belarus với 32 vận động viên và đoàn vận động viên tị nạn có 37 vận động viên.

    Olympic là sự kiện thể thao đại chúng toàn cầu, có rất đông vận động viên tham dự như vậy, tuy nhiên trên thực tế lực lượng tranh chấp huy chương chỉ tập trung vào một số ít nhóm nước.

    Tham gia chương trình với chúng ta hôm nay, chuyên gia thể thao Trần Văn Mui sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm về khả năng tranh chấp những tấm huy chương danh giá được phân bổ ra sao ở Olympic 2024.

  • Thế vận hội mùa hè lần thứ 33 Olympic Paris 2024 đã sẵn sàng cho lễ khai mạc « ngoạn mục » vào tối 26/07 trên sông Seine ở giữa thủ đô của nước Pháp. Đánh dấu 100 năm Olympic trở lại Paris, các nhà tổ chức cùng chính quyền Pháp hứa hẹn Paris 2024 sẽ một kỳ Thế vận hội hoành tráng và « độc đáo » nhất trong lịch sử Olympic hiện đại.

    Vài ngày trước sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, các đoàn thuyền chở các đoàn vận động viên trong buổi lễ khai mạc đã tiến hành buổi tổng dượt thành công hôm thứ Bảy 20/07. Tuy nhiên, các chi tiết của buổi lễ khai mạc với cuộc diễu hành và các màn lễ hội dọc chiều dài 6 km trên sông Seine từ khu vực ga Austerlitz đến khu Trocadero nằm bên chân tháp Eiffel vẫn được các nhà tổ chức giữ bí mật để tạo bất ngờ thú vị cho khán giả. Dự kiến lễ khai mạc sẽ được khoảng 400 nghìn khán giả trực tiếp tham dự tại chỗ, và hơn một tỷ khán giả truyền hình trên khắp thế giới theo dõi.

    Trung tâm thủ đô Paris và hai bên bờ sông Seine đã được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt nhất. Việc đi lại di chuyển trong nội đô đều đặt dưới sự kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, ít nhiều làm đảo lộn sinh hoạt của người dân dân trong khu vực tổ chức sự kiện, cũng như đã có không ít những phàn nàn của du khách ngoại quốc tới thăm Paris vào lúc này.

    Ở phía bắc Paris, thành phố ngoại ô Saint-Denis, làng Olympic đã mở cửa để đón 14250 khách của các đoàn thể thao, trong đó có khoảng 9000 vận động viên, theo số liệu của IOC. 45 nghìn tình nguyện viên cùng hàng chục nhân viên bảo vệ đã hoàn tất các khóa tập huấn được phân chia về các địa điểm Olympic hay nhà ga, bến tàu, sẵn sàng tham gia vào việc hỗ trợ tổ chức bảo đảm an toàn cho các hoạt động Thế vận hội.

    Đây là lần đầu tiên trong lịch sư Olympic hiện đại, lễ khai mạc Thế vận hội được tổ bên ngoài sân vận động và cũng là lần đầu tiên các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức ngay tại các công trình kiến trúc lịch sử nổi tiếng của thủ đô Paris hoa lệ. Bên cạnh các sân vận động, nhà thi đấu, khu phức hợp thể thao được xây mới hoặc được nâng cấp cải tạo, các nhà tổ chức Paris 2024 đã cho sửa sang để các địa điểm du lịch, công trình lịch sử nổi tiếng thành nơi thi đấu của Thế vận hội, như Grand Palais, quảng trường Condcorde, xung quanh chân tháp Eiffel, cung điện Versaille. Cùng tham gia với Paris và vùng phụ cận còn có 6 thành phố(Bordeaux, Lyon, Marseille, Nice, Nantes, Saint-Etienne) và đảo Tahiti- Polynésie, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, cũng được huy động tổ chức các cuộc so tài ở Thế vận hội Paris 2024.

    Tất cả đã sẵn sàng cho một kỳ thế vận hội hoành tráng, độc đáo khi mà bản thân Paris đã từng gắn với những dấu ấn đầu tiên trong lịch sử phong trào Olympic hiện đại.

    Tham gia chương trình với chúng ta hôm nay, chuyên gia thể thao Trần Văn Mui, ông từng có thời gian là giảng viên về phong trào Olympic tại ủy ban Thế vận châu Á, sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm về những dấu ấn của Paris trong lịch sử Olympic hiện đại do Nam tước người Pháp Pierre de Coubertin khởi xướng.

  • Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá châu Âu -EURO UEFA 2024- trên đất Đức đã đi qua hết một tháng tới trận chung kết giữa đội tuyển Tây Ban Nha và đội Anh. Giải bóng đá châu lục về quy mô, trình độ chuyên môn và sức hấp dẫn chỉ xếp sau Cúp thế giới, tuy nhiên đã để lại những ấn tượng trái ngược nhau cho người hâm mộ.

    EURO là giải đấu quy tụ những đội bóng hàng đầu châu lục, đồng thời cũng có thể coi là hàng đầu thế giới, vì thế tính cạnh tranh rất cao. Tuy nhiên ở EURO 2024 trên đất Đức, sau màn khởi đầu tưng bừng, các trận đấu bỗng nhiên trở nên buồn tẻ, nhàm chán cho đến tận bán kết. Tình trạng này đặc biệt lại rơi vào các cặp đấu của những đội bóng lớn, đứng tên trong danh sách các ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch, có đội hình đầy những ngôi sao trị giá bạc tỷ. Có một vài trận đấu gọi là bùng nổ, còn lại hầu hết các trận đấu diễn ra tẻ nhạt, thiếu sức tấn công, hiệu suất ghi bàn thấp. Các Đội bóng chơi quá thận trọng, nhiều toan tính, chờ đợi vào sự sai lầm của đối phương, các ngôi sao được chờ đợi đều chơi mờ nhạt.

    Vì sao một giải đấu đỉnh cao của châu lục được coi là cái nôi của bóng đá thế giới lại làm người hâm mộ thất vọng ?

    Chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui phân tích :

  • Euro 2024 đã khép lại vòng tứ kết với các trận cầu căng thẳng đầy kịch tính, trong đó điểm nhấn là các ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch mùa giải năm nay đều có mặt ở bán kết. Không có nhiều bất ngờ, nhưng câc đội đều đã phải rất vất vả mới giành được tấm vé vào bán kết.

    Có điều đáng tiếc, chủ nhà Đức đang hừng hực khí thế đã phải dừng bước sớm trước một đội Tây Ban Nha càng vào sâu chơi càng hay. Tuyển Pháp và Bồ Đào Nha, dù có rất nhiều ngôi sao, nhưng không tỏa sáng nên từ đầu giải chơi mờ nhạt. Tương tự, đội tuyển Anh cũng đã phải rất khó nhọc, chỉ vượt qua được Thụy Sĩ nhờ màn đá luân lưu 11 m. Hà Lan chơi bùng nổ, lội ngược dòng giành chiến thắng 2-1 trước Thổ Nhĩ Kỳ trong hai hiệp thi đấu chính, nhưng cũng không hề dễ dàng.

    Ngày 09/07, Pháp sẽ phải đối đầu với Tây Ban Nha tại Munich. Liệu tuyển Pháp có còn trông chờ vận may vẫn tiếp tục đến với mình? Một ngày sau đó, tuyển Anh, đang khát khao một lần lên ngôi vương châu Âu, sẽ gặp Hà Lan tại Dortmund.

    Cùng với chuyên gia Trần Văn Mui, chúng ta trở lại với những điểm nhấn của vòng tứ kết.

  • Nam tước Pierre de Coubertin được mệnh danh là « cha đẻ » của Olympic hiện đại, còn Alice Milliat là « người mẹ » chắp những đôi cánh cho các các nữ vận động viên trên toàn thế giới « cùng nhau », « mạnh hơn », bay « cao hơn », nhảy « xa hơn ».

    Năm 1922, hơn 100 năm trước Olympic Paris 2024, Alice Milliat ngay tại Kinh đô Ánh sáng đã tổ chức một sự kiện thể thao để 4 năm một lần cho nữ giới.

    « Riêng cá nhân tôi không tán đồng việc để phụ nữ tranh tài trước công chúng (…) Điều đó hòan toàn không có nghĩa là phái nữ không tham gia vào nhiều bộ môn thể thao, nhưng nữ giới nên tránh biến họ thành những màn giải trí. Tại Thế Vận Hội, vai trò của phụ nữ chủ yếu -như trong những cuộc tranh tài truyền thống xưa kia, là để trao tặng vòng nguyệt quế cho những người chiến thắng »

    Trên đây là quan điểm của nam tước Pierre de Coubertin (1863-1937) năm 1935 về vị trí của phụ nữ trong mỗi kỳ Thế Vận Hội. Ông quan niệm « làng Thế Vận » là nơi kết hợp của « thể lực và khối óc » mà chỉ các đấng mày râu mới có được. Trong diễn văn năm 1894 tại trường Đại Học Sorbonne về các cuộc tranh tài Thế Vận Hội hiện đại, Coubertin từng cho rằng không cần « loại nữ giới » khỏi các kỳ Olympic, tự họ phải đứng ngoài cuộc chơi bởi một khối óc trong đầu một bậc hồng quần là « điều không tưởng ».

    Thế Vận Hội hiện đại đầu tiên năm 1896 đã không một nữ vận động viên nào được mời thi thố tài năng. Nhưng trước làn sóng bất bình trên toàn châu Âu, chẳng đặng đừng, ban tổ chức Olympic năm 1900 đã phải mở một cánh cửa rất nhỏ cho 22 nữ vận động viên mang các quốc tịch Pháp, Anh, Bỉ, Ý … tham dự (2 % trong số gần 1000 vận động viên tham dự). Năm đó, tay vợt người Anh Charlotte Cooper đi vào lịch sử Thế Vận Hội : bà là phụ nữ đầu tiên đoạt huy chương vàng Olympic. Nhưng sự hiện diện của phái đẹp đã bị thu hẹp lại ở vỏn vẹn 5 bộ môn : quần vợt, đánh golfe, đua ngựa, chèo thuyền và bóng vồ (croquet) bởi đó là những trò giải trí trong giới « quý tộc ».

    Trước sự bất công đó, Alice Milliat (1884-1957) khởi xướng một cuộc đua giành riêng cho nữ giới. Bị cấm động đến « ngọn lửa thiêng Olympic », bà tổ chức Les Jeux Mondiaux Féminins tại thủ đô Paris năm 1922, quy tụ 77 nữ vận động viên từ 5 quốc gia đến tham dự. Alice Milliat là ai mà dám thách thức tượng đài Olympic, nam tước Pierre de Coubertin và bà đã vượt qua những cửa ải nào để giành lấy chỗ đứng trong những ngôi làng Olympic cho cho biết bao nhiêu thế hệ, để hơn 100 năm sau, cũng tại Paris, lần đầu tiên trong lịch sử Thế Vận Hội, 50 % trong số 10.500 nhà thể thao sắp lao vào cuộc tranh tài là phụ nữ ?

    Sinh năm 1884 tại thành phố Nantes, miền Tây nước Pháp, trong một gia đình bình dân, Alice được cha mẹ dậy dỗ để trở thành một con người độc lập trong gia đình và trong xã hội. Bà sang Luân Đôn sống cùng chồng, góa sớm năm 24 tuổi, không con. Alice đam mê thể thao, nhiều lần đoạt chức vô địch ở các môn bơi lội, chèo thuyền và khúc côn cầu… Năm 1915 bà sáng lập và điều hành câu lạc bộ thể thao giành cho nữ giới. Đây là nơi phụ nữ thi thố tài năng từ các môn thể dục dụng cụ, thể dục thẩm mỹ, đến điền kinh, chèo thuyền, bóng rổ, bóng bầu dục, khúc côn cầu … Hơn thế nữa Alice Milliat quan niệm để phụ nữ thực sự tỏa sáng trong làng thể thao, các câu lạc bộ thể dục phải do chính họ điều hành. Một ý tưởng quá xa lạ với quan điểm thời đó.

