Avsnitt

  • Jakarta chuẩn bị khép lại 10 năm thời đại « Jokowi ». Trong hai nhiệm kỳ, tổng thống Joko Widodo đã đặt Indonesia vào « trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu », và một quốc gia tiên phong về công nghệ xanh. Thách thức đối với chính quyền sắp tới là « khả năng khá giới hạn » của một cường quốc khu vực trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung theo phân tích của chuyên gia về châu Á, Hubert Testard trường Khoa Học Chính Trị Paris, và phụ trách báo mạng Asialyst.

    Ngày 14/02/2024, cử tri Indonesia bầu lại tổng thống, Quốc Hội và khoảng 20.000 dân biểu cấp địa phương. Indonesia là một trong những thành viên ban đầu của khối ASEAN, là quốc gia Đông Nam Á duy nhất tham gia G20, câu lạc bộ quy tụ 20 nền kinh tế phát triển nhất. Là quốc gia Hồi Giáo lớn nhất thế giới, lại là cửa ngõ giữa Ấn Độ và Thái Bình Dương, là gạch nối giữa châu Á và châu Đại Dương, Indonesia có rất nhiều lợi thế để tất cả các siêu cường trên thế giới phải quan tâm.

    Sau 10 năm cầm quyền, Jokowi chuẩn bị chuyển giao quyền lực vào lúc ông vẫn được ba phần tư dân chúng tín nhiệm. Trên trường quốc tế, tổng thống Joko Widodo là đối tác được nể trọng và thân thiện với cả Washington đến lẫn Matxcơva, với Bắc Kinh cũng như Canberra hay Paris, Bruxelles và nhất là với Tokyo, Seoul hay với các nước Đông Nam Á.

    Thành tích mở mang Indonesia

    Trước hết đối với kinh tế Indonesia trong hai nhiệm kỳ vừa qua, ông Joko Widodo đã mang lại những gì cho đất nước ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với Hubert Testard, chuyên gia về châu Á, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris Sciences Po, và cũng là một trong những cây bút chính của trang mạng Asialyst.

    Hubert Testard : « Kinh tế Indonesia khá ổn định, với tỷ lệ tăng trưởng trong dài hạn trung bình ở mức 5 % một năm. Indonesia cũng đã khá vững vàng trong bối cảnh lãi suất ngân hàng trên thế giới liên tục tăng lên. Tuy nhiên đại dịch Covid cũng đã tác động mạnh đến kinh tế quốc gia Đông Nam Á này - nhất là trong giai đoạn 2020 và 2021. GDP của Indonesia khi đó đã mất khoảng 0,7 %. Điều đó cũng có nghĩa là một phần dân số nước này dễ bị đẩy vào cảnh nghèo khó, thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng theo. Hiện tại lạm phát đè nặng lên đời sống của nhiều người, nhất là khi mà giá cả nhu yếu phẩm -như đường hay gạo tăng lên. Tổng thổng tương lai sẽ phải chú ý và sẽ phải giải quyết những vấn đề xã hội (...)

    Nhìn chung thành tích kinh tế của tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo khá tốt. Tất cả không phải là màu hồng nhưng trong 10 năm qua, ông đã tạo lực đẩy để phát triển cơ sở hạ tầng - mà đây là một nhược điểm lớn của Indonesia. Chính quyền Joko Widodo cũng đã tìm cách đặt Indonesia vào trung tâm chuỗi cung ứng qua việc phát triển công nghiệp khai thác quặng mỏ như mỏ beauxite, nikel… Để đạt được mục tiêu đó, Jakarta cần đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trên điểm này, Indonesia đã khá thành công và đang trở thành một mắt xích quan trọng của tiến trình chuyển đổi năng lượng tại Châu Á. Không chỉ có nguyên liệu để chế tạo bình điện mà tham vọng sắp tới đây của Indonesia là phát triển cả ngành công nghiệp ô tô điện ».

    Vẫn theo Hubert Testard, nhờ đầu tư và các doanh nghiệp Trung Quốc, xuất khẩu nikel tinh chất của Indonesia trong giai đoạn 2016 -2022 đã được « nhân lên gấp 30 lần ». Indonesia đang trở thành nhà máy sản xuất bình điện cho xe ô tô để cung cấp cho các hãng xe từ BYD của Trung Quốc đến Huyndai của Hàn Quốc.

    Dù phải đối phó với khủng hoảng Covid và lạm phát do chiến tranh Ukraina gây nên, Jakarta vẫn giữ được thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức 3 % GDP. Nợ công chỉ tương đương với 37 % tổng sản phẩm nội địa, mà gần ¾ trong số đó là nợ do chính người dân Indonesia nắm giữ. Khác với ở Trung Quốc chẳng hạn, hệ thống tài chính và ngân hàng của Indonesia được giới trong ngành đánh giá là « vững chắc ».

    Năm 2022 tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia (FDI) đạt mức cao chưa từng thấy 44 tỷ đô la để rồi đến 2023 lại đạt thành tích mới với 47 tỷ. Gần một nửa các khoản đầu tư nói trên hướng về các dự án khai thác quặng mỏ và ngành luyện kim.

    Con đường tơ lụa gắn kết Indonesia với Trung Quốc

    Tổng thống Joko Widodo được dân chúng thân mật gọi là ông Jokowi, ngoài ra, ông còn có biệt danh là « Bapak Infrastruktur » bởi trong 10 năm cầm quyền, ông đã dốc lòng xây dựng cơ sở hạ tầng và dựa vào dự án Con Đường Tơ Lụa mới của ông Tập Cận Bình. Trung Quốc đương nhiên « đánh cược » vào Indonesia để mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ -Thái Bình Dương.

    Theo thống kê của ngân hàng Indonesia Maybank, năm 2022, Trung Quốc đầu tư vào ASEAN gần 17 tỷ đô la và « 13,7 tỷ trong số đó là để rót vào Indonesia và Hồng Kông ». Vậy có thể nói Indonesia phát triển mạnh nhờ đầu tư từ dự án Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Quốc ?

    Hubert Testard : « Hai vế ấy đi đôi với nhau, vì để phát triển cơ sở hạ tầng, Indonesia cần vốn đầu tư của trong và ngoài nước khi mà ngân sách của chính phủ thì có hạn. Trung Quốc đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó. Chúng ta thấy qua dự án đường xe lửa cao tốc nối liền thủ đô Jakarta với thành phố Bandung. Công trình do Trung Quốc thực hiện và tài trợ, nhưng đây không là dự án duy nhất. Trung Quốc chiếm vị trí rất lớn tại Indonesia nhất là trên thị trường nguyên liệu. Indonesia giờ đây hầu như không còn xuất khẩu nikel thô nữa mà đó là nikel tinh chất để được sử dụng ngay trong việc sản xuất bình điện ô tô. Có dự án Con Đường Tơ Lụa mới hay không, thì tôi cho rằng Trung Quốc cũng vấn hiện diện ở Indonesia như thường. Trong khá nhiều lĩnh vực họ gần như là trong thế ‘song quyền’ cùng với Indonesia để khai thác tài nguyên ».

    An ninh biển vì lòng tham của Trung Quốc

    Như đã nói ở trên, Indonesia là cửa ngõ giữa Ấn Độ với Thái Bình Dương, là gạch nối giữa châu Á với châu Đại Dương. Quốc gia này làm chủ trên dưới 17 ngàn hòn đảo lớn nhỏ trải rộng trên hơn 5 ngàn cây số từ đông sang tây, hơn 2 ngàn cây số từ nam chí bắc. Jakarta hoàn toàn ý thức được là sự thịnh vượng tùy thuộc vào ổn định và an ninh trên biển.

    Ít ồn ào hơn Philippines hay Việt Nam nhưng Indonesia cũng là một nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, chung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông.

    Trong một nghiên cứu hồi 2023, luật gia Daniel Peterson thuộc đại học Melbourne - Úc, được báo Le Monde trích dẫn cho rằng, hợp tác chặt chẽ về kinh tế giảm thiểu tham vọng của Bắc Kinh lấn át chủ quyền của Jakarta trong vùng đặc quyền kinh tế ZEE ở Biển Đông, nhưng đồng thời đầu tư của Trung Quốc bắt rễ sâu vào các hoạt động kinh tế của Indonesia cũng là một dạng « con ngựa thành Troie » khi mà đấy là những « mảng đầu tư mang tính chiến lược lâu dài » cho phép Bắc Kinh « hiện diện dài lâu ở bên trong lãnh thổ của Indonesia, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc với khu vực » và vẫn theo chuyên gia này Indonesia đã trở thành « tâm điểm trong số những mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc » ở Ấn Độ Thái Bình Dương.

    Trong cuộc đua kế vị tổng thống Joko Widodo, đương kim bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Prabowo Subianto được coi là người có nhiều triển vọng hơn cả. Ông này từng là đối thủ của Jokowi nhưng nay lại được tổng thống sắp mãn nhiêm ủng hộ. Bằng chứng rõ rệt nhất là con trai cả của Joko Widodo, mới 36 tuổi, đứng liên danh, ra tranh chức phó tổng thống cùng với ông Prabowo Subianto.

    Chuyên gia châu Á Hubert Testard ghi nhận : Indonesia là quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất thế giới và có lập trường bênh vực người Palestine trong cuộc xung đột ở Gaza, Cận Đông. Về chiến tranh Ukraina công luận thiên về phía Nga vì tinh thần bài Mỹ. Cả hai cuộc xung đột ấy cùng ngoài tầm ảnh hưởng của Jakarta. Hơn nữa từ khi giành được độc lập năm 1945, nguyên tắc ngoại giao của là bắt tay với tất cả các bên, nên dưới đời tổng thống nào đi chăng nữa Indonesia vẫn sẽ giữ thế « trung lập ». Đấy cũng sẽ là kim chỉ nam trong chính sách đối ngoại của Indonesia trong trường hợp hai siêu cường kinh tế thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc lao vào một cuộc đối đầu

    Hubert Testard : « Trong cuộc đối đầu Mỹ- Trung Quốc, khả năng của Indonesia giảm thiểu căng thẳng ở khu vực châu Á khá hạn hẹp bởi vì hai siêu cường thế giới này có những tính toán riêng, hoàn toàn độc lập với những yếu tố bên ngoài hay là của các quốc gia tại khu vực liên quan. Song chính sách đối ngoại của Jakarta từ trước đến nay vẫn rõ ràng đó là quyết tâm bắt tay với tất cả các bên. Indonesia có mối bang giao hữu hảo với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Với Bắc Kinh thì đấy là vì lợi ích kinh tế và Jakarta tránh để làm phật lòng Trung Quốc trừ phi mà ông Tập Cận Bình cho tàu thuyền thâm nhập vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia. Thế còn đối với Mỹ, ứng viên tổng thống được cho là có nhiều triển vọng nhất hiện nay là đương kim bộ trưởng Quốc Phòng ông Prabowo Subianto, thì có khuynh hướng thân phương Tây. Chính dưới nhiệm kỳ của ông, Indonesia ngừng trang bị Sukhoi của Nga để mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp và F15 của Mỹ. Hiện tại về mặt quân sự, Indonesia giữ khoảng cách với Nga và hướng nhiều hơn tới phương Tây ».

    Tuy nhiên ngay cả trên những hồ sơ mang tính khu vực, Hubert Testard cũng cho rằng, khả năng can thiệp của Indonesia cũng không nhiều. Điều đã được chứng minh qua vấn đề của Miến Điện. Tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo cũng như là người sắp thay thế ông, đều sẽ tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng thủ -nhất là trên biển của Indonesia

    Hubert Testard : « Quân đội Indonesia cần được hiện đại hóa. Đứng đầu bộ Quốc Phòng, ông Pabowo đã bắt đầu làm việc này và theo tôi thì ở cương vị tổng thống, ông sẽ tiếp tục đi theo chiều hướng đó. Nghĩa mở rộng và tăng cường khả năng chiến đấu cho quân đội Indonesia. Jakarta sẽ tăng chi phí quốc phòng và tăng ngân sách mua trang thiết bị quân sự. Chắc chắn là ông sẽ chú trọng đến bên Hải Quân, vì Indonesia cần tăng cường khả năng răn đe cho các lực lượng trên biển, nhất là trước những tham vọng của Trung Quốc. Hiện tại quốc gia Đông Nam Á này trong thế châu chấu đá voi : Jakarta có khoảng 8 khinh hạm, trong lúc của Trung Quốc là hơn 40 chiếc, Indonesia có 4 tàu ngầm thì Hải Quân Trung Quốc có hơn 60 chiếc. Trung Quốc bị coi là mối đe dọa chính vì những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông ».

  • Ai bị thiệt thòi hơn cả từ vụ chi nhánh tập đoàn địa ốc Evergrande tại Hồng Kông bị « giải thể » ? Đây là hồi kết của mọi nỗ lực thu hút đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc hay là bước ngoặt trong chính sách kinh tế của Bắc Kinh ?

    Ngày 29/01/2024 một tòa án Hồng Kông ra phán quyết « giải thể » Evergrande. Tại Luân Đôn, tờ Financial Times báo trước, « sự sụp đổ của tập đoàn địa ốc mang nợ nhiều nhất trên thế giới sẽ mở ra một giai đoạn đầy sóng gió » cho Trung Quốc. Báo tài chính Mỹ The Wall Street Journal nói đến « dấu chấm hết sau một giai đoạn hấp hối đã kéo dài » từ một tập đoàn bị phá sản với « những tác động làm rung chuyển nền kinh tế thứ hai toàn cầu ». Nhưng đây chỉ là quân « đô mi nô đầu tiên bị đổ » hay là lớp sóng ngầm ?

    Trang mạng kinh tế Axios cũng của Mỹ xem vụ tài sản của Evergrande bị thanh lý là dấu hiệu « kinh tế Trung Quốc đang xấu đi », « thị trường bất động sản nước này lún sâu thêm vào khủng hoảng và sẽ tác động đến những lĩnh vực khác của nền kinh tế Trung Quốc ». Một nhà quan sát Trung Quốc thuộc viện nghiên cứu Mars Data nói đến một « vố đau giáng xuống Trung Quốc » vào lúc Bắc Kinh cố gắng tổ chức lại giảm bớt nạn « chi tiêu vô độ ».

    Từ biểu tượng của thành công đến biểu tượng của khủng hoảng

    Cách nay gần 30 năm, ông vua địa ốc Hứa Gia Ấn lập ra Evergrande, trụ sở tại Quảng Châu- Hoa Lục. Công ty này nhanh chóng trở thành một biểu tượng của phép lạ kinh tế Trung Quốc. Hiện diện tại hơn 170 thành phố, Evergrande tham gia sàn chứng khoán Hồng Kông, rồi trở thành một trong những nhà môi giới bất động sản lớn nhất thế giới. Sức mạnh đó cho phép Evergrande -còn được biết đến dưới cái tên Trung Quốc là tập đoàn Hằng Đại -Hengda, mạo hiểm trong nhiều lĩnh vực khác từ bảo hiểm nhà đất, đến y tế, công nghiệp xe điện …

    2021, gió đã xoay chiều. Theo báo cáo được công bố tháng 6/2023 Evergrande mang nợ 328 tỷ đô la -tương đương với gần 3 % GDP của Trung Quốc. Evergrande đã trở thành biểu tượng của khủng hoảng địa ốc vô tiền khoáng hậu mà đã hơn hai năm qua, Bắc Kinh vẫn chưa có liều thuốc trị liệu.

    "Không có chuyện Evergrande bị khai tử"

    Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Pierre Antoine Donnet, một cây bút của tờ báo mạng chuyên về châu Á Asialyst trước hết giải thích về phán quyết của tòa án Hồng Kông hôm 29/01/2024 và ông nhấn mạnh vì sao « thủ tục thanh lý tài sản của Evergrande » sẽ kéo dài cho dù chỉ liên quan đến phần tài sản thuộc sở hữu của chi nhánh ở Hồng Kông. Đồng thời Pierre Antoine Donnet hoàn toàn loại trừ khả năng vì một phán quyết của Hồng Kông mà Evergrande sẽ « bị xóa sổ ».

    Pierre Antoine Donnet : « Một tòa án Hồng Kông có thẩm quyền tuyên bố giải thể Evergrande do tập đoàn môi giới địa ốc này có chi nhánh ở Hồng Kông. Trên nguyên tắc và bình thường ra, điều đó có nghĩa là tài sản của Evergrande sẽ bị chia nhỏ ra và để bán lại cho ngân hàng, cho các nhà đầu tư hay doanh nghiệp, các quỹ tư nhân nào đó… Trong mọi trường hợp thủ tục sẽ kéo dài bởi vấn đề ở đây là một tòa án Hồng Kông căn cứ vào luật của Hồng Kông để giải thể Evergrande. Nhưng luật doanh nghiệp Hồng Kông rất khác so với của Hoa Lục. Hơn 90 % tài sản của Evergrande là ở Hoa Lục. Chỉ có các tòa án ở Hoa Lục mới có đủ thẩm quyền và có tiếng nói sau cùng về số phận Evergrande. Như đã biết, luật pháp Trung Quốc trong tay Đảng Cộng Sản nước này. Chỉ có Đảng mới có có thể quyết định có giải thể Evergrande hay không và nếu có thì khi nào.

    Lúc này Trung Quốc đang sửa soạn đón Tết âm lịch, chẳng mấy ai quyết định bất cứ điều gì về Evergrande trong lúc này. Nhưng về lâu dài, thủ tục thanh lý tài sản của chi nhánh Evergrande tại Hồng Kông kéo dài bao lâu ? Có nhiều quan điểm khác nhau. Phần lớn đều cho rằng hồ sơ này sẽ kéo dài nhiều tháng và sẽ rất phức tạp vì đừng quên rằng, Evergrande không chỉ hoạt động trong ngành bất động sản, mà còn hiện diện trong nhiều lĩnh vực khác nữa (như trong lĩnh vực cung cấp nước khoáng,sản xuất thực phẩm… bảo hiểm nhà ở … ). Trong mọi trường hợp những hệ quả kèm theo về vụ Evergrande sẽ rất lớn cả về chính trị lẫn kinh tế và xã hội.

    Tác động về mặt xã hội khi mà hàng trăm ngàn căn hộ đang xây và bị bỏ dở, khi mà hàng trăm triệu căn hộ khác đã xây xong nhưng lại hoàn toàn bị bỏ trống, khi mà chủ nhân của những căn hộ đó – phần lớn là người cao tuổi mang tiền tiết kiệm ra để đầu tư, nhưng giờ đây lại mất hết tất cả : họ không được giao nhà và cũng không thể lấy lại vốn. Đầu tư, mùa nhà là cách để người dân Trung Quốc tiết kiệm cho tuổi về hưu ».

    Từ tháng 10/2021 « 90 % trị giá chứng khoán của Evergrande đã bốc hơi ». Trong bài tham luận dành cho viện nghiên cứu Institut Montaigne (12/10/2021) chuyên gia về ngân hàng và đã có nhiều năm làm việc tại châu Á và Trung Quốc, Philippe Aguignier giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po. và Viện Văn Hoa và Ngôn Ngữ Đông Phương đã xác định rõ danh sách những « nạn nhân » từ hiện tượng vỡ bong bóng địa ốc tại mà Evergrande là một trường hợp điển hình.

    Philippe Aguignier lo ngại cho số phận của gần 70 ngàn nhân viên của đại tập đoàn này và kèm theo đó là của các đối tác cung cấp nguyên và nhiên liệu, dịch vụ cho Evergrande, bởi vì các chủ nợ của Evergrande, nếu là các ngân hàng hay các quỹ đầu tư, các hãng bảo hiểm thì đều ít nhiều được Nhà nước yểm trợ.

    "Khả năng rất thấp để được bồi hoàn"

    Câu hỏi lớn ở đây là liệu rằng hàng trăm triệu người đã đầu tư để mua nhà có hy vọng được hoàn lại vốn hay không ? Nhà họ đã mua có còn trị giá gì nữa hay không ? Pierre Antoine Donnet không mấy lạc quan :

    Pierre Antoine Donnet : « Ở Trung Quốc có những cơ quan phụ trách thu thập, xử lý đơn kiện các doanh nghiệp theo hướng gọi là để bảo vệ người đầu tư. Nhưng hệ thống hành chính, tư pháp ở đây do chính quyền kiểm soát và cầm chắc là hàng triệu người mua nhà sẽ không bao giờ được hoàn trả lại vốn. Hệ quả kèm theo là công luận Trung Quốc lại càng mất niềm tin vào guồng máy chính trị ngay trên đất nước họ, càng mất lòng tin vào chính các doanh nghiệp của Trung Quốc. Tổng nợ của Evergrande và cũng là con số mà người ta được biết là 328 tỷ đô la ».

    Bài học nào từ vụ Evergrande và khủng hoảng bất động sản Trung Quốc ? Cũng ông Donnet, nhà báo từng là thông tín viên thường trực tại Bắc Kinh của hãng thông tấn AFP phân tích :

    Pierre Antoine Donnet : « Ở Trung Quốc bên cạnh hiện tượng người ta đã rất hồ hởi đầu tư, kèm theo đó là sự tự tin quá trớn. Có nghĩa là ở đây nhiều người tin rằng, Trung Quốc với một tỷ lệ tăng trưởng hơn 10 % một năm trong thời gian rất dài thì chuyện gì cũng có thể làm được. Phép lại kinh tế đó đã khiến người ta chóng mặt và nhất là trong lĩnh vực địa ốc … cho dù đây không là một trường hợp cá biệt. Trung Quốc đã có biết bao nhiêu dự án khổng lồ : nào là xa lộ rộng thênh thang, những sân bay càng lúc càng đồ sộ. Nhưng không ít những công trình đó hiện nay vô dụng. Thậm chí do quá cồng kềnh, chúng đã bị phá hủy … Trong những điều kiện đó, hình ảnh của Trung Quốc trong mắt công luận quốc tế đã xấu đi và giới đầu tư ngoại quốc bắt đầu hoài nghi về thực chất của sức mạnh kinh tế Trung Quốc. Số này đang tính đến những nước cờ tiếp theo. Họ tự hỏi Trung Quốc có còn là điểm an toàn xứng đáng để bỏ vốn vào đây kinh doanh nữa hay không. Chỉ riêng năm 2023 hàng ngàn nhà đầu tư nước ngoài đã rời khỏi Hoa Lục. Tại châu Á, thì Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam và Singapore là những bãi đáp ».

    Nhà đất, Bắc Kinh đi từ thái cực này đến thái cực khác

    Về những nguyên nhân đã thổi lên quả bóng địa ốc tại Trung Quốc, chuyên gia về tài chính Philippe Aguignier nhắc lại : Bắc Kinh chủ tương khuyến khích đầu tư và tiết kiệm hơn là tiêu thụ. Đồng thời đối với tất cả người dân tại đây, mua nhà là cách duy nhất để dành tiền và kiếm lãi.

    Vấn đề đặt ra là giờ đây Trung Quốc đứng trước một nghịch lý : nhu cầu cung cấp nhà ở cho hơn 1,5 tỷ dân vẫn tồn tại. Thanh niên không có phương tiện mua nhà, ra ở riêng mà vẫn phải sống chung với bố mẹ. Bên cạnh đó là hàng « triệu căn hộ đang bị bỏ trống ». Từ 15 năm nay các chuyên gia Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền điều chỉnh lại hiện tượng bất cân đối đó. Do vậy, theo giới quan sát quyết định của ông Tập Cận Bình làm hạ nhiệt thị trường bất động sản tại Trung Quốc là cần thiết. Có điều, luật cung cầu và thể thức vận hành của một nền kinh tế không phải lúc nào « chiều theo ý muốn của lãnh đạo ».

    Nhà Trung Quốc học, François Godement viện Institut Montaigne cho rằng trong trường hợp cụ thể của tập đoàn Evergrande, khi điều chỉnh lại thị trường nhà đất, Bắc Kinh đã « cân nhắc kỹ » những tác động về kinh tế và xã hội trước khi quyết định « để cho quả bóng địa ốc xì hơi ».

    Thị trường nhà đất Trung Quốc « mất hết tự do »

    Theo chuyên gia nước Pháp này trên thị trường bất động sản, Bắc Kinh đã chuyển từ « một thái cực này sang một thái cực khác » : Cho đến rất gần đây, Trung Quốc hầu như không đánh thuế nhà đất, nhưng rồi trong một sớm một chiều Nhà nước đã ban hành một loạt chỉ thị như là ấn định giá trần khi cho thuê nhà tại một số các thành phố lớn …

    Những quyết định sắp tới có thể là « mầm mống báo trước chính sách kinh tế của Bắc Kinh trong tương lai

    François Godement cho rằng sẽ khá thú vị chờ xem quyết định của Bắc Kinh về số phận Evergrande và nhất là sẽ bồi thường cho các nạn nhân của tập đoàn này như thế nào : chính phủ sẽ chú trọng hơn đến các nhà đầu tư nội địa, đến các đối tác tài chính ở hải ngoại hay đến những nhà đầu tư cò con ? Những quyết định sắp tới có thể là « mầm mống báo trước chính sách kinh tế của Bắc Kinh trong tương lai, theo hướng Trung Quốc giảm mức độ lệ thuộc vào lĩnh vực tài chính (…) hay vào một số lĩnh công nghệ thuật nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài chiếm một vị trí quan trọng, để chú trọng hơn vào những vấn đề cơ bản thiết thực với xã hội ».

    Hiệu quả của chính sách đó đến đâu, đấy lại là chuyện khác. Trước mắt cố vấn về Trung Quốc của viện nghiên cứu Institut Montaigne, Paris, nhà Trung Quốc học François Godement, thận trọng vì ông không chắc xoay trục chính sách kinh tế theo hướng đó sẽ cho phép « về lâu dài, bảo đảm tăng trưởng cho quốc gia này ».

  • Saknas det avsnitt?

    Klicka här för att uppdatera flödet manuellt.

  • « Bắt cá hai tay ». Trung Quốc đang tính toán những gì ở Miến Điện ? Đối thoại với tập đoàn quân sự và liên minh vũ trang chống quân đội là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh với quốc gia Đông Nam Á này « có hạn », hay Trung Quốc đang lo rằng xung đột vũ trang tại Miến Điện « vuột tầm kiểm soát » như Emmanuel Véron chuyên gia về Trung Quốc đương đại, viện INALCO Paris, ghi nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho RFI tiếng Việt ?

    « Chiến dịch 1027 » liên minh vũ trang giữa ba sắc tộc thiểu số Miến Điện khởi động từ hôm 27/10/2023 đang làm đảo lộn những kế hoạch của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Bắc Kinh vẫn là điểm tựa chính trị và quân sự của giới tướng lĩnh cầm quyền nhưng lại « tiếp tay » với phe nổi dậy chống lại Naypyidaw để cứu vãn quyền lợi kinh tế, dập tắt nguy cơ bất ổn tại đường biên giới phía nam, bảo đảm an toàn và kế sinh nhai cho hàng trăm ngàn công dân Trung Quốc tại các cửa khẩu.

    Ngày 01/02/2024 đánh dấu tròn ba năm tập đoàn quân sự Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự trong tay Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Ba năm sau cuộc đảo chính, giới tướng lĩnh ở thủ đô Naypyidaw chỉ còn kiểm soát từ « 40 đến 60 % lãnh thổ » như giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp Eric Mottet ghi nhận.

    Từ cuối tháng 10/2023, quân đội Miến Điện, với điểm tựa chính là Trung Quốc, đã bị liên minh vũ trang Three Brotherhood Alliance - TBA thách thức, mở nhiều mặt trận tấn công. Tập đoàn quân sự nhìn nhận « thất bại quân sự tại nhiều khu vực ở bang Shan » biên giới đông bắc, sát với Trung Quốc.

    Hiệu quả của vai trò trung gian hòa giải

    Về phía Bắc Kinh, do có đường biên giới chung hơn 2.000 km với Miến Điện, Trung Quốc đã ít nhất hai lần thông báo thuyết phục được Naypyidaw và các phe nổi dậy vũ trang ngừng giao tranh. Gần đây nhất là hôm 12/01/2024 sau ba vòng đàm phán tại Côn Minh tỉnh Vân Nam. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, MNDAA Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện, một trong ba bên chủ chốt trong TBA xác nhận thỏa thuận Côn Minh « tan vỡ » khi quân đội dùng « vũ khí hạng nặng » tấn công một ngôi làng ở bang Shan.

    Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia Ta’ang TNLA chỉ trích Bắc Kinh chỉ « lo bảo vệ lợi ích của Trung Quốc » trong khu vực và thỏa thuận ngừng bắn là thủ thuật « câu giờ có lợi cho bên quân đội chính quy đang thất thế ».

    Một nguồn tin khác trích dẫn thông cáo của TBA nhắc lại mục tiêu của liên minh vũ trang này là giành lại quyền lực từ tay giới tướng lĩnh.

    Trung tuần tháng 12/2023, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cũng đã rất tự hào khoe thành tích « nỗ lực hòa giải » của Bắc Kinh. Các vòng đàm phán sau đó ở Côn Minh đã phủ nhận thành công của Trung Quốc.

    Quyền lợi kinh tế và mối lo bất ổn ở biên giới

    Theo tất cả các nhà quan sát, những hoạt động ngoại giao dồn dập đó của Trung Quốc là nhằm « bảo vệ » ổn định tại một vùng ngay sát cạnh, bảo đảm an ninh cho hàng trăm ngàn công dân Trung Quốc tại các cửa khẩu và nhất là bảo vệ những lợi ích kinh tế, thương mại của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Do xung đột vũ trang tại Miến Điện từ cuối tháng 10/2023, thiệt hại về kinh tế và thương mại song phương đã « lên tới 10 triệu đô la ».

    Tháng 02/2021, khi tập đoàn quân sự Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự, từ Nhật Bản đến Úc hay Âu Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt Naypyidaw. Miến Điện cũng đã bị các đối tác trong ASEAN xa lánh. Riêng Bắc Kinh đã đầu tư thêm 113 triệu đô la vào Miến Điện trong cùng năm. Trung Quốc là nguồn bảo đảm đến 25 % tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Miến Điện.

    Nhân danh nguyên tắc « không can thiệp vào công việc nội bộ » của bất kỳ một quốc gia nào, Trung Quốc kiên nhẫn duy trì quan hệ với nước láng giềng sát cạnh và « tiếp tục thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa mới », đặc biệt là dự án đầu tư vào cảng nước sâu Kyaukphy, cửa ngõ hướng ra Ấn Độ Dương.

    Nhưng trên thực tế bất ổn kéo dài tại Miến Điện càng lúc càng khiến Bắc Kinh bực mình, nhất là khi họ nhận thấy « tập đoàn quân sự Miến Điện không là những đối tác đáng tin cậy cho Trung Quốc thực hiện những mục tiêu chiến lược mà họ đã đề ra », như Jason Tower, một chuyên gia Mỹ về Miến Điện tại Bangkok ghi nhận.

    Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Emmanuel Veron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông - INALCO Paris nhấn mạnh đến « mật độ » trong bang giao giữa Bắc Kinh với Miến Điện từ rất lâu nay không chỉ về khía cạnh kinh tế hay thương mại mà thôi :

    Emmanuel Véron : « Quan hệ giữa Trung Quốc với Miến Điện đặc biệt quan trọng và chặt chẽ đến nỗi đôi khi giới quan sát cho rằng Miến Điện là một nước thuộc quỹ đạo của Bắc Kinh, là một chư hầu của Trung Quốc. Trung Quốc luôn chú trọng đến mối quan hệ rất cô đọng này, trước đây là với tập đoàn quân sự và hiện nay, do những bất ổn nội bộ tại quốc gia Đông Nam Á này, Bắc Kinh có khuynh hướng kết nối luôn cả với lại các lực lượng vũ trang kình địch với giới tướng lãnh cầm quyền. (...) Từng bước Trung Quốc thiên về các lực lượng chính trị và quân sự đang nổi lên tại Miến Điện. Thay đổi này xuất phát từ nhiều yếu tố mà trước hết là những chuyển biến trong nội bộ Miến Điện. Đừng quên rằng đây là một quốc gia đang trong trạng thái rất sôi động cả về chính trị lẫn về phương diện quân sự.

    Kế tới là những chuyển động từ bên ngoài. Tôi xin giải thích : Bản thân Trung Quốc cũng đang trải qua một số những biến động và một số hồ sơ đang vượt khỏi tầm tay. Bắc Kinh đang mất dần một số những điểm tựa. Đừng quên rằng, Miến Điện chịu ảnh hưởng cả của Trung Quốc lẫn Ấn Độ và do vậy, đây là sân chơi để hai nước lớn này của châu Á gián tiếp đọ sức với nhau. Cũng phải nói rằng, liên quan đến những bất ổn hiện nay ở Miến Điện, cũng đã có một sự can thiệp kín đáo của New Delhi. Đối với Trung Quốc đây là một vấn đề quá nhạy cảm để có thể bỏ rơi Miến Điện và điều đó giải thích cho thái độ "bắt cá hai tay" của Bắc Kinh, quay sang ủng hộ những thế lực quân sự đang nổi lên ».

    Cảng nước sâu Miến Điện, lộ trình thay thế cho eo biển Malacca

    Trong dự án Một Vành Đai Một Con Đường được ông Tập Cận Bình khởi xướng từ 2013 Miến Điện là một « mắt xích » quan trọng và hơn thế nữa bang Shan ở khu vực đông bắc Miến Điện, sát biên giới với Trung Quốc là « nút thắt » chính, là điểm khởi đầu trong tham vọng mở một hành lang kinh tế CMEC đi thẳng ra cảng nước sâu Kyaukphy.

    Kyaukphy – Mandalay – Muse bang Shan sẽ là trục chính để đưa dầu, khí đốt Trung Quốc nhập của Nga hay Trung Đông vào tận Côn Minh, tỉnh Vân Nam và là một « lộ trình thay thế » cho con đường giao thương hàng hải phải đi qua eo biển Malacca.

    Có điều từ khi liên minh ba sắc tộc thiểu số vũ trang Miến Điện TBA khởi động Chiến dịch 1027, giao tranh bùng lên ở nhiều nơi, thất thu về thương mại ở khu vực giám ranh biên giới Miến Điện -Trung Quốc đã lên tới cả chục triêu đô la. Thêm vào đó dự án xây dựng đường ống dẫn dầu đi từ cảng Kyaukphy đến bang Shan đã « nhiều lần là mục tiêu tấn công » của các phe nổi dậy.

    Bang Shan là cửa ngõ « 40 % xuất nhập khẩu song phương » phải đi qua. Theo các nhà quan sát, đó chính là lý do vì sao cuối tháng 11/2023 Trung Quốc đã mở một cuộc tập trận quy mô gần biên giới Miến Điện. Theo quan điểm của giáo sư Véron, tất cả các động thái cả về ngoại giao, quân sự của Trung Quốc trong vùng đều cho thấy Bắc Kinh đang lo hồ sơ Miến Điện vượt ngoài tầm kiểm soát.

    Emmanuel Véron : « Miến Điện ngay sát cạnh Trung Quốc, hai nước có đường biên giới chung. Vì lý do an ninh, Bắc Kinh cần bảo đảm khu vực ở biên giới phía nam này phải được ổn định. Ngoài ra từ rất lâu nay Trung Quốc đã mở rộng giao thương với quốc gia Đông Nam Á này, xem Miến Điện là một mắt xích quan trọng trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, như các hệ thống đường ống dẫn dầu …

    Trung Quốc đã bắt rễ sâu vào Miến Điện từ lâu nay với nhiều dự án lớn. Thành thử Bắc Kinh không thể để mất những khoản đầu tư đó. Tôi cho rằng qua việc đối thoại với các nhóm vũ trang Miến Điện, Trung Quốc đang lo mất ảnh hưởng tại quốc gia Đông Nam Á này và đây cũng chính là dấu hiệu Trung Quốc đang gặp khó khăn trước thực tế tại Miến Điện hiện nay ».

    Vậy câu hỏi đặt ra là Trung Quốc có những lá chủ bài nào để thuyết phục cả bên quân đội Miến Điện lẫn phe nổi dậy vãn hồi hòa bình và trật tự trong vùng biên giới ?

    Emmanuel Véron : « Nhìn lại giai đoạn trong thời gian gần đây, một trong những lá chủ bài của Trung Quốc để nói chuyện với Miến Điện luôn là tiền. Đó có thể là tiền để mua chuộc các quan chức, tiền chi ra cho các băng đảng mafia, cho các tổ chức tội phạm hoạt động ở vùng biên giới để khoanh vùng các hoạt động phi pháp trên lãnh thổ Miến Điện, tránh để chúng tràn quan biên giới Trung Quốc. Nói cách khác Trung Quốc dùng tiền đổi lấy an ninh. Nhưng tôi xin nhắc lại là chủ trương được áp dụng từ trước đến nay dường như đang sụp đổ cho nên Bắc Kinh chọn giải pháp đối thoại với các bên bởi vì tình hình ở khu vực biên giới với Miến Điện có khả năng vuột khỏi tầm kiềm soát ».

    Chuyên gia về Trung Quốc đương đại của Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương Emmanuel Véron lưu ý chính sách ngoại giao của Bắc Kinh rất uyển chuyển và thực tiễn. Quan điểm của Trung Quốc « sẽ còn theo đổi tùy theo chuyển biến về tương quan lực lượng » giữa bên quân đội với các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang Miến Điện.

    Một số các nhà quan sát khác nhắc lại « tính thực dụng và mập mờ » trong quan hệ giữa Bắc Kinh với các nhóm nổi dậy ở Miến Điện. Hơn nữa kịch bản mà ông Tập Cận Bình tuyệt đối không muốn xảy ra là phương Tây can thiệp hay nhòm ngó vào Miến Điện.

    Một người thuộc phe chống đối tập đoàn quân sự Naypyidaw được báo Pháp Le Figaro trích dẫn thậm chí cho rằng « giờ đây Trung Quốc ủng hộ chúng tôi còn hơn cả phương Tây ». Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Bắc Kinh bắt đầu « bỏ rơi » giới tướng lĩnh cầm quyền.

    Những lá chủ bài của phe nổi dậy

    Song các thiểu số sắc tộc Miến Điện và nhất là liên minh TBA cũng có không ít là bài trong tay để mặc cả với Bắc Kinh. Trong một bài báo gần đây, thông tín viên báo Le Monde tại Đông Nam Á, Brice Pedroletti nhắc lại lực lượng MNDAA - Liên Minh Dân Chủ Quốc Gia Miến Điện, một trong ba liên minh Huynh Đệ vũ trang, trong quá khứ và hiện tại vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn của Trung Quốc, qua những liên hệ chặt chẽ với các cộng đồng gốc Hoa sinh sống tại Miến Điện từ nhiều thế kỷ qua.

    Một số tài liệu khác cho thấy điểm mạnh của các nhóm nổi dậy Miến Điện là quan hệ cả với bên quân đội Trung Quốc lẫn các băng đảng tội phạm gốc người Hoa. Cùng lúc thì Bắc Kinh ý thức được rằng biên giới Miến-Trung là một vùng rừng núi hiểm trở, là đất dụng võ của các băng đảng tội phạm, là nơi mà các đường dây ma túy, buôn người, các tổ chức lừa đảo trên mạng không bị luật lệ của Bắc Kinh hay Naypyidaw trói buộc.

  • Chuyện gì xảy ra nếu như các « cửa biển » lần lượt bị khép lại ? Kênh đào Panama đã bị tê liệt vì thiếu nước. Bất ổn địa chính trị ở Cận Đông, lực lượng Houthi của Yemen đang đe dọa Hồng Hải, cửa ngõ của 40 % giao thương giữa hai châu lục Á –Âu. Những giới hạn về kỹ thuật và tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là những mối nguy hiểm tiềm tàng ở khu vực eo biển Malacca và eo biển Đài Loan.

    « An ninh », « an ninh hàng hải » và « tự do lưu thông trên biển » mang tính thời sự hơn bao giờ hết. Trong một thế giới « toàn cầu » mà 90 % thương mại quốc tế tùy thuộc vào vận tải đường biển, hiển nhiên là tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ, tuần trước, các nguyên thủ quốc gia, các lãnh đạo những tập đoàn lớn trên thế giới đều bận tâm vì tình hình ở Hồng Hải.

    Kịch bản dây chuyền sản xuất lại đứt gẫy

    Lãnh đạo ngân hàng Anh Barclays tại diễn đàn kinh tế Davos bi quan cho rằng sau khủng hoảng dịch Covid-19 và chính sách phong tỏa nghiêm ngặt của Bắc Kinh, nhiều người đã tưởng rằng chuỗi cung ứng toàn cầu giờ đây sẽ hoạt động « bình thường trở lại ». Thời sự ở Hồng Hải như chưa cho phép chứng minh điều đó.

    Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đang kỳ vọng giao thương toàn cầu phục hồi trong năm 2024, nhưng WTO đã đột ngột giảm dự phóng vì « căng thẳng về địa chính trị nghiêm trọng hơn, những rối loạn ở Hồng Hải ảnh hưởng đến kênh đào Suez và những xáo trộn ở kênh đào Panama vì biến đổi khí hậu ».

    Kinh tế gia Karen Harris, thuộc cơ quan tư vấn Bain&Co, trụ sở tại Boston Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn, khẳng định rõ trách nhiệm của lực lượng nổi dậy Yemen : Tấn công vào các tàu chở hàng, Houthi đang « làm thay đổi cục diện thương mại quốc tế và làm tăng thêm phí tổn vận tải đường biển ».

    Tổng giám đốc Maersk, một trong 5 tập đoàn vận tải đường biển hàng đầu của thế giới, nhìn nhận « chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn ít nhất là trong nhiều tháng ». Một số nhà máy của hai hãng xe Tesla và Volvo tại châu Âu đã phải cho nhân viên tạm nghỉ việc vì thiếu phụ tùng. Qatar cảnh báo các dịch vụ cung cấp khí hóa lỏng « sẽ bị vạ lây ».

    Trả lời đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về quan hệ quốc tế Emmanuel Véron, giảng dậy tại Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO và Trường Hải Quân trước hết nhấn mạnh đến vị trí địa chiến lược của Hồng Hải trên bàn cờ thương mại quốc tế :

    « Đây là một trong những nhánh chính của giao thông hàng hải quốc tế, nối liền Á-Âu, nghĩa là có đến hàng ngàn, hàng chục ngàn tàu chở hàng, tàu chở dầu phải đi qua Hồng Hải, qua kênh đào Suez trong các hoạt động giao thương giữa châu Á với châu Âu và Trung Đông. Hồng Hải là cửa ngõ nối liền Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải thông qua con kênh đào Suez trên lãnh thổ Ai Cập, mang tính thiết yếu đối với thị trường năng lượng, và nguyên liệu. Đây cũng là một trong những tuyến huyết mạch trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay và là một trục chiến lược trên bàn cờ thương mại quốc tế ».

    Tuyến đường huyết mạch

    Vì bất ổn ở Hồng Hải, tập đoàn dầu khí BP hôm 18/12/2023 « ngừng » các chuyến tàu đi qua khu vực « nóng » này. Bốn trong số 5 tập đoàn vận chuyển đường biển lớn nhất thế giới cũng đưa ra quyết định tương tự.

    Theo các giới chức trong ngành, trong vài tuần lễ số tàu thuyền đi qua kênh đào Suez của Ai Cập giảm 42 %, trong lúc các chuyến tàu chở hàng từ Âu sang Á mất thêm « từ 8 đến 15 ngày ». Giáo sư Véron phân tích tiếp :

    « Phải đánh đường vòng đi qua châu Phi, qua Mũi Hảo Vọng, mỏm cực nam của Nam Phi để đưa hàng hóa từ châu Á sang châu Âu gây tổn thất cho các công ty vận chuyển. Trước mắt chưa thể thẩm định chính xác về các khoản thất thu đó, bởi vì bất ổn trong khu vực sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, theo các số liệu đáng tin cậy, trong giai đoạn cuối 2023 và trong những tuần lễ đầu năm nay, thiệt hại đã lên tới hàng ngàn tỷ đô la và còn hơn thế nữa ».

    Chính trong bối cảnh đó lại dấy lên lo ngại chuỗi cung ứng và sản xuất bị gián đoạn. Giáo sư Véron :

    « Một mặt chúng ta sẽ bị thiếu hay sẽ khó tiếp cận một số mặt hàng, thí dụ như là phụ tùng xe hơi như trong thời kỳ thế giới bị phong tỏa để chống dịch Covid-19. Một số chuỗi cung ứng sẽ bị chựng lại hoặc bị gián đoạn. Mặt khác, sẽ phải mất nhiều ngày hơn để hàng được chuyển đến các nhà máy. Các chi phí vận chuyển sẽ tốn kém hơn … Ba tác động nói trên cộng lại ảnh hưởng đến hoạt động tại các cơ sở sản xuất ở châu Âu và hệ quả kèm theo là trong những tuần và những tháng tới, châu Âu có chiều hướng bị lạm phát ».

    Trung Quốc trong thế « trên đe dưới búa »

    Phát biểu tại diễn đàn kinh tế Davos, thủ tướng Lý Cường khoe thành tích tăng trưởng vượt ngưỡng 5 % trong năm 2023, nhưng không hẳn ông thực sự an tâm khi biết rằng nếu giao tranh ở Hồng Hải kéo dài, Trung Quốc là một trong những nạn nhân đầu tiên phải trả giá đắt.

    Bắc Kinh lo rằng xăng dầu của Trung Đông chậm được chuyển đến các nhà máy ở Hoa Lục. Trong chiều ngược lại, xung đột tại một khu vực là cửa ngõ nối liền Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải khiến hàng sản xuất của Trung Quốc khó tiếp cận các thị trường từ Trung Đông đến châu Phi và nhất là châu Âu.

    Sau hơn ba năm đóng cửa chống dịch, khủng hoảng ở khu vực Hồng Hải lần này là « giọt nước làm tràn ly » hay đúng hơn là làm tràn các nhà kho của Trung Quốc và đẩy các công ty xuất khẩu vào thế « tuyệt vọng ». Trong mắt ông Marco Castelli, sáng lập viên IC Trade chuyên xuất khẩu phụ tùng sản xuất từ các nhà máy ở Hoa Lục sang châu Âu, đây là một cú phạt kép. Trả lời thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh lãnh đạo IC Trade cho biết :

    « Tác động đầu tiên là thời hạn chuyển hàng bị kéo dài, mất thêm từ 20 đến 25 ngày so với bình thường. Đây là một vấn đề về mặt tài chính và liên quan luôn cả đến việc quản lý các kho hàng cả từ phía các khách hàng lẫn các nhà cung cấp của chúng tôi. Hệ quả thứ nhì là giá cả vận chuyển bị đẩy lên cao ».

    Trung Quốc sợ mất khách

    Một thí dụ cụ thể là trong vài tuần, chi phí chở hàng từ Trung Quốc sang Pháp đã tăng gấp ba và thậm chí là gấp bốn, chỉ vì phải tránh né Hồng Hải và không thể đi qua kênh đào Suez. Một mối nguy hiểm khác là các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang bị mất khách như một chủ doanh nghiệp ở Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang so sánh :

    « Tình hình khả quan hơn so với thời kỳ chúng tôi phải đối mặt với virus gây đại dịch Covid. Buôn bán thì có lúc trồi lúc sụt và chúng tôi cố gắng giải thích với các khách hàng ở châu Âu và châu Phi điều đó. Hy vọng là tình trạng này không kéo dài. Hiện thời khâu vận chuyển quá đắt. Trước đây một contener gửi sang pháp là 2.000 euro, bây giờ là 6.000 euro. Một số khách hàng của chúng tôi vẫn còn hàng trong kho nên họ cố gắng đợi sau dịp nghỉ Tết nguyên đán mới đặt mua thêm hàng. Người ta hy vọng tình hình lắng xuống, giá cả phải chăng hơn một chút. Một khách hàng của chúng tôi ở Maroc nói là họ vẫn còn hàng và sẽ đợi sau Tết mới đặt mua thêm. Tuy nhiên, những ai đang cần thì bắt buộc phải chịu những phí tổn nặng hơn. Họ cần hàng để bán. Cuối cùng thì người tiêu dùng sẽ phải trả giá đắt hơn ».

    Hai đầu máy tăng trưởng cùng bị hỏng ?

    Điểm khiến chính quyền Bắc Kinh lo ngại hơn cả là vào lúc kinh tế nội địa đang chựng lại, người dân « biếng nhác tiêu xài » và Trung Quốc vẫn phải trông cậy vào xuất khẩu, bất ổn ở Hồng Hải đẩy cơ xưởng sản xuất của thế giới này vào cảnh « trên de dưới búa ». Tiêu thụ nội địa và xuất khẩu mà cùng chựng lại thì hệ quả kèm theo là thất nghiệp gia tăng vào lúc mà, như hãng tin Anh Reuters ghi nhận, đối với một số nhà máy Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang Châu Âu và châu Phi chiếm đến 40 % doanh thu.

    Khả năng can thiệp của Iran ?

    Chính vì yếu tố an ninh và căng thẳng địa chính trị đe dọa đến ổn định và thịnh vượng chung toàn cầu hơn bao giờ hết, cho nên câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có thể khai thác ảnh hưởng của mình với đối tác Iran để thuyết phục Teheran, điểm tựa quân sự cho lực lượng Hồi Giáo theo hệ phái Shia ở Yemen, ngừng khuấy động tình hình ở Hồng Hải hay không. Chuyên gia về Trung Đông David Rigoulet - Roze, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRIS, thận trọng cho rằng, ngay cả tiếng nói của Iran với phiến quân Houthi cũng chỉ có hạn :

    « Chúng ta có thể nghĩ rằng Trung Quốc sẽ yêu cầu Iran can thiệp kềm hãm lực lượng Houthi trong các hoạt động ở Hồng Hải, bởi phe Hồi Giáo Yemen này là công cụ của Teheran. Sự thực không hoàn toàn là như vậy. Phe Houthi có một số lợi ích về địa chính trị phù hợp với của Iran, tham gia ‘trục kháng chiến’ chống lại Nhà Nước Do Thái, nhưng không nhất thiết là hoàn toàn do Teheran điều khiển. Quân Houthi có những tính toán riêng của họ. Thí dụ như đại diện của phe nổi dậy Yemen này tuyên bố bảo vệ tàu thuyền của Nga và Trung Quốc, nhưng giao thương hàng hải và chuỗi cung ứng toàn cầu đâu chỉ thu hẹp trên những chuyến tàu chở hàng của Nga hay Trung Quốc. Bắc Kinh hoàn toàn ý thức được điều đó và không muốn hàng hóa của Trung Quốc gặp trở ngại trên đường vận chuyển sang châu Âu. Châu lục này là một trong những thị trường chủ chốt của Trung Quốc. Thành thử vấn đề ở đây liên quan đến toàn cầu và xung đột ở Hồng Hải có chiều hướng trở thành một cuộc xung đột ‘toàn cầu hóa’».

    Kênh đào Panama và Biển Đông

    Ngoài vấn đề an ninh ở Hồng Hải gây nhiều thiệt hại cho các công ty vận chuyển, làm rối loạn phía phía « cung » lẫn phía « cầu », mãi tận châu Mỹ, từ 2023 hạn hán làm kiệt quệ kênh đào Panama cũng là một mối lo âu lớn. Song như ông Paul Tourret, Viện Cao Đẳng Kinh tế Biển ISEM của Pháp, lưu ý : Kênh Panama bị cạn nước ảnh hưởng nhiều đến các nền kinh tế trong khu vực như Peru, Ecuador hay Chilê. Con kênh nối liền Ấn Độ Dương với biển Caribê này là nơi mà 2 hay 3 % mậu dịch quốc tế phải đi qua.

    Châu Á mới là điểm nóng tiềm tàng. Chính xác hơn là ở hai eo biển Malacca và Đài Loan. Malacca là ngã tư giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, biển Andaman và Biển Đông. Đây là nơi mỗi năm có chừng 90.000 tàu thuyền qua lại trong hai chiều. Ông Tourret nhấn mạnh : « Những tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và xa hơn một chút là căng thẳng tại eo biển Đài Loan là những mối đe dọa tiềm tàng ».

    Về eo biển Malacca nhà nghiên cứu Paul Tourret, Viện ISEMAR của Pháp, chú ý nhiều đến những yếu tố « kỹ thuật ». Ông giải thích « có những khúc tuyến đường hàng hải trải dài 900 km này chỉ rộng chừng từ 3 đến 5 cây số, với độ sâu chỉ chừng 25 mét. Ở đây tàu bè san sát, mỗi một tàu chở hàng chỉ cách nhau có chừng 500 thước (…) Nếu giao thương hàng hải trong vùng biển này tăng thêm và vượt ngưỡng 100.000 tàu/năm thì e rằng tai nạn thể nào cũng sẽ xảy ra ».

    Liên quan đến eo biển Đài Loan, giới trong ngành biết rằng hai siêu cường kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc cùng thận trọng không dám chận cửa biển này. Song cũng không một ai dám cam đoan rằng vùng biển này sẽ luôn được bình yên.

  • Báo chí nói nhiều đến sự phụ thuộc của các doanh nghiệp Trung Quốc vào công nghệ bán dẫn Đài Loan, mạch sống của kinh tế thế giới thế kỷ 21, mà ít nhắc tới một sự lệ thuộc « còn lớn hơn nữa » về thương mại, đầu tư của hòn đảo này vào Hoa Lục. Evelyne Banh, cơ quan tư vấn BSI Economics, phân tích về một mối liên hệ « bất tương xứng » giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

    Đã biết chắc ai sẽ thay thế tổng thống Thái Anh Văn lãnh đạo Đài Loan, nhưng tranh luận vẫn chưa dứt về tương lai khu vực dưới chính quyền Lại Thanh Đức. Câu hỏi vẫn là : Đảng Dân Tiến trong nhiệm kỳ bốn năm sắp tới liệu có đẩy hòn đảo nhỏ này đến gần chiến tranh hơn hay không ?

    Một trong những yếu tố cho phép tạm gác sang một bên kịch bản chiến tranh là do Đài Loan và Trung Quốc đã gắn kết quá chặt chẽ với nhau về kinh tế, thương mại và đầu tư.

    Theo các số liệu của bộ Thương Mại Đài Loan, đối tác thương mại quan trọng nhất của hòn đảo này là Hoa Lục và Hồng Kông. Năm 2023, xuất khẩu sang hai khu vực này chiếm hơn 35 % trong cán cân thương mại Đài Loan, tương đương với hơn 152 tỷ đô la. Hồng Kông và Trung Quốc cộng lại « nặng gấp đôi so với Hoa Kỳ » (76 tỷ đô la).

    Trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt, bà Evelyne Banh thuộc cơ quan tư vấn BSI Economics, trụ sở tại Paris, nhấn mạnh đến sự bất cân đối trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa một ông khổng lồ thế giới và một hòn đảo tí hon nhưng lại đang nắm giữ nhiều chìa khóa quyết định :

    Evelyne Banh : « Xuất khẩu của Trung Quốc sang Đài Loan hiện tại tương đương với khoảng 2 % tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Trong chiều ngược lại thì gần 20 % xuất khẩu của Đài Loan hướng về Hoa Lục. Như vậy có nghĩa là hơn 16 % GDP của Đài Loan tùy thuộc vào giao thương với Trung Quốc. Đó là một sự bất cân đối rất lớn đã nhiều lần bị Bắc Kinh khai thác để gây sức ép với Đài Loan. Chẳng hạn như trước ngày cựu chủ tịch Hạ Viện Mỹ bà Nancy Pelosi viếng thăm Đài Bắc hồi tháng 8/2022, hơn 2000 mặt hàng của Đài Loan đã bị trừng phạt. Hay là từ 2016, khi Đảng Dân Tiến lên cầm quyền, số du khách từ Hoa Lục đến Đài Loan cũng đã giảm mạnh. Hiện tại du khách Trung Quốc chỉ còn chiếm khoảng 3 % thay vì 15 % lượng du khách ngoại quốc vào Đài Loan như 8 năm trước đây.

    Về đầu tư, Đài Loan tiếp tục đầu tư vào Hoa Lục, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã liên tục thắt chặt thêm các biện pháp kiểm soát các doanh nghiệp ngoại quốc và ban hành những quy định chặt chẽ hơn về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trung Quốc vẫn là nơi thu hút hơn 50 % tổng đầu tư ở hải ngoại của Đài Loan. Trái lại, Đài Loan đón nhận chưa đầy 1 % FDI của các tập đoàn Trung Quốc. Đành rằng có dấu hiệu ‘bão hòa’ trên thị trường ở Hoa Lục và các doanh nhân Đài Loan vẫn gặp khó khăn trong kế hoạch chuyển hướng sang Đông Nam Á. Thí dụ như năm 2022 Singapore chỉ thu hút 5 % FDI của Đài Loan, Việt Nam là 3 %. Do vậy thách thức đối với chính quyền ở Đài Bắc là phải tăng tốc tiến trình đa dạng hóa các hoạt động kinh tế của hòn đảo ».

    Thoát bóng Bắc Kinh, nhiệm vụ khó hoàn thành

    Căng thẳng địa chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan, mối quan hệ mật thiết hơn giữa Đài Bắc và Washington cả về quân sự lẫn kinh tế khiến thương mại và đầu tư của Đài Loan vào Hoa Lục liên tục giảm trong những năm gần đây. Xuất khẩu sang Trung Quốc năm ngoái giảm 18 % so với hồi 2022 dù vẫn cao gấp đôi so với xuất khẩu vào Mỹ.

    Liên Hiệp Châu Âu trong bối cảnh tăng tốc chiến lược tự chủ về công nghệ đang ve vãn các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn của Đài Loan hơn bao giờ hết, nhưng vẫn chỉ là « một chú lùn » bên cạnh hai đối tác thương mại lớn của Đài Bắc là Trung Quốc và Mỹ. Về đầu tư, như Evelyne Banh vừa giải thích, doanh nghiệp Đài Loan đã tìm cách « đa dạng hóa các điểm đến », cho dù trọng lượng của các nước Đông Nam Á, như Singapore và Việt Nam, vẫn còn rất khiêm tốn.

    Về đầu tư, nếu như Foxconn, đang hoạt động tại nhiều thành phố ở Hoa Lục, là một biểu tượng lớn trong lĩnh vực công nghiệp song phương, thì nhiều doanh nghiệp Đài Loan bắt đầu « thu hẹp hoạt động » hay « rời khỏi » Trung Quốc, một phần vì áp lực chính trị, nhưng chủ yếu do kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn.

    Theo báo tài chính Nhật Bản Nikkei Asia, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan vào Hoa Lục đã giảm 34 % trong 11 tháng đầu năm 2023. Trung Quốc không còn là điểm đến lý tưởng và đã bị đẩy xuống hạng 3 sau Mỹ và Đức : 37 % FDI của Đài Loan hướng về Hoa Kỳ, 15 % nhắm vào Đức và chỉ có 12 % tiếp tục đổ về Trung Quốc.

    Thống kê nói trên trái ngược hẳn với thời kỳ hoàng kim " từ giữa thập niên 1990 khi Đài Bắc và Bắc Kinh cùng xem kinh tế là một ưu tiên trong quan hệ song phương (…) và vào năm 2010, ở đỉnh điểm đã có khoảng 800.000 doanh nhân Đài Loan hoạt động ở Hoa Lục". Đó cũng là thời điểm Trung Quốc chiếm 80 % tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan.

    Trung Quốc dùng đòn kinh tế uy hiếp đối phương

    Sự « tuột dốc » nói trên, theo Evelyne Banh, bắt đầu từ khi Đảng Dân Tiến lên cầm quyền năm 2016 và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chủ trương giảm bớt mức độ lệ thuộc vào một đối tác kinh tế, thương mại quá lớn là Trung Quốc. Đài Bắc thấy rõ là Bắc Kinh khai thác lá bài kinh tế để phục vụ những mục tiêu chính trị.

    Thí dụ gần đây nhất là bốn ngày trước bầu cử tổng thống Đài Loan, hôm 09/01/2023, Bắc Kinh loan báo « mở điều tra » và dọa tăng thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm của Đài Loan bán sang Hoa Lục. Biện pháp này nhằm đáp trả việc Đài Bắc hạn chế nhập khẩu hơn 2500 mặt hàng « made in China » vào thị trường tí hon với 24 triệu dân này.

    Vấn đề đặt ra là thông báo bên bộ Thương Mại Trung Quốc được đưa ra trước bầu cử tổng thống Đài Loan và khi đó ứng viên Đảng Dân Tiến có lập trường « cứng rắn với Bắc Kinh » đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu.

    Mùa thu năm ngoái, sáng lập viên tập đoàn Foxconn Terry Gou đã đột ngột từ bỏ ý định ra tranh cử tổng thống Đài Loan. Nhiều nhà quan sát gắn liền quyết định này với vụ Bắc Kinh mở điều tra vì nghi ngờ Foxconn « trốn thuế ». Nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản ông Gou ra tranh cử vì sợ rằng ứng viên này « cướp » chổ của ứng cử viên Quốc Dân Đảng có lập trường hữu hảo hơn với Hoa Lục.

    Kết quả bầu cử hôm 13/01/2024 minh chứng cho phân tích của của một giáo sư tại Đại Học Đài Loan, được tuần báo Courrier International trích dẫn : « Những áp lực càng trực tiếp và thô bạo của Trung Quốc càng có nguy cơ khiến công luận Đài Loan bất bình ».

    Thế nhưng làm thế nào để thoát khỏi cái bóng quá lớn của Bắc Kinh ? Evelyne Banh, cơ quan tư vấn BSI Economics, trả lời :

    Evelyne Banh : « Ưu tiên của tổng thống tân cử là đa dạng hóa các hoạt động kinh tế của hòn đảo, giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Thực ra ông Lai Thanh Đức sẽ tiếp tục đi theo đường lối của người tiền nhiệm là tổng thống Thái Anh Văn nhằm giúp Đài Loan bớt bị áp lực, đồng thời củng cố liên hệ về kinh tế của hòn đảo này với các nền dân chủ lớn khác trên thế giới và với các nước lân cận. Chính quyền sắp tới sẽ nỗ lực vận động để gia nhập hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, từ Úc đến Nhật Bản, Việt Nam hay Singapore. Từ 2016, Đài Loan cũng đặc biệt chú ý đến mối quan hệ với các nước đang phát triển, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, kỹ thuật nông nghiệp, với từ ASEAN đến Úc và New Zealand ».

    Chiến tranh thiêu rụi 10 % GDP toàn cầu

    Trong phát biểu đầu tiên hôm 13/01/2024, tổng thống tân cử Đài Loan Lại Thanh Đức cam kết nỗ lực « phát triển và đẩy mạnh quan hệ và hợp tác kinh tế, thương mại » với Trung Quốc. Điều đó không cấm cản Bắc Kinh tiếp tục khẳng định lập trường « vững như bàn thạch và quyết tâm thống nhất » đất nước, đưa Đài Loan về với Hoa Lục. Nhiều nhà quan sát cho rằng thái độ hằn học của Trung Quốc với hòn đảo nhỏ ở bên kia eo biển Đài Loan xuất phát từ căng thẳng địa chính trị với phương Tây, mà chủ yếu là với Mỹ : Đài Loan là một lá chủ bài giúp Âu Mỹ bớt bị lệ vào kinh tế Trung Quốc, như ghi nhận của chuyên gia về Đài Loan Huai Shing Yen trên báo Le Monde (22/09/2023). Đó là điều mà Bắc Kinh muốn tránh bằng mọi giá.

    Đài Loan, công cụ để Mỹ tách rời khỏi Trung Quốc

    Chỉ là một hòn đảo nhỏ nhưng Đài Loan lại chiếm thế gần như độc quyền trong một lĩnh vực công nghệ được coi là « mạch sống » của kinh tế thế giới thế kỷ 21. Công nghệ bán dẫn đang tạo ra đến « 5,6 % trị giá gia tăng cho kinh tế toàn cầu », như hãng tin tài chính Mỹ Bloomberg (ngày 10/01/2024) đã thẩm định.

    Nhờ vào một vị trí chiến lược về địa lý, eo biển Đài Loan với chiều rộng chưa đầy 200 km lại là nơi mà 48 % các tàu chở hàng của thế giới phải đi qua, để đưa hàng từ các nhà máy của Trung Quốc đến tận các hải cảng của Âu Mỹ. Một cuộc xung đột vũ trang trong vùng biển này tai hại « gấp bội » so với tất cả những gì mà thế giới đã trải qua từ trước tới nay : các hoạt động xuất nhập khẩu không chỉ của Đài Loan và Trung Quốc với phần còn lại của thế giới sẽ bị gián đoạn, mà thậm chí các nước trong vùng, từ Nhật Bản đến Úc cũng sẽ bị vạ lây.

    Nghiên cứu của Bloomberg chỉ ra rằng 80 % giao thương của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEN sẽ sụt giảm trong trường hợp nổ ra chiến tranh, toàn bộ giao thương Mỹ-Trung bị đóng băng. Kinh tế Đài Loan « hoàn toàn sụp đổ », gần 17 % GDP của Trung Quốc cũng sẽ bốc hơi và 6,7 % GDP của Hoa Kỳ tan thành mây khói …

    Do vậy, theo Bloomberg, Bắc Kinh sẽ không dại để khai hỏa vào một nguồn cung cấp chip điện tử bảo đảm hơn 50 % thị trường của toàn cầu, một lĩnh vực mang tính sống còn ngay cả với các tập đoàn Trung Quốc.

    Thế nhưng, lá bùa hộ mạng đó của Đài Loan xem chừng cũng có giới hạn. Chuyên gia về tài chính cơ quan tư vấn BSI Economics Evelyne Banh giải thích :

    Evelyne Banh : « Đúng là Trung Quốc có trọng lượng về kinh tế quá lớn so với của Đài Loan, nhưng từ nhiều năm nay, Bắc Kinh phải đối mặt với nhiều thách thức cả về đối nội lẫn đối ngoại và những thách thức đó đè nặng lên tiềm năng tăng trưởng lâu dài của nước này. Trái lại, Đài Loan tuy rất nhỏ so với ông khổng lồ sát cạnh, nhưng lại là một nền kinh tế năng động và tăng trưởng nhờ những phát minh kỹ thuật … Đài Loan thống lĩnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và đang ở trên đỉnh cao của cả một chuỗi cung ứng ….

    Tuy nhiên, khi mà 25% GDP của Đài Loan phụ thuộc vào công nghệ bán dẫn thì đây cũng chính là một cái bẫy, vì như vậy kinh tế của hòn đảo này lệ thuộc vào những trồi sụt thất thường của mảng công nghệ bán dẫn (…) Cũng như nhiều nền kinh tế khác trong vùng Đông Bắc Á, Đài Loan đang thiếu nhân tài, thiếu một đội ngũ kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật… để giữ được vị trí hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp nhạy cảm này. Vấn đề càng thêm nghiêm trọng do dân số Đài Loan cũng đang trên đà lão hóa. Tỷ lệ sinh đẻ ở Đài Loan là chưa đầy một đứa trẻ một đầu người ».

    Trong nghiên cứu hồi tháng 11/2023, cơ quan tư vấn BSI Economics nhắc lại lời lãnh đạo tập đoàn bán dẫn Đài Loan TSMC Mark Liu : Trong trường bị Trung Quốc chiếm đoạt, TSMC sẽ làm tất cả để « vô hiệu hóa các cơ sở của mình », thay vì để lọt vào tay Trung Quốc. 90 % số nhà máy của TSMC là nằm trên lãnh thổ Đài Loan.