    Đá bóng : 1920 đội tuyển nữ đầu tiên của nước Pháp

    Đương nhiên các đấng mày râu đầu thế kỷ XX không thể chấp nhận vị trí mà Alice muốn giành lấy cho nữ giới. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Alice Milliat đã xác định rõ quan điểm của bà về quyền của phụ nữ được chơi thể thao, được thi thố tài năng ở tất cả những bộ môn như phái nam. Công luận ở thập niên 20-30 thế kỷ trước xem đấy như một lời tuyên chiến.

    « Các đấng quân tử từ chối công nhận rằng phụ nữ cũng là những khối cơ bắp, bởi họ sợ bị chị em chúng tôi qua mặt, họ không muốn công nhận sức mạnh của phái nữ. Nhưng chúng tôi là người bằng xương bằng thịt, có tay có chân. Chị em phụ nữ đã bắt đầu vận dụng cơ bắp và không gì ngăn chận nổi tiến trình đó ».

    Stéphane Gachet, tác giả cuốn sách mang tựa đề Alice Milliat, 20 năm đặt nền tảng cho việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động thể thao (xuất bản 2019) nói rõ hơn về bối cảnh chung trong hai thập niên đầu thế kỷ XX : « Quan điểm của bà rất hiện đại vào thời đó đơn giản là đàn bà cũng phải được tham gia vào những bộ môn thể thao như đàn ông vì điều này là giúp họ tìm được thế cân bằng trong cuộc sống hàng này. Hơn thế nữa, đòi hỏi của Alice Milliat cho phụ nữ xuất hiện trong một bối cảnh thuận lợi : đấy là thời điểm một số bộ môn mới như bóng đá, bóng bầu dục … ra đời và các môn thể thao không chỉ thu gọn ở mục tiêu quân sự như là bắn súng, đánh kiếm … Thêm vào đó với Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918), thanh niên bị huy động ra chiến trường, phụ nữ phải thay thế họ gánh vác mọi việc trong gia đình, họ phải lao vào nhà máy, họ tham gia vào đời sống xã hội và kinh tế. Trên các sân vận động cũng chỉ còn lại có nữ giới. Đâu đó, các sân cỏ, sân vận động … tự động thuộc về phái nữ ».

    Nữ vận động viên điền kinh Pháp, Jacqueline Laudré (1910-2007), nhiều lần đoạt chức vô địch toàn quốc ở các môn nhảy rào, nhảy cao và nhảy xa là một trong những người con tinh thần từng được chính Alice Milliat dẫn dắt. Bà Laudré nhận xét về Alice Milliat như sau : Alice « là một người có cá tính rất mạnh, một người đầy uy lực và phải nói là bà đã ngự trị trong thế giới thể thao của phái nữ như một bà hoàng. Không ai làm điều gì mà không hỏi ý bà ».

    Năm 1917 Alice tổ chức một cuộc thi điền kinh giữa các câu lạc bộ và sự kiện thể thao hiếm hoi trong những năm tháng đen tối vì chiến tranh kéo dài ấy đã gây được tiếng vang lớn. Năm 1920 cũng Alice Milliat đã dựng lên đội bóng nữ quốc gia đầu tiên và đội này đã đấu với đội bóng nữ của Anh Quốc trên sân cỏ với 25.000 khán giả vào xem.

    Đương nhiên, việc các nữ vận động viên tỏa sáng trong các cuộc tranh tài và nhất là tại các sân vận động đã không làm các đấng nam nhi quân tử hài lòng. Không chỉ có nam tước Pierre de Coubertin, mà còn có rất nhiều các phóng viên, các quan chức và ngay cả những khán giả bình thường thời đó đều cho quan niệm phụ nữ nên chỉ là khán giả để cổ vũ cho các vận động viên nam thì hơn. Nếu như báo chi Anh thời đó thán phục trước những thành tích thể thao của phái đẹp, hoan nghênh những đóng góp to lớn của Alice Milliat, thì trái lại những cuộc giao lưu bà tổ chức đã bị báo giới Pháp dè bỉu chê bai. Vô địch điền kinh toàn quốc Jacqueline Laudré của những thập niên 1930 kể lại :

    « Lập trường của Milliat không khiến các ông hài lòng. Tất cả các ông trong làng thể thao không ai ưa bà Milliat » - Làm thế nào « ưa » được Alice khi bà khẳng định rằng phụ nữ cũng có thể lực và thông minh không thua gì nam giới ? Làm thế nào để ưa được Alice khi bà không chấp nhận phụ nhữ chỉ là một dạng « cây cảnh » để trao tặng huy chương cho các vị anh hùng mỗi mùa Thế Vận Hội nhưng chính họ thì lại bị gạt ra bên ngoài gia đình Olympic ?

    1922 - Rừng Vincennes « ngôi làng Olympic » cho nữ giới

    Từ năm 1919 Alice Milliat thuyết phục Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế CIO mở rộng cửa Olympic -Bỉ, cho các vận động viên nữ. Bà đã thất bại. Trong số 2.626 vận động viên được mời tham gia Thế Vận Hội Anvers năm 1920 phụ nữ chỉ có 65 vé vào cửa (phụ nữ chiếm 2,4 % số người tham gia thi đấu). Nữ giới bị cấm tham dự tất cả các môn như quyền anh, đá bóng, đô vật và đương nhiên là mọi môn điền kinh.

    Alice Milliat không nản lòng. Năm 1921 bà tổ chức một cuộc giao lưu thể thao quốc tế tiền đề cho một phiên bản nữ của các kỳ Thế Vận Hội một năm sau đó. Bị cấm sử dụng chữ Olympic, Alice Milliat tổ chức Đại Hội Thế Thao Phụ Nữ Thế Giới cũng bốn năm một lần. Cuộc tranh tài đầu năm 1922 diễn ra tại sân vận động Pershing, rừng Vincennes Paris, 77 nữ vận động viên đại diện cho 5 quốc gia trên thế giới (Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ và Tiệp Khắc) tham dự. Khán đài với 20.000 chỗ ngồi chật cứng.