  • Bầu cử tổng thống Mỹ và hai cuộc xung đột ở Ukraina và Gaza sẽ định đoạt tương lai kinh tế toàn cầu năm 2024. Nga và Trung Quốc, một trục mới về thương mại toàn cầu đang định hình. Khối BRICS đón nhận 5 thành viên mới, tăng thêm sức mạnh, làm đối trọng với phương Tây. Nhờ chiến tranh Ukraina, Mỹ trở thành nguồn cung cấp dầu thô số 1 của Pháp. 200 ngày trước Thế Vận Hội, Paris trước thách thức tái chế rác thải Olympic 2024.

    Trong bài tham luận trên báo Le Monde hôm 29/12/2023 giải Nobel Kinh tế 2001, Joseph Stiglitz, ghi nhận « khả năng Donald Trump đắc cử và một cú sốc dầu hỏa do chiến tranh Israel Hamas gây nên đang đè nặng lên viễn cảnh kinh tế toàn cầu cho năm 2024 ». Hiếm khi nào tất cả các nhà phân tích cùng đồng loạt đánh giá « rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu 2024 là yếu tố địa chính trị ». Chiến tranh Ukraina bước sang năm thứ ba, xung đột ở Cận Đông đang lôi kéo Hồng Hải vào vòng xoáy giao tranh, làm dấy lên trở lại nguy cơ lạm phát.

    Ẩn số chính trị là mối đe dọa lớn nhất

    2024 là năm mà dân cư tại những quốc gia chiếm « 60 % GDP toàn cầu » được kêu gọi bầu lại các lãnh đạo, từ ở Nga đến Ấn Độ, Anh Quốc ; từ ở Đài Loan đến Hoa Kỳ. Ludovic Subran, kinh tế trưởng hãng bảo hiểm Alliance đặc trách về giao thương quốc tế, nhấn mạnh « chính những ẩn số về chính trị đang đặt nhiều hộ gia đình và các doanh nghiệp trong thế chờ đợi ». 2024 do vậy có thể là một năm tăng trưởng toàn cầu không « tìm được lực đẩy ».

    Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự phóng tăng trưởng của Hoa Kỳ cho năm nay chỉ đạt 1,5 %, thấp hơn nhiều so với mức 2,1% trong năm 2023. Tại châu Âu, tình hình cũng không sáng sủa hơn và tăng trưởng trong khu vực đồng euro có thể chỉ bằng 1/3 so với hồi năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn « loay hoay » đi tìm chiếc đũa thần và chắc chắn ông khổng lồ châu Á này sẽ không là « đầu tầu tạo đà cho tăng trưởng của thế giới » trong năm 2024 như thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

    Pháp : CAC40 chia lãi 100 tỷ euro cho cổ đông

    2024 cũng là năm mà « nhiều thách thức chờ đợi các đại tập đoàn của Pháp » : 40 doanh nghiệp hàng đầu tham gia sàn chứng khoán trong bảng xếp hạng CAC40 sau một năm 2023 thành công rực rỡ, chia 100 tỷ euro tiền lãi cho các cổ đông, nhưng giờ đây từ ngành thời trang hạng sang đến các tập đoàn năng lượng, từ các ngân hàng lớn hay các công ty trong ngành xây dựng đến ngành công nghiệp quốc phòng đều hướng nhìn về kết quả bầu cử đầu tháng 11 ở Hoa Kỳ, về tình hình tại Biển Đông, về tham vọng của Bắc Kinh với Đài Loan, về khả năng « bật dậy » của kinh tế Trung Quốc, về những nước cờ của Nga trên hồ sơ Ukraina hay về số phận của dải Gaza ở Cận Đông.

    Liên Hiệp Châu Âu bị nhiều cuộc đọ sức về thương mại với Washington, với Bắc Kinh thách thức. Quyết định cấm bán xe hơi chạy bằng xăng, từ năm 2035 Bruxelles tạo điều kiện cho ô tô điện của Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa, bót chết ngành công nghiệp xe hơi lâu đời của châu Âu với những tên tuổi lớn như Volkswagen của Đức, Fiat của Ý hay Renault, Peugeot, Citroën của Pháp …

    Với đồng minh Hoa Kỳ, đạo luật chống lạm phát IRA của chính quyền Biden tiếp tục là cái gai giữa hai bờ Đại Tây Dương. Giới chuyên gia dự báo trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ, Washington không thể nhượng bộ hay nương nhẹ các đối tác châu Âu.

    Dầu - khí : Một trật tự mới

    Trên bàn cờ năng lượng quốc tế, một trật tự mới đã hình thành : từ cuối năm 2022, sau 10 tháng Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina, Mỹ đã dễ dàng qua mặt Na Uy và Nga để trở thành nguồn cung cấp khí đốt số 1 của Pháp và từ năm ngoái thì các nhà sản xuất dầu thô của Hoa Kỳ cũng thống lĩnh thị trường Pháp. Năm 2018, Mỹ đứng hạng 9 trong số các nguồn cung cấp khí đốt cho Pháp. Nga bị mất 4 hạng theo thống kê của bộ Chuyển Tiếp Năng Lượng Pháp. Điều đó không cấm cản Pháp nói riêng và thế giới nói chung vẫn trong tình trạng « khát dầu » như chuyên gia về năng lượng, Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS giải thích trên đài truyền hình Pháp France 24 :

    « Dầu hỏa chiếm một vai trò rất lớn và rất quan trọng trong các hoạt động kinh tế toàn cầu. Đây là nguồn năng lượng chủ chốt trong lĩnh vực giao thông trên bộ, trên không và trên biển ; là nguyên liệu thiết yếu của ngành công nghiệp hóa dầu và trong các nhà máy sản xuất nhựa. Trong ba loại năng lượng hóa thạch thì dầu hỏa chiếm vị trí cao nhất với khoảng 30 %, đứng trước than đá và khí tự nhiên. Hiện tại, ngành giao thông tùy thuộc từ 90 đến 100 % vào dầu lửa, và đây cũng là nguồn năng lượng bảo đảm 100 % các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nhựa. Tiêu thụ toàn cầu năm 2023 đã vượt kỷ lục của hồi năm 2019, tức là trước khi xảy ra đại dịch COVID. Nhu cầu tiêu thụ trong năm nay sẽ còn cao hơn nữa so với kỷ lục của năm 2023 ».

    Cận Đông và nguy cơ « một cơn sốt dầu »

    Trong những tuần lễ cuối năm 2023, giới trong ngành báo động « giá năng lượng lại bị đẩy lên cao », nhưng lần này không vì Liên Âu lệ thuộc vào dầu khí của Nga mà là do tác động dây chuyền từ xung đột ở dải Gaza giữa Israel và phong trào Hồi giáo Palestine Hamas : phe Hồi giáo Houthi ở Yemen được Iran bảo trợ, liên tục tấn công vào các tàu chở hàng của phương Tây hay của các nước ủng hộ Israel đi qua Hồng Hải.

    Nhiều tập đoàn như BP của Anh và các hãng vận tải đường biển thông báo « tránh đi qua khu vực nhạy cảm này ». Đánh đường vòng quanh lục địa châu Phi vừa « dài ngày hơn, tốn kém hơn » … Lập tức giá dầu Brent tăng thêm 3 % trong một tuần lễ và giá khí đốt tăng thêm 12 % trong một ngày. Hồng Hải là nơi 8 % khí hóa lỏng LNG của thế giới phải đi qua.

    Theo một số các chuyên gia về an ninh hàng hải quốc tế, tình hình sẽ « nóng lên thêm nữa trong những tuần lễ và những tháng sắp tới ». Đối với người dân bình thường, câu hỏi quan trọng nhất là liệu rằng các hộ gia đình có phải đối mặt với một làn sóng lạm phát nữa hay không. Theo phó giám đốc Đài Quan Sát về Tình Hình Kinh Tế Pháp OFCE, Mathieu Plane, « khủng hoảng lạm phát dường như bắt đầu thuộc về quá khứ, thế nhưng hiện vẫn còn quá nhiều điều bất trắc, nhất là về địa chính trị ». Chỉ cần xung đột ở Cận Đông lan rộng là cũng đủ để giá dầu lại tăng lên và thương mại toàn cầu lại bị khuấy động.

    Nga - Trung Quốc, một trục giao thương mới ?

    Cũng về thương mại và năng lượng, từ đầu chiến tranh Ukraina, Trung Quốc trở thành đối tác « cột trụ » của Matxcơva trong lĩnh vực năng lượng, thay vào chỗ trống mà các khách hàng châu Âu để lại. Trong chuyến công du vào trung tuần tháng 10/2023, tổng thống Vladimir Putin hài lòng thấy « quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược » song phương đạt « đỉnh cao chưa từng thấy ». Theo lãnh đạo tập đoàn Rosneft, Igor Setchine, « năng lượng chiếm 75 % kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc ». Nga đã qua mặt Ả Rập Xê Út để trở thành nguồn cung cấp quan trọng nhất cho Trung Quốc. Cũng phải nói thêm là Bắc Kinh mua dầu khí của Nga với giá rẻ hơn trung bình 30 % so với giá của thị trường.

    Lãnh đạo Nga và Trung Quốc đề ra mục tiêu tổng trao đổi mậu dịch hai chiều đạt ngưỡng 200 tỷ đô la trong năm nay. Song nguyệt san kinh tế Challenges số ra tháng 3/2023 ghi nhận : đành rằng Nga dưới tác động chiến tranh Ukraina đã « xoay trục » sang châu Á, nhưng đối với Bắc Kinh, ngay cả trong lĩnh vực năng lượng, Matxcơva chỉ là một trong số các nguồn cung cấp. Bởi ngoài Nga, Turkmenistan, Kazakhstan hay Uzbekistan vẫn là những « đối tác lớn » về khí đốt. Riêng đối với khí hóa lỏng, Trung Quốc tin tưởng vào hai nguồn cung cấp là Úc và Hoa Kỳ, cho dù bang giao giữa Trung Quốc với hai thành viên trong liên minh quân sự AUKUS này đang gặp nhiều sóng gió.

    BRICS mở rộng : 3 mỏ dầu

    Điều đó không cấm cản các ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin chia sẻ chung một tầm nhìn : cả hai cùng muốn tăng thêm sức mạnh, làm đối trọng với phương Tây. Bằng chứng cụ thể nhất là kể từ ngày 01/01/2024, khối 5 nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã chính thức kết nạp thêm 5 thành viên mới (chính quyền mới tại Achentina, ứng viên thứ 6, đã từ chối tham gia khối này).

    BRICS mở rộng kết nạp thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. BRICS một câu lạc bộ 5 nước đại diện cho các nền kinh tế đang phát triển chính thức hình thành từ năm 2009 giờ đây có tổng cộng 10 thành viên.

    Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư kinh tế Julien Vercueil, Viện Ngôn Ngữ và Văn Hóa Phương Đông, INALCO, phân tích rất kỹ về những mẫu số chung và những bất đồng giữa các thành viên ban đầu của nhóm BRICS, về quyết định chọn 6 nước tham gia nhóm BRICS (nhưng Achentina giờ chót bỏ cuộc) trong số hơn 40 ứng viên. Giáo sư Vercueil là tác giả của nhiều bài nghiên cứu về khối này. Gần đây nhất là bài tham luận mang tựa đề : BRICS : Les incertitudes d’un forum « alternatif » - BRICS : Những bất trắc về một diễn đàn « thay thế », bài viết đăng trên tạp chí Politique Etrangère, số 4/2023.

    Julien Vercueil : « Liên quan đến trật tự mới về kinh tế và thương mại của thế giới, các quốc gia đang trỗi dậy phản đối thế áp đảo của đồng đô la Mỹ và ở phía sau lập luận đó, các bên công kích Hoa Kỳ dùng kinh tế để áp đặt luật chơi với cộng đồng quốc tế. Đây rõ ràng là quyết tâm của một số thành viên trong nhóm BRICS mà đứng đầu là Nga và Trung Quốc. Matxcơva và Bắc Kinh càng lúc càng trực tiếp dùng đơn vị tiền tệ của mỗi bên để thanh toán các dịch vụ xuất nhập khẩu song phương. Vị trí của đô la trong thương mại giữa Trung Quốc với Nga đã bị thu hẹp lại. Vấn đề càng trở nên thời sự hơn nữa từ khi Nga bị phương Tây trừng phạt vì đưa quân xâm lược Ukraina. Dưới các đòn trừng phạt, các doanh nghiệp Nga phải tìm ngõ thoát để tiếp tục giao thương với phần còn lại của thế giới. Trung Quốc là điểm tựa quý giá, cho phép mua bán với các đối tác mà không cần phải sử dụng đô la Mỹ ».

    Nhìn vào danh sách 5 thành viên mới của khối BRICS mở rộng, Ả Rập Xê Út là một đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ ở Trung Đông, là « mỏ dầu của thế giới ». Một mỏ dầu còn chưa được khai thác là Iran : Teheran lại là kẻ thù không đội trời chung của Mỹ, là một đối tác có trọng lượng của Nga, là một quốc gia có tham vọng trang bị vũ khí nguyên tử. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là thành viên nặng ký của OPEC/OPEP khối các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa, nhưng cũng là quốc gia Ả Rập đầu tiên trang bị nhà máy điện hạt nhân, là một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực năng lượng mặt trời của thế giới. Dubai là một trung tâm tài chính khu vực. Abou Dahbi vừa là đồng mình thân thiết của Ả Rập Xê Út và Hoa Kỳ, vừa có quan hệ rất chặt chẽ với cả Nga lẫn Trung Quốc.

    Về phần Ai Cập, với hơn 38 % lạm phát trong năm qua, nợ nần chồng chất, chắc chắn kinh tế không phải là điểm mạnh giúp chính quyền của tổng thống al Sissi tham gia câu lạc bộ BRICS mở rộng. Nhưng trụ sở của Liên Đoàn Ả Rập đặt tại Cairo.

    Trong trường hợp của Ethiopia, quốc gia này lại càng không đủ tiêu chuẩn để được xem là một « nền kinh tế đang trỗi dậy », thế nhưng lá chủ bài lớn nhất của Addis Abeba là « một mối bang giao hữu hảo với cả Matxcơva, Bắc Kinh lẫn Washington ». Giáo sư Julien Vercueil Viện INALCO phân tích tiếp :

    Julien Vercueil :« Một cách khách quan, việc khối BRICS đón thêm các thành viên mới không mấy quan trọng trên phương diện kinh tế. Hiểu theo nghĩa là số nước tham gia được nhân lên gấp đôi, nhưng GDP của nhóm 10 nước tham gia BRICS chỉ tăng thêm có 10 %. Điều đó có nghĩa là kinh tế không phải là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định kết nạp thêm các thành viên mới. Điểm nhấn thứ nhì là yếu tố năng lượng. Ba trong số 5 thành viên mới (Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất) là những ông khổng lồ trên bàn cờ năng lượng. Đây mới là tiêu chí quan trọng khi BRICS đón nhận thêm các thành viên mới. Theo cá nhân tôi thì Trung Quốc đã có ảnh hưởng rất lớn trong quyết định về danh sách các nước tham gia nhóm BRICS. Khối này muốn chứng minh là có sức thu hút lớn qua việc kết nạp thêm những nước khác và Bắc Kinh đã chọn củng cố quan hệ với những nền kinh tế nào có lợi cho Trung Quốc và có trọng lượng về mặt địa chính trị ».

    Cuộc chạy đua xử lý rác thải Olympic 2024

    200 ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội, Paris và vùng Ile-de-France đặt mua thêm 16.000 thùng rác để trang bị cho các ngôi làng Olympic. Paris chạy nước rút tìm mọi giải pháp thực hiện lời hứa tái chế hay xử dụng lại 80 % rác thải từ sự kiện thể thao trọng đại này. Pháp muốn qua mặt Tokyo năm 2021 và Luân Đôn 2012 tranh chức vô địch Thế Vận Hội « sạch » nhất trong lịch sử thể thao Olympic.

    Ba năm trước, 62 % trong số 2.700 tấn rác ở Olympic Tokyo đã được « tái chế », nhưng đó là một khối lượng rác « không thấm vào đâu » bởi dưới tác động đại dịch Covid, không một du khách nước ngoài nào được đặt chân đến xứ Hoa Anh Đào vào mùa hè 2021. Lần này thách thức sẽ lớn hơn nhiều đối với thành phố Paris !!!

    Để « tái chế » hay « sử dụng lại » 80 % rác Olympic, thành phố Paris trông đợi nhiều vào đối tác chính là hãng sản xuất nước ngọt của Mỹ Coca-Cola. Hiềm nỗi tập đoàn này là nguồn « thải rác nhựa và gây ô nhiễm » nhất cho hành tinh !!! Trước mắt, tập đoàn Mỹ có trụ sở ở thành phố Atlanta, bang Georgia, với những lon nước màu đỏ nổi tiếng cam kết lắp đặt 700 vòi nước trên toàn nước Pháp phục vụ các vận động viên và khán giả dự Thế Vận Hội 2024, dùng ly giấy hay nhựa tái chế, dùng chai thủy tinh và cho phép khán giả vào các sân vận động với những bình nước cá nhân để hạn chế lượng rác thải.

  • Tạm đẩy lùi được lạm phát, giữ được ổn định tăng trưởng ở mức 3% cho toàn cầu bất chấp hai cuộc xung đột lớn trên mặt trận Ukraina và tại Cận Đông. Thị trường chứng khoán khắp nơi vững mạnh, ngoại trừ của Trung Quốc. Tập đoàn viễn thông Việt Nam FPT đẩy mạnh những nước cờ tại châu Âu và « hiện tượng Taylor Swift » tác động trực tiếp đến kinh tế Hoa Kỳ.

    Tạp chí kinh tế cuối cùng của năm 2023 xin được dành đề nói về những sự kiện ít được nhắc đến trong năm.

    Khống chế được lạm phát

    Khác hẳn với mùa đông 2022, ít thấy Liên Hiệp Châu Âu khuyến cáo công dân « sử dụng năng lượng một cách điều độ », xăng dầu ở Pháp « mềm giá hơn » so với đúng một năm trước đây.

    Trên thị trường dầu hỏa, theo Viện Thống Kê và Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia Pháp INSEE, tháng 10/2023, giá một thùng dầu Brent tại Luân Đôn giảm hơn 26% so với đỉnh điểm hồi tháng 6/2022. Giá cả thực phẩm vẫn còn cao, nhưng không còn tăng lên theo từng ngày. Nhờ vậy, theo báo cáo được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố hồi tháng 9/2023 « trung bình lạm phát trên thế giới đang từ 8,7% năm 2022 giảm xuống còn 6,9% ». Đây là một tin vui với cộng đồng quốc tế.

    Một chút thất vọng vì châu Á ?

    Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB, trong báo cáo hôm 13/12/2023, nâng dự phóng tăng trưởng cho toàn khu vực này lên thành 4,9% cho cả năm (thay vì 4,7% như trước đó). Thành quả này có được nhờ « tiêu thụ nội địa của các quốc gia trong vùng, và tăng trưởng của Ấn Độ -Trung Quốc vững hơn mong đợi ». ADB dự trù GDP của Trung Quốc tăng 5,2% và của Ấn Độ 6,7%. Định chế ngân hàng này hơi thất vọng về những thành tích của khối Đông Nam Á do các ngành xuất khẩu bị chựng lại, dự phóng tăng trưởng của ADB cho khu vực này sụt giảm 0,3 điểm (đang từ 4,6% rơi xuống còn 4,3%). Căn cứ vào báo cáo được cập nhật của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á thì GDP của Việt Nam trong năm 2023 được dự báo tăng 5,2%. Châu Á cũng bớt bị áp lực vì lạm phát ( trung bình dao động ở mức 3,6%).

    Mỹ, Nga và Trung Quốc

    Nhìn đến nền kinh tế số 1 toàn cầu : Tăng trưởng và tình hình thất nghiệp ở Mỹ tuy không bằng so với hồi 2022 nhưng vẫn « ổn định », lạm phát không còn tăng 8% như năm ngoái. Do vậy Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ FED « tạm ngừng tăng thêm lãi suất ngân hàng ».

    Nếu như Âu Mỹ đã « không chế được lạm phát » thì kinh tế Nga đã sáng sủa hơn so với hồi 2022 : GDP tăng 2,25% trong cả năm 2023, theo báo cáo được cập nhật của IMF hồi tháng 10/2023.

    Riêng Trung Quốc vẫn gây thất vọng. Hôm 05/12/2023 cơ quan thẩm định tài chính Moody’s vừa hạ điểm tín nhiệm Trung Quốc, do nợ của nước này tăng quá mạnh trong một thời gian rất ngắn, đặc biệt là nợ của các chính quyền địa phương.

    12 ngàn tỷ đô euro nợ của các tỉnh thành Trung Quốc. FDI trong 9 tháng đầu 2023 giảm 92% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

    Năm 2022, tổng nợ công của các chính quyền cấp tỉnh Trung Quốc lên đến 12.000 tỷ euro, tương đương với 76% GDP của cả nước. (Để so sánh, GDP của Pháp, Đức và Ý cộng lại chưa đầy 10.000 tỷ euro). Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm 92% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

    Trả lời RFI tiếng việt, chuyên gia về kinh tế và luật Isabelle Feng, trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại học Bruxelles- Bỉ, đánh giá về thế lưỡng nan của Bắc Kinh hiện nay :

    « Để có thể giải quyết được khối nợ to lớn này của các chính quyền ở cấp tỉnh, phải có nhiều phương tiện. Vấn đề là túi tiền của Bắc Kinh bắt đầu cạn dần. Trước kia trung ương có thể trông cậy vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong ba năm trở lại đây, hàng xuất khẩu Trung Quốc bắt đầu bị một số quốc gia láng giềng như Việt Nam hay Malaysia cạnh tranh. Cùng lúc đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn ồ ạt đổ về Hoa Lục nữa. Thành thử vào lúc cần phải chi ra nhiều để cứu nguy kinh tế đang lún sâu vào nợ nần, thì Trung Quốc mất khả năng tài chính để đài thọ những chương trình đó ».

    Chứng khoán thế giới tăng mạnh

    Có lẽ điều này giải thích vì sao các sàn chứng khoán tại Hồng Kông và Hoa Lục là những nơi duy nhất mất giá trong 12 tháng qua. Trong khi đó, từ Frankfurt đến Milano, từ Wall Street đến Luân Đôn hay Paris, chỉ số chứng khoán liên tục tăng mạnh, « đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác ».

    CAC40 của Pháp lần đầu tiên vượt ngưỡng 7. 600 điểm trong phiên giao dịch 14/12/2023. Nhờ đâu mà các sàn chứng khoán sung sức như vậy ? Chuyên gia tài chính Christopher Dembik, thuộc quỹ đầu tư Pictet Asset Management, trên đài phát thanh tư nhân Radio Classique, trả lời :

    « Toàn cảnh kinh tế không đến nỗi tệ. Đúng là Cục Dự Trữ Liên Bang thông báo ngừng tăng lãi suất chỉ đạo. Thông thường biện pháp này nhằm kích thích kinh tế và cũng ngầm để cho hiểu rằng, kinh tế có xu hướng bị chựng lại. Nhưng chúng ta hoàn toàn không rơi vào kịch bản đó. Mỹ không có nguy cơ bị suy thoái vào năm tới. Thành thử thông điệp ở đây là kinh tế tuy có tăng chậm lại một chút, hạ lãi suất ngân hàng do vậy chỉ là để kích thích kinh tế năng động hơn và đó là kịch bản lý tưởng đối với các nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán. Điều đó tiếp tục giúp cho các nhà đầu tư lạc quan ».

    Chảy máu tư bản ở các nước nghèo

    Ngân Hàng Thế Giới ngày14/12/2023 một lần nữa báo động về tình hình các nước nghèo mang nợ chồng chất : Ethiopia, Zambia, Ghana hay Sri Lanka chắc chắn không là những quốc gia duy nhất có nguy cơ vỡ nợ. Năm 2022, khoảng 100 nước nghèo trên thế giới mang nợ tổng cộng 443,5 tỷ đô la. Lãi mà các quốc gia này phải thanh toán cho các chủ nợ trong năm nay tăng thêm 10% và sẽ còn tăng thêm nữa vào năm 2024.

    Vấn đề là các nhà đầu tư không muốn bỏ tiền vào những vùng « nguy hiểm đó » : trong 12 tháng qua, 115 tỷ đô la vốn đầu tư nước ngoài đã rút khỏi các nền kinh tế chậm tiến nhất trên thế giới.

    Cơ quan tư vấn Global Sovereign Advisory, trụ sở tại Paris, báo động từ nay đến cuối 2025, có đến 7 quốc gia bị đe dọa mất khả thanh toán. Hơi bất ngờ là trong bảng xếp hạng đó có Thái Lan.

    Công nghệ : Một công ty Pháp thuộc về Việt Nam

    Trong thế giới công nghệ, hôm 06/12/2023 tập đoàn viễn thông của Việt Nam FPT loan báo mua lại 80% cổ phẩm của AOSIS, trụ sở tại Toulouse, miền nam nước Pháp. Các bên giữ kín thông tin liên quan đến trị giá hợp đồng. Công ty tư vấn công nghệ Pháp hoạt động từ 2010 có thể giúp Việt Nam mở rộng địa bàn tại châu Âu.

    AOSIS ban đầu chuyên về lĩnh vực phát triển phần mềm, nhưng đã lấn sang các lĩnh vực khác, từ Big Data đến công nghệ Cloud, DataScience, DataViz … và nhất là mảng tư vấn cho các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, như hàng không vận tải hay hàng không vũ trụ.

    AOSIS hiện diện tại Paris, Toulouse, Nantes và Lyon. Trong khi đó tập đoàn Việt Nam qua chi nhánh FPT Software bắt rễ vào Pháp từ 2008 với ba trung tâm tại Paris, Toulouse và Sophia Antipolis.

    Châu Âu hiện là một trong những thị trường quan trọng nhất của FPT ở hải ngoại. Theo tạp chí Pháp chuyên về tin học, L’Informaticien, trước AOSIS, tập đoàn viễn thông Việt Nam đã thâu tóm một số các đối tác trong ngành tại Slovakia, Mỹ và cả Nhật Bản. FPT cũng có những quan hệ đối tác quan trọng với hãng chế tạo máy bay của châu Âu Airbus, với tập đoàn bưu điện Geopost.

    « Hiệu ứng kinh tế Taylor Swift »

    Tạp chí Mỹ TIME ngày 06/12/2023 bình chọn danh ca người Mỹ Taylor Swift là « Nhân vật trong năm ». Với hơn 26 tỷ lượt nghe trên Spotify, một vòng lưu diễn ngoại hạng gồm 146 buổi tại hơn 20 quốc gia, tác giả của Shake it Off và Cruel Summer đã làm nên cả một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp sản xuất đĩa hát. Taylor Swift còn « có ảnh hưởng lớn với kinh tế của Hoa Kỳ ».

    Phim tài liệu The Eras Tour về những buổi trình diễn của Taylor Swift đang phá kỷ lục, thu về hơn 1 tỷ đô la cho hãng sản xuất. Mới 33 tuổi, Taylor Swift không ngần ngại kiện những « ông lớn » trong ngành, chia tay với các tay nhà sản xuất, hay các trung tâm môi giới tham lam. Cô cũng đặt điều kiện để cho phát hành phim về vòng lưu diễn 2023.

    Ngân hàng trung ương Mỹ Fed đã nói đến « hiện tượng Taylor Swift », bởi các hoạt động của cô « tác động đến kinh tế Mỹ ». Mỗi vé xem Taylor Swift trình diễn là 5-7 trăm đô la. Mỗi lần xuất hiện trên sân khấu, cô huy động hàng chục ngàn khán giả. Chỉ cần đội ngũ 50.000 fan theo chân Taylor Swift một đêm là đủ để mang về bạc triệu cho thành phố nơi cô đến lưu diễn.

    Trong năm 2023, Taylor Swift đã biểu diễn 66 buổi trên đất Mỹ và là con gà đẻ trứng vàng giúp cho các hoạt động kinh tế « ăn theo » thu về hơn 2 tỷ đô la. Taylor cũng là « yếu tố gây lạm phát » do giá áo T-shirt cô bán ra đắt hơn nhiều so với bình thường, mà hàng vẫn không đủ bán. Taylor Swift đi đến đâu thì giá phòng khách sạn tăng lên đến đấy. Đó là chưa kể các buổi trình diễn của cô gái tóc vàng này thường « cháy vé » và những fan cuồng nhiệt nhất sẵn sàng mua vé chợ đen để tận mắt trông thấy Taylor trên sân khấu.

    Bà ngoại của Taylor từng là ca sĩ nhạc opera, bố của cô là một tay môi giới chứng khoán làm việc cho ngân hàng Merrill Lynch : Taylor Swift là một nghệ sĩ đa tài, kết hợp được những cái khiếu thiên phú của cả hai thế hệ đi trước.

  • Việc cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s hạ điểm tín nhiệm « nợ dài hạn » của Trung Quốc để lộ rõ hai vấn đề : Trung ương không đủ khả năng giải quyết núi nợ 12.000 tỷ euro của các tỉnh thành, tương đương với 76 % GDP của cả nước và Bắc Kinh đang « mất khả năng đài thọ cho mô hình tăng trưởng » như từ trước tới nay.

    Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia Isabelle Feng, trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại Học Bruxelles, Bỉ, đã đưa ra những kết luận như trên sau khi trình bày toàn cảnh tài chính không mấy sáng sủa của Trung Quốc hiện tại.

    Trong công việc, bà nghi nhận : càng lúc càng khó tiếp cận với những thông tin về kinh tế và tài chính Trung Quốc mà không sợ bị khép vào tội « làm gián điệp » hay « vi phạm luật an ninh » của nước này. Theo nhà nghiên cứu Isabelle Feng, cấm « để lộ thông tin mật » không chỉ là tấm bình phong nhằm che dấu những thông tin bất lợi cho kinh tế Trung Quốc, mà còn là dấu hiệu báo trước Bắc Kinh chấm dứt chính sách « minh bạch hóa các thông tin về thực trạng kinh tế và tài chính » nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Hoa Lục.

    Quả bom nổ chậm 12.000 tỷ euro

    Hôm 05/12/2023, cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s hạ điểm tín nhiệm « nợ dài hạn » của Trung Quốc đang từ A1, tức là « ổn định », xuống thành A1 , có nghĩa là triển vọng xấu ». Lý do : Moody’s đánh giá kinh tế Trung Quốc có nguy cơ « tăng trưởng thấp về trung hạn » và « những hậu quả từ khủng hoảng bất động sản sẽ kéo dài ». Nhưng nghiêm trọng hơn cả là mức nợ đáng báo động của các chính quyền địa phương.

    Cơ quan thẩm định tài chính này dự báo GDP Trung Quốc sẽ chỉ tăng khoảng 3,8 %/ năm trong giai đoạn 2026-2030. Từ 2017, Trung Quốc mới lại bị hạ điểm tín nhiệm, vào lúc mà Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF trong tài liệu được cập nhật gần đây báo động : Ngoài những khoản nợ « chính thức » từ phía các chính quyền địa phương, còn phải chú ý đến khối nợ « không chính thức » đã vay dưới dạng « thành đầu trái », tức là những trái phiếu do các chính quyền địa phương phát hành mà không được Trung Ương đứng ra bảo lãnh, gọi tắt theo tiếng Anh là LGFV.

    Chỉ riêng khoản LGFV này hiện đã lên tới gần 9.000 tỷ euro, tương đương với 50 % GDP của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Một điểm đáng chú ý khác đó là món nợ này đã « tăng rất nhanh trong hai năm trở lại đây ».

    Như mỗi lần bị các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế - chủ yếu là « ba ông lớn Big Three » Fitch, Moody’s và S&P của Mỹ hạ điểm tín nhiệm, Trung Quốc luôn phản bác những kết luận bất lợi cho mình. Lần này cũng vậy. Bộ Tài Chính giải thích là nhờ những « nền tảng vững chắc », « kinh tế tiếp tục phục hồi » từ khi Trung Quốc mở cửa lại các hoạt động kinh tế sau 3 năm áp dụng chính sách Zero Covid để chống dịch và Trung Quốc là « một động cơ tăng trưởng quan trọng của toàn cầu ».

    Nợ cấp địa phương tương đương với 76 % GDP

    Trả lời đài RFI Việt ngữ, chuyên gia về kinh tế và luật trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại Học Bruxelles - Bỉ trước hết giải thích vì sao Trung Quốc bị Moody’s hạ điểm tín nhiệm và điểm qua mức nợ báo động ở cấp địa phương tại quốc gia rộng lớn này.

    Isabelle Feng : « Trước hết là do mức nợ của Trung Quốc và từ lâu nay đây chính là đề tài gây bất đồng sâu rộng giữa chính quyền Bắc Kinh với các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế. Nói một cách chính xác hơn là Trung Quốc bị hạ điểm tín nhiệm vì mức nợ của các chính quyền ở cấp địa phương, bao gồm cả những khoản nợ đã được chính thức công nhận và những khoản nợ không chính thức (mà các chính quyền địa phương đã đi vay dưới dạng LGFV). Bất đồng ở chỗ là Bắc Kinh không xem nợ của các tỉnh và các chính quyền địa phương là nợ chung của Trung Quốc. Trái lại, khối nợ khổng lồ này là một rủi ro rất lớn đe dọa kinh tế của Trung Quốc. Năm 2022, tổng nợ của các chính quyền địa phương tại Hoa Lục lên tới 12.000 tỷ euro. GDP của Trung Quốc là 18.000 tỷ euro. Như vậy là nợ của các chính quyền địa phương tương đương với 3/4 GDP của cả nước ».