    Cho đến năm 1934, bà Milliat đã tổ chức tổng cộng bốn lần Đại Hội Thể Thao và trong lần cuối cùng, năm 1934, tại Luân Đôn, đã có hơn 200 nữ vận động viên đại diện cho 19 quốc gia tranh tài. Trong đó có màu cờ của Nam Phi, Nhật Bản, Palestine, Nam Tư …. Trong suốt thời gian thi đấu mỗi ngày có hơn 6.000 khán giả vào xem.

    Olympic Amsterdam 1928 : Một chút nhượng bộ hay đòn hiểm ?

    Hiện tượng hàng chục ngàn khán giả hơn một thể kỷ trước đây mua vé vào xem các nữ vận động viên tranh tài, bắt đầu khiến Ủy Ban Quốc Tế Olympic, kể cả nam tước Coubertin « nghĩ lại ». Thế Vận Hội Amsterdam năm 1928 lần đầu tiên tổ chức các cuộc tranh tài ở môn điền kinh và thể dục cho nữ giới. Alice Milliat được mời vào ban giám khảo : lần đầu tiên trong lịch sử Olympic hiện đại, một phụ nữ được quyền « chấm điểm » các thành tích của phái nam.

    Song, với Alice sự hiện diện của nữ giới trong ngôi làng Olympic Amsterdam chỉ là một thắng lợi nửa vời : Năm đó vào giờ chót, ban tổ chức đã hủy môn chạy ở cự ly 800 mét với lý do, một thí sinh bị ngã và các đối thủ còn lại thì « mệt mỏi ». Phần lớn các môn đấu khác vẫn « khép chặt cửa » với phụ nữ.

    Bốn năm sau, tại Thế Vận Hội Los Angeles Hoa Kỳ, không một phụ nữ nào được mời vào thành phần ban giám khảo và « không gian thể thao » dành cho phái nữ đã bị thu gọn lại so với ở Amsterdam, một phần do nước Mỹ và thế giới gần như khánh tận sau cuộc Đại Khủng Hoảng tài chính năm 1929.

    Năm 1935 Alice Milliat chính thức yêu cầu CIO « trả lại tự do » cho các đoàn vận động viên nữ, khai trừ họ khỏi các kỳ Olympic nhưng hãy công nhận « chủ quyền » của các Liên Đoàn Thể Thao Quốc Tế Nữ. Nam tước Coubertin và ê kíp bao quanh ông đã im lặng. Mệt mỏi với các màn đấu trí triền miên, Alice Milliat giã từ thế giới thể thao. Thế Chiến Thứ Hai khai mào năm 1939 vĩnh viễn đẩy bà ra xa hơn nữa với các sân vận động … Alice Milliat kiếm sống bằng nghề thư ký đánh máy và phiên dịch, để rồi tên tuổi của bà chìm vào quên lãng. Năm 1957 bà âm thầm vĩnh viễn ra đi.

    100 năm hành trình từ Rừng Vincennes đến… Paris 2024

    Năm 1941 sau khi chính quyền Pétain đầu hàng Đức Quốc Xã, tất cả những tiến bộ trong lĩnh vực thể thao mà Alice Milliat giành được cho nữ giới đã bị « xóa nhòa ». Phải đợi đến thập niên 1970 dưới thời tổng thống Valérie Giscard d’Estaing phụ nữ Pháp mới được đá bóng trở lại trên sân cỏ.

    Năm 1970 dưới sức ép của Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế nhìn nhận « bình đẳng nam nữ là một giá trị thiết yếu của thể thao Olympic ». Nhưng phải đợi thêm gần ba thập niên nữa, đến năm 2007 Hiến Chương Olympic mới chính thức ghi nhận « vai trò của CIO là khuyến khích, hỗ trợ phát huy vai trò của phụ nữ trong thể thao ở tất cả mọi cấp và mọi tổ chức với mục tiêu thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam -nữ ».

    Nhưng từ đó đến nay, Thế Vận Hội Paris 2024 sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic hiện đại, trên 10.500 vé dành cho các vận động viên quốc tế, đúng một nửa trong số đó là vé vào cửa thuộc về phụ nữ. Chỗ đứng mỗi một nữ vận động viên trong số 5.250 người tranh tài tại các sân vận động ở Pháp năm nay đều có hình ảnh của Alice Milliat người đã « bẻ khóa » tất cả những cánh cổng kiên cố nhất, để ngọn lửa thiêng từ núi Olympie bên Hy Lạp làm rạng ngời chiến công của tất cả các vận động viên trên thế giới, bất luận nam hay nữ.

  • Vòng chung kết giải Vô địch bóng đá châu Âu EURO 2024 trên đất Đức đã qua vòng bảng đầy hấp dẫn để bước vào các trận đấu một mất một còn. Màn khởi đầu của EURO năm nay đã diễn ra hết sức sôi động mang lại nhiều cảm xúc thú vị cho người hâm mộ.

    Theo thống kê của trang chủ Liên đoàn Bóng đá Châu Âu UEFA, sau 36 trận đấu ở vòng bảng đã có 81 bàng thắng được ghi, 39 bàn trong hiệp 1 và 42 bàn ở hiệp 2. Trong số đó có không ít những bàn thắng là những cú sút tuyệt phẩm và cả từ những pha bóng phản lưới nhà, có tới 7 bàn được ghi trong tình huống như vậy.

    Người hâm mộ đã bị bất ngờ với nhiều màn trình diễn gây ấn tượng mạnh, mà phần nhiều đến từ các đội bóng ở thứ hạng thấp, hay lần đầu mới dự sân chơi lớn. Trái lại cũng có không ít màn thì đấu gây thất vọng cho người hâm mộ của các đội bóng giá trị và đẳng cấp đã được xác định cùng với những tên tuổi lớn trong lang bóng châu Âu, nhưng chơi nhạt nhòa, không hiệu quả.

    Chủ nhà Đức ghi nhiều bàn nhất với tám bàn, còn Scotland thủng lưới nhiều nhất với bảy bàn. Ở Euro kỳ này, lần đầu tiên kể từ năm 1992 không một đội bóng nào trắng tay, chịu thua cả ba trận vòng bảng. Ngay cả những đội bóng như Scotland, Albani, Ba Lan hay Cộng Hòa Séc đều về nước với một trận hòa. Những số liệu thống kê sơ bộ trên đã cho thấy một vòng bảng đầy hấp dẫn của Euro 2024, không có đội bóng nào dù bị xếp ở chiếu dưới cam chịu làm viên gach lót đường cho các ông lớn.

    Cùng với chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui, chúng ta cùng nhìn lại những dấu ấn của vòng bảng Euro 2024.

  • Vòng chung kết giải vô địch bóng đá Châu Âu EURO 2024 đã qua một tuần thi đấu với các cuộc đua tranh hấp dẫn. Sau lượt trận thứ 2 then chốt ở vòng bảng, không có mấy đội giành vé sớm, hầu hết các đội còn phải chờ loạt trận cuối cùng để định đoạt số phận, hứa hẹn sẽ rất gay cấn.

    Mới chỉ có Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được trọn vẹn 6 điểm để giành vé đi tiếp. Những đội bóng lớn được đánh giá là ứng viên cho chức vô địch như Pháp, Anh, Ý, Hà Lan đều còn phải dồn sức cho trận cuối. Ngoại trừ Ba Lan (C) đã chính thức bị loại sau hai trận thua, các đội bóng bị xếp ở nhóm dưới vẫn còn cơ hội để giành vé vào vòng trong.

    Tham gia chương trình hôm nay với chúng ta, chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui nhận định, cuộc đua tranh trong 2 loạt trận vòng bảng tuy khá quyết liệt, tạo được sự xáo trộn nhưng chưa hẳn đã là bất ngờ lớn.

  • Trái bóng EURO-2024 đã chính thức lăn trên các sân cỏ nước Đức. Các bảng đấu đang lần lượt ra quân. Những đội bóng lớn được đánh giá là ứng viên cho chức vô địch bắt đầu có dịp thể hiện vị thế của mình trong loạt trận đầu tiên bằng những chiến thắng theo cách khác nhau.

    Ở EURO-2024 kỳ này, có tới 8 đội bóng trong tốp 10 của bảng xếp hạng thế giới của FIFA, nhưng không phải tất cả đều là những ứng viên vô địch sáng giá nhất. Tiêu chí để xếp hạng các ứng cử viên cho chức vô địch được giới chuyên môn dựa trên trước hết là đội có giá trị cao trên thị trường chuyển nhượng rồi đến đẳng cấp, phong độ thi đấu - tức thành tích và vị trí xếp hạng của FIFA.

    Ở EURO-2024, đó là những cái tên nào ? Chúng ta cùng điểm lại thế và lực của một vài các ứng viên tiềm năng nhất cho ngôi vô địch Châu Âu với phân tích của chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui.

    Trước hết phải nói đến đội chủ nhà Đức. Sau danh hiệu vô địch thế giới 2014, tuyển Đức rơi vào chu kỳ xuống dốc, thi đấu bết bát ở các giải đấu lớn của thế giới, bị đẩy xuống hạng thứ 16 của bảng xếp hạng FIFA. Nhưng tuyển Đức trong màn khai mạc EURO-2024 hôm 14/06 đã thể hiện một diện mạo mới đầy ấn tượng. Chiến thắng 5-1 trước đội Scotland trong trận ra quân ở bảng A hôm thứ Sáu vừa rồi đã gây nhiều ấn tượng cho người hâm mộ, và gửi đi một thông điệp cho các đối thủ rằng người Đức đang trở lại mạnh mẽ. Có thể thấy gì ở tuyển Đức kỳ này ? Chuyên gia Trần Văn Mui phân tích:

  • Chỉ còn ít ngày nữa, Vòng chung kết Giải Vô địch Bóng đá châu Âu UEFA lần thứ 17 – EURO-2024 sẽ diễn ra, từ ngày 14/06 đến 14/07 tại nước Đức, hứa hẹn những màn trình diễn bóng đá đỉnh cao sôi động, hấp dẫn và cả những bất ngờ.

    24 đội bóng của các quốc gia thành viên Liên đoàn Bóng đá châu Âu UEFA đã hội quân đầy đủ, sẵn sàng đến so tài trên 11 sân cỏ của nước Đức. Các đội được chia làm làm 6 bảng, mỗi bảng 4 đội. Bảng A có các đội Đức, Scotland, Hungary, Thụy Sĩ ; bảng B gồm Tây Ban Nha, Croatia, Ý, Albani ; bảng C : Anh, Đan Mạch, Serbia, Slovenia ; bảng D : Ba Lan, Pháp, Hà Lan, Áo ; bảng E : Slovakia, Rumani, Bỉ, Ukraina ; bảng F gồm Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, CH Séc và Gruzia.

    Tại vòng bảng, các đội thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm ; 2 đội nhất nhì của mỗi bảng cùng 4 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất của các bảng, với tổng cộng 16 đội sẽ vào vòng đấu loại trực tiếp.

    Châu Âu là trung tâm của bóng đá thế giới, giải đấu lớn như EURO, được tổ chức 4 năm một lần, luôn thu thút sự quan tâm lớn của người hâm mộ, chỉ sau Cúp Bóng đá Thế giới.

    Tham gia chương trình hôm nay, chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui cùng chúng ta điểm lại những gương mặt đại diện xuất sắc nhất của bóng đá châu Âu tại kỳ EURO-2024.

    Trận khai mạc của Vòng chung kết EURO-UEFA 2024 năm nay diễn ra vào ngày 14/06 giữa chủ nhà Đức và Scotland trên sân Allianz Arena tại thành phố Munich với sức chứa trên 70 nghìn chỗ ngồi ; trận chung kết sẽ diễn ra trên sân Olympia tại Berlin với sức chứa trên 74 nghìn chỗ ngồi vào ngày 17/07.

  • Chưa đầy hai tháng nữa Olympic Paris 2024 sẽ khai cuộc. Chỉ còn vài cuộc thi đấu thể thao quốc tế có giá trị như vòng loại cho các vận động viên giành vé dự Thế vận hội mùa hè Paris. Các vận động viên thể thao Việt Nam đang tiếp tục những nỗ lực cuối cùng trong các cuộc đua nước rút, tuy nhiên hy vọng được thêm suất vé chính thức dự Olympic Paris là rất ít.