    Trong con số 12.000 tỷ euro nợ mà Isabelle Feng vừa nêu bao gồm nợ chính thức và không chính thức của các chính quyền 30 tỉnh và 4 thành phố lớn nhất Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh).

    Trong một nghiên cứu gần đây cho trung tâm Asia Centre, bà Isabelle Feng nhắc lại : Giữa tháng 4/2023, chính quyền tỉnh Quý Châu thông báo « mất khả năng thanh toán ». Tổng nợ của Quý Châu năm 2022 lên tới 150 tỷ euro. Quý Châu, được mệnh danh là « Big data Valley » của Trung Quốc, là nơi mà hơn 9.000 công ty ký gửi các dữ liệu và mảng « công nghệ số » chiếm 1/3 thu nhập của cả tỉnh.

    Bắc Kinh đã cạn tiền

    Nguy hiểm đối với Trung Quốc nằm ở chỗ Quý Châu không là một trường hợp riêng lẻ. Cũng mùa xuân vừa qua, Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, bị 259 chủ nợ « vây bủa » đòi được thanh toán 150 triệu euro. Số tiền này tuy nhỏ, nhưng cũng đủ cho thấy nguy cơ « mất khả năng thanh toán » là có thực. Vấn đề lại càng đáng quan ngại hơn, bởi « Quý Châu không là tỉnh mang nợ nhiều nhất » và « không là một trường hợp cá biệt ».

    Song theo bà, việc Trung Quốc bị Moody’s hạ điểm còn để lộ một mối lo ngại nghiêm trọng hơn.

    Isabelle Feng : « Việc hạ điểm tín nhiệm này cho thấy khả năng tài chính của Trung Quốc có giới hạn. Bắc Kinh không thể tiếp tục tài trợ cho tăng trưởng và thực ra thì các phương tiện của chính quyền trung ương để can thiệp cũng có giới hạn. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Lục trong 9 tháng đầu năm nay giảm 92 % so với cùng thời kỳ năm trước, đang từ 140 -150 tỷ đô la đã rơi xuống còn có 15 tỷ. Đây là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư không còn tin tưởng vào thị trường Trung Quốc nữa và việc Moody’s hạ điểm tín nhiệm vừa qua càng gây thêm khó khăn ».

    Tháng 1/2023, Bắc Kinh một lần nữa khẳng định « trung ương không can thiệp » trả nợ thay cho các chính quyền địa phương. Dù vậy, một toán chuyên gia tài chính ngân hàng từ Bắc Kinh đã được điều đến Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu, để « dàn xếp » mọi việc và chỉ vài ngày sau, thông tin Quý Châu mất khả năng thanh toán đã « biến mất » khỏi các mạng truyền thông thông tin chính thức.

    Trung ương và chiến thuật « chim đà điểu »

    Isabelle Feng không ngạc nhiên thấy nợ Trung Quốc bị « giáng điểm » bởi năm 2013 Moody’s và một cơ quan thẩm định khác của Mỹ là Fitch từng « hạ điểm an toàn » của Trung Quốc do nợ công của các chính quyền địa phương « tăng quá mạnh và quá nhanh ».

    Năm 2017, đến lượt Standard&Poor’s cũng đưa ra quyết định tương tự. Mỗi lần bị giáng điểm như vậy, Bắc Kinh đều tố các các công ty Mỹ này muốn « bôi nhọ » thanh danh của Trung Quốc. Standard&Poor’s 6 năm trước đây đã bị khiển trách là « hồ đồ », « không hiểu biết về tình hình của Trung Quốc » bởi nợ của Trung Quốc « không bao gồm luôn cả khoản nợ của các chính quyền ở cấp tỉnh và địa phương » và nhất là Trung Quốc phủ nhận toàn bộ thông tin liên quan đến các khoản nợ « không chính thức dưới dạng LGFV. Nhưng theo chuyên gia kinh tế trung tâm Perelman, Đại Học Bruxelles thì lập luận của Bắc Kinh không có cơ sở.

    Isabelle Feng : « Vấn đề đặt ra là đâu phải vì không đưa số nợ này vào sổ sách kế toán, mà có thể coi như là các chính quyền địa phương Trung Quốc không mang nợ. Trái lại, từ 10 năm nay nợ của các tỉnh thành ở Hoa Lục đã được thổi phồng lên mãi để đến nỗi khoản nợ đó tương đương với 75 % GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khác biệt quan trọng ở đây là vào thời điểm 2013, kinh tế Trung Quốc đang lên, đang trong tiến trình hội nhập với kinh tế thế giới. Ai cũng muốn mở cửa đón các doanh nghiệp Trung Quốc. Giờ đây, ở vào thời điểm 2023, tình hình đã đổi thay. Thế giới đã trải qua đại dịch Covid với những tác động tai hại kèm theo. Thế giới đang hướng tới việc giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc, để xây dựng lại một mô hình kinh tế, công nghiệp độc lập hơn ».

    Phép lạ tăng trưởng của Trung Quốc từ hơn bốn thập niên qua dựa vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài. Hiện tại Âu Mỹ đồng loạt chủ trương de-coupling hay ít ra là de-risking tức giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào đối tác châu Á quá lớn này. Về xuất khẩu, Trung Quốc đang bị một số nước láng giềng từ Ấn Độ đến Việt Nam hay Malaysia … cạnh tranh. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài thì như vừa nói, FDI vào Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay giảm 92 %. Cùng lúc, tiêu thụ nội địa và công nghệ mới chưa đủ vững để trở thành những « đầu tàu tăng trưởng mới » cho cỗ máy kinh tế đồ sộ với gần 1,4 tỷ dân này.

    Thời kỳ « minh bạch » sổ sách đã qua ?

    Câu hỏi còn lại là làm thế nào để « giải quyết » núi nợ đã lên tới 12.000 tỷ euro ở cấp địa phương ? Nhà nghiên cứu Isabelle Feng không mấy lạc quan.

    Isabelle Feng : « Cá nhân tôi không nghĩ là Bắc Kinh còn nhiều khả năng để can thiệp, hay giải quyết vấn đề nợ cho các cấp địa phương. Đành rằng trung ương có thể cấm các quan chức địa phương đi vay thêm, hay là bắt họ phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ đó. Riêng với những món nợ đã có thì theo chỗ tôi được biết, thí dụ như khi tỉnh Quý Châu tuyên bố mất khả năng thanh toán, Bắc Kinh lập tức điều một số cán bộ tài chính đến tận nơi để "giải quyết vấn đề". Nhưng đó là biện pháp chữa cháy, và người ta chỉ có thể dập được một vài đám cháy. Nhưng nếu cùng lúc có quá nhiều tỉnh tuyên bố vỡ nợ thì làm sao Bắc Kinh cáng đáng được hết tất cả ? Khó để có thể trang trải được hết mười mấy ngàn tỷ euro nợ cho các chính quyền địa phương, nhất là như vừa trình bày, túi tiền của Bắc Kinh thì có hạn ».

    Điểm cuối cùng Isabelle Feng nêu bật là Bắc Kinh lần lượt « cấm cửa » những người từ nước ngoài truy cập vào các trang mạng của Trung Quốc tìm kiếm thông tin về kinh tế, tài chính nước này. Các công ty thẩm định tài chính quốc tế hoạt động tại Hoa Lục rồi đây cũng sẽ khó mà chuyển các thông tin thu thập được tại chỗ về các công ty mẹ ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Quy định mới này có hiệu lực từ tháng 7/2022. Trước đó, « luật an ninh và bảo vệ các dữ liệu » được ban hành năm 2021 đã hạn chế đáng kể các quyền tự do thông tin tại quốc gia Cộng sản này.

  • Kết thúc hai ngày họp 07 và 08//12/2023 tại Bắc Kinh với lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc « không nhượng bộ gì nhiều » trước những đòi hỏi của Bruxelles về một cán cân thương mại « cân đối hơn », về cam kết « ngưng trợ giá hàng xuất khẩu », « tạo sân chơi bình đẳng giữa các nhà sản xuất của Trung Quốc và châu Âu ».

    Đáp lại những đòi hỏi này, trong cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh, đại diện của bộ Ngoại Giao Trung Quốc về hồ sơ châu Âu, Vương Lỗ Đồng (Wang Lutong), tuyên bố ngắn gọn : « Trung Quốc không chịu trách nhiệm về thâm hụt mâu dịch của châu Âu (…), nhưng hoàn toàn sẵn sàng mua vào nhiều hơn công nghệ cao cấp nhất của châu lục này ».

    Vào lúc kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, một số nhà quan sát từng xem thượng đỉnh lần thứ 24 là cơ hội tốt để chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen mặc cả và thậm chí đặt điều kiện với chủ tịch Tập Cận Bình trên một số điểm.

    Bruxelles từ 2019 đã xem Trung Quốc là một « đối thủ mang tính hệ thống ». Sau đại dịch Covid 2020-2022 và chiến tranh Ukraina mà trong đó Bắc Kinh là điểm tựa của Nga, đến mùa xuân 2023 Liên Âu chủ trương « De-risking », tức là giảm mức độ lệ thuộc vào một đối tác quá lớn như Trung Quốc. Trong hơn 5 năm liền, Liên Âu theo đuổi mục tiêu « tự chủ công nghiệp », mà chủ yếu là để đối phó với sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc.

    Thâm hụt mậu dịch 400 tỷ euro

    Trước ngần ấy nỗ lực để bớt bị chi phối bởi một đối tác thương mại quá lớn, trước ngày thượng đỉnh Bắc Kinh khai mạc, Liên Âu bị một gáo nước lạnh : thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc trong năm 2022 « đạt kỷ lục », gần 400 tỷ euro. So với thời điểm trước Covid, hồi 2019, mức nhập siêu này của 27 nước Liên Hiệp Châu Âu đã « tăng gấp đôi ».

    Trả lời trên đài truyền hình Pháp-Đức Arte, nhà kinh tế Françoise Nicolas, Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI tại Paris, phân tích về những lý do khiến thâm hụt thương mại của châu Âu với Trung Quốc « đột ngột tăng mạnh » :

    « Có nhiều lý do giải thích cho mức nhập siêu nghiêm trọng của Liên Hiệp Châu Âu với Trung Quốc. Một phần là do hàng Trung Quốc có sức cạnh tranh cao, tức là hàng rẻ và châu Âu đọ không lại. Do vậy có thể nói một phần thâm hụt thương mại với Trung Quốc là hiển nhiên và đó là chuyện bình thường dễ hiểu mà chúng ta phải chấp nhận. Để đảo ngược thế cờ, bắt buộc Liêu Âu phải tăng khả năng cạnh tranh và cải thiện năng suất. Điểm không bình thường và cũng là điều cần lưu ý ở đây trong quan hệ thương mại với Bắc Kinh là xuất khẩu của Trung Quốc được chính phủ giúp đỡ. Các doanh nghiệp nước này được trợ cấp của Nhà nước. Đây là một sự cạnh tranh bất bình đẳng ».

    Lỗi tại chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc

    Thâm hụt của Liên Âu với Trung Quốc năm 2019 là 180 tỷ euro, và đã bị đẩy lên đến gần 400 tỷ. Giám đốc trung tâm nghiên cứu Á châu Asia Centre, trụ sở tại Bangkok, Jean François di Meglio giải thích với đài truyền hình France24 đà gia tăng « đột ngột » này do tác động kép từ Covid và các chương trình chuyển giao công nghệ của phương Tây cho Trung Quốc gây nên.

    « 2020-2021 là những năm Covid hoành hành, Liên Hiệp Châu Âu không thể bán hay giao máy bay Airbus cho Trung Quốc như mong đợi, trong lúc đây là một cột trụ trong quan hệ thương mại song phương. Điều này cũng đáng lo ngại, vì chúng ta thấy là trong tương lai, máy bay C919 của Trung Quốc sẽ trực tiếp cạnh tranh với Airbus. Nhờ có chuyển giao công nghệ từ Airbus mà Trung Quốc đang vươn lên trong ngành sản xuất máy bay. Thành thử chuyển giao công nghệ cũng là một yếu tố góp phần làm suy yếu Liên Âu trong quan hệ với Trung Quốc ».

    Liên Âu và chiến thuật hù dọa

    Bị choáng váng vì nhập siêu tăng gấp đôi trong hai năm, trước khi lên đường đến Bắc Kinh, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tuyên bố Bruxelles « không chấp nhận để giao thương hai chiều bất cân đối như vậy kéo dài ». Liên Hiệp Châu Âu gián tiếp cảnh cáo có thể tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng Trung Quốc bán sang châu Âu, hay như Hoa Kỳ, khối 27 thành viên châu Âu cũng sẽ « hạn chế xuất khẩu sang Hoa Lục một số mặt hàng nhạy cảm, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và công nghệ cao ». Dường như Trung Quốc không mấy « lo sợ » trước những lời hù dọa đó.

    Trái lại, giới quan sát ngạc nhiên là tại Bắc Kinh, chính bà Ursula von der Leyen đã « mềm mỏng hơn » trong đối thoại với các lãnh đạo Trung Quốc, từ chủ tịch Tập Cận Bình đến thủ tướng Lý Cường và khẳng định bà « hài lòng » vì Trung Quốc nhìn nhận « trao đổi mậu dịch song phương cần phải được cân bằng ».

    Thái độ « mềm mỏng » được giải thích phần nào do Bắc Kinh dọa và đã bắt đầu giới hạn xuất khẩu một số kim loại hiếm, chìa khóa của « chuyển đổi năng lượng xanh » và công nghệ mới của phương Tây.

    « Lời nói suông » : Bắc Kinh bổn cũ soạn lại

    Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình trong cuộc trao đổi với các lãnh đạo châu Âu cũng đã gián tiếp cảnh cáo rằng « đôi bên không nên xem nhau như những đối thủ vì những khác biệt trong hệ thống, cần tránh giảm hợp tác vì có cạnh tranh, không nên lao vào một cuộc đối đầu vì những bất đồng ».

    Giới phân tích đồng loạt ghi nhận, đó chỉ là « một lời nói suông » và « trống rỗng ». Françoise Nicolas, giám đốc nghiên cứu đặc trách khu vực Châu Á-Ấn Độ-Thái Bình Dương của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp nhắc lại lập trường cố hữu của Trung Quốc: đạt đến một mối bang giao « có lợi cho cả đôi bên », nhưng hiểu thế nào về khẩu hiệu đó lại là chuyện khác. Bà chờ đợi « quan hệ Liên Âu-Trung Quốc sẽ không thay đổi hay sẽ được cải thiện » trong tương lai.

    Nhà nghiên cứu Elvire Fabry thuộc viện Jacques Delors trên đài truyền hình France24 nêu lên một yếu tố khác : kinh tế Trung Quốc đang đình đốn, cỗ máy sản xuất và xuất khẩu này lại càng cần đến những thị trường tiêu thụ khác. Liên Âu và Mỹ hiện là những nơi « có sức mua hàng Trung Quốc mạnh nhất », hơn hẳn Nga hay các nước đang trỗi dậy.

    Khoảng cách kỹ thuật và công nghệ mới đang bị thu hẹp

    Cùng lúc thì Trung Quốc giờ đây không chỉ xuất khẩu sang châu Âu máy giặt, tivi, hay máy sấy tóc … mà đã lao vào những thị trường cao cấp. Trung Quốc vừa khánh thành đường xe lửa cao tốc tại Bồ Đào Nha. Ngoài ra Trung Quốc đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực như pin mặt trời, và nhất là ô tô điện … Do vậy, càng lúc càng khó để Liên Hiệp Châu Âu « lấy lại cân bằng » trong cán cân thương mại với Trung Quốc.

    Điều này giải thích vì sao vào tháng 9/2023, Liên Âu đòi mở điều tra về chính sách trợ giá của Trung Quốc cho ô tô điện. Trung Quốc đã chinh phục thị trường thế giới, xuát khẩu hơn một nửa triệu ô tô điện trong sáu tháng đầu 2023. Con số này « tăng 130 % so với cùng thời kỳ năm ngoái ». Xe của Trung Quốc lại quá rẻ so với của châu Âu.

    Sau kinh nghiệm về « pin mặt trời Trung Quốc », Bruxelles sợ rằng 26 hãng xe Trung Quốc sẽ « bóp chết những đại gia trong ngành công nghiệp xe hơi lâu đời của châu Âu ». Các hãng xe Trung Quốc mơ ước « bán xe made in China trên thị trường của Đức ». Thực tế không thể phủ nhận là hiện tại Trung Quốc đang dẫn đầu nền công nghiệp ô tô điện thế giới. Tesla của Mỹ quá đắt và quá hiếm để có thể cạnh tranh với những chiếc BYD, Nio hay Xpeng của Trung Quốc. Cũng các hãng của Trung Quốc đang nắm giữ chìa khóa của ngành sản xuất bình điện.

    Quá thành công trong mục đích chinh phục thị trường thế giới

    Thế nhưng, theo giáo sư Grosser, việc Liên Âu mở điều tra xem xe điện của Trung Quốc bán vào châu Âu có được trợ giá hay không chẳng lợi ích gì nhiều, vì trên thực tế các cập đoàn xe hơi của châu Âu, mà đứng đầu là Đức, cũng được các chính phủ trợ giúp rất nhiều. Thế còn nhìn từ phía Bắc Kinh, hai chữ « trợ giá » không có ý nghĩa gì nhiều, như giải thích của Jean François di Meglio: Trung Quốc chi tiền cho các tập đoàn nhà nước và doanh nghiệp với dụng ý chinh phục thị trường quốc tế ngoài Hoa Lục

    « Lực đẩy chính của một nền kinh tế tự do là khi một đồng vốn bỏ ra chúng ta phải thu về được bao nhiêu lãi. Đối với Trung Quốc trong một thời gian dài, các doanh nghiệp không phải lo huy động vốn, vốn để sản xuất coi như được cho không bởi vì do Nhà nước cung cấp. Các công ty quốc doanh không bắt buộc phải làm ăn có lời. Chỉ cần những công ty đó chinh phục được thêm thị phần ở hải ngoại là đủ. Nếu nhìn vấn đề dưới góc độ này thì phải nói Trung Quốc đã quá thành công, tức là chi tiền ra để thu phục thị trường quốc tế ».

    Vỡ mộng với Trung Quốc

    Song trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị phức tạp hiện tại, Trung Quốc cần đến Liên Âu. Điều này giải thích cho một số cử chỉ hòa hoãn của Bắc Kinh trước thượng đỉnh song phương. Chẳng hạn như Trung Quốc miễn visa nhập cảnh cho công dân 5 nước trong Liên Hiệp Châu Âu, hay nới lỏng các biện pháp hà hiếp Litva bởi Vilnius bênh vực Đài Loan…. Có điều Liên Hiệp Châu Âu nay « không còn ngây thơ » trước những lời đường mật của Bắc Kinh

    Giáo sư Grosser, trường Khoa học Chính Trị Paris, phân tích :

    « Đúng là đã có lúc Liên Âu ngây thơ, nhưng phải nói là vào thời điểm 2008/2009, khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động mạnh đến nhiều quốc gia tại châu lục này và nhất là đến đầu thập niên 2010, nên nhiều thành viên của Liên Hiệp Châu Âu đã cả tin vào Trung Quốc. Chủ yếu là các nước Nam Âu và Đông Âu. Hơn một chục năm sau, chính những nước này thất vọng khi thấy thành quả không nhiều, điển hình là Hy Lạp với các dự án đầu tư khai thác cảng biển… Uy tín của Trung Quốc đối với công luận châu Âu giảm dần từ một vài năm trở lại đây. Để rồi các nước vùng Baltic chẳng hạn bắt đầu lên tiếng ủng hộ Đài Loan và nhiều thành viên khác trong Liên Âu thì thận trọng hơn với Bắc Kinh. Hợp tác giữa Trung Quốc với 17 nước ở Trung và Đông Âu, nhóm mang tên 17+1, không đem lại những thành quả như mong đợi ».

    Tuy nhiên, trước mắt, Trung Quốc hài lòng với một cán cân thương mại « bất cân đối » và bất lợi cho châu Âu. Như giám đốc Asie Centre, ông Di Meglio nhận định, trong mọi trường hợp Liên Hiệp Châu Âu vẫn ở thế yếu khi đối thoại với Bắc Kinh.

  • Nhiều người vẫn kỳ vọng COP28 là hội nghị khí hậu quốc tế đầu tiên bàn về « tương lai năng lượng hóa thạch ». Trong năm 2022-2023, các đại tập đoàn dầu khí trên thế giới tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ đô la để được khai thác « vàng đen » tại hơn 50 quốc gia. Venezuela muốn chiếm đoạt vùng Essequibo của Guyana bởi đây là một mỏ dầu nhiều tiềm năng và Guyana có thể trở thành một Koweit ở Nam Mỹ.

    Tháng 11/2023 Reclaim Finance, một tổ chức phi chính phủ chuyên quan sát về tác động của các hoạt động tài chính đối với môi trường và nhất là đời sống của con người - trụ sở tại Paris, ghi nhận vẫn không thiếu các dự án mới khai thác dầu khí trên thế giới.

    Trong hai năm trở lại đây, tại 58 quốc gia, 200 tập đoàn tư nhân và của nhà nước đã khởi động 437 dự án đầu tư trong ngành dầu khí. Tổng đầu tư lên tới 528 tỷ đô la chỉ riêng cho các khâu « khai thác và sản xuất ». Điểm đến của số tiền khổng lồ đó tập trung vào Qatar, Ả Rập Xê Út, Brazil, Mỹ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Riêng nước Nga, không nhận được nhiều đầu tư như các đối tác vừa nêu nhưng lại là nơi chiếm được nhiều dự án hơn cả, đứng trước Na Uy.

    Ai tài trợ cho 437 dự án đầu tư mới vừa nêu ? Theo Reclaim Finance, tập đoàn quốc gia Ả Rập Xê Út Aramco dẫn đầu, kế tời là ExxonMobil của Mỹ. Đứng thứ ba là Petrobras của Brazil.

    Cũng trong giai đoạn 2022-2023 do tác động của lạm phát đè nặng lên tăng trưởng của Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden, người từng đắc cử nhờ cam kết sẽ « không có thêm một giếng dầu nào khác trên đất Mỹ », đã cho phép tập đoàn ConocoPhillips khởi động một dự án « khổng lồ » tại Alaska. Tập đoàn dầu khí của Anh BP được phép thăm dò và khai thác ngoài khơi vùng Newfoundland của Canada mặc dù đấy là một vùng biển thuộc bảo tồn.

    Tại Luân Đôn, thủ tướng Anh Rishi Sunak tháng 7/2023 cấp giấy phép cho ít nhất 100 dự án ở Biển Bắc. Pháp cũng đang lao vào cuộc săn lùng dầu hỏa : tháng trước, tập đoàn Canada Vermilion vừa được phép khoan thêm 8 giếng dầu ở vùng Gironde, miền tây nam nước Pháp. Paris, từ 2017 đã thông qua một đạo luận dự trừ ngừng sản xuất dầu hỏa và khí đốt kể từ năm 2040.

    Nước Nga của tổng thống Vladimir Putin hoàn toàn không có lý do gì để ngừng lại các dự án bạc tỷ với các đối tác Trung Quốc và kể cả châu Âu -bất chấp lệnh trừng phạt phương Tây ban hành từ khi Matxcơva xâm chiếm Ukraina. Các vương quốc dầu hỏa ở Trung Đông, các nhà sản xuất ở châu Phi vẫn tiếp tục đầu tư vào công nghiệp dầu khí.

    Vương quốc dầu mỏ của Nam Mỹ và nguy cơ xung đột vũ trang

    Không ồn ào như đại đa số các nhà sản xuất hay các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa lâu đời của thế giới, tại Nam Mỹ, hai nước nhỏ là Surinam và Guyana sắp nổi lên như những « mỏ dầu » của thế giới. Tập đoàn dầu khí Pháp, TotalEnergies dự kiến dầu tư 9 tỷ đô la thăm dò lô 58 ngoài khơi Surinam với tiềm năng 200.000 thùng dầu/ngày.

    Từng là thuộc địa cũ của Hà Lan, với chừng 600.000 dân cư và là một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực, Surinam kỳ vọng nhiều vào các nguồn tài nguyên ngoài khơi và đang mở rộng cửa đón tác tập đoàn của Mỹ, Trung Quốc và của châu Âu.

    Về phần Guyana, quốc gia duy nhất thuộc Khối Thịnh Vượng Chung của Anh Quốc ở Nam Mỹ trong hai năm vừa qua, GDP đã được nhân lên gấp 3 lần nhờ có dầu hỏa. Viễn cảnh dầu hỏa của Guyana bảo đảm 1 % nhu cầu tiên thụ cho toàn thế giới vào ngưỡng 2025 đã làm dấy lên lòng tham của Venezuela sát cạnh. Guyana có đường biên giới chung với Brazil, Surinam và Venezuela cũng chính con sông Essequibo được coi là đường biên giới tự nhiên giữa thuộc địa cũ của Anh Quốc với một mỏ dầu của thế giới tại Mỹ Latinh là Venezuela.

    Vào lúc Caracas không phát huy được ngành công nghiệp dầu khí để phát triển thì trong vỏn vẹn 2 năm, GDP của Guyana được nhân lên gấp ba lần nhờ phát hiện những mỏ dầu ở ngoài khơi với trữ lượng ước tính tương đương với của Koweit hay của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, nguồn sản xuất dầu hỏa lớn thứ 7 hiện nay trên thế giới.

    Ngày 03/12/2023 Caracas tổ chức trưng cầu dân ý khẳng định chủ quyền với vùng Essequibo, trải rộng trên 160.000 km vuông, tương đương với 2/3 lãnh thổ của Guyana. Hơn 95 % những người được hỏi xem Essequibo thuộc về Venezuela. Kết quả đó làm dấy lên lo ngại Caracas viện cớ để lấn chiếm Guyana, tước đoạt các nguồn tài nguyên tại Essequibo.

    Đây là một vùng đất với nhiều mỏ vàng, mỏ kim cường, đồng hay beauxite…. và dầu hỏa.

    Đầu tháng 11/2023 Chevron chi ra 53 tỷ đô la mua lại Hess, cũng một tập đoàn năng lượng của Hoa Kỳ để được quyền đồng quản lý các mỏ dầu ở Guyana, bởi đây là những mỏ « vàng đen dễ khai thác ». Theo tạp chí kinh tế Capital Economics, ngay cả trong trường hợp giá dầu dao động từ 25 đến 35 đô la một thùng, Chevron cũng đã có lãi.

    Trên nguyên tắc trong hai năm nữa, sản xuất dầu thô của Guyana sẽ cao hơn so với của Anh Quốc hiện nay và kể cả của Venezuela. Đương nhiên trong những điều kiện đó chính quyền Guyana đang đàm phán lại các hợp đồng với các đại tập đoàn của Mỹ và cả với CNOOC của Trung Quốc.

    Vấn đề gây lo ngại ở đây như giới trong ngành ghi nhận là lòng tham của Caracas, mà ai cũng biết, hai điểm tựa truyền thống của Venezuela là Trung Quốc và Nga. Bắc Kinh là chủ nợ lớn nhất của chế độ Maduro và thậm chí Venezuela thanh toán trực tiếp cho chủ nợ bằng dầu hỏa. Còn Matxcơva là nguồn cung cấp đến 75 % vũ khí cho Caracas và các hãng dầu của Nga có ảnh hưởng rất lớn tại quốc gia châu Mỹ Latinh này.

    Lợi nhuận và sức khỏe con người

    Trong cuộc chạy đua săn lùng dầu hỏa đó làm thế nào để các nhà khoa học thuyết phục được gần 200 phái đoàn tham dự hội nghị khí hậu COP28 ở Dubai từ bỏ năng lượng hóa thạch ?

    Một nghiên cứu được tạp chí khoa học British Medical Journal công bố trước ngày COP28 khai mạc, năng lượng hóa thạch là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 5 triệu người trên thế giới. Tất cả là nạn nhân của hiện tượng ô nhiễm không khí, bụi và do tác hại của khí ozone.

    Trong cương vị chủ nhà COP28 Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất dự trù đầu tư thêm 150 tỷ đô la từ nay đến 2027 để nâng cao« khả năng cung cấp về dầu khí » quốc gia.

    Một tín hiệu đáng lo ngại khác được các tổ chức bảo vệ môi trường và sức khỏe con người như Reclaim Finance báo động là « ngay cả các tập đoàn năng lượng chủ yếu là của châu Âu như Shell, BP hay TotalEnergies đang thu hẹp lại những mục tiêu chống biến đổi khí hậu và những tham vọng phát triển năng lượng sạch ». Tập đoàn Ý ENI mua lại Neptune Energy của Na Uy để tiếp tục đầu tư ở Bắc Âu. TotalEnergies của Pháp không che giấu là sẽ tiếp tục đầu tư vào những giếng dầu mới, tối thiểu là đến ngưỡng 2030. Điều đó không cấm cản lãnh đạo TotalEnergies thông báo những tham vọng và nỗ lực làm sạch môi trường.

    Chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn dầu hỏa Pháp Patrick Pouyanné phát biểu nhân một hội nghị quốc tế : « Chúng tôi sẽ đầu tư 40 tỷ đô la trong sáu năm sắp tới để đẩy mạnh năng lượng sạch, để giảm bớt lượng phát khi thải carbon trong các hoạt động của tập đoàn TotalEnergies. 40 tỷ đô la đó tương đương với từ 40 đến 50 % tổng đầu tư của tập đoàn với mục tiêu phát huy những công nghệ mới, cắt giảm CO2 và đóng góp cho một mô hình năng lượng mới ».

    Giáo sư đại học Paris Dauphine, chuyên về dầu khí Philippe Chalmin lưu ý trong một bảng xếp hạng gần đây về thiện chí của các hãng dầu khí hạn chế phát thải carbon, ENI của Ý đứng đầu, kế tới là TotalEnergies.

    Trái lại từ COP21 ở Paris đến nay chưa bao giờ các đại tập đoàn của Mỹ cam kết về bất kỳ điều gì về một chiến lược chuyển đổi năng lượng. Cũng giáo sư Chalmin nhắc lại rằng, sở dĩ mà các hãng dầu khí tiếp tục đầu tư vào các dự án mới, bởi nhu cầu của thế giới còn tiếp tục tăng thêm :

    « Theo tôi Trung Quốc đang đặt ra nhiều vấn đề hơn rất nhiều so với các nước sản xuất dầu hỏa. Nói một cách thực công bằng, thì sở dĩ mà các nước sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa tiếp tục khai thác công nghiệp này là do nhu cầu của thế giới vẫn còn tiếp tục tăng thêm. Năm tới, mỗi ngày trung bình thế giới cần thiêu thụ khoảng từ 1,5 đến 2 triệu thùng dầu ».

    Trong báo cáo giữa tháng 11/2023 Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế AIE dự phóng nhu cầu tiêu thụ vào năm tới trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng mạnh và có thể là sẽ « phá kỷ lục ». Chỉ riêng trong tháng 9 vừa qua, Trung Quốc tiêu thụ hơn 17 triệu thùng dầu/ngày. Phải đợi đến khoảng 2030 nhu cầu chung của nhân loại mới tăng chậm lại.

    Marc Antoine Eyl Mazzega đặc trách về khoa năng lượng tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI giải thích về thách thức rất lớn đặt ra cho các nền kinh tế đang phát triển và đây không phải là lúc để những nước như Ấn Độ hay Brazil, Trung Quốc chấp nhận giảm tiêu thụ về năng lượng. Những quốc gia này vẫn nghiện dầu hỏa :

    « Tiêu thụ dầu hỏa tại các nước phương Tây giàu có, có chiều hướng giảm đi, tuy là giảm chậm hơn nhiều so với mong đợi từ phía các nhà khoa học. Vấn đề đặt ra là ở những nơi khác trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa đã tăng rất mạnh. Đành là có những giải pháp khác nhưng tất cả đều quá đắt và ngoài tầm tay của các nền kinh tế đang phát triển. Tăng trưởng về dân số đòi hỏi tăng trưởng kinh tế phải đi theo và đây là một áp lực vô cùng to lớn đối với những nền kinh tế đang trỗi dậy. Tôi muốn nói đến trường hợp của Ấn Độ, của nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á… Trong hoàn cảnh đó, dầu hỏa vẫn chiếm một vị trí trung tâm chi dù chúng ta đã bắt đầu nói đến đỉnh điểm vào khoảng 2030, kể từ đó tiêu thụ dầu trên thế giới sẽ bắt đầu tăng chậm lại trước khi sụt giảm ».

    Khó để phủ nhận những kết quả nghiên cứu khoa học báo động về nguy cơ năng lượng hóa thạch đè nặng lên sức khỏe con người. Khó để bác bỏ những kết luận dầu hỏa, khí đốt và than đá thải 80 % carbon là hâm nóng trái đất. Chấp nhận những kết quả nghiên cứu đó là một chuyện, nhưng từ bỏ năng lượng hóa thạch để đi tìm những « giải pháp thay thế » là một chuyện khác.

    Trước khi COP28 hạ màn, Ả Rập Xê Út, hôm 05/12/2023 báo trước sẽ « tuyệt đối » chống lại việc khai tử năng lượng hóa thạch. Lập trường này được Nga và Trung Quốc tán đồng.

  • Javier Milei đắc cử vẻ vang tại Achentina nhờ hứa hẹn khai tử đồng tiền quốc gia -đồng peso và thay vào đó bằng đô la Mỹ : Liều thuốc đắng hòng mưu cầu ổn định cho nền kinh tế lớn thứ ba tại châu Mỹ Latinh. Bài toán này có sức khả thi hay không khi mà Buenos Aires từ tháng 4/2023 đã từng bước từ bỏ đô la để thanh toán nợ và các bạn hàng bằng nhân dân tệ của Trung Quốc ?