    Ngày 30/06 tới là hạn chót cho các đoàn gửi danh sách vận động viên dự Olympic Paris 2024. Đến thời điểm này, Thể thao Việt Nam mới có được 10 suất vé đi dự Olympic Paris. Chỉ tiêu giành 12 đến 15 vé chính thức khó có thể hoàn thành. Trong khi đó nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, Philippines đều đã vượt rất xa Việt Nam về số lượng vé chính thức dự Paris 2024.

    Để tìm hiểu thêm về chiến dịch săn vé chính thức dự Olympic Paris 2024, chương trình thể thao có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Thủy, nguyên trưởng bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục Thể thao, nay là Cục Thể dục Thể thao.

  • Trong khi các vận động viên của 206 quốc gia và vùng lãnh thổ đang tích cực luyện tập cho các cuộc tranh tài tại Paris vào mùa hè sắp đến, thì Vatican, quốc gia nhỏ bé nhất thế giới cũng đang chuẩn bị cho Thế Vận Hội mùa hè. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không nhìn thấy những vận động viên của quốc gia này diễu hành trên sông Seine trong ngày khai mạc hay tranh tài dưới lá cờ vàng-trắng.

    Vậy đâu là những công tác chuẩn bị cho Olympic của Vatican hay Giáo Hội Công Giáo? Linh Mục Phạm Hoàng Dũng, từ Liège, Bỉ, giải thích.

    --------- ****** ---------

    Từ Thế Vận Hội thời Cổ Đại

    Khi nhắc đến các cuộc tranh tài thể thao như Olympic, chúng ta mường tượng ra ngay những vận động viên cơ bắp khoẻ mạnh với sức mạnh vô địch trên các đấu trường. Các cuộc đấu phô trương sức mạnh này rất phổ biến trong Đế Quốc La Mã trải dài khắp vùng Địa Trung Hải. Ở thời kỳ đầu của Giáo Hội, khi những ki-tô hữu Do Thái di cư đến các vùng lãnh thổ của Đế Quốc La Mã, nhất là tại Roma, họ mang theo tôn giáo của mình. Tuy nhiên, họ lại bị bách hại bởi nhà cầm quyền vì lý do tôn giáo. Một trong những cách hành hình các ki-tô hữu là cho vào đấu với thú dữ trong các đấu trường, như Colosseo ở Roma, bên cạnh các võ sĩ giác đấu chuyên nghiệp.

    Vì thế, ở thời Cổ Đại, người ki-tô hữu tuyệt đối chống lại các cuộc đấu sức mạnh này, không chỉ vì lý do bạo lực, chết chóc mà còn là nơi họ bị lộ thân phận Do Thái ki-tô giáo của mình. Nên biết ở đây là những người đàn ông Do Thái ki-tô hữu giữ luật cắt bì (tức là cắt bao qui đầu) thế nên khi trút bỏ y phục để thi đấu thì vết sẹo trên cơ thể tố cáo việc thực hành tôn giáo. Do đó, để được thi đấu hay rộng hơn là để hội nhập và thăng tiến trong xã hội La Mã, nhiều tín hữu đã bỏ đạo hay che giấu đi gốc tích ki-tô hữu của mình. Đó là lý do vì sao Giáo hội ở thời kỳ đầu chống lại các cuộc tranh tài thể thao này.

    Đến Thế Vận Hội thời hiện đại

    Sau tái hiện thành công Thế Vận Hội Athens (1896), hai phiên bản Paris (1900) và Saint Louis (Hoa Kỳ, 1904) lại thiếu tiếng vang và bị lấn át bởi các sự kiện khác, Pierre De Coubertin đã nghĩ đến một thế vận hội tiếp theo được tổ chức trên các di tích của nền văn minh Hy Lạp – La Mã. Thủ đô với Đấu trường Colosseo, Trường đua Circo Massimo, các thánh đường cổ kính sẽ là kịch bản được chuẩn bị để thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

    Vì vậy, vào năm 1905, Pierre De Coubertin đã đến Ý và nhận được sự ủng hộ từ chính phủ thủ tướng Ernesto Nathan. Hơn nữa, vị nam tước người Pháp này cũng đã chạy đến tìm sự ủng hộ của đức giáo hoàng Pio X, một người hâm mộ thể thao. Khi còn nhỏ, một ngày, ngài đi bộ 15 cây số để đến trường. Ngài cũng thường tham gia vào các hoạt động thể thao và tập thể dục dụng cụ. Có thể xem ngài như trường hợp ngoại lệ trong truyền thống thể thao của Vatican.

    Pierre de Coubertin đã đặt niềm tin vào sự ủng hộ của vị giáo hoàng yêu chuộng thể thao và Toà Thánh cho việc chuẩn bị thế vận hội Roma 1908. Ông cũng tìm kiếm sự ủng hộ của ngoại trưởng Tây Ban Nha, Rafael Merry del Val, một người yêu chuộng và luyện tập thể thao. Nhưng kế hoạch của ông đã bị thủ tướng Giovanni Giolitti bác bỏ với lý do chi phí quá tốn kém. Vì nước Ý lúc đó còn nghèo nên không thể mua các thứ xa xỉ cho các cuộc tranh tài thể thao và cho công việc chuẩn bị. Số tiền bỏ ra đó cần thiết hơn cho việc hiện đại hoá đất nước chứ không phải để cho một vài vận động viên đi thi đấu.

    Thế đó, nam tước De Coubertin viết trong Hồi ký của mình “tấm màn đã kín đáo buông xuống dòng sông Teveres, để rồi được kéo lên bên dòng sông Theme”. Kỳ thế vận hội Luân Đôn 1908 chứng kiến bi kịch của vận động viên marathon người Ý, Dorando Pietri ngã gục chỉ cách đích đến vài mét !

    Từ “tinh thần Olympic” trên phim

    Mùa hè 2012, khi Thế vận hội sắp diễn ra ở Luân Đôn, truyền hình Ý đã giới thiệu bộ phim “100 metri dal Paradiso - 100m từ Thiên Đường” tối ngày 11 tháng Năm. Đây là một bộ phim hài, đạo diễn Raffaelle Verzillo lấy hứng khởi từ vị giáo hoàng và các tu sĩ chơi thể thao như Đức Gioan Phaolo II, tu sĩ Thorvald, một đô vật, hay nữ tu Adele, vận động viên đẩy tạ hay Lucas Lanthaler, một thành viên của đội vệ binh Thụy Sĩ, đồng thời cũng là một vận động viên bộ môn 10 môn phối hợp. Bộ phim đã được sự đồng ý của Tòa Thánh và Hội đồng Giám Mục Ý.

    Tuy là phim hài nhưng bộ phim đã nói lên được tinh thần thể thao đầy tính cạnh tranh mà con người đặt ra cho chính mình, nhưng chứa đựng trong thể thao một hành vi tâm linh sâu sắc. Điều đó đòi hỏi sự chăm sóc mục vụ từ Giáo hội. Mặt khác, trí tưởng tượng của đạo diễn Verzillo cho các vận động viên Vatican thi đấu dưới màu sắc vàng-trắng của quốc kỳ Vatican như một sự tiên báo cho sự tham gia của Tòa Thánh vào phong trào Thế Vận thế giới.

    Đến hiện thực

    Ngày 01/01/2019, đội điền kinh Vatican – Athletica Vaticana được thành lập. Năm tháng sau, đội thể thao này đã tham gia vào cuộc tranh tài thể thao của các nước nhỏ ở Montenegro.

    Tại Đại hội thể thao của các nước nhỏ lần thứ 18 này có chín quốc gia tham dự với điều kiện dân số ít hơn 1 triệu người. Đội điền kinh Vatican tham dự với tư cách là “quan sát viên”. Trưởng đoàn Vatican, Đức ông Melchor Sánchez de Toca cho biết: “đây là bước đi nhỏ bé đầu tiên để tiến đến việc tham gia đầy đủ của các vận động viên Vatican trong các cuộc tranh tài thể thao nơi họ đem đến một thông điệp cụ thể về tình bằng hữu, tình huynh đệ và lòng trung thành để khơi lại những giá trị đích thực nhất của thể thao”.

    Đội điền kinh này đã và đang hoàn thiện những mối quan hệ với Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) và Châu Âu (EAF). “Đội này không được thành lập chỉ để chạy mà trên hết là để tạo ra sự đoàn kết và cầu nối văn hoá giữa các dân tộc”, Đức ông Sánchez Toca nhấn mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà Athletica Vaticana là một phần của dự án thuộc Hội Đồng Giáo hoàng về văn hoá. Mục tiêu chính “là ủng hộ các cuộc thi đấu có giá trị biểu tượng cao”.

    Ai sẽ khoác áo đấu cho Vatican ?

    Liệu sẽ có hàng loạt các vận động viên được nhập tịch Vatican như từng thấy ở nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế ? Hay các vận động viên công giáo trên khắp thế giới xin thi đấu cho màu cờ sắc áo của Giáo Hội Công Giáo ?

    Thực sự, không thiếu những tu sĩ hay giáo sĩ có khả năng tranh tài thể thao, như giám mục địa phận Oran, Algerie, Jean Paul Vesco, một người Pháp, từng chạy marathon New York với thành tích 2 giờ 50 phút. Hay nữ tu Dòng Đa Minh Marie-Theo chuyên chạy cự ly trung bình. Hay Gianluca Palazzi một nhân viên Vatican, 45 tuổi, là một vận động viên Paralympic về bắn súng, ném đĩa và ném búa.

    Nếu một ngày nào đó có đoàn vận động viên Vatican, thì chắc chắn cô bé Sara Vargetto, mắc căn bệnh thoái hoá thần kinh và Benedetta Mattei với hội chứng Down sẽ tham gia vào Paralympic. Vì hiện họ đang luyện tập chạy với cựu tiền đạo của AC Milano và tuyển quốc gia Ý, El Shaarawy.

    Không chỉ có những VĐV khuyết tật mà cả những VĐV bình thường, và không phải là người theo công giáo. Đó là trường hợp của Jallow Buba, người Gambia và Ansu Cisse, người Senegal. “Buba và Cisse, cả hai đều là người Hồi Giáo. Họ đều là vận động viên rất khỏe nhưng trước khi gia nhập Athletica Vaticana họ chưa từng chạy. Việc đưa họ vào đội không phải là một lựa chọn cho việc tranh tài, nhưng việc họ tham gia là một phần của chương trình hòa nhập thông qua thể thao mà Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi mời gọi việc chào đón ngày càng nhiều người di cư trẻ, đặc biệt thuộc các tôn giáo ngoài ki-tô giáo.” Các VĐV của Athletica Vatican đang mang trong mình tinh thần ki-tô giáo để theo đuổi tinh thần Olympic.

    Liệu có mâu thuẫn không ?

    Năm 1986, khi giải vô địch bóng đá thế giới diễn ra ở Mexico, cuốn sách Seek the Things Above – Tìm kiếm những điều ở thượng giới tập hợp những bài viết của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, lúc đó còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, về thể thao, bóng đá và thế vận hội.

    Bóng đá và thế vận hội, không có sự kiện nào khác trên trái đất có thể có tác động sâu rộng như vậy, điều đó cho thấy sự kiện thể thao này chạm đến yếu tố nguyên thủy nào đó của nhân loại và người ta tự hỏi tất cả sức mạnh này của các cuộc tranh tài (games) dựa trên điều gì. Người bi quan sẽ nói rằng nó giống như La Mã Cổ Đại. Khẩu hiệu : Panem et Circens – Bánh mỳ và Xiếc. Do đó, bánh mỳ và trò chơi giác đấu sẽ là những nội dung quan trọng của một xã hội suy đồi không có mục tiêu cao cả để phấn đấu. Ở đây, nên biết là Xiếc không theo nghĩa hiện nay mà là những trò chơi giác đấu chết người. Sức hấp dẫn của trò chơi giác đấu có tầm quan trọng tương tự như bánh mỳ là gì?