    Vài ngày trước bầu cử Achentina, tổng thống mãn nhiệm Alberto Fernandez loan báo triển hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc, tổng trị giá 6,5 tỷ đô la. Thỏa thuận này cho phép « bảo đảm khả năng thanh toán » của Buenos Aires, vào lúc tỉ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia -peso trồi sụt thất thường, lạm phát lên tới 140%.

    Hôm 20/11/2023, trên 55% cử tri tín nhiệm, Javier Milei một chuyên gia kinh tế, 53 tuổi được bầu lên nhờ những cam kết đoạn tuyệt với di sản cồng kềnh của những đời tổng thống tiền nhiệm, « đập đổ tất cả để xây dựng lại từ đầu », « không chơi với các chế độ Cộng Sản » như Trung Quốc hay « thiên Cộng » như Brazil, cả hai cùng là những đối tác thương mại hàng đầu của Achentina. Đáng chú ý hơn cả là hứa hẹn dùng đô la Mỹ thay cho đồng tiền quốc gia.

    Dẹp bỏ đồng peso để cột chặt đồng tiền Achentina vào với đô la Mỹ có giúp Buenos Aires bài trừ tận gốc rễ tình trạng lạm phát « phi mã » triền miên hay không ? Đâu là những trở ngại cụ thể trên con đường của ông Milei để đạt đến mục tiêu đó hòng « ổn định » một cỗ máy kinh tế với gần 500 tỷ đô la Mỹ GDP này và đâu là cái giá mà dân 46 triệu dân Achentina sẽ phải gánh chịu ?

    Trước Achentina ba nước ở châu Mỹ Latinh đã từ bỏ đồng nội tệ để sử dụng đô la Hoa Kỳ với những kết quả được cho là khá « thành công ». Đó là trường hợp của ba nền kinh tế tương đối nhỏ, Panama, Ecuador và Salvador.

    Đô la hóa kinh tế Achentina

    Ngày 10/12/2023 Javier Milei tuyên thệ nhậm chức trong bối cảnh 40% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó, vật giá « leo thang từng ngày », lạm phát dao động ở ngưỡng 140%, đồng tiền quốc gia peso liên tục bị phá giá và không còn một chút uy tín nào đối với cả người dân trong nước lẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Với 114 tỷ đô la nợ nước ngoài, chủ yếu là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Achentina là nền kinh tế đang trỗi dậy mang nợ nhiều nhất trên thế giới.

    Trong những điều kiện đó, Javier Milei chủ trương đã được bầu lên chức vụ tối cao với hứa hẹn áp dụng một « liệu pháp sốc » « tái thiết » Achentina tìm lại hào quang đã mất cho Buenos Aires. Chiếc đũa thần cho phép mang lại phép lạ đó là « đồng đô la Mỹ ».

    Trên đài RFI tiếng Pháp, giáo sư kinh tế Juan Carluccio đại học Surrey – miền nam Anh Quốc - trước hết giải thích tổng thống tân cử Achentina muốn dùng đồng đô la để khống chế lạm phát trước hết là một ý đồ chính trị :

    « Ý tưởng của ông Javier Milei là khi mà Achentina dùng đồng đô la thì các chính trị gia sẽ không còn có thể tùy tiện in tiền, không thể tài trợ một cách bừa bãi cho các chương trình công cộng. Qua đó dẹp được lạm phát. Điều đó chỉ đúng một phần, bởi vì chúng ta có thể giải quyết lạm phát bằng những cách khác mà không nhất thiết phải khai tử đồng peso».

    Nhưng tính toán đó chỉ đúng có một phần như giáo sư Carluccio vừa ghi nhận khi mà mức « cung » không đáp ứng được với nhu cầu của người dân và nhất là các chính phủ liên tiếp « tùy tiện in tiền » để tài trợ các chương trình xã hội, hay đầu tư công cộng. Riêng trong trường hợp của Achentina vấn đề đặt ra là lạm phát đã kéo dài gần một nửa thế kỷ và chủ yếu xuất phát từ hai yếu tố.

    Giáo sư Carluccio : « Lạm phát do khối lượng đồng peso của Achentina lưu hành quá lớn, bởi vì chính phủ tùy tiện in tiền để đài thọ các chương trình chi tiêu công cộng. Trong khi đó thì cỗ máy sản xuất, hàng hóa ở Achentina lại không tăng lên. Thế rồi từ mấy chục năm nay người dân thường xuyên phải đối mặt với lạm phát cho nên chỉ cần một chút biến động là cũng đủ khiến dân chúng đua nhau tích trữ hàng hóa, lương thực … vật giá qua đó lại bị đẩy lên cao ».

    Hiệu quả và tính khả thi ?

    Vậy dùng đô la thay cho peso có phải là liệu pháp tốt nhất để khống chế lạm phát và nhất là đem lại ổn định cho kinh tế nước này hay không ? Giới chuyên gia đồng loạt trả lời không vì nhiều lý do.

    Thứ nhất lạm phát tại Achentina từ đầu năm đến nay liên tục vượt ngưỡng 100% và thậm chí có thể đụng ngưỡng 180 -190% từ nay đến 2023. Cùng lúc Buenos Aires đang mang nợ chồng chất, ngân sách nhà nước thâm hụt và toàn bộ gánh nặng đè lên Ngân Hàng Trung Ương, bởi chính phủ không còn chút uy tín nào để có thể đi vay trên thị trường. Kinh tế đình đốn - IMF dự báo GDP giảm 3,5% trong năm 2023 - làm cạn nguồn thuế doanh nghiệp và tư nhân, thuế TVA trong công quỹ nhà nước. Giải pháp còn lại để tránh phải tuyên bố phá sản là Achentina vừa phải in tiền, vừa phải cầu viện thêm các chủ nợ nước ngoài, như là Trung Quốc hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.

    Lạm phát qua đó tiếp tục tăng thêm, đồng nội tệ peso tiếp tục bị phá giá.

    Kinh tế gia Roberta Fortes, thuộc hãng bảo hiểm của Pháp Allianz ghi nhận : dùng đô la thay đồng peso sẽ « chỉ tước đi thẩm quyền của chính phủ để tài trợ thâm hụt ngân sách nhưng sẽ không làm hạ nhiệt tình hình giá cả trên thị trường » nhất là khi mà lạm phát ở Achentina do năng lượng, nguyên và nhiên liệu tăng cao và ngoài nông phẩm thì Achentina không có gì nhiều để xuất khẩu.

    Giáo sư Carluccio đại học Surrey, Anh Quốc giải thích rõ hơn :

    « Thực ra như tất cả mọi quốc gia Achentina có hai cách để thu vào đồng đô la : một là xuất khẩu hàng hóa cho thế giới. Hóa đơn thanh toán bằng đô la và đồng tiền Mỹ sẽ được giữ ở Ngân Hàng Trung Ương. Dự trữ bằng đô la càng lớn, thì kinh tế và tài chính của Achentina càng được ổn định. Khả năng thứ hai để thu vào đô la là Achentina phải là điểm đầu tư hấp dẫn để thu hút chú ý của giới tư bản quốc tế. Nhưng từ nhiều năm qua kinh tế đình đốn, lạm phát phi mã. Không mấy ai dám mạo hiểm bỏ vốn đầu tư vào Achentina ».

    Theo giáo sư Carlos Quenan, đại học Paris Sorbonne Nouvelle nêu lên một khó khăn khác : dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương gần như không có. Hơn nữa một khi sử dụng đô la, chính phủ Achentina cũng sẽ « phải tuân thủ của chính sách tiền tệ Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ » mà trong hiện tại thì « chu kỳ kinh tế của Achentina không đồng điệu với của nước Mỹ » : Vậy làm thế nào để tính tới khả năng « đem lại ổn định hóa » cho kinh tế Achentina ?

    Dân chúng sẽ lại phải hy sinh thêm

    Trên đài truyền hình France24 kinh tế gia Alexandre Kateb sáng lập viên trung tâm tư vấn The Multipolarity Report, nhấn mạnh đến tác động ngắn hạn đối với hàng triệu người dân Achentina khi mà đồng peso càng mất giá so với đô la :

    « Từ bỏ đồng tiền quốc gia không bao giờ là một ý tưởng hay cả, bởi vì qua đó người ta mất đi quyền tự chủ về mặt tiền tệ, kinh tế. Hơn nữa gắn chặt kinh tế Achentina vào với đồng đô la Mỹ, mà Hoa Kỳ là một nền kinh tế rất mạnh, thì đòi hỏi Achentina cũng phải có những nền tảng vững chắc. Hiện thời đó là điều không tưởng. Do vậy, bỏ peso để dùng đô la, không mang lại lợi lộc gì cho Achentina - có chăng là chỉ riêng đối với một số nhà xuất khẩu nguyên liệu bởi vì dùng đô la thì họ không bị động vì những biến đổi của tỷ giá hối đoái giữa đô la và peso. Nhưng trong ngắn hạn cả tầng lớp trung lưu tại Achentina sẽ bị nghèo đi khi phải chuyển sang dùng đô la bởi vì đồng peso trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ còn bị phá giá mạnh hơn nữa ».

    Một đồng peso mất giá thêm nữa sẽ càng là một gánh nặng khi cần Achentina phải thanh toán hóa đơn bằng đô la Mỹ cho các nhà cung cấp dầu khí, nguyên và nhiên liệu… đó cũng là một kênh dẫn đến lạm phát tại quốc gia châu Mỹ Latinh này.

    Achentina trước bài toán khó Nhân dân tệ Trung Quốc và đô la Mỹ

    Đành rằng giới quan sát đồng loạt chí trích chủ trương thay thế nội tệ bằng đô la Mỹ, song một thực tế không thể chối cãi là dân Achentina từ thập niên 1930/40 đã rất « gắn bó » với đô la. Theo thẩm đỉnh gần đây nhất của nhà kinh tế học Nicolas Gadano, 20% đô la Mỹ ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ do người dân Achentina nắm giữ.

    Cuối cùng kế hoạch « đô la hóa » kinh tế Achentina của ông Javier Milei đang đặt ra một vấn đề lớn về thương mại với nhà cung cấp quan trọng nhất của Buenos Aires là Trung Quốc.

    Tổng thống tân cử Achentina cho biết sẽ hủy quyết định của người tiền nhiệm về việc gia nhập khối các nền kinh tế đang trỗi dậy, hiện bao gồm 5 thành viên là Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi. Trên nguyên tắc kể từ ngày 01/01/2024 Achentina là một trong 6 thành viên mới trong đại gia đình này.

    Javier Milei với chủ trương gắn chặt kinh tế Achentina vào đồng đô la Mỹ cũng là một vố đau đối với Bắc Kinh. Tháng 2/2022 để đánh dấu 50 năm quan hệ song phương, lãnh đạo Trung Quốc và Achentina ký thỏa thuận ghi nhớ, Buenos Aires là một thành viên mới trong số các quốc gia tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21, một sáng kiến của ông Tập Cận Bình. Lập tức Trung Quốc đầu tư gần 25 tỷ đô la vào Achentina. Đến tháng 4/2023 Buenos Aires rầm rộ tuyên bố sử dụng đồng tiền Trung Quốc thay thế một phần cho đô la trong các khoản giao dịch quốc tế, để giảm bớt lệ thuộc vào Mỹ và nhất là vào đồng tiền của Mỹ.

    Trong suốt thời gian vận động tranh cử ứng viên Milei đã thẳng thừng tuyên bố « không chơi với Cộng Sản » và lãnh đạo tương lai Achentina từng xem chính quyền Trung Quốc là một chế độ của những « kẻ sát nhân ». Ông cũng đã chỉ trích chính quyền của tổng thống Alberto Fernandez « lén lút » vay Trung Quốc 8 tỷ đô la, ký với Bắc Kinh tổng cộng « 9 hợp đồng mờ ám ».

    Một cộng tác viên đắc lực của ông Milei và cũng là người được cho là có triển vọng giữ chức ngoại trưởng Achentina trong vài tuần lễ nữa, bà Diana Mondino vào tuần trước đã xác nhận Buenos Aires « không có ý định tham gia khối BRICS » và dự trù « ngừng có những liên hệ » với hai chế độ ở Bắc Kinh và Brasilia.

    Có điều như giới phân tích ghi nhận, sau giai đoạn tranh cử, giờ đây ông Milei phải đối mặt với thực tế và rất có thể là ông không có nhiều lựa chọn.

    Buenos Aires đang cần gấp 3 tỷ đô la để thanh toán nợ đáo hạn trong năm 2024-2025, cần trả 44 tỷ đô la nợ đã vay của IMF từ 2018. Không chắc là tổng thống tân cử Javier Milei dám xóa bỏ những hợp đồng mà người tiền nhiệm đã ký với các đối tác Trung Quốc liên quan đến các dự án xây dựng nhà máy thủy điện, nhà máy điện hạt nhân, cầu đường, các trung tâm phát triển năng lượng gió … Đó là những dự án trên giấy tờ bảo đảm từ 2 đến 3 ngàn công việc làm cho người dân Achentina.

  • Mỹ-Trung đã đạt được nhiều « tiến bộ cụ thể » sau thượng đỉnh San Francisco, nhưng đấy chỉ là vỏ bọc bề ngoài. Nhà Trắng « bắt buộc phải cứng giọng với Bắc Kinh » để kiếm phiếu trước bầu cử 2024. Trung Quốc đấu dịu vì tăng trưởng còn phụ thuộc vào thị trường và công nghệ Mỹ. Bắc Kinh tiếp tục « mài gươm cho sắc » để chuẩn bị những bước tiếp theo. Giới chuyên gia đồng loạt nhận xét như trên sau cuộc họp giữa hai phái đoàn Mỹ-Trung hôm 15/11/2023.

    Woodside, gần thành phố San Francisco, bang California, vào tuần trước trở thành tâm điểm thời sự quốc tế với thượng đỉnh Joe Biden-Tập Cận Bình. Sau bốn giờ họp, đôi bên ra về với nhiều « tiến bộ cụ thể ». Tổng thống Biden nêu bật hai thành công lớn : một là Bắc Kinh đồng ý hợp tác chống « sản xuất và buôn ma túy tổng hợp », trong đó có Fentanyl, được gọi là « ma túy cho dân nghèo ». Năm 2022, hơn 100.000 công dân Mỹ tử vong vì sử dụng Fentanyl quá liều. Fentanyl tàn phá nhiều gia đình Mỹ, đè nặng lên xã hội và kinh tế Hoa Kỳ. Trung Quốc bị coi « công xưởng sản xuất Fentanyl của thế giới ». Do vậy, cam kết của ông Tập với tổng thống Biden về hồ sơ này giúp Nhà Trắng ghi điểm với công luận Mỹ.

    Thành quả thứ nhì đạt được sau thượng đỉnh San Francisco liên quan đến việc Mỹ và Trung Quốc đồng ý nối lại « đối thoại quân sự », vốn bị gián đoạn từ tháng 08/2022. Marc Julienne, Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI của Pháp, lưu ý, vào lúc các hoạt « dồn dập chung quanh Đài Loan và ở Biển Đông, rủi ro xảy ra sự cố, tai nạn, hiểu nhầm càng lớn », cho nên việc đối thoại trực tiếp để nhanh chóng làm hạ nhiệt tình hình khi cần là điểm hết sức quan trọng đối với cả Bắc Kinh lẫn Washington. Mọi yếu tố cho phép giảm thiểu rủi ro xảy ra xung đột vũ trang giữa hai siêu cường kinh tế và quân sự trên thế giới, góp phần trấn an các doanh nghiệp Mỹ và các đồng minh của Washington tại Châu Á-Thái Bình Dương.

    Đôi bên cùng đấu dịu

    Về phía Trung Quốc, trước khi chính thức ngồi vào bàn đàm phán với tổng thống Biden, các cố vấn của chủ tịch Tập Cận Bình đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị cuộc tiếp xúc của lãnh đạo Bắc Kinh với 400 công dân Hoa Kỳ, mà phần lớn là chủ nhân các tập đoàn hàng đầu như Tesla, Apple, Pfizer hay của các quỹ đầu tư lớn nhất nước Mỹ như BlackRock, BlackStone… Thêm một lý do khiến lãnh đạo Bắc Kinh hài lòng : chính quyền Biden dịu giọng trong chủ trương « tách rời » khỏi nền kinh tế Trung Quốc.

    Trên đài phát thanh Pháp France Culture, kinh tế gia Agathe Demarais, thuộc trung tâm nghiên cứu châu Âu về quan hệ quốc tế (European Council on Foreign Relations), ghi nhận :

    « Mỹ không còn đả động đến việc tách rời khỏi kinh tế Trung Quốc nữa mà chỉ nói đến việc cần giảm thiểu rủi ro, tức là giảm mức độ lệ thuộc vào quốc gia châu Á này. Một cách gián tiếp, Washington báo trước là sẽ không ban hành các biện pháp đè nặng lên tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng đồng thời Hoa Kỳ cũng thực sự quan ngại trước việc một số công nghệ của Mỹ giúp Bắc Kinh phát triển về mặt quân sự ».

    Một tuần lễ sau thượng đỉnh Mỹ-Trung 2023, vẫn chưa thấy chính quyền Biden thông báo ngừng hay nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu trang thiết bị nhậy cảm với Trung Quốc, trong lúc đây có thể là một trong những điểm quan trọng đối với chủ tịch họ Tập, theo quan điểm của chuyên gia Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp trong một chương trình phát thanh trên đài France Inter :

    « Theo tôi, ông Tập Cận Bình thực sự cần đạt được một chút gì đó với Mỹ, đặc biệt là trên vấn đề kinh tế chẳng hạn như là về việc mở cửa thị trường hay chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn. Những biện pháp trừng phạt Trung Quốc, được ban hành từ thời tổng thống Trump và tiếp tục được duy trì dưới chính quyền Biden, cho thấy một cách quá rõ rệt là tăng trưởng của Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận với công nghệ của Hoa Kỳ, vào thị trường các nước phát triển. Bắc Kinh có thể mở rộng ảnh hưởng với Nga, châu Phi hay Trung Âu nhưng tất cả những thị trường đó không thể lấp vào chỗ trống của Mỹ hay Liên Hiệp Châu Âu (...)

    Về chuyển giao công nghệ, Trung Quốc chưa thể tự chủ. Nhưng đương nhiên là Bắc Kinh cố gắng che đậy nhược điểm đó bằng những tuyên bố mang đầy tính tự hào dân tộc về khả năng phát triển những công nghệ của riêng mình để không phụ thuộc vào Mỹ … Nhưng thực tế cho thấy là mục tiêu đó còn xa vời ».

    Rối rắm trong nội bộ Trung Quốc

    Phải chăng điều này giải thích cho thái độ « mềm mỏng » hơn của lãnh đạo Trung Quốc tại thượng đỉnh San Francisco so với cuộc họp Biden-Tập Cận Bình ở Bali-Indonesia đúng một năm trước đây ? Cũng Marc Julienne, ghi nhận mùa thu 2023 ông Tập Cận Bình bắt tay Joe Biden vài tháng sau khi được chỉ định tiếp tục điều hành đất nước thêm một nhiệm kỳ 5 năm, công luận trong nước và quốc tế kỳ vọng nhiều vào đà bật dậy của kinh tế Trung Quốc sau 3 năm đóng cửa chống dịch. Nhưng một năm sau, « tình hình » nội bộ Trung Quốc có chiều hướng xấu đi : Ngay cả chính trị Trung Quốc cũng có những dấu hiệu bất an (ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc hai thành viên nặng ký từng được chính ông Tập Cận Bình tín nhiệm đã bị cách chức).

    Về kinh tế, khủng hoảng địa ốc lan rộng, thất nghiệp gia tăng trong lúc xuất khẩu bị đe dọa vì chiến tranh Ukraina và xung đột ở Trung-Cận Đông. Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, vốn là một trong cột trụ của mô hình tăng trưởng của Trung Quốc từ 4 thập niên qua, nay cũng đang bị « chao đảo », cho nên, như ghi nhận của Mathieu Duchâtel, chủ nhiệm chương trình châu Á thuộc viện nghiên cứu Institut Montaigne - Paris, một trong những trọng tâm của ông Tập Cận Bình trong chuyến đi Mỹ vừa qua là nhắm trấn an các doanh nghiệp của Mỹ, quốc tế và kể cả của Đài Loan :

    « Theo các số liệu gần đây nhất, năm 2020 Hoa Lục thu hút 80 % đầu tư của Đài Loan ở hải ngoại. Tỷ lệ này rơi xuống còn 13,6 % năm 2022. Để so sánh tổng đầu tư của Đài Loan vào các nước trong khối Đông Nam Á đã cao hơn so với đầu tư vào Trung Quốc. Đây là một bước ngoặt hết sức quan trọng đối với Trung Quốc vào lúc các tập đoàn Đài Loan, như là Foxconn chẳng hạn, đã đóng góp rất nhiều vào tiến trình phát triển của Trung Quốc. Cho đến hiện tại, Foxconn vẫn đứng đầu trong số các hãng xưởng bảo đảm việc làm cho người lao động ở Hoa Lục. Rõ ràng là cuộc chiến thương mại khai mào dưới chính quyền Trump hồi 2018 đang dẫn đến những hậu quả lớn hơn gấp bội (...)

    Rất rõ ràng là phía Bắc Kinh muốn trấn an các nhà đầu tư ngoại quốc về tình hình và môi trường kinh doanh ở Hoa Lục. Đây không chỉ là một thông điệp nhắm tới các doanh nhân Mỹ mà còn nhắn gửi đến các hãng của Đài Loan bên cạnh những tuyên bố chính thức ‘đằng đằng sát khí’. Theo chỗ tôi được biết, cấp cao nhất trong chính quyền tại Bắc Kinh, trấn an các doanh nhân Đài Loan là một điểm nhấn. Một ủy viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản đã đề nghị thành lập một đặc khu kinh tế với những điều khoản ưu đãi, dành riêng cho các doanh nhân Đài Loan. Điểm được chọn là tỉnh Phúc Kiến, gần với Đài Loan nhất, ở phía nam Trung Quốc. Không chỉ với Mỹ mà cả với Đài Loan, sợi chỉ đỏ trong chính sách kinh tế của Bắc Kinh càng lúc càng rõ nét Sợi chỉ đỏ trong chính sách của Bắc Kinh càng lúc càng rõ nét. Thông điệp chính dường như là, bất chấp những mối đe dọa, Trung Quốc không phải là một điểm đầu tư nguy hiểm như mọi đang nghĩ hiện nay ».

    Những bàn tay thép trong những chiếc găng nhung

    Tuy nhiên, cũng sẽ là một sai lầm lớn nếu nghĩ rằng Trung Quốc đã bị dồn vào chân tường để phải nhượng bộ Washington. Drew Thomson, một cựu quan chức của Lầu Năm Góc, được đài Mỹ CNN trích dẫn giải thích thái độ « mềm mỏng » hơn vì Bắc Kinh đã nhận thấy rằng không có lợi khi thổi phồng « mối đe dọa Hoa Kỳ ». Trái lại, một mối bang giao « ổn định » và « bình thường » với nền kinh tế số 1 thế giới và phương Tây sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cỗ máy tăng trưởng của Trung Quốc.

    Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, cũng nhận thấy rằng thái độ hung hăng không cho phép Bắc Kinh thủ lợi :

    « Tập Cận Bình muốn là các nhà đầu tư Mỹ và quốc tế trở lại Trung Quốc vào lúc mà vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt rút khỏi Hoa Lục. Trong một thời gian dài, khi nói đến Trung Quốc các doanh nhân quốc tế nhìn thấy những cơ hội nhiều hơn là những rủi ro. Bây giờ thì ngược lại. Người ta thận trọng trước các dự án đầu tư vào Trung Quốc, hay là chọn giải pháp Trung Quốc +1 để bớt lệ thuộc vào một quốc gia với những quyết định không nhất quán ».

    Về cơ bản Mỹ và Trung Quốc vẫn là những đối thủ đáng gờm

    Một sai lầm khác cũng tai hại không kém nếu chủ quan cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu sưởi ấm quan hệ một cách lâu dài. Agathe Demarais trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế châu Âu nhắc lại : hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ở Mỹ đang bị chia rẽ vì rất nhiều vấn đề, ngoại trừ việc xem Trung Quốc là một « mối đe dọa ».

    Cứng giọng với Trung Quốc dễ cho phép tổng thống Biden thuyết phục công luận trước mùa tranh cử. Do vậy, không mấy ai chờ đợi từ nay đến mùa thu sang năm, Washington sẽ nói lỏng một số các biện pháp trừng phạt và kềm tỏa Trung Quốc cả về thương mại lẫn công nghệ.

    Đó là chưa kể cuộc tranh giành ảnh hưởng Mỹ-Trung với phần còn lại của thế giới đang diễn ra trên rất nhiều mặt. Chỉ riêng về thương mại, hơn một nửa số thành viên khối G20 lệ thuộc vào các luồng giao thương của Trung Quốc nhiều hơn là của Mỹ. Chỉ một mình Trung Quốc chiếm hơn 20 % tổng kim ngạch mậu dịch của nhiều nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc, Brazil, Indonesia ...

    Nhìn từ phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình thừa biết Joe Biden không và không thể tỏ ra hòa hoãn (hay tệ hơn nữa là « mềm yếu ») với Bắc Kinh trên các hồ sơ quan trọng từ nay cho đến ngày bầu cử.

    Về cơ bản, chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ trong mắt đảng Cộng Sản Trung Quốc là công cụ để Washington « kềm tỏa đà phát triển chính đáng » của Trung Quốc trong khu vực này. Do vậy, từ thượng đỉnh Bali đến San Francisco, ông Tập Cận Bình lại càng quyết tâm hơn trong việc thực hiện « tham vọng tự chủ về quân sự và công nghệ » với Hoa Kỳ như bà Collen Cottle, một cựu nhân viên tình báo CIA được tờ USAToday (ngày 18/11/2023) trích dẫn.

    Nhà báo Pierre Antoine Donet, từng điều hành chi nhánh của hãng tin Pháp AFP tại Bắc Kinh, loại bỏ khả năng Mỹ và Trung Quốc « sưởi ấm quan hệ » một cách lâu dài. Chẳng qua là Washington vẫn cần hàng rẻ của Trung Quốc, Bắc Kinh thì cần công nghệ và thị trường của Mỹ để phát triển. Nhờ có sự « phụ thuộc đó », hai siêu cường thế giới này tránh lao vào một cuộc đối đầu về mặt quân sự.

  • Sau nhiều năm « cuộc chiến mậu dịch » kéo dài, vế kinh tế và thương mại là một trong những hồ sơ hai nhà lãnh đạo Joe Biden -Tập Cận Bình sẽ đề cập đến nhân thượng đỉnh tại San Francisco, bên lề hội nghị Diễn Đàn Hợp Tác Châu Á Thái Bình Dương APEC. Thêm vào đó là yếu tố Nga, kể từ khi Matxcơva bị quốc tế trừng phạt vì xâm chiếm Ukraina.

    Mỹ một năm trước bầu cử tổng thống còn tại Trung Quốc, toàn cảnh kinh tế khá ảm đạm : Mỗi bên mặc cả những gì với đối phương trong bối cảnh giao thương quốc tế càng lúc càng bị những tính toán chính trị làm xáo trộn ?

    RFI tiếng Việt mời giáo sư Sébastien Jean Học Viện Mỹ Thuật và Công Nghệ Quốc Gia CNAM phân tích về một nghịch lý trong quan hệ quốc tế : các nền kinh tế trên thế giới càng lúc càng « gắn kết chặt chẽ với nhau, càng phụ thuộc vào lẫn nhau » đồng thời thương mại, tài chính, công nghệ hay năng lượng … đều là những công cụ - nếu không muốn nói là một loại vũ khí, để mặc cả, để bắt chẹt hay kềm tỏa sức mạnh của đối phương.

    Sébastien Jean, nguyên là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế. Cùng với Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, ông vừa cho công bố một nghiên cứu mới về thương mại quốc tế. Tài liệu mang tựa đề : « Découplage impossible, coopération improbable : Les interdépendances économiques à l’épreuve des rivalités de puissance - Không thể tách rời, ít triển vọng hợp tác : Những sự phụ thuộc về kinh tế trước những tranh giành để thể hiện sức mạnh » - Viện IFRI tháng 11/2023.

    Mục tiêu một « hiệp định hưu chiến » cho các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc ?

    Trước hết trong cuộc thảo luận được dự trù kéo dài trong bốn giờ đồng hồ ngày 15/11/2023 giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trên hồ sơ kinh tế, đâu là những ưu tiên của mỗi bên ?

    Hãng tin Mỹ AP ghi nhận : Washington vừa tiếp tục kiểm soát xuất khẩu chíp điện tử và linh kiện bán dẫn cho Trung Quốc vừa trấn an Bắc Kinh là Mỹ không tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế nhắm vào quốc gia châu Á này. Các quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Biden nhiều lần khẳng định Mỹ không chủ trương « tách rời - decoupling » với Trung Quốc mà chỉ là « giảm thiểu rủi ro - derisking » để bớt lệ thuộc quá nhiều vào một quốc gia mà thôi. Ngoài ra phía Hoa Kỳ cũng muốn thăm dò ý định của Trung Quốc trong liên hệ thương mại, kinh tế và tài chính giữa Bắc Kinh và Matxcơva vào lúc Âu Mỹ phong tỏa kinh tế Nga, trừng phạt chính quyền Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina .

    Về phía ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc chờ đợi gì sau cuộc đối thoại trực tiếp thứ nhì với tổng thống Biden trong bối cảnh, trong giao đoạn từ tháng 7-9/2023 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rút khỏi Hoa Lục cao hơn so với số các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc nước ngoài vào Trung Quốc, hiện tượng này chưa từng xảy ra kể từ 1998 tới nay ?

    Vẫn AP dự báo Bắc Kinh muốn được bảo đảm là Washington sẽ không ban hành thêm các hàng rào quan thuế đánh vào hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ, Hoa Kỳ không dùng đòn công nghệ để « triệt hạ » các tập đoàn công nghệ mới của quốc gia này. Lịch làm việc của ông Tập trong bốn ngày từ 14-17/11/2023 có dự trù một cuộc tiếp xúc với giới doanh nghiệp Mỹ với thông điệp chính : Trung Quốc là một điểm đầu tư an toàn.

    Cuối cùng nếu như Nhà Trắng muốn thăm dò ý định của chủ tịch Tập Cận Bình về quan hệ giữa Trung Quốc và Nga thì đổi lại Bắc Kinh cũng muốn tìm hiểu về những ý đồ của tổng thống Biden với Đài Loan, một cường quốc trong công nghệ bán dẫn và cũng là trung tâm cuộc đọ sức Mỹ -Trung về công nghệ.

    Tầm mức quan trọng của cuộc đối thoại trực tiếp thứ nhì -và rất có thể là đối thoại cuối cùng trong nhiệm kỳ này của tổng thống Biden, giữa hai nhà lãnh đạo, Joe Biden -Tập Cận Bình cho thấy hai vế kinh tế và chính trị gắn chặt đến mức độ nào hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đặc biệt là khi mà « những tham vọng về chính trị, và địa chính trị, yếu tố ý thức hệ càng lúc càng chi phối các hoạt động về thương mại và tài chính quốc tế » :

    Sébastien Jean : « Dưới tác động từ tiến trình toàn cầu hóa, các siêu cường kinh tế trên thế giới đã được gắn kết chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết, cả về giao thương lẫn tài chính. Nhưng từ hơn một chục năm nay, hay chính xác hơn là từ giữa thập niên 2000, yếu tố chính trị và địa chính trị càng lúc càng chi phối các hoạt động mậu dịch và kể cả trong lĩnh vực tào chính. Lần đầu tiên chúng ta rơi vào nghịch cảnh là các nền kinh tế thì liên hệ rất chặt chẽ với nhau, nhưng đồng thời các các mối hiềm khích, thậm chí là một sự thù nghịch giữa các nền kinh tế đó cũng chưa bao giờ mạnh như hiện tại (…)

    Dù vậy hoàn cảnh éo le này không dẫn đến tình trạng gọi là phi toàn cầu hóa. Điều rõ ràng nhất là các quốc gia vẫn rất lệ thuộc vào nhau. Tình hình như vậy lúc nào cũng căng thẳng, bởi vì mỗi bên đều có thể khai thác lá bài kinh tế, tài chính để phục vụ các ý đồ chính trị. Chính vì thế mà ngày càng có nhiều đòn trừng phạt, nhiều quyết định giới hạn xuất nhập khẩu trên một số thị trường. Tựu chung, các mối quan hệ về kinh tế và tài chính đã bị các chính giới thao túng. Có nghĩa là nhiều nước vẫn cứ ban hành các biện pháp trừng phạt, cấm vận … nhắm vào các đối phương. Câu hỏi còn lại là các biện pháp trừng phạt đó có hiệu quả hay không ».

    RFI : Hiệu quả có được như mong muốn hay không ? Trong trường hợp giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc thì các biện pháp tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ đánh lên hàng Trung Quốc vẫn không cho phép Washington giảm thâm hụt mậu dich với Bắc Kinh. Thêm vào đó, hai chính quyền Mỹ liên tiếp vì lý do « an ninh quốc gia » ban hành các biện pháp cấm hay giới hạn các chương trình hợp tác về công nghệ giữa các công ty của hai nước, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều liên hệ giữa các một số tập đoàn Mỹ và Trung Quốc kể cả trong những lĩnh vực được coi là nhậy cảm nhất.

    Sébastien Jean : « Chúng ta nhận thấy rằng khó có thể đạt được những mục tiêu chính trị bằng các công cụ như vậy. Nghĩa là dùng đòn kinh tế để đạt được mục đích chính trị. Cần hiểu rằng, giao thương quốc tế dựa trên nguyên tắc ‘tôi cũng có lợi và anh cũng có lợi’. Vậy nếu tôi trừng phạt anh thì tôi cũng bị thiệt hại. Điều đó có nghĩa là một biện pháp trừng phạt chỉ có lợi nếu như chúng ta biết chắc rằng, đối phương sẽ trả giá đắt hơn so với những thiệt hại mà ta sẽ phải gánh chịu. Đó là điều rất khó thực hiện. Mỗi biện pháp trừng phạt đều luôn luôn có những liều thuốc hóa giải, có nghĩa sẽ nảy sinh những hình thức khác nhau để luồn lách lệnh trừng phát đó ».

    Để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, căn cứ trên các thống kê, cho thấy, đúng là tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ với bạn hàng Trung Quốc đã giảm. Nhưng trong cùng thời kỳ, nhập khẩu của Hoa Kỳ với một số quốc gia khác như Mêhicô, hay Việt Nam, Ấn Độ… đã tăng mạnh. Bản thân ba quốc gia này thì đã mua vào nhiều hơn hàng của Trung Quốc để bán lại cho sang thị trường Mỹ. Nói cách khách Hoa Kỳ muốn tránh Trung Quốc nhưng để rồi lại bị lệ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp khác và chính những nguồn cung cấp này lại là khách hàng của Bắc Kinh. Trong điều kiện đó không thể kết luận là kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã bớt phụ thuộc vào nhau hay đang ‘tách rời’ khỏi lẫn nhau. Các luồng giao thương giữa hai nền kinh tế này chỉ trở nên mù mịt và phức tạp hơn mà thôi ».

    RFI : Còn liên quan đến nước Nga ?

    Sébastien Jean : « Đây là một trường hợp quan trọng, bởi vì lần đầu tiên nhiều biện pháp trừng phạt mạnh đã được ban hành và nhắm vào một nền kinh tế có trọng lượng như là Nga. Cùng một lúc Nga phải đối mặt với các biện pháp cấm vận cả về thương mại lẫn tài chính. Chính sách trừng phạt đã đem lại nhiều hệ quả và gây trở ngại về nhiều mặt cho kinh tế nước này. Nhưng kinh tế Nga đã không sụp đổ như nhiều người mong đợi bởi hai lý do. Về mặt tài chính Matxcơva vẫn không bị thiếu hụt tiền mặt nhờ vẫn tiếp tục xuất khẩu tài nguyên, dầu khí …. Trong những lĩnh vực khác, đành rằng Nga đã bị kẹt vì không thể tiếp cận được với công nghệ cao, bị cấm nhập khẩu một số phụ tùng có thể sử dụng trong lĩnh vực quân sự, để chế tạo vũ khí, nuôi dưỡng cỗ máy chiến tranh nhưng Matxcơva đã lách lệnh cấm đó nhờ một số trung gian, như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay một số nước lân cận như Kazakhstan. Trong trường hợp này, lệnh cấm vận có hiệu quả nhưng chỉ một phần ».

    Tác động đến dây chuyển sản xuất và hoạt động thương mại toàn cầu ?

    Trong nghiên cứu vừa công bố trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI về thương mại quốc tế, giáo sư đã nêu bật một số điểm chính như sau : giao thương trên thế giới phức tạp hơn bởi các nền kinh tế vừa là những đối tác vừa là những đối thủ của lẫn nhau và lại lệ thuộc rất lớn vào nhau. Cũng chính mức độ lệ thuộc đó mà các luồng giao thương, từ hàng hóa đến tài chính… đều rất dễ bị khai thác để phục vụ cho những mục tiêu chính trị và chiến lược. Kinh tế thương mại, tài chính … dễ trở thành những công cụ để mặc cả, thậm chí là để uy hiếp các đối tác …Thưa ông Sébastien Jean, trong trường hợp đó dây chuyền sản xuất nói riêng và học thuyết thương mại quốc tế nói chung bị xáo trộn như thế nào ?

    Sébastien Jean « Các dây chuyền sản xuất đã bị méo mó. Hiểu theo nghĩa, như tôi vừa đơn cử trường hợp của Mêhicô hay Việt Nam và Ấn Độ khi mà các quốc gia này nhập khẩu nhiều hơn hàng của Trung Quốc để bán lại sang Mỹ. Tuy nhiên, trước những thách thức mới đó, các doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến lược phát triển : đa dạng hóa các nguồn cung cấp, mở các nhà máy ở nhiều nơi khác nhau tránh để yếu tố địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay tránh để phải đóng cửa một số cơ xưởng …. Nhưng đó là những biện pháp đòi hỏi nhiều thời gian để mang lại kết quả. Thí dụ như Apple muốn ra khỏi Trung Quốc, mở địa bàn ở Ấn Độ và Việt Nam nhưng cần thời gian để đóng cửa bớt các chi nhánh hay cắt giảm hợp đồng với các hãng gia công Trung Quốc …. Ở cấp quốc gia, thì các chính phủ đã đẩy mạnh các chương trình tự chủ về công nghiệp, tìm mọi cách -nhất là biện pháp ưu đãi thuế khóa, để khuyến khích doanh nghiệp hồi hương… Tất cả những điều đó đòi hỏi phải mất nhiều năm mới hoàn thành ».

    Khái niệm An toàn về kinh tế

    Cũng vì yếu tố « địa chinh trị », thay vì sử dụng khái niệm « cạnh tranh -competition » trong giao thương quốc tế, giới trong ngành thường nói đến một « sự đối đầu - rivality » giữa các đối tác thương mại. Do vậy theo Thomas Gomart và Sébastien Jean, hai đồng tác giả công trình nghiên cứu đăng trên trang mạng của IFRI, bài thọc thứ nhất là chưa bao giờ các nền kinh tế trên thế giới phụ thuộc chặt chẽ vào nhau như hiện tại, điều đó không cấm cản, cũng chưa khi nào các đối tác thương mại lại sử dụng « vũ khí hạng nặng » để trừng phạt lẫn nhau.

    Bài học thứ nhì đồng thời cũng là hệ quả kèm theo, là các quốc gia vẫn tiếp tục trao đổi mậu dịnh nhưng luôn trong thế thủ với một khái niện mới là « an toàn kinh tế -sécurité économique ». Đó là lý do vì sao Trung Quốc đã có hẳn chiến lược với ba mục tiêu : tự chủ về công nghệ cao không để phụ thuộc vào Mỹ hay các đồng minh của Washington ; làm chủ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ; và bảo vệ quyền lợi quốc gia ở hải ngoại.

    Về phía Hoa Kỳ thì chính sách năng lượng được coi là một vấn đề chiến lược từ lâu nay. Ngoài ra Mỹ cũng luôn thủ thân bằng rất nhiều biện pháp trừng phạt các nước bất hảo và kể cả các nước bạn như Liên Âu. Còn Nga thì dùng khoáng sản, nông phẩm, phân bón, dầu khí ... để bắt chẹt hay mua chuộc các đối tác hay đổi thủ của Matxcơva. Trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng đó Liên Hiệp Châu Âu mới vừa « tỉnh ngủ » và chuyển hưởng về mục tiêu tự chủ công nghiệp. Giáo sư Sébastien Jean, học viện CNAM của Pháp kết luận.


  • Sau 13 tháng chiến tranh Ukraina, uranium của Nga không bị trừng phạt. Khác hẳn với ngành dầu khí, sản xuất và xuất khẩu uranium của tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom không hề sụt giảm. Matxcơva không dám động đến uranium để bắt chẹt các khách hàng phương Tây cho dù Mỹ lệ thuộc đến 25 % vào thị trường Nga và Liên Âu thì tăng tốc phát triển điện hạt nhân để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch. Làm sao giải thích uranium Nga « bất khả xâm phạm » ?

    Để trả lời các câu hỏi trên, RFI tiếng Việt mời giáo sư Teva Meyer, chuyên nghiên cứu về yếu tố địa chính trị trong các hồ sơ hạt nhân sử dụng trong các lĩnh vực dân sự và quân sự, đại học Haute Alsace, tham gia chương trình. Tháng 2/2023 Teva Meyer vừa ra mắt độc giả cuốn Géopolitique du nucléaire -Hạt nhân và địa chính trị, NXB Cavalier Bleu.

    Sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3/2011 uranium liên tục mất giá. Ngay cả Kazakhstan, nơi bảo đảm 45 % sản xuất cho toàn cầu trong gần một chục năm đã cân nhắc và chỉ đầu tư một cách có chọn lọc vào một số công trường. Sản xuất của Mỹ đến năm 2021 giảm 95 % so với một thập niên trước đó.

    2022 là một « bước ngoặt » : giá uranium trong các hợp đồng mua bán dài hạn tăng 20 % trong vòng sáu tháng. Lý do : Trung Quốc, Nhật Bản và Nga khởi động những dự án phát triển điện hạt nhân. Hai tuần trước chiến tranh Ukraina, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề ra mục tiêu xây dựng 6 lò phản ứng thế hệ mới từ nay đến 2050 và lò phản ứng đầu tiên trong số đó sẽ bắt đầu hoạt động từ 2035.

    Tháng 2/2022 Matxcơva đưa quân xâm lược Ukraina, khiến từ châu Âu đến Hoa Kỳ lại càng quan tâm hơn đến mục tiêu phát triển điện hạt nhân để giảm bớt lệ thuộc vào dầu khí, than đá của Nga. Tại Washington chính quyền Biden tăng tốc đầu tư cho ngành công nghiệp uranium. Tại châu Âu, mỏ uranium ở Slovakia hoạt động tấp nập trở lại.

    Giáo sư Teva Meyer đại học Haute-Alsace trước hết nhắc lại một số đặc điểm của uranium với ngành điện hạt nhân.

    « Quặng uranium phải trải qua bốn công đoạn thì mới trở thành những thanh nhiên liệu để tạo ra năng lượng hạt nhân. Nếu như các mỏ dầu hỏa hay khí đốt chỉ tập trung ở một số nơi, thì ngược lại, uranium là một nguyên tố rất phổ biến trên vỏ của trái đất. Tuy nhiên, có nhiều chênh lệch về giá cả khi khai thác các mỏ uranium. Do vậy thị trường uranium hiện tại tập trung vào một số quốc gia, trên thế giới có 15 nước sản xuất uranium tự nhiên. Đứng đầu Kazakhastan và Ouzbekistan ở Trung Á, kế tới là Úc và Canada. Ở châu Phi, nguồn sản xuất quan trọng nhất là Namibie ».
    Bí quyết thành công của Nga
    Trong một nghiên cứu gần đây, Teva Meyer cho thấy các quặng uranium hiện diện trên khoảng 53 quốc gia khác nhau, nhưng chỉ có hơn một chục nước trong số đó khai thác nguyên tố này. Nếu như chỉ một mình Kazakhstan chiếm 45 % sản xuất của toàn cầu, Ouzbekistan là 7 % thì nước Nga của Vladimir Putin với vỏn vẹn 5 %, một tỷ lệ không đủ để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng Nga lại là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền năng lượng hạt nhân của thế giới. Chuyên gia Teva Meyer giải thích bí quyết nào đã đưa nước Nga vào vị trí trung tâm như vậy:

    « Nga sản xuất rất, rất ít uranium và phải nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu này từ Kazakhstan để đáp ứng nhu cầu nội địa về điện hạt nhân. Đặc điểm của Nga là ở chỗ, dù phải nhập khẩu đến 95 % uranium nhưng quốc gia này lại làm chủ công đoạn tinh chế và nhất là kỹ thuật là giàu uranium. Nhờ bí quyết ấy Nga xuất khẩu trở lại uranium dưới dạng uranium được làm giàu và thanh nhiên liệu cho phần còn lại trên thế giới. Toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Nga sử dụng uranium nhập khẩu của Kazakhstan. Tất cả những hợp đồng cung cấp uranium và thanh nhiên liệu cho các đối tác quốc tế của Nga tùy thuộc vào khối lượng uranium do Kazakhstan cung cấp cho Nga. Nước Nga làm chủ 2 trong số 4 công đoạn then chốt để uranium có thể được đưa vào sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân. Hai khâu đó gồm : làm giàu uranium và chế biến uranium được làm giàu thành những viên bỏ vào những cái ống và chúng được gọi là những thanh nhiên liệu. Trong cả hai lĩnh vực này, Nga chiếm lợi thế bởi hai lý do : thứ nhất là giá thành sản xuất tại Nga rất thấp –chỉ bằng phân nửa so với ở những nơi khác trên thế giới như (ở Mỹ hay Pháp trước kia chẳng hạn). Lý do thứ nhì là nhân công cũng như giá năng lượng của Âu-Mỹ đắt hơn rất nhiều so với ở Nga ».
    « Giá thành rẻ » : Mỹ không dám trừng phạt uranium của Nga
    Ngay từ tháng 3/2022 các tập đoàn năng lượng hạt nhân của Mỹ đã ra sức vận động chính quyền Biden duy trì tất cả các hợp đồng với Rosatom. Mỹ lệ thuộc đến 25 % vào uranium được làm giàu của Nga. Tháng 8/2022 tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace cho biết trong Pháp vẫn nhập khẩu 210 tấn uranium được làm giàu của Nga, tương tự hồi 2021. Cũng Greenpeace hôm 11/03/2023 công bố một báo cáo về « mức độ lệ thuộc của Pháp vào Rosatom ».

    Thêm một lá chủ bài khác của Nga : Rosatom là tập đoàn duy nhất có khả năng cung cấp thanh nhiên liệu cho một số các nhà máy điện hạt nhân châu Âu. Lý do : « Nga nắm giữ bí quyết ở khâu cuối cùng », trước khi uranium được làm giàu dưới dạng một thứ bột màu đen được hun đúc lại thành từng viên bi với kích cỡ đặc biệt. Những viên bi đó được cho vào một những cái ống kim loại, mà người ta gọi là « thanh nhiên liệu ».

    Vấn đề đặt ra theo như giải thích của Teva Meyer « mỗi thanh nhiên liệu đã được cân đong đo đếm để sử dụng cho 1 kiểu lò phản ứng ». Chỉ có Rosatom mới có những viên uranium thích hợp với các lò phản ứng mà Rosatom đã xây dựng cho các khách hàng.

    Nói một cách đơn giản Phần Lan, Solvakia hay Hungary, Séc sử dụng lò phản ứng VVER-400 của Nga nên bắt buộc phải dùng thanh nhiên liệu do Nga cung cấp. Cộng Hòa Séc đã mất đến 7 năm mà vẫn chưa tìm được giải pháp thay thế cho những thanh nhiên liệu, những viên uranium được làm giàu của Nga. 
    Nga cũng sợ « bỏng tay »
    Thế còn về phía Nga : nếu như đã chiếm một vị trí then chốt như vậy trên thị trường uranium và nhất là trong lĩnh vực cung cấp các thanh nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới thì tại sao trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, tổng thống Vladimir Putin không ra lệnh cho Rosatom « trừng phạt » các khách hàng, như Gazprom đã từng khóa van cung cấp dầu khí cho các đối tác châu Âu  ? Giáo sư Meyer đại học Haute-Alsace trả lời : 

    « Nga không dám bởi hai lý do. Một là thế giới hiện nay thừa sức và thừa khả năng làm giàu uranium. Điều đó có nghĩa nếu muốn, ngay lập tức các nhà máy tại châu Âu hay ở Mỹ đều có thể khởi động lại trong một sớm một chiều và như vậy các bên sẽ không bị lệ thuộc vào những hợp đồng đã ký kết với tập đoàn Rosatom của Nga nữa. Matxcơva không có lợi ích gì khi dùng uranium như một công cụ để bắt bí phương Tây như họ đã làm với dầu hỏa hay khí đốt. Lý do thứ nhì là uranium của Nga rất dễ để chuyển đến các thị trường khác trên thế giới. Có nghĩa là bất kỳ một quốc gia nào cũng có thể nhanh chóng tìm một nguồn cung cấp khác để thay thế vào chỗ mà các tập đoàn Nga để lại vì ở đây chúng ta không bị ràng buộc vì những hệ thống đường ống dẫn dầu hay đường ống dẫn khí đốt chôn trong lòng đại dương hay trên mặt đất… ».
    1 tấn uranium = 3 triệu tấn than đá 
    Vẫn giáo sư Teva Meyer trong một bài tham luận gần đây đưa ra những con số cụ thể để so sánh : Chẳng hạn như tại Pháp, một lò phản ứng trung bình tiêu thu 1 mét khối uranium một năm. Để có được một khối lượng điện tương đương, thì người ta cần đến 3 triệu tấn than đá. Một mét khối chất uranium được làm giàu, rất dễ để vận chuyển kể cả bằng đường hàng không, tránh xung đột quân sự trên mặt đất.

    Trong các cuộc xung đột tại Ukraina hồi 2014 và nhất là từ năm ngoái, Rosatom vẫn đều đặn cung cấp uranium cho các nhà máy điện hạt nhân Hungary, Séc và Slovakia bằng đường hàng không. « Mỗi chuyến bay chở một khối lượng đủ để cho 1 lò phản ứng tại những nơi này hoạt động trong vòng 1 năm ».   
    Uranium : giới hạn đặt ở phía « cầu » 
    Nói như vậy tham vọng phát triển điện hạt nhân của Pháp và nhiều nước châu Âu khác, cũng như của Mỹ không sợ bị giới hạn vì nguồn cung cấp uranium ? Teva Meyer nhận định: 

    « Tôi không nghĩ rằng những quốc gia muốn phát triển năng lượng hạt nhân bị cản trở vì sợ thiếu uranium. Chúng ta đã tập trung vào trường hợp của Nga, một nhà cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới. Đó là về phía cung. Nhưng nhìn về phía cầu, đây cũng sẽ là một vấn đề. Bởi ngoài Pháp ra, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang muốn phát triển điện hạt nhân để bớt lệ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Tôi muốn nói đến trường hợp của Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu như cùng một lúc, cả thế giới lao vào cuộc chạy đua phát triển điện hạt nhân thì mọi người đều tranh giành uranium giá rẻ của Nga. Đó mới thực sự là một vấn đề. Thành thử, Nga là một yếu tố then chốt trên thị trường uranium nhưng đừng quên rằng đang có những quốc gia khác trên tế giới rất cần uranium cho cuộc chạy đua phát triển điện hạt nhân ».  

    Do thế giới không khan hiếm uranium, nguyên tố này lại không tập trung tại một số nơi trên mặt đất, do không bị ràng buộc ở các khâu vận chuyển, các nhà máy làm giàu uranium, các nhà điện hạt nhân có thể lắp đặt ở bất kỳ nơi nào (miễn là ngoài các vành đai lửa của động đất).

    Nga dù không có nhiều quặng uranium nhưng vẫn có thể trở thành tâm điểm của thị trường này nhờ công nghệ làm giàu uranium và chế tạo thanh nhiên liệu phục vụ cho các lò phản ứng hạt nhân.

    Phương Tây không dám đưa uranium Nga vào danh sách trừng phạt. Matxcơva thì biết rõ những giới hạn nếu dùng uranium sử dụng trong lĩnh vực dân sự như một vũ khí phục vụ các mục tiêu chiến lược.

    Dù không hoàn toàn lệ thuộc vào uranium của Nga nhưng, đối với các tập đoàn điện lược trên thế giới đã trang bị lò phản ứng của Rosatom, không dễ để thoát Nga.

    Ngoài bí quyết chế biến uranium được làm giàu thành thanh nhiên liệu, Nga còn làm chủ công nghệ tái xử lý các thanh nhiên liệu này. Chỉ có 4 % thanh nhiên liệu bị xếp vào hạng « rác thải hạt nhân ».

    Trong trường hợp của Pháp, tuy không lệ thuộc vào uranium tự nhiên của Nga, và có công nghệ làm giàu uranium nhưng tập đoàn Điện Lực Quốc Gia đã chọn  trao khâu « tái xử lý » các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng trên lãnh thổ quốc gia cho nhà máy Seversk, đặt tại Tomsk trong vùng Siberie. Seversk là một chi nhánh trực thuộc Rosatom.


  • Trong hai ngày họp 21-22/03/2023 Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ FED phải dập tắt những hoài nghi về mức an toàn của các ngân hàng Mỹ. Các giới chức tiền tệ khẳng định vụ ngân hàng SVB phá sản « đã thuộc về quá khứ ». Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse thoát nạn nhờ được UBS mua lại. Hai tín hiệu khả quan đó chưa đủ để trấn an giới đầu tư.

    Lo ngại khủng hoảng từ Mỹ lan tới phần còn lại trên thế giới tái phát dù rằng Silicon Valley Bank -SVB là ngân hàng đứng hạng thứ 16 ở Mỹ, ít được công chúng biết đến. SVB chủ yếu là ngân hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) cấp hơn 200 tỷ tín dụng cho các thân chủ : 200 tỷ đô la tín dụng là một « giọt nước » nếu so sánh với trọng lượng của ngân hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ là JPMorgan Chase.

    Tại cái nôi tài chính của Thụy Sĩ là Zurich, Credit Suisse tiếp tục trong tâm bão. Hai trường hợp của SVB và Credit Suisse không trực tiếp liên hệ với nhau nhưng cũng đủ để khuấy động các sàn chứng khoán trên thế giới và trở thành tâm điểm khóa họp của FED. Hai sự kiện đó đang gây thêm khó khăn cho các ngân hàng trung ương trên thế giới khi đang cần tăng lãi suất chỉ đạo trong mục tiêu chống lạm phát.  

    Không dễ dập tắt những đám cháy đang âm ỉ bùng lên từ ba yếu tố : nghi ngờ về hiệu quả các cơ chế giám sát hoạt động ngân hàng của Mỹ, tăng lãi suất chỉ đạo chống lạm phát và kịch bản các mạng xã hội châm ngòi cho một khủng hoảng ngân hàng lan nhanh và lan rộng từ Mỹ, thế giới không kịp trở tay.
    Credit Suisse thoát nạn nhưng đẩy ngành tài chính Thụy Sĩ vào bước « vô định »
    Tại Thụy Sĩ, ngân hàng lớn nhất UBS chính thức thông báo mua lại Credit Suisse với giá là 3 tỷ franc (gần tương đương với 3 tỷ đô la Mỹ). Một khi thủ tục hoàn tất, tổ hợp UBS-Credit Suisse quản lý hơn 5.000 tỷ đô la vốn đầu tư, một số tiền lớn hơn gấp gần 6 lần so với GDP của Thụy Sĩ (800 tỷ đô la năm 2021 theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới). Chính quyền Thụy Sĩ, cũng như các giới chức ngân hàng tại BCE (Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu) hay Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ  hoan nghênh quyết định nói trên.

    Nhưng trên các sàn chứng khoán tại châu Âu trong phiên giao dịch ngày 20/03/2023 cổ phiếu của các ngân hàng tại Paris hay Frankfurt và cả ở Zurich tiếp tục trượt giá cho đến gần cuối ngày. Cố phiếu của cả Credit Suisse (-66 %) lẫn UBS (- 12 %) cùng mất giá mạnh.

    Truyền thông Thụy Sĩ nói đến « một ngày đen tối » cho ngân hàng lớn thứ hai là Credit Suisse bị UBS « nuốt chửng » với giá « rẻ như bèo » hơn 3 tỷ đô la. Chính giới ở Berne cho rằng thương vụ này làm xấu đi thêm hình ảnh của Thụy Sĩ, một cột trụ tài chính trên thế giới. Nhìn từ phía các nhà đầu tư, việc UBS thâu tóm Credit Suisse đặt ra nhiều vấn đề.

    Thứ nhất UBS đang rất thịnh vượng, lãi hơn 7 tỷ đô la trong năm vừa qua, Credit Suisse sẽ là một « gánh nặng » cho UBS và đó là điều mà các cổ đông của UBS không mong muốn.  

    Điểm thứ hai là do gấp rút « cứu nguy » Credit Suisse, các cổ đông của UBS đã không được tham khảo ý kiến. Có hàng loạt những câu hỏi chưa được giải đáp chẳng hạn như mua lại Credit Suisse ảnh hưởng như thế nào về nhân sự, về cách tổ chức lại các hoạt động của UBS. UBS có 200 chi nhánh trên thế giới, Credit Suisse là 95 và hiện diện tại khoảng 50 quốc gia khác nhau. Chắc chắn là sau cuộc « hôn nhân miễn cưỡng này » sẽ có một số văn phòng đại diện của cả đôi bên phải đóng cửa.

    Điểm cuối cùng gây lo ngại là trọng lượng quá lớn của UBS và Credit Suisse sau này. Như vừa nói 5.000 tỷ đô la là một số tiền lớn gần gấp 6 lần so với GDP của Thụy Sĩ. Để so sánh, GDP của Pháp trong năm 2022 là 3.200 tỷ đô la.
    Ngành ngân hàng Mỹ vẫn trong « chảo lửa »
    Nhìn sang Hoa Kỳ, tình hình vẫn « sôi sục ». Mười ngày sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản đã có thêm hai ngân hàng khác (Silvergate Bank và Signature Bank chuyên về tiền ảo) đã bị khai tử và một ngân hàng thứ ba là First Republic Bank (trụ sở tại San Francisco-California) đang hấp hối dù đã được nhiều đối tác hỗ trợ, cấp 30 tỷ đô la tiền mặt để có thể tiếp tục cầm cự. Trở lại với điểm khởi đầu từ khi ngân hàng SVB tại bang California, chuyên phục vụ ngành công nghệ ở thung lũng Silocon phá sản. Trên đài RFI Pháp ngữ sáng lập viên công ty tư vấn tài chính Global Sovereign Advisory, trụ sở tại Paris, bà Anne Laure Kiechel trước hết nhấn mạnh đến nét đặc thù của ngành công nghệ cao, của các start-up và liên hệ của số này với ngành tài chính ngân hàng.

    Anne Laure Kiechel  : « SVB là một ngân hàng chuyên tập trung vào các công ty khởi nghiệp trong thung lũng công nghệ bang California là Silicon Valley. Đây là một tính toán mang tính rủi ro cao khi mà một ngân hàng nhắm vào một lĩnh vực, một loại khách hàng duy nhất trên một phương diện rất đặc biệt là công nghệ cao. Hơn nữa các start up có một đặc điểm. Đó là những thực thể cần huy động vốn để phát triển, nhưng lại cần thời gian để kiếm ra lời. SVB chủ yếu cấp tín dụng cho các công ty khởi nghiệp bằng vốn ủy thác của thân chủ. Khi mà Cục Dự Trữ Liên Bang tăng lãi suất chỉ đạo lâp tức trị giá tài sản của tất cả các ngân hàng đều bị giảm sụt. Nói một cách dễ hiểu, đối với một ngân hàng thương mại, việc Ngân Hàng Trung Ương tăng lãi suất chỉ đạo là tin xấu. Đó là sự thật đối với bất kỳ một nhà băng nào ở khắp mọi nơi trên thế giới ».

    Theo thẩm định của các giới chức tài chính Mỹ, chỉ cần FED tăng lãi suất chỉ đạo 0,25 điểm, trị giá tài sản của SVB giảm đi mất một tỷ đô la. Từ 2021 Ngân Hàng Tung Ương Mỹ -Cục Dự Trữ Liên Bang đã nhiều lần tăng lãi suất chỉ đạo. Lãi suất đó đang từ gần như 0 % đã tăng lên thành 4,25 %.
    Vết dầu loang ?
    Do chỉ giao dịch với giới trong ngành công nghệ, SVB dùng tiền ủy thác của khách hàng đầu tư mua công trái phiếu của chính phủ Mỹ, đó là những công trái phiếu « dài hạn ». Khi cần ngăn chận lạm phát như mọi ngân hàng trung ương trên thế giới Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ tăng lãi suất chỉ đạo. Những người ký gửi tiền vào SVB muốn rút lại vốn, đầu tư nơi khác, chóng kiếm lời hơn. SVB rơi vào hoàn cảnh « thiếu hụt tiền mặt -bank-run » khi mà nhiều thân chủ cùng muốn rút tiền một lúc. 

    Anne Laure Kiechel : « Một khi biết là đang rơi vào bẫy do lãi suất chỉ đạo tăng lên và không có được những công cụ để bảo vệ vững chắc, giới lãnh đạo của SVB đã cuống lên. Họ đã phải bán đổ bán tháo công trái phiếu đang nắm giữ để có đủ tiền mặt, đáp ứng nhu cầu vay mượn từ phía các công ty khởi nghiệp. SVB lỗ nhiều trong các thương vụ tài chính này. Họ mất hàng triệu bạc. Cho nên phải huy động thêm vốn để lấp vào chỗ trống. Nhưng SVB không đủ sức huy động thêm các nhà đầu tư, không vay thêm được trên thị trường tài chính. Công luận bắt đầu lo ngại và mất tin tưởng vào ngân hàng SVB. Trong ngành ngân hàng, chữ tín là yếu tố quan trọng hàng đầu. SVB rơi vào cái vòng luẩn quẩn và lại phải bán thêm các công trái phiếu đang nắm giữ. Tài sản của SVB bốc hơi».

    Tương tự như Credit Suisse ngân hàng Mỹ SVB cũng đã bất lực khi cần huy động thêm vốn. Tuy nhiên có một khác biệt lớn : Credit Suisse là 1 trong số 30 ngân hàng lớn nhất thế giới, hiện diện trong nhiều lĩnh vực (từ địa ốc đến bảo hiểm, công nghiệp dược phẩm….). Trái lại SVB đã bỏ tất cả các trứng vào một giỏ công nghệ. Nhờ đó « khủng hoảng » của SVB tương đối được giới hạn trong thế giới công nghệ cao và ở thung lũng Silicon, bang California. Sáng lập viên cơ quan tư vấn tài chính Global Sovereign Advisory từng làm việc tại ngân hàng Lehman Brothers Anne Laure Kiechel so sánh :  

    Anne Laure Kiechel : « Hiện tại hệ thống ngân hàng không bị đe dọa và chúng ta không ở trong tình trạng như hồi 2008 với vụ ngân hàng Lehman Brothers. Để so sánh, hai ngân hàng này có trọng lượng hoàn toàn khác nhau, SVB chỉ đứng hàng thứ 16 trong số các ngân hàng ở Mỹ với hơn 200 tỷ đô la tài sản. Khác với Lehman Brothers, hoạt động của Silicon Valley Bank giới hạn trong một lĩnh vực là công nghệ với những khách hàng khoanh vùng ở bang California. Do vậy bị phá sản, SVB không gây ra hiệu ứng đô mi nô, không kéo theo những ngân hàng khác, những lĩnh vực khác vào khủng hoảng. Thêm vào đó từ 2008 Mỹ đã thắt chặt luật kiểm soát các hoạt động ngân hàng. Có điều chính quyền Trump năm 2018 đã nới lỏng đạo luật mang tên Dodd -Frank để rồi một số định chế tài chính của Hoa Kỳ như SVB lọt lưới giám sát của các cơ quan nhà nước ».
    Tạm tránh được hiện tượng đổ dàn
    Trước mắt cổ phiếu các ngân hàng, nhất là tại châu Âu tiếp tục mất giá nhưng không trong thế « rơi tự dọ » như hồi 2008 sau khi Lehman Brothers thông báo phá sản. Nhưng không chắc là ngành ngân hàng đã thoát hiểm.

    Laurence Nardon, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp nêu lên những yếu tố như sau. Sau vụ SVB phải đóng cửa, từ tổng thống Hoa Kỳ đến lãnh đạo Cục Dự Trữ Liên Bang, từ bộ trưởng Tài Chính đến giám đốc  FIDC (Cơ Quan Bảo Hiểm Ký Thác Liên Bang trực thuộc chính phủ Liên Bang Mỹ có trọng tránh giám sát và bảo chứng các khoản tiền ủy thác ở các ngân hàng) đều gia sức trấn an công luận về mức độ an toàn của các ngân hàng Mỹ. Tác động khá thành công nhưng một cuộc khủng hoảng tiềm tàng khác dấy lên từ Credit Suisse ở Thụy Sĩ.

    Hai sự kiện nói trên kiến công luận nghi ngờ về tính hiệu quả của các cơ chế giám sát, ngành tài chính ngân hàng của Mỹ, của châu Âu tránh để kịch bản Lehman Brothers tái diễn kéo theo nhiều ngân hàng khác vào vòng xoáy khủng hoảng. SVB với chưa đầy 250 tỷ vốn nên đã  « thoát lưới » giám sát của các giới chức ngân hàng Mỹ.

    Sẽ có thêm bao nhiêu trường hợp tương tự như SVB nữa trong bối cảnh lạm phát tiếp diễn và các ngân hàng trung ương sẽ còn tiếp tục nâng lãi suất chỉ đạo ? Đó là yếu tố thứ hai khiến ngành ngân hàng trong thế bị động.

    Lý do thứ ba là trong thời đại kỹ thuật số, thông tin được truyền tải nhanh chóng trên các mạng xã hội, SVB rơi vào tâm bão khi rộ lên trên các mạng xã hội những lời đồn đoán về mức độ an toàn của tập đoàn ngân hàng này. Lập tức các thân chủ vôi vã rút tiền khỏi SVB và tập đoàn này rơi vào vòng luẩn quẩn không hồi kết.

    Đâu đó theo bà Nardon thuộc viện IFRI mạng xã hội cũng là một yếu tố gây ra khủng hoảng ngân hàng ở bang California.

    Trong trường hợp của Credit Suisse, một tuyên bố vụng về của lãnh đạo ngân hàng này khi ông thanh minh rằng « không liên hệ với SVB » cộng thêm với quyết định không sai của môt trong hai nhà tài trợ chính cho Credit Suisse là ngân hàng Ả Rập Xê Út được diễn giải như một tín hiệu là đối tác Trung Đông này mất tín tưởng vào ngân hàng Thụy Sĩ, đã đổ dầu vào lửa.   

    Ba yếu tố nói trên cộng lại tạo nên một nỗi lo về mặt tâm lý mà tới nay các phân tích, thống kê dù là khả quan vẫn chưa đủ sức tái tạo niềm tin.