    Yêu cầu về bánh mỳ và trò chơi trên thực tế là biểu hiện của mong muốn về một cuộc sống thiên đường, một cuộc sống no đủ không lo lắng và một sự tự do thoả mãn. Bởi vì đây chính là ý nghĩa cuối cùng của trò chơi: một hành động hoàn toàn tự do, không mục đích và không ràng buộc, đồng thời thu hút và chiếm lĩnh mọi sức mạnh của con người. Theo nghĩa này, trò chơi sẽ là một kiểu cố gắng quay trở lại Thiên đường: thoát khỏi sự nghiêm ngặt nô lệ của cuộc sống hàng ngày và nhu cầu kiếm miếng cơm manh áo, để trải nghiệm sự nghiêm túc tự do của những gì không bắt buộc.

    Trò chơi giác đấu thời cổ hay bóng đá thể thao thời hiện đại buộc con người phải áp đặt kỷ luật cho bản thân để đạt được khả năng tự làm chủ thông qua rèn luyện. Hơn nữa, nó dạy người ta sự hoà hợp có kỷ luật: với tư cách là một trò chơi đồng đội, nó buộc mỗi cá nhân phải hoà nhập vào đồng đội. Sự thành công hay thất bại của mỗi cá nhân nằm trong sự thành công và thất bại của tập thể. Và nó còn dạy về một sự cạnh tranh lành mạnh, trong đó quy tắc chung mà mỗi người phải tuân theo vẫn là yếu tố ràng buộc và thống nhất với phía đối lập.

    Theo J. Ratzinger, con người không chỉ sống bằng bánh mỳ, thế giới bánh mỳ chỉ là khúc dạo đầu cho nhân loại đích thực, thế giới của tự do. Tự do được nuôi dưỡng bằng các quy tắc, bằng kỷ luật, mà nó dạy ta sự hoà hợp và cạnh tranh trung thành, độc lập trước sự thành công bên ngoài và tính độc đoán, và do đó trở nên tự do đích thực.

    Mối tương quan giữa thể thao và đời sống tâm linh

    Từ ngày 16-18/05/2024, một sự kiện được tổ chức nhằm xem xét mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và thể theo qua lăng kính tâm linh (spirituel) và nhân học (anthropologique). Đây là một Hội nghị quốc tế có chủ đề “Mettere la vita in gioco - Đặt sự sống vào tình thế nguy hiểm” được Bộ Văn Hoá và Giáo Dục Vatican kết hợp với Đại sứ Pháp bên cạnh Toà Thánh đồng tổ chức tại Viện Văn Hoá Pháp tại Roma. Hội nghị sẽ quy tụ khoảng 200 người tham dự, bao gồm đại diện của Toà Thánh, vận động viên, những nhà quản lý thể thao, nhà báo, học giả, những đại diện mục vụ từ các giáo phận của Châu Âu và các triết gia.

    “Trong bối cảnh chiến tranh đang chia cắt thế giới hiện nay, tinh thần Olympic trước hết là thông điệp hoà bình, và sự cam kết của Giáo hội, cũng như của nước Pháp, là điều cần thiết. Vai trò của Giáo hội trong việc thúc đẩy tinh thần Olympic đã được nhiều người biết đến” Florence Mangin, đại sứ Pháp bên cạnh Toà Thánh cho biết trong cuộc họp báo giới thiệu hội nghị.

    Phía Toà Thánh, Đức hồng y José Tolentino de Mendonça, Bộ trưởng Bộ Văn Hoá và Giáo Dục, cho biết: “Thoạt nhìn, một hội nghị về thể thao do Bộ Văn Hoá và Giáo Dục Vatican tổ chức có vẻ hơi khác thường. Nhưng theo Đức Phanxicô, ngài đã so sánh thể thao với sự thánh thiện, thì chúng ta nhận ra có nhiều điểm kết nối sự hiện hữu giữa thể thao và đời sống tâm linh.”

    Hội nghị sẽ xem xét các môn thể thao ngày nay để “hiểu tại sao thể thao lại được ưa chuộng”, cũng như “xác định những rủi ro của thể thao” và “đánh giá mức độ phù hợp của thể thao trong việc xây dựng một xã hội huynh đệ, bao dung và công bằng hơn”.

    “Về cơ bản, hai câu hỏi muốn trả lời tại hội nghị: Thể thao có ý nghĩa gì với Giáo Hội ? Giáo Hội phải nói gì về Thể Thao?”Hồng Y Mendonça nói, “Nếu nhìn lịch sử thể thao song song với lịch sử của Giáo Hội, đã có nhiều thời điểm trong đó thể thao là nguồn cảm hứng và là ẩn dụ cho đời sống của các ki-tô hữu, hay chính ki-tô giáo đã làm phong phú thể thao bằng tầm nhìn nhân văn của mình”.

    Hội nghị kết thúc bằng “Cuộc đua tiếp sức của tinh thần liên đới” được tổ chức tại trường đua Circo Massimo mang tính biểu tượng của Roma vào lúc 4 giờ chiều thứ bảy ngày 18/05/2024.

    Như vậy, tháng Bảy tới tại Paris, chúng ta sẽ không thấy được những vận động viên của Tòa Thánh thi đấu dưới màu cờ vàng-trắng. Nhưng tinh thần Olympic, sẽ luôn được Toà Thánh đề cao “vận động viên đích thực của Chúa”. Nghĩa là phải làm sao để thể thao trở thành nơi gặp gỡ giữa con người và tình huynh đệ giữa các dân tộc !

    RFI Tiếng Việt xin cảm ơn LM. Phạm Hoàng Dũng đã tham gia chương trình.

  • Chỉ còn hơn hai tháng nữa Thế vận hội mùa hè Paris 2024 sẽ khai mạc. Olympic hiện đại, ban đầu là sân chơi nghiệp dư, nay đã trở thành đấu trường chuyên nghiệp hóa, nơi so tài đỉnh cao của thể thao. Tất cả các quốc gia thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế đều mong muốn được góp mặt ở đấu trường Olympic. Thành tích ở đấu trường Olympic là thước đo phát triển trình độ thể thao, là hình ảnh, thể hiện tiềm năng sức mạnh của mỗi quốc gia.

    Cùng với chuyên gia Trần văn Mui, chúng ta nhìn lại thành tích thể thao của các quốc gia trong lịch sử phong trào Olympic hiện đại do bá tước người Pháp Pierre de Coubertin khởi xướng từ năm 1896.