  • « Phương Tây đã nhầm về tiềm năng của Bắc Kinh ». Mỹ không còn là trung tâm khoa học và công nghệ thế giới. Liên Âu mờ nhạt chạy theo cuộc đua. Theo chuyên gia về tin học và kỹ thuật số Julien Nocetti Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI và trường đào tạo sĩ quan Saint Cyr, báo cáo của viện nghiên cứu Úc ASPI công bố đầu tháng 3/2023 cho thấy Trung Quốc đang nắm giữ những « chìa khóa an ninh, quân sự, kinh tế ». 

    Thấy gì từ bước « nhẩy vọt của công nghệ cao » Trung Quốc với những tác động kèm theo ?

    Ngày 02/03/2023 báo cáo Viện Nghiên Cứu về Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI công bố cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua về công nghệ mũi nhọn, đặc biệt là trong những lĩnh vực then chốt  - critical technologies hay còn được gọi là những công nghệ cao mang tính chiến lược - strategic technologies.  
    Trung Quốc thắng Mỹ 1-0
    Trong số 44 lĩnh vực ASPI đưa vào danh sách, Hoa Kỳ chỉ còn chiếm thế thượng phong ở 7 điểm và đã nhường vị trí hàng đầu trong 37 lĩnh vực còn lại cho Trung Quốc. Thế áp đảo của Mỹ khoanh vùng ở công nghệ bán dẫn, tin học lượng tử, tin học hiệu suất cao, công nghệ phóng vệ tinh thu nhỏ hay vac-xin...

    Trong số 37 « công nghệ chiến lược » ngày nay do Trung Quốc dẫn đầu chủ yếu nhằm phục vụ ngành quốc phòng, không gian, công nghệ thử nghiệm phóng tên lửa siêu thanh, vật liệu tiên tiến, công nghệ robot, trí thông minh nhân tạo …

    Hơn thế nữa, Trung Quốc đã chiếm thế độc quyền trong một số ngành như sản xuất bình điện, công nghệ viễn thông 6G … Viện Khoa Học Hàn Lâm Bắc Kinh « thường đứng thứ nhất hay thứ nhì kể cả trong những mảng nghiên cứu mà đến nay Mỹ luôn giữ thế áp đảo ».

    Trung Quốc đã soán ngôi của Hoa Kỳ về công nghệ hydrogen, về kỹ thuật chế biến amoniac để phục vụ trong công nghiệp năng lượng, công nghệ sản xuất vật liệu nano … Từ 2021 Trung Quốc đã qua mặt Mỹ về số lượng hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế hàng năm.

    10 viện nghiên cứu của thế giới được đặt tại Hoa Lục và đây là «nhà máy sản xuất » các công trình nghiên cứu « có ảnh hưởng nhất định » cao gấp 9 lần so với của Mỹ. Thành công đó có được là nhờ « 20 % tác giả của những công trình nghiên cứu đó từng được đào tào tại Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand ». Đấy cũng là 5 quốc gia trong nhóm liên minh tình báo Five Eyes.  
    Dốc sức lực cho lĩnh vực hàng không, không gian
    Vẫn theo báo cáo của ASPI, gần một nửa các công trình nghiên cứu của Trung Quốc nhằm đóng góp cho công nghệ chế tạo động cơ máy bay tiên tiến, động cơ siêu thanh. 7 trong số 10 trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này thuộc về Trung Quốc.

    Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về tin học và kỹ thuật số Julien Nocetti Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI và giảng dậy tại trường đào tạo sĩ quan Saint Cyr, nhấn mạnh liên hệ mật thiết giữa nhu cầu phát triển công nghệ của Trung Quốc với mục tiêu an ninh và quân sự :  

    Julien Nocetti : « Ngay cả trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, Trung Quốc quan niệm là phát triển kinh tế phải gắn liền với vế an ninh và quân sự. An ninh, là bởi vì về đối nội Trung Quốc tăng cường các công cụ kiểm soát công dân nước này nhờ công nghệ số. Chẳng hạn như qua hệ thống chấm điểm công dân. Để thưởng hay phạt điểm các công dân, chính quyền cần dựa vào những dữ liệu digital, cần lắp đặt camera thu hình ở khắp mọi nơi. Thông thường Âu, Mỹ xem và khai thác các dữ liệu kỹ thuật số dưới góc độ thương mại hay pháp lý. Châu Âu chẳng hạn chú trọng đến việc phải bảo mật các dữ liệu về thông tin cá nhân… Thế còn ở Trung Quốc thì người ta quan niệm khác. Họ chủ trương là cần phải làm chủ các dữ liệu đó vì lý do an ninh quốc nội, vì Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp kiểm soát công dân nước này. Đây là một điểm hết sức quan trọng để hiểu được vì sao công nghệ cao của Trung Quốc đã phát triển mạnh và để rồi giờ đây, đủ sức vươn ra thế giới ».

     (…)  Còn về mục đích quân sự thì Bắc Kinh chủ trương đến năm 2030 và nhất là từ nay đến 2049, đúng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Trung Quốc phải qua mặt được Mỹ cả về mặt quân sự nhờ những loại vũ khí và trang thiết bị càng lúc càng tối tân. Thí dụ như là Bắc Kinh có hẳn cả một chương trình trang bị cho các binh sĩ những bộ y phục « thông minh » gắn đầy bọ điện tử để thu thập thông tin, bắn đi những tín hiệu định vị… Tất cả những yếu tố đó, trong dài hạn sẽ giúp quân đội Trung Quốc chiếm thế thượng phong ». 
    Nền tảng để trở thành một siêu cường công nghệ thế giới
    Các đồng tác giả báo cáo của Viện Nghiên Cứu về Chính Sách Chiến Lược Úc kết luận : « Bắc Kinh đã đặt nền tảng để trở thành siêu cường số 1 thế giới về khoa học và công nghệ ». Trong cuộc đua công nghệ, « các nền dân chủ phương Tây đang thua cuộc từ về mặt khoa học, nghiên cứu đến khả năng tuyển mộ nhân tài ». Nguy hiểm ở đây đối với Tây Phương : « Đấy lại là những yếu tố quyết định cho phát triển và việc kiểm soát những công nghệ then chốt của thế giới trong hiện tại và tương lai ».  

    Trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội Trung Quốc khóa 14 hôm 13/03/2023 ông Tập Cận Bình vừa chính thức được chỉ định thêm nhiệm kỳ thứ 3 ở cương vị chủ tịch nước và chủ tịch Quân Ủy Trung Ương đã tuyên bố : « An ninh là nền tảng của sự phát triển. Ổn định là điều kiện tiên quyết của thịnh vượng ». Mà để đạt được mục tiêu đó thì Trung Quốc cần thúc đẩy để « có một hệ thống phòng thủ quốc gia hiện đại toàn diện (…) quân đội phải là bức vạn lý trường thành bằng thép bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia ».  

    Hai ngày trước, thượng tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) được bầu làm bộ trưởng Quốc Phòng. Từng chỉ huy chương trình hàng không vũ trụ của Trung Quốc, việc tướng Phúc đứng đầu bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh càng lúc càng chú trọng đến phát triển công nghệ phòng thủ hàng không - không gian.
    Thế giới nhầm về tiềm năng của Trung Quốc ?
    Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí địa chính trị Grand Continent ngày 15/02/2023 Alice Pannier thuộc viện IFRI định nghĩa và nêu bật một số nét đặc thù của các công nghệ chiến lược và then chốt.

    Khái niệm « Công nghệ then chốt -critical technologies » xuất hiện từ thập niên 1990 ở Mỹ hiểu theo nghĩa đó là những « công nghệ mang tính then chốt vì lợi ích quốc gia (…) trong đó bao gồm lợi ích kinh tế về dài hạn ». Đó là những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân ít quan tâm. Công nghệ then chốt liên quan đến những lĩnh vực mang tính cạnh tranh ở cấp quốc tế và có thể trở thành mục tiêu của các hoạt động dọ thám. Do vậy ở đây cần có sự can thiệp của Nhà nước. Trung Quốc không là một ngoại lệ.

    Điểm thứ nhì là khi nói đến « công nghệ cao » hay các « công nghệ mới » đòi hỏi cộng tác - qua đó là mức độ lệ thuộc của một Nhà nước vào các đối tác tư nhân, vào các nguồn cung cấp trong lĩnh vực dân sự, vào các nhà cung cấp trang thiết bị … thường là của nước ngoài.

    Chính vì thế mà Trung Quốc không chỉ mới đây mà đã từ lâu nhắm tới mục tiêu tự chủ về công nghệ.

    Julien Nocetti : « Trong 20 năm đầu của thế kỷ 21 chúng ta cứ nghĩ rằng Trung Quốc là một nền công nghiệp sản xuất đại trà, lấy số nhiều làm chủ đạo, hàng rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới. Trung Quốc là một nhà cung cấp các dịch vụ tầm thường với giá rẻ. Không thể phủ nhận điều này, nhưng bên cạnh đó - mà tiêu biểu nhất là trường hợp của Hoa Vi, thì Trung Quốc đã có những sản phẩm và dịch vụ cao cấp về công nghệ để chinh phục thế giới. Cho dù là Mỹ đã liên tiếp viện lý do an ninh quốc gia để kềm hãm các tập đoàn Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn đã có những bước nhẩy vọt về công nghệ vì lợi ích phát triển kinh tế, vì lợi ích chính trị và chiến lược.

    Một lần nữa Trung Quốc quyết tâm tăng cường sức mạnh cho quân đội quốc gia, để đầu tiên hết là không bị phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến của phương Tây và kế tới là trực tiếp cạnh tranh và khuynh đảo thế thượng phong về mặt quân sự của Hoa Kỳ. Bắc Kinh sợ rằng sức mạnh quân sự của Mỹ hiện nay đang nhắm vào Thái Bình Dương và ở những vùng sát cạnh với Trung Quốc, trong đó có một điểm nhậy cảm như là Đài Loan ».

    Vẫn Julien Nocetti thuộc viện IFRI và của trường sĩ quan Saint Cyr lưu ý báo cáo vừa được viện nghiên cứu Úc ASPI công bố mới chỉ là khúc dạo đầu. Đến khoảng 2030-2040 và thậm chí là 2050 thì những thành công và tham vọng thực thụ của Bắc Kinh về công nghệ sẽ càng rõ rệt hơn nữa bởi hiện tại Trung Quốc vẫn đang trong quá trình « lấp vào những lỗ hổng » và vẫn chưa hoàn toàn tự lập.

    Theo ông Nocetti, ở thời điểm 2023 « Trung Quốc chưa thể đứng ngang hàng với Mỹ » nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, bởi ngay cả Hoa Kỳ chứ đừng nói đến Liên Âu cũng khó có thể cạnh tranh với Bắc Kinh khi mà Trung Quốc đã từ hai thập niên qua đẩy mạnh đầu tư vào nhân sự, vào các phương tiện, biến các trường đại học các học viện thành những thỏi nam châm hút công nghệ và kiến thức của phương Tây. 20 % các chuyên gia Trung Quốc công bố các công trình nghiên cứu đáng tin cậy theo báo cáo của ASPI từng được đào tạo ở nước ngoài. Số này đã trở về nước phục vụ. Hệ quả kèm theo là Âu-Mỹ trong thế phải chạy theo sau để bắt kịp Trung Quốc.
    Một trật tự mới về khoa học-công nghệ   
    Julien Nocetti : « Về lâu dài, nguy cơ ở đây là tình thế bị đảo ngược, tức là Mỹ và châu Âu phải rượt đuổi để bắt kịp Trung Quốc về mặt công nghệ cao, mà chính những công nghệ mang tính chiến lược đó hiện tại đang là những cái phao đối với các nền kinh tế phương Tây. Tuy nhiên cần phân biệt rõ trường hợp của Hoa Kỳ với Liên Âu. Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Biden đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ cao qua các chương trình đầu tư hàng chục tỷ đô la vào công nghiệp bán dẫn, vào trí thông minh nhân tạo... Về phía Liên Hiệp Châu Âu, những sáng kiến và dự án của châu Âu bị xé lẻ. Bruxelles, Paris hay Berlin đầy tham vọng chính trị để toàn khối này phải tự lập về mặt công nghệ. Hiềm nỗi ngay các thành viên trong Liên Âu cũng là những đối thủ trực tiếp cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư nước ngoài. Mục tiêu và tham vọng tự chủ về công nghệ cao, về kỹ thuật số của Liên Hiệp Châu Âu qua đó thực sự đang bị thách thức ».

    Trong bài tham luận đăng trên trang mạng của IFRI hôm 15/02/2023 Alice Pannier đơn cử trường hợp của công nghệ lượng tử, một lĩnh vực đáp ứng cùng lúc các lợi ích kinh tế và an ninh. Do mới ở giai đoạn đầu, giới chuyên gia quốc tế cần hợp tác chia sẻ kiến thức. Ở giai đoạn này châu Âu đã mở cửa và dễ dàng cộng tác với các viện nghiên cứu ngoài khối, từ Mỹ đến Trung Quốc Úc, Ấn Độ, Canada ... Nhưng khi chuyển từ khâu nghiên cứu sang giai đoạn áp dụng thực hành, thì theo tác giả bài viết, nhiều vấn đề cụ thể về hợp tác đã đặt ra giữa các nhà nghiên cứu châu Âu với các đối tác Trung Quốc. Trong đó bao gồm từ bản quyền, đến quyền tự do công bố kết quả nghiên cứu... để rồi giờ đây Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua.

    Còn trong quá trình hợp tác với các đồng cấp Mỹ, thì châu Âu cũng chóng nhận thấy một sự bất cân đối giữa các viện nghiên cứu hai bên bờ Đại Tây Dương. Một trong những bất cân đối đó là phương tiện tài chính. Tựu chung, hợp tác với các phòng nghiên cứu của Mỹ theo tinh thần có lợi cho cả đôi bên cũng không phải là chuyện dễ ! 

    Như trong nhiều lĩnh vực khác, một lần nữa Châu Âu đang nhường lại cuộc chơi cho Mỹ và Trung Quốc.  


  • Gruzia đang trở một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới vào năm 2022, bất chấp khủng hoảng năng lượng và lạm phát. Cuộc chiến tranh Ukraina đã khiến hàng trăm ngàn người rời khỏi Nga và lựa chọn đến Gruzia. Chủ yếu là những người trẻ có trình độ cao và mang theo nhiều tiền mặt. 

    Nằm ở vị trí chiến lược, Gruzia trở thành con đường kết nối châu Âu và châu Á, trên con đường tơ lụa mới (New Silk Road). Mười năm trở lại đây, nền kinh tế 3,7 triệu dân đã ghi nhận những tăng trưởng đáng kể, từ 3 đến 5 % trước đại dịch Covid-19. Do ngành dịch vụ, du lịch chiếm 60 % trong cơ cấu kinh tế, Gruzia cũng như nhiều nước khác, đã phải chịu tác động nặng nề từ Covid-19 và bước sang giai đoạn phục hồi.    
    Tăng trưởng đầy "bất ngờ"
    Với hơn 800 km đường biên giới chung với Nga, các dự báo tăng trưởng của Gruzia được đưa ra không mấy tích cực đầu năm 2022. Tuy nhiên, trường hợp của Gruzia đã khiến các nhà kinh tế “đau đầu”, nhiều lần phải sửa đổi báo cáo trong những tháng cuối năm. Trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt (15/11/2022), nhà kinh tế học Lasha Kavtaradze, trưởng phòng Phân tích và Dự báo Kinh tế Vĩ mô tại viện nghiên cứu Galt & Taggart, có trụ sở tại Tbilisi, cho biết mức tăng trưởng lên hai số là điều mà không ai ngờ tới : 

    “Vào đầu năm 2022, trước khi chiến tranh Nga – Ukraina xảy ra, chúng tôi đã dự báo rằng tỷ lệ răng trưởng kinh tế có thể đạt 5 %. Tuy nhiên khi chiến tranh bắt đầu, chúng tôi đã phải thay đổi, và hạ thấp tỷ lệ này xuống. Chúng tôi đã tiếp tục thay đổi vài tháng sau đó do số lượng người Nga di cư sang Gruzia gia tăng trong thời gia qua. Chúng tôi ghi nhận dòng tiền từ nước ngoài đổ vào Gruzia tăng mạnh. (Tính đến tháng 10/2022), tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đã lên đến 10.2 %.”    

    Không chỉ cơ quan của ông Lashka, tổ chức tư vấn đầu tư Galt & Taggart, bị bất ngờ, nhiều tổ chức quốc tế khác cũng đã ghi nhận trường hợp tương tự. Ngân hàng Tái cấu trúc và Phát triển châu Âu, vào tháng 03/2022, đã dự đoán rằng cuộc xung đột ở Ukraina sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Gruzia. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo vào tháng 4/2022 rằng tăng trưởng của Gruzia sẽ giảm xuống còn 2,5% từ mức 5,5% ban đầu.   

    Đến tháng 11/2022, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) công bố báo cáo về tăng trưởng “không ngờ của Gruzia”, trong khi mà nhiều nước tăng trưởng đi xuống và phải đối mặt với cảnh lạm phát, giá năng lượng do cuộc chiến ở Ukraina. Ngân hàng Trung ương Gruzia cho biết, từ tháng Tư đến tháng Chín 2022, người Nga đã chuyển hơn 1 tỷ đô vào Gruzia, qua chuyển khoản từ ngân hàng hay các dịch vụ chuyển tiền khác. Con số này cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo báo cáo của tổ chức Transparency, có trụ sở tại Tbilisi, Gruzia, riêng trong năm 2022, Gruzia đã nhận được tổng tộng 3,6 tỷ đô la từ Nga, qua hình thức kiều hối (remittances), du lịch, xuất khẩu hàng hoá…, gấp 4 lần so với 2021 từ các nguồn tương tự. Con số này tương đương với 14,6% GDP của Gruzia vào năm 2022. Trước đó, tỷ lệ cao nhất chỉ đạt 9,9% GDP vào năm 2018.  
    Chính sách thị thực dễ dàng của Gruzia
    Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến nền kinh tế Nga bị cô lập, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đóng cửa, ngừng hoạt động ở Nga. Nhiều đường bay quốc tế bị tạm ngưng. Thêm vào đó là lệnh động viên 1 phần cho chiến trường ở Ukraina, hàng trăm ngàn người đã lựa chọn rời khỏi đất nước. Một nước láng giềng, từng thuộc khối Liên Xô cũ là một lựa chọn lý tưởng. Ngoài vị trí địa lý và gần gũi về văn hoá với Nga, Gruzia còn ban hành chính sách nhập cư “tự do”, cho phép người nước ngoài từ nhiều quốc tịch khác nhau, đến sinh sống, làm việc và thành lập doanh nghiệp mà không cần xin thị thực trong vòng 1 năm. Hơn 100 000 người Nga đã đến Gruzia kể từ khi chiến tranh nổ ra. Vào tháng 9 năm ngoái, các trạm kiểm soát biên giới giữa hai nước trong tình trạng quá tải. Các dòng xe nối dài hàng chục km tại các cửa khẩu giữa Nga và Gruzia chờ thông quan.    

    Theo nhà kinh tế học Lasha Kavtaradze, có 2 đợt nhập cư chính từ Nga vào Gruzia: “Đợt đầu tiên là kể từ khi chiến tranh bắt đầu, ước tính có khoảng 70 000 người Nga đã đến Gruzia Đến mùa hè thì con số này giảm xuống khoảng 50 000. Nhưng từ sau tháng 9, chúng tôi chứng kiến đợt di cư lớn thứ hai từ Nga, thêm khoảng 80 000 người. Một tổ chức nghiên cứu kinh tế của Đức đánh giá rằng ở làn sóng thứ nhất thường là những người di cư có trình độ cao, làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, như IT và chi phí sinh hoạt hàng tháng mà họ trả khi di cư tới Gruzia rơi vào khoảng 1700 -3000 đô la. Tuy nhiên làn sóng thứ hai thì được cho là những người có thu nhập thấp, thấp hơn so với những người đến trong đợt 1. Nếu xét đến tác động từ cả hai làn sóng này tạo ra đối với tăng trưởng kinh tế Gruzia, khiến GDP tăng 11 %.”  

    Theo Reuters, nền kinh tế tương đối khiêm tốn, trị giá khoảng 19 triệu đô la, được biết đến trong khu vực bởi các ngọn núi hùng vĩ và thung lũng nho, đang dần vượt các nền kinh tế mới nổi về tốc độ tăng trưởng như Việt Nam hay các nước xuất khẩu dầu khí, như Kuwait, (giàu có nhờ giá dầu khí tăng cao). Hãng tin Anh trích dẫn nhận định của giám đốc điều hành của ngân hàng TBC ở Gruzia, cho rằng“kinh tế có nhiều tiến triển và tất cả các ngành công nghiệp đều khởi sắc, từ doanh nghiệp nhỏ đến lớn. Đúng là có một cơn bùng nổ !”  
    Dòng tiền Nga đổ vào Gruzia
    Theo báo cáo của German Economic Team về tình hình này, những người di cư từ Nga đến Gruzia thường sẽ ở lại khoảng 6 tháng, điều này ít nhiều cũng đã tạo ra tác động tích cực đối với nền kinh tế Gruzia, vốn đang phục hồi sau suy giảm của đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Cơ quan thống kê Gruzia, từ tháng 1 đến tháng 11/2022, 12083 doanh nghiệp Nga được đăng ký ở Gruzia, cao gấp 13 lần so với cả năm 2021.Thêm vào đó, vào tháng 09/2022, các ngân hàng tại Gruzia cũng ghi nhận hơn 45 000 tài khoản do người Nga đứng tên, tức là tăng gấp đôi so với những năm trước đó.   

    Nhà kinh tế học Lasha Kavtaradze nhận xét : “Nếu như nhìn vào tổng thể thu nhập từ di dân, một trong số họ gửi tiền trong ngân hàng và không tiêu chúng. Hơn nữa, Gruzia không chỉ tiếp nhận di dân từ Nga mà còn từ Belarus hay Ukraina, do vậy dòng tiền như vậy giúp thúc đẩy lượng cầu (demand) và đầu tư, cũng như tác động tích cực đến tiền lari của Gruzia, hiện nay đã tăng 12% so với đô la (theo số liệu từ tháng 11/2022).”

    Gruzia cũng không phải là nước duy nhất được hưởng lợi từ dòng người di cư từ Nga do chiến tranh Ukraina. Nhà kinh tế học Lasha Kavtaradze cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia cũng đã đạt được những tăng trưởng kinh tế đáng kể từ nguồn tài chính tương tự. Các quốc gia này đã phản đối các trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đổi lại, thu hút dòng tiền từ Nga. Tăng trưởng kinh tế đạt 11 % tại Armenia và 7 % đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm vừa qua. Theo CNBC, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấp giấy phép cư trú cho 118.826 người Nga, 1/5 doanh số từ bất động sản cho khách nước ngoài là đến từ người Nga.  
    Giá bất động sản bùng nổ
    Quay trở lại Gruzia, dòng người di dân đến Gruzia có thể nhìn thấy rõ rệt ở thủ đô Tbilisi, đặc biệt là trong thị trường bất động sản. Tuy nhiên, không hoàn toàn là tác động tích cực. Hãng tin Reuters cho biết giá thuê nhà ở Tbilisi đã tăng 75 % vào năm 2023. Những người thu nhập thấp và sinh viên là những nạn nhân đầu tiên. Ví dụ như trường hợp của cô Nana Shonia, 19 tuổi. Vài tuần trước khi chiến tranh Ukraina nổ ra, cô đã ký hợp đồng thuê một căn hộ tại trung tâm thủ đô, với giá khoảng 150 euro mỗi tháng. Tuy nhiên vào tháng Bảy vừa qua, cô đã bị chủ nhà yêu cầu ra khỏi căn hộ vì giá nhà tăng. Cô Helen Jose, một du học sinh Ấn Độ cũng gặp trường hợp tương tự, đã phải đến ở nhờ nhà bạn vì giá nhà của cô đã tăng gấp đôi trong mùa hè vừa qua. Trả lời hãng tin Reuters, cô cho biết: “Trước kia, tìm nhà rất dễ. Nhưng nay không chỉ tôi mà cả các bạn tôi cũng bị yêu cầu rời đi, bởi vì có những người Nga sẵn sàng trả nhiều hơn chúng tôi”.  

    Dù giá nhà có cao nhưng giới chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư quá nhiều vào thị trường bất động sản, bởi vì giá nguyên vật liệu và thiết bị cao. Hiện các chủ nhà có thể thu được lợi tức thì vì giá thuê nhà tăng, nhưng lợi nhuận từ việc bán nhà lại không đáng kể. Theo các nhà kinh tế, sự bùng nổ này không kéo dài và khuyến khích chính phủ Gruzia sử dụng nguồn thu thuế lành mạnh để trả nợ và có phương án dự trữ ngoại tệ khi có thể.   
    Địa chính trị bất ổn
    Hơn nữa, cuộc xung đột xảy ra vào năm 2008 (tại Nam Ossetia và Abkhazia) giữa Nga và quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ khiến một số người lo ngại rằng Gruzia có thể chịu tác động về xã hội cũng như chính trị trong thời gian tới. Nếu như vào tháng 9 năm ngoái, sau khi tổng thống Nga ban lệnh động viên một phần, dòng người ồ ạt từ Nga kéo vào Gruzia, thì ở phía bên kia các trạm kiểm soát biên giới, trên lãnh thổ Gruzia, các nhà hoạt động biểu tình phản đối tiếp nhận người Nga vì cho rằng rằng gián điệp Nga có thể nằm trong số họ.  

    Viện tư vấn Hudson, có trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ, đã cảnh báo rằng “điện Kremlin có thể sử dụng sự hiện diện của những người Nga này như là cái cớ để can thiệp hoặc gây hấn hơn nữa”.

    Chuyên gia về chính sách kinh tế và xã hội tại viện Phát triển Tự do Thông tin Gruzia (IDFI), Mikheil Kukava nhận định với CNBC rằng, mặc dù phần lớn những người di cư từ Nga thuộc “thế hệ mới” và không phải là mối đe doạ, nhưng điện Kremlin có thể sử dụng đây như là “cái cớ để đến và bảo vệ họ. Vậy thì những tác động tích cực về kinh tế không đáng là bao”.  

    Về phần mình, chuyên gia kinh tế Lasha Kavtaradze lại cho rằng, tỷ lệ rủi ro là rất thấp đối với những di dân trình độ cao đến từ Nga. Hơn nữa, tuỳ vào tình hình địa chính trị toàn cầu thay đổi ra sao, đa số sẽ không ở lại Gruzia mà có thể đến Hoa Kỳ hày một nước khác, nhiều người cũng đã thay đổi quốc tịch.  


  • Sau hơn 365 ngày chiến tranh, chưa biết khi nào hòa bình vãn hồi trên lãnh thổ Ukraina. Chưa thể thẩm định những thiệt hại vật chất về phía Ukraina sẽ lên đến bao nhiêu, không biết chính xác về nhu cầu tái thiết của quốc gia bị xâm chiếm này. Điều đó không cấm cản Kiev và các doanh nghiệp phương Tây, các định chế tài chính đa quốc gia, giới ngân hàng bắt đầu công cuộc tái thiết Ukraina.

    Ngày 15/02/2023, hội chợ Tái Thiết Ukraina - diễn ra tại khu triển lãm ở thủ đô Vacxava, Ba Lan. Đây là nhịp cầu giúp cách chính quyền thành phố ở Ukraina tìm kiếm đối tác trong giai đoạn xây dựng lại đất nước.

    Trong số các bên tham gia, có Andrii Feda, đại diện cho thành phố Mariupol. Theo lời quan chức này 90 % các khu chung cư, 60 % ngôi nhà bị tàn phá. Toàn bộ hệ thống giao thông bị hư hại. Mariupol cần tái lập lại hệ thống điện, nước và ga. Thiệt hại vật chất ước tính lên tới 14,5 tỷ đô la. Mariupol nhìn ra biển Azov vẫn đang bị quân đội Nga chiếm đóng, các công trình xây dựng chỉ có thể khởi động một khi Ukraina chiếm lại thành phố này. Điều đó không cấm cản ông Feda, tại hội chợ Tái Thiết Ukraina khẳng định Mariupol « rồi sẽ hồi sinh, như Vacxava và Dresden đã từng được tái thiết sau Thế Chiến Thứ Hai ».

    Kiểm kê tình hình tại chỗ 

    Ngành công nghiệp nặng, luyện kim và hóa chất bị thiệt hại nhiều nhất do phần lớn hoạt động tại miền đông, trong khu vực được mệnh danh là lá phổi công nghiệp của Ukraina. Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP đánh giá chiến tranh do Nga tiến hành « cướp đi 18 năm phát triển kinh tế » của Ukraina ; 90 % dân số nước này có nguy cơ bị đẩy vào cảnh nghèo khó. Kinh tế Ukraina không bị sụp đổ hoàn toàn trong năm 2022 nhờ viện trợ của quốc tế.

    Đại học kinh tế Kiev (Kiev School of Economics) thẩm định, cỗ máy chiến tranh của Matxcơva khiến 137 tỷ đô la tài sản của Ukraina - tương đương với 2/3 GDP, tan thành tro bụi ; 50 % các nhà máy điện trên toàn quốc bị hư hại. Ukraina cần 550 tỷ đô la tái thiết đất nước.

    Trước đó, vào tháng 9/2022 báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới nói đến những « thiệt hại to lớn » và thẩm định rằng sau 100 ngày chiến tranh (tính đến cuối tháng 5/2022) tổn thất về phía Ukraina lên tới 97 tỷ đô la, thêm vào đó 250 tỷ thất thu do cố máy sản xuất và xuất nhập khẩu bị gián đoạn. Từ đó tới nay Nga tăng hỏa lực chủ yếu đánh vào cơ sở hạ tầng thiết yếu của đối phương. 20 % cơ sở y tế của Ukraina đã bị xóa sổ, gần 3.000 trường học bị tàn phá trong đó có trên 800 trường mẫu giáo. Từ tháng 9/2022 Nga chủ trương tấn công vào cơ sở hạ tầng dân dụng thiết yếu : 50 % các nhà máy điện trên toàn quốc bị hư hại.

    Trả lời đài RFI Pháp ngữ Alain Pilloux, phó thống đốc Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu BERD cho rằng từ tháng 9 tới nay thiệt hại vật chất mà phía Ukraina hứng chịu đã tăng lên thêm, nhu cầu tái thiết qua đó tăng theo.

    Alain Pilloux : « Trong một nghiên cứu công bố năm ngoái, Ngân Hàng Thế Giới nói đến 350 tỷ đô la. Từ đó tới nay con số này đã bị đẩy lên cao. Cá nhân tôi ước tính là cộng đồng quốc tế sẽ phải huy động từ 400 đến 500 tỷ đô la giúp Ukraina xây dựng lại đất nước nhưng đó là công trình dài hơi. Nhưng đừng quên rằng Ukraina có những nhu cầu cấp bách phải giải quyết, thí dụ duy trì hệ thống điện lực để bảo đảm sản xuất và sưởi cho người dân. Chỉ riêng khâu này Kiev cần gấp 9  tỷ đô la trong năm nay ».

    Cũng ông Pilloux nhắc lại Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Châu Âu BERD đã giải ngân 1,7 tỷ euro cho Ukraina trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ đích nhằm bảo đảm duy trì một số dịch vụ công cần thiết nhất cho người dân Ukraina, chẳng hạn như bảo đảm về điện, ga hay trong hoạt động ngành đường sắt xe lửa. Kế tới cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân sống nhờ xuất khẩu, thí dụ như trong công nghiệp chế biến thực phẩm chẳng hạn. 

    Câu hỏi kế tiếp là ở thời điểm chiến tranh tiếp diễn và Nga đã đổi chiến lược chủ yếu nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina thì đâu là nhu cầu của quốc gia bị xâm lược này ?

    Alain Pilloux : « Thứ nhất là nhu cầu tài trợ cho thâm hụt ngân sách nhà nước, ước tính lên tới 40 tỷ đô la trong năm vừa qua. Gần như là quốc tế đã huy động được số tiền này, chủ yếu là nhờ nỗ lực của Liên Hiệp Châu Âu, của nhóm G7 với nguồn tài trợ lớn nhất là Mỹ. Kế tới là những nhu cầu khẩn cấp xây dựng lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại sau các đợt oanh kích của Nga. Tôi muốn nói đến việc phục hồi các nhà máy điện, để bảo đảm cho khu vực sản xuất, cho các hệ thống sưởi của thành phố… BERD đã dành hẳn hơn 500 triệu euro hỗ trợ tập đoàn điện lực quốc gia Ukraina trong năm 2022. Ngoài ra Ukraina cần xây dựng lại cả hệ thống giao thông, tái thiết các khu nhà ở cho dân và những cơ sở hạ tầng để bảo đảm dịch vụ xã hội như trường học, bệnh viện… Trong tương lai xa hơn một chút Ukraina cần được hỗ trợ trong công tác dỡ mìn. Theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới phí tổn cho riêng khoản này ước tính chừng 70 tỷ đô la. Chúng ta biết rằng hiện tại khoảng 35 % diện tích của Ukraina đang bị gài mìn ».

    Lãnh đạo Ngân Hàng BERD Alain Pilloux lưu ý, đương nhiên các chương trình viện trợ hay trợ giúp Ukraina tái thiết đòi hỏi chính quyền Kiev phải minh bạch và bảo đảm rằng viện trợ quốc tế không rơi vào túi một số ít các doanh nhân hay chính khách Ukraina :  

    Alain Pilloux : « Chương trình hỗ trợ Ukraina hiện nay của IMF, kế hoạch viện trợ của Liên Âu luôn coi việc bài trừ tham nhũng là một điều kiện. Ngân Hàng Tái Thiết và Pháp Triển Châu Âu cũng rất chú trọng đến vế này. Bài trừ tham nhũng là một điều kiện quan trọng quyết định về số tiền viện trợ cũng như là về tiến độ giải nhân các khoản viện trợ quốc tế cho Ukraina ».

    Viện trợ quốc tế : với 100 tỷ đô la, Âu - Mỹ trên tuyến đầu

    Trong 12 tháng chiến tranh, cộng đồng quốc tế đã tổ chức 4 hội nghị các nhà tài trợ cho Ukraina (Lugano, Vacxava, Berlin và Paris). Gần đây nhất tại Paris, hôm 13/12/2022 hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã cam kết tặng không 1 tỷ đô la giúp chính quyền Kiev « trải qua mùa đông này » nhất là vào lúc mà bên xâm lược là Nga từ tháng 9/2022 tập trung tấn công vào các nhà máy điện của Ukraina để làm tê liệt đối phương, đẩy cuộc sống của người dân Ukraina thêm khó khăn hòng gây chia rẽ công luận.

    Na Uy đầu tháng 2/2023 cam kết viện trợ cho Kiev gần 7 tỷ đô la trong 5 năm sắp tới, dưới hình thức viện trợ nhân đạo và quân sự. Liên Âu cam kết 52 tỷ euro cho Ukraina chủ yếu là « viện trợ tài chính » giúp kinh tế Ukraina duy trì hoạt động trong thời chiến. Một mình nước Mỹ cũng hứa giúp chính quyền Kiev một số tiền gần 50 tỷ đô la nhưng lại tập trung vào viện trợ quân sự.

    Lĩnh vực tư nhân

    Bên cạnh các khoản trợ giúp xuất phát từ các định chế đa quốc gia như Liên Hiệp Châu Âu, Ngân Hàng Tái Thiến và Phát Triển Châu Âu, Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu… thì còn có rất nhiều các đối tác tư nhân.

    Thông tín viên RFI Aabla Jounaidi đến thành phố Lyman vùng Donbass miền đông Ukraina và Irpin ngoại ô thủ đô Kiev. Tại Lyman, dù chưa im tiếng súng, người dân địa phương tìm mọi cách khắc phục hậu quả chiến tranh tùy theo khả năng. Còn tại Irpin, chính quyền có thể trông cậy vào hảo tâm của các đối tác nước ngoài :

    Bị quân đội Nga chiếm đóng trong bốn tháng và là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh khốc liệt, thành phố Lyman-Donbass, miền Đông Ukraina vẫn mang nhiều vết thương chiến tranh. Hệ thống đường ống dẫn ga lộ thiên bị hư hại. Công nhân đang phải khắc phục hậu quả sau nhiều đợt oanh kích của quân Nga. Sergueii là một trong những số đó. Anh cố gắng sửa chữa để cung cấp ga 7 ngày trên 7 cho dân cư thành phố và biết rằng giao tranh vẫn đang diễn ra cách đấy không xa.

    Còn tại Irpin, ngoại ô thủ đô Kiev, người ta bắt đầu dỡ những đống gạch đổ nát từ những khu chung cư bị trúng bom. Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, Irpin đã cản đường quân Nga tiến vào thủ đô. Nhờ vậy Irpin được  tổng thống Volodymyr Zelenski trao tặng danh hiệu « thành phố anh hùng ». Kiev đã cam kết giúp Irpin tái thiết. Thị trưởng thành phố vẫn mỏi mòn chờ đợi những khoản trợ giúp đó của chính phủ.

    Trái lại Irpin đã được các đối tác quốc tế nhiệt tình giúp đỡ. Thành phố Caiscais của Bồ Đào Nha kết nghĩa với Irpin đã huy động hơn nửa triệu euro cho công cuộc tái thiết. Một công ty của Áo hiện diện lâu năm tại Ukraina giúp thành phố này xây dựng lại một trường học. Một tập đoàn dầu hỏa tạo điều kiện cho 1.500 học sinh trở lại trường lớp. Litva giúp xây lại một nhà trẻ của thành phố và Irpin bắt tay ngay vào việc.

    Theo lời thị trưởng thành phố, cần có những kết quả cụ thể ngay lập tức để chứng minh với các nhà tài trợ về tính nghiêm túc của bên được giúp đỡ. Ông kỳ vọng Irpin là một thí điểm của các công trình tái thiết Ukraina. Tháng 6 năm ngoái nhiều lãnh đạo quốc tế đã đến thăm thành phố này để tỏ tình liên đới với Irpin và tới nay hơn 80 % dân cư đã trở về để làm lại tất cả từ đầu.      

    Tái thiết trước khi vãn hồi hòa bình, một hình thức kháng cự

    Ukraina là quốc gia hiếm thấy trên thế giới đã lao vào công cuộc tái thiết đất nước trong lúc báo động phòng không vẫn dồn dập từ ở thủ đô Kiev cho đến các vùng ở miền Nam, miền Đông…Khu vực biên giới phía bắc sát với Belarus thì được đặt trong tình trạng « báo động » thường trực trước nguy cơ chính quyền Minsk nhập cuộc, mở thêm một mặt trận ở phương Bắc tiếp sức cho quân đội Nga.

    Tại sao phương Tây và những đồng minh của Kiev đã tính đến giai đoạn hậu chiến tranh ? François Grunewald giám đốc cơ quan tư vấn chuyên về các chương trình tái thiến URD của Pháp ghi nhận thứ nhất, đối với người Ukraina họ bắt tay vào việc ngay khi có điều kiện, bởi xây dựng lại là điều sống còn : người dân cần nhà để ở, cần phục hồi hệ thống điện, ga và nước. Đương nhiên dân Ukraina biết rằng, Nga vẫn có thể lại dội bom, lại đưa chiến xa vào các thành phố vừa được xây dựng lại.

    Thứ hai, nhìn từ góc độ của người dân Ukraina xây dựng lại đất nước trước khi im tiếng súng hàm ý Ukraina sẽ không bao giờ đầu hàng. Hơn nữa đây còn là một vấn đề tâm lý như ông Grunewald giải thích trên đài truyền hình Arte bởi lao vào tái thiết đất nước giúp mọi người hy vọng sẽ lại được sống trong hòa bình, sẽ lại được trở về nhà để xây dựng lại cuộc sống. 

    Về phần Laurent Germain, tổng giám đốc Egis hiện diện lâu năm tại Ukraina trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ thì cho rằng, Âu, Mỹ đã cam kết viện trợ cho Ukraina hơn 100 tỷ đô la dưới hình thức viện trợ tài chính, quân sự, nhân đạo : đó là một tín hiệu mạnh về mặt địa chính trị và ngoại giao.

    Song, không thể phủ nhận qua các khoản viện trợ cho Ukraina ngay giữa các nước không khối Tây phương cũng đang lao vào một cuộc cạnh tranh để tranh giành ảnh hưởng với Kiev. Ảnh hưởng đó không chỉ giới hạn ở các hợp đồng, mà đấy còn là ảnh hưởng về chính trị của Bruxelles hay Washington với Kiev sau này. 

    Ai cũng biết con đường để Ukraina được kết nạp vào Liên Hiệp Châu Âu còn đầy chông gai. Điều đó không cấm cản Bruxelles công nhận quy chế ứng viên của Ukraina. Christine Dugoin Clément, trường thương mại IAE trực thuộc đại học Sorbonne Paris trên đài truyền hình Arte ghi nhận : mỗi quốc gia luôn nghĩ đến lợi ích của riêng mình, của các doanh nghiệp trong nước khi đứng ra cam kết tài trợ một chương trình tái thiết. Điều này lại càng đúng hơn nữa khi mà chương trình tái thiết đó lên tới hàng trăm tỷ đô la.


  • Tên lửa, xe tăng, đại bác của Nga không diệt được các doanh nghiệp Ukraina. Về phía Nga, nền kinh tế thứ 9 trên thế giới không bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Phép lạ nào giúp kinh tế Ukraina vẫn cầm cự dưới tác động của chiến tranh ? Nhờ đâu kinh tế Nga vẫn trụ được sau 9 đợt trừng phạt liên tiếp của phương Tây ? Một lần nữa các câu hỏi về hiệu quả của trừng phạt, cấm vận Nga lại dấy lên.

    Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế trong báo cáo công bố ngày 31/01/2023 thẩm định tổng sản phẩm nội địa Ukraina trong năm 2022 giảm 34 % do tác động chiến tranh. GDPcủa Nga giảm 2,2 % : « nhẹ hơn nhiều » so với đợt suy thoái (-7,9%) hồi 2009 dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
    Đánh sập kinh tế Ukraina : Nga thất bại
    Sau một năm chiến tranh, nhiều thành phố từ Mariupol đến Kharkiv hay Kherson đã tan hoang. Quân đội Nga liên tục nhắm vào các nhà máy điện Ukraina. Cuối 2022, thống kê của Kiev ghi nhận : gần 150.000 khu dân cư bị thiệt hại, 150 cây cầu bị đánh sập, 330 bệnh viện bị trúng bom, gần 3.000 trường học chỉ còn là những đống gạch đổ nát, gần 600 cơ quan hành chính bị tàn phá hoặc bị quân đội Nga trưng dụng ở những vùng bị chiếm đóng. Từ 30% đến 40% diện tích đất canh tác của một trong những vựa ngũ cốc trên thế giới bị nhiễm mìn. Tại khu vực miền đông, lá phổi công nghiệp của Ukraina, cả một mảng lớn các hoạt động kinh tế bị tê liệt.

    Trên đài truyền hình Pháp BFM chuyên gia kinh tế Nicolas Bouzou điều hành công ty vấn Asterès nhìn « cốc nước nửa đầy », khi nêu bật trước ngần ấy những « tai họa » một số doanh nghiệp Ukraina vẫn tìm được lối thoát :

    Nicolas Bouzou : « Năm ngoái sản xuất của Ukraina giảm hơn 30 % đây là một mức độ vô cùng nghiêm trọng. Cần biết rằng Ukraina mất đi một phần các nguồn lao động : thanh niên thì bị điều ra chiến trường, phụ nữ trẻ em thì ra nước ngoài chạy trốn chiến tranh. Lực lượng lao động bị giảm mạnh. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp kháng cự khá tốt nhờ giảm lương của nhân viên, nhờ tổ chức lại, nhờ Ukraina có một mạng lưới internet và các công cụ kỹ thuật số rất tốt. Thêm vào đó hệ thống đường sắt quốc gia hoạt động rất hiệu quả. Tổng thống Zelensky xem nhân viên tập đoàn đường sắt là một “đội lính” thứ hai. Nhờ họ mà hệ thống phân phối không bị đứt, gẫy … Với tất cả các yếu tố nói trên, một số công ty Ukraina vẫn tiếp tục xuất khẩu ».

    Trong chiến tranh mà nhiều sự kiện như hội chợ sách quốc tế vẫn được tổ chức tại thủ đô Kiev và ở những vùng xa các mặt trận nóng. Các công ty tuyển dụng nhân viên hoạt động rất mạnh theo lời giám đốc cơ quan tư vấn Asterès. Đương nhiên kinh tế Ukraina cầm cự được nhờ viện quốc tế : Sau Hoa Kỳ, Liên Âu là điểm tựa thứ nhì của chính quyền Kiev. Bruxelles đã cấp 8 tỷ đô la cho Kiev trong năm 2022 và dự trù 17 tỷ trong năm nay, đó là chưa kể các khoản viện trợ nhân đạo và quân sự. 
    Sức kháng cự của kinh tế Nga : « Vật thể lạ »
    Tuy nhiên mọi chú ý dồn về phía Nga. Trong lịch sử kinh tế đương đại, chưa một quốc gia nào lãnh những đòn trừng phạt nặng như Liên bang Nga hiện nay. Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị đợt trừng phạt thứ 10 kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraina. Châu Âu, Mỹ, Canada, Úc và Nhật nhất trí « nhắm » vào xuất nhập khẩu dầu khí của Nga, một lĩnh vực chiếm từ 15% đến 20 % GDP và bảo đảm 40 % ngân sách quốc gia.

    Chỉ hai ngày sau chiến tranh, Nga bị loại khỏi hệ thống quốc tế thanh toán ngân hàng SWIFT, 300 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nga tại Âu Mỹ bị phong tỏa. 

    Vậy mà phát biểu tháng 12/2022 tổng thống Vladimir Putin tự hào « phá vỡ âm mưu  của phương Tây muốn hạ gục » kinh tế Liên Bang Nga. GDP của Nga dưới tác động của những đòn trừng phạt quốc tế được ví như « vũ khí hạng nặng » giảm 2,2 % theo thống kê của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và 2,1 % theo thống kê Rosstat của Nga. Đơn vị tiền tệ quốc gia đã ổn định trở lại. Ngân Hàng Trung Ương với « nữ tướng » Elvira Nabioullina đứng đầu, đã kềm hãm được lạm phát.

    Trả lời đài phát thanh France Culture Sébastien Jean chuyên gia về thương mại quốc tế trường CNAM – Học Viện Quốc Gia về Nghệ Thuật và Nghề Nghiệp - Paris nêu bật những dấu hiệu cho thấy kịch bản kinh tế Nga sụp đổ hoàn toàn không xảy ra.

    Sébastien Jean : « Đúng là trong giai đoạn đầu đồng rúp mất giá, có lúc mất hẳn 1/3 trị giá so với đô la nhưng từ đó đến nay đơn vị tiền tệ của Nga hồi phục. Tỷ giá hối đoái tăng lên trở lại gần bằng với thời điểm trước chiến tranh Ukraina. Xuất nhập khẩu của Nga cũng vậy : trong những tuần lễ đầu khi lệnh trừng phạt được ban hành, nhập khẩu của Nga hoàn toàn sụp đổ, kim ngạch xuất khẩu tuy nhiên vững vàng nhờ dầu khí, nông phẩm, khoáng sản … Nhưng trong gần một năm qua nhiều con đường khác đã khai mở : chẳng hạn như xuất khẩu qua trung gian một số nước bạn của Matxcơva, trong đó có Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỹ hay Armenia, Azerbaijan … »
    Trừng phạt Kremlin nhưng phương Tây rót gần 250 tỷ đô la cho nước Nga
    Vào lúc phương Tây rầm rộ hô hào « cấm vận » kinh tế Nga, cấm giao thương với Nga thì tính đến cuối tháng 12/2022 châu Âu vẫn mua dầu khí của Nga và qua đó thanh toán 250 tỷ đô la (theo Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế) cho các tập đoàn dầu khí của Nga và một phần trong số tiền khổng lồ đó là nhằm đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Đành rằng trong năm 2022 Liên Âu đã giảm mạnh mức độ lệ thuộc vào khí đốt của Nga, nhưng phải đợi đến ngày  05/12/2022 và 05/02/2023 châu Âu mới thực sự « khóa » van dầu của Nga.

    Nếu như các tập đoàn dầu khí Nga mất dần thị trường châu Âu thì đổi lại những Gazprom hay Rosneft … đã tìm được những điểm tựa mới là Ấn Độ hay Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu dầu hỏa của Nga với Trung Quốc tăng 48 % trong năm 2022.

    Cuộc tranh luận về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga một lần nữa lại được nêu ra. Thậm chí có nhiều tiếng nói cho rằng Liên Âu mạnh tay đánh vào ngân sách của Matxcơva mà không trông thấy rằng đó là những đòn « gậy ông đập lưng ông » : năng lượng, nguyên liệu, nông phẩm …tăng cao đe dọa tăng trưởng của chính mình. Nicolas Bouzou cơ quan tư vấn Asterès không hoàn toàn đồng ý với lập luận này. Bằng chứng rõ rệt nhất là viện thống kê quốc gia Rosstat hôm 17/02/2023 đã hoãn cuộc họp báo công bố thống kê kinh tế trong năm 2022 :

    Nicolas Bouzou : « Đúng là có những biện pháp trừng phạt không mang lại những kết quả như phương Tây mong đợi. Các chương trình nhằm cô lập Nga trên thương trường không hiệu quả lắm do Matxcơva đã nhanh chóng dựa vào Bắc Kinh. Quan hệ đôi bên chưa bao giờ được mở rộng như ở thời điểm này. Thế nhưng có những lĩnh vực mà Nga không có thể trông cậy nhiều vào Trung Quốc thí dụ như là về công nghệ bán dẫn. Vì bị phương Tây phong tỏa cỗ máy sản xuất vũ khí của Nga không thể hoạt động hết công suất. Các biện pháp trừng phạt tác hại đến nền công nghiệp quốc phòng của Nga ».
    Thuốc độc ngấm lâu
    Về phần Agathe Demarais, giám đốc văn phòng dự báo của Economist Intelligence Unit-trực thuộc tuần báo kinh tế Anh, The Economist, bà giải thích rõ hơn về giới hạn trong hợp tác giữa Matxcơva và Bắc Kinh và không mấy lạc quan về viễn cảnh kinh tế chóng phục hồi. 

    Agathe Demarais : « Liên quan đến công nghệ bán dẫn, Nga trông cậy nhiều vào Trung Quốc thế nhưng bản thân Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với chính sách trừng phạt của Washington : Mỹ đang siết chặt các hoạt động bán công nghệ cao, cung cấp linh kiện bán dẫn hiện đại nhất cho Trung Quốc. Thêm vào đó là hiện tượng một phần lớn các chuyên gia của Nga về tin học, về các công nghệ mới đã sơ tán từ khi Matxcơva xâm chiếm Ukraina. Nhìn rộng ra hơn thì từ 10 năm nay giới phân tích báo động kinh tế Nga gặp khó khăn do dân số sụt giảm, năng suất lao động thấp. Thành thử viễn cảnh kinh tế của Nga vốn đã ảm đạm trước khi nổ ra chiến tranh, giờ đây tình hình lại càng đen tối thêm nữa. Chiến tranh Ukraina chỉ làm lộ rõ thêm thực tế này mà thôi ».

    Trở lại với câu hỏi chính sách trừng phạt kinh tế Nga có hiệu quả hay không Agathe Demarais cho rằng trước khi đánh giá về mức độ « hiệu quả » cần phải thẩm định lại mục tiêu trừng phạt Nga là gì ?

    Agathe Demarais  : « Mục tiêu thứ nhất là bắn đi tín hiệu phương Tây đoàn kết một lòng yểm trợ Ukraina và tôi nghĩ rằng Nga đã bất ngờ vì điều đó. Về điểm này phương Tây đã thành công. Điểm thứ nhì, tôi không nghĩ rằng Âu Mỹ muốn trông thấy kinh tế Nga gục ngã như là kinh tế của Venezuela. Kịch bản nền kinh tế thứ 9 của thế giới tan rã là điều không tưởng. Qua các đòn trừng phạt, phương Tây nhắm vào cỗ máy tài trợ chiến tranh của Matxcơva, muốn hạn chế khả năng chế tạo vũ khí của Nga. Thâm hụt ngân sách của Nga tăng lên, quỹ đối phó với tình huống bất ngờ của Nga giảm sụt : có thể nói mục tiêu thứ hai cũng đã đạt được. Về mục đích thứ ba là về lâu về dài gây tác hại cho nền công nghiệp dầu khí của Nga : để khai thác dầu khí và xuất khẩu năng lượng Nga cần công nghệ của phương Tây, cần tìm kiếm thêm các mỏ dầu mới. Nhưng dưới tác động của lệnh trừng phạt, các dự án đó bị chựng lại. Hiện nay Nga chiếm 30 % thị phần dầu khí thế giới, tỷ lệ này rơi xuống còn 15 % vào quãng năm 2030. Nói cách khác, trong tương lai thế áp đảo của Nga trên thị trường dầu khí thế giới sẽ bị đe dọa ».

    Julien Nocetti giảng viên trường quân sự Saint Cyr của Pháp, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI cho rằng chính nhờ cấm vận đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và linh kiện bán dẫn mà cỗ máy sản xuất vũ khí của Nga phải hoạt động chậm lại, ít ra là không như chủ nhân điện Kremlin mong muốn :

    Julien Nocetti : « Cốt lõi của vấn đề ở đây là phụ tùng bán dẫn. Liệu rằng Nga có thể lách các lệnh phong tỏa của phương Tây hay không chẳng hạn như là trông cậy vào công nghệ, vào chip điện tử của Bắc Triều Tiên ? Nếu như câu trả lời là có thì chúng ta biết rằng Bắc Triều Tiên đã tiến bộ hơn rất nhiều. Trên thực tế Nga phụ thuộc vào linh kiện điện tử của phương Tây, của Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan và những đối tác này áp dụng lệnh trừng phạt nhắm vào Matxcơva. Trước mắt Nga không tiếp cận được với công nghệ cao, mất nguồn cung cấp chip điện tử. Hệ quả kèm theo là ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Nga bị mắc kẹt, không thể chế tạo thêm tên lửa hay xe tăng » …

    Sau một năm chiến tranh đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraina, mẫu số chung duy nhất giữa Kiev và Matxcơva là cả hai cùng đã có khả năng nhanh chóng thích nghi với tình huống. Dù vậy thực tế cho thấy Ukraina cần từ 138 đến 500 tỷ đô la cho công cuộc tái thiết một khi im tiếng súng.

    Ukraina có thể tái thiết cơ sở hạ tầng và thiệt hại vật chất có thể dễ dàng được khắc phục, những mất mát về tinh thần, những vết hằn chiến tranh để lại thì không.

    Còn về phía Nga, giới quan sát cho rằng các đòn trừng phạt hiện nay là một thứ « độc dược ngấm lâu » mà hậu quả sẽ chỉ được trông thấy từ 5 đến 10 năm nữa. Hai lĩnh vực bị tổn hại nhiều hơn cả sẽ là ngành công nghiệp dầu khí và chế tạo vũ khí : hai con gà đẻ trứng vàng của kinh tế Nga.

    Đương nhiên là trong giai đoạn tái thiết kinh tế, Nga có thể trông cậy nhiều vào tình hữu nghị vô bờ bến của Bắc Kinh. Nhưng  Trung Quốc chẳng cho ai vay không bao giờ. Matxcơva không là một ngoại lệ, như Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI ghi nhận qua bài trả lời phỏng vấn báo La Croix hôm 19/02/2022. 


  • Một quả bóng Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ, rơi xuống biển. Phải chăng đấy cũng là hình ảnh tham vọng của Bắc Kinh tan vỡ khi muốn « ổn định quan hệ » với Hoa Kỳ để « tập trung vào kinh tế nội địa » vốn đang là nhược điểm của ông khổng lồ châu Á này ? Hơn một chục ngày sau vụ hủy chuyến công du đến Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ có thể gặp đồng nhiệm Trung Quốc bên lề hội nghị an ninh Munich, Đức, từ 17-19/02/2023.

    Khinh khí cầu Trung Quốc trên bầu trời Mỹ làm « tiêu tan hy vọng Washington -Bắc Kinh nối lại đối thoại từng lóe lên tại thượng đỉnh G20-Bali hồi tháng 11/2022 ». Chuyên gia về Trung Quốc, Marc Julienne, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI nhận xét như trên từ vụ Mỹ bắn hạ « quả bóng dọ thám Trung Quốc » hôm 04/02/2023. Tại Bắc Kinh, nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong), trung tâm Carnegie Tsinghua-Đại học Thanh Hoa, nói đến một cuộc « khủng hoảng về chiến lược » vào thời điểm mà Trung Quốc muốn « ổn định quan hệ với Mỹ để bảo đảm cho phát triển kinh tế và để rồi đọ sức với Hoa Kỳ một cách lâu dài hơn ». Vẫn theo họ Triệu, chính vì kinh tế đang là « gót chân Achille » của ông khổng lồ châu Á này cho nên Bắc Kinh đã phần nào tránh liên kết « toàn diện » với Nga trên vấn đề Ukraina.

    Nhìn từ Paris, Washington và cả từ Bắc Kinh một số nhà quan sát thậm chí cho rằng giai đoạn « hòa hoãn » « đấu dịu » trước mắt không còn « tính thời sự ». Nhà báo Pierre Antoine Donnet, từng điều hành chi nhánh của hãng thông tấn Pháp AFP tại cả Trung Quốc và Hoa Kỳ ghi nhận mối nghi kỵ lại càng « hằn sâu thêm ».
    Gáo nước lạnh đối với các doanh nghiệp
    Theo báo tài chính Mỹ Wall Street Journal ngày 12/02/2023 lãnh đạo cao cấp nhiều tập đoàn Âu, Mỹ chuẩn bị « trở lại Hoa lục » kể từ khi Trung Quốc mở cửa sau ba năm Covid. Cuối tháng Giêng tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Đức Volkswagen đã nhanh chân đến Bắc Kinh. Nhân vật số 1 của tập đoàn Apple và đồng cấp của hãng dược phẩm Pfizer chuẩn bị lên đường đến « công xưởng lớn nhất thế giới ». Trong một vài tháng nữa hàng chục đại diện các công ty Mỹ dự trù tham dự hội nghị các doanh nhân đầu tiên thời hậu Covid tổ chức tại Trung Quốc. Với tỷ lệ tăng trưởng đã bị thu hẹp lại còn có 3 % trong năm 2022, Bắc Kinh kỳ vọng nhiều vào cuộc hội ngộ với các doanh nhân nước ngoài để « thu hút thêm đầu tư quốc tế ». Khinh khí cầu Trung Quốc trên bầu trời Mỹ phủ thêm một lớn băng tuyết lên các hoạt động kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Quả bóng Trung Quốc xuất hiện không đúng lúc như giáo sư kinh tế Mary Françoise Renard đại học Clermont-Ferrand vùng Auvergne giải thích trên đài truyền hình Pháp France 5.

    Mary Françoise Renard : « Xung khắc xảy ra vào thời điểm tệ hại nhất và điều đó chứng tỏ là Trung Quốc không làm chủ thời gian tính. Sự cố xảy ra vào lúc kinh tế Trung Quốc cần công nghệ, cần những phát minh của phương Tây để nâng cấp cỗ máy sản xuất, để đẩy cao chất lượng… mặc dù đã đạt được rất nhiều tiến bộ và trong một thời gian rất ngắn, từ khi mở cửa với thế giới, Trung Quốc vẫn thiếu nhiều điểm cơ bản. Chẳng hạn như trong ngành công nghệ không gian, ngành công nghiệp chế tạo máy bay, công nghệ nano, hay dược phẩm …  Do vậy, một trong những mục tiêu từ phía Trung Quốc rất có thể là dọ thám công nghiệp ».

    Danh sách những điểm căng thẳng  Mỹ- Trung tới nay khá dài và đứng đầu là « cạnh tranh có thệ thống » trong lĩnh vực công nghệ. Marc Julienne, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp nhấn mạnh : đây là « chìa khóa của toàn bộ tiến trình công nghiệp, kể cả công nghiệp quốc phòng, không gian … trong tương lai ». Hơn thế nữa, « làm chủ trí thông minh nhân tạo, vật lý lượng tử... sẽ cho phép chiếm thế độc quyền áp đặt với phần còn lại của thế giới những chuẩn mực quốc tế trong những lĩnh vực liên quan ». Nhà báo Pierre Antoine Donnet trên đài RFI lưu ý : Trung Quốc ý thức được là đang bị chậm trễ so với Hoa Kỳ nên tìm mọi cách, kể cả gián điệp công nghệ, để bắt kịp các đối thủ Âu, Mỹ …. Và nhất là khi mà một phần chìa khóa đang ở trong tay Đài Loan qua trung gian tập đoàn sản xuất chip TSMC :

    Pierre Antoine Donnet : « Hoa lục và các kỹ sư Trung Quốc bị chậm trễ rất nhiều về công nghệ, chậm trễ trong việc sản xuất linh kiện bán dẫn hiện đại nhất, tức chỉ một vài nano-mètre mà thôi. Hiện tại Trung Quốc sản xuất chip kích cỡ từ 12 đến 15 nano, trong lúc ở Đài Loan là từ 2 đến 5 nano. Trong cuộc đua này Trung Quốc hoàn toàn bị bỏ lại phía sau mà như đã biết, đây là lại là tâm điểm của kinh tế thế giới trong những năm sắp tới ».  
    Trở ngại trong kế hoạch tan băng
    Từ 2021 tổng thống Mỹ Joe Biden duy trì các biện pháp đánh thuế nhôm, thépTrung Quốc, hạn chế giao dịch với các công ty Trung Quốc mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump ban hành. Do tác động Covid, lãnh đạo hai nước phải đợi đến thượng đỉnh ở Bali, tháng 11/2022 tới có cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên từ khi ông Biden bước vào Nhà Trắng. Valérie Niquet thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS của Pháp nói đến thiện chí của cả Washington lẫn Bắc Kinh muốn đấu dịu nhất là từ phía Trung Quốc khi mà kinh tế nước này thực sự hụt hơi :

    Valérie Niquet  : « Có dấu hiệu Biden và Tập muốn hạ nhiệt tình hình, bởi vì Trung Quốc thực sự cần đến thị trường của Mỹ, đồng thời muốn thương lượng với Washington để nới lỏng các biện pháp cho phép chuyển giao công nghệ cho các đối tác nước ngoài. Bắc Kinh mong muốn Hoa Kỳ chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc ».

    Trong một nghiên cứu công bố đầu năm 2023 công ty tư vấn và quản lý tài chính Carmignac, trụ sở tại Paris lạc quan cho rằng, « 2023 đang mở ra một chương mới trong quan hệ giữa các nhà đầu tư nước ngoài với Hoa lục ». Lý do : « 4 trong số 5 rào cản gây quan ngại về tình hình Trung Quốc đang từng bước được dỡ bỏ ». Bắc Kinh đã và đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát doanh nghiệp quốc gia ; cứu nguy thị trường địa ốc ; hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích tiêu thụ nội địa ; Bắc Kinh cũng đã chấm dứt chính sách gây nhiều thiệt hại cho kinh tế là chủ trương Zero Covid từ ngày 08/01/2023. Khúc mắc duy nhất còn lại, là « căng thẳng địa chính trị với Hoa Kỳ ».

    Vẫn theo bà Niquet, Bắc Kinh đang kỳ vọng một khi dỡ bỏ chính sách kiểm soát y tế Covid nghiêm ngặt các tập đoàn nước ngoài nhanh chóng trở lại Hoa lục bởi Trung Quốc vẫn có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài.

    Valérie Niquet : « Trong một thời gian dài, chọn Trung Quốc là giải pháp dễ và tiện lợi nhất. Đây là nơi cơ sở hạ tầng hoạt động tốt, không có các lực lượng công đoàn chống đối, vả lại các tập đoàn nước ngoài có thể chuyển giao công nghệ cho các đối tác địa phương… Thế nhưng mô hình đó đã cho thấy những giới hạn kể từ khi mà Mỹ áp đặt điều kiện chuyển giao công nghệ, hạn chế các hoạt động trong một số lĩnh vực, như là công nghệ bán dẫn … khi đó các hãng Mỹ tìm những bãi đáp mới và họ đã nghĩ đến Ấn Độ ».
    Khế ước tăng trưởng
    Về phần nhà địa chính trị Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, thì cho rằng, Bắc Kinh cần khởi động lại cỗ máy kinh tế, tìm lại tăng trưởng để bảo đảm ổn định trong xã hội : đây là động lực mạnh nhất thúc đẩy chính quyền của ông Tập Cận Bình đấu dịu với Washington.

    Pascal Boniface : « Đảng Cộng Sản Trung Quốc đủ sức đối mặt với một tỷ lệ tăng trưởng 3 % trong thời gian từ 1 đến ba năm. Nếu như kinh tế chựng lại như vậy lâu hơn nữa thì sẽ làm sống lại ký ức của những năm tháng khổ cực dưới thời Mao Trạch Đông (…). Thành thử tôi tin rằng ít có khả năng Trung Quốc khởi động chiến tranh đánh chiếm Đài Loan, bởi vì kinh tế Trung Quốc sẽ đổ gẫy vì xung đột quân sự. Kinh tế sụp đổ, kèm theo là nguy cơ Đảng mất tính chính đáng khi không còn bảo đảm được cơm áo cho người dân. Trung Quốc không thể chấp nhận để kinh tế chìm vào khủng hoảng một cách lâu dài ».  

    Mary Françoise Renard đại học Clermont-Ferrand vùng Auvergne ghi nhận : do chậm trễ cải tổ giờ đây Trung Quốc đang bị dồn vào chân tường :

    Mary Françoise Renard : « Thời kỳ vàng son đó đã chấm dứt từ nhiều năm nay. Ngay từ đầu những năm 2000, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã báo động rằng Trung Quốc phải thay đổi mô hình phát triển kinh tế, phải chú ý đến chất lượng, giảm bớt các khoản đầu tư ồ ạt mà không có tính hiệu quả cao. Nhưng rồi từ đó đến nay vì nhiều lý do khác nhau, Bắc Kinh liên tục đẩy lùi các chương trình cải tổ. Đến giờ, kinh tế nước này cùng lúc phải đối mặt với những khó khăn nhất thời, như là Covid hay tiêu thụ của thế giới sụt giảm, cộng thêm với những khó khăn cơ bản do chính mô hình kinh tế của Trung Quốc gây nên. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, mô hình kinh tế của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho người dân làm giàu, và cũng nhờ mô hình đó mà Trung Quốc nay đã trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới » 

    Valérie Niquet bên Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS nêu bật một yếu tố khiến nhiều tập đoàn Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách những thực thể « đe dọa an ninh Hoa Kỳ » :

    Valérie Niquet : « Trung Quốc chưa bao giờ che giấu sự nhập nhằng giữa hai lĩnh vực dân sự và quân sự. Có nghĩa là những công nghệ sử dụng trong lĩnh vực dân sự hoàn toàn có thể được dùng để phục vụ những lợi ích của bên quân đội. Trái lại những tiến bộ trong lĩnh vực quân sự cũng có thể được chuyển sang cho các hoạt động dân sự ». 
    Ít khả năng nổ ra chiến tranh
    Đành rằng căng thẳng Mỹ-Trung lộ rõ từng ngày, mà hồ sơ Đài Loan chỉ là một tâm điểm, giới quan sát đồng loạt cho rằng ít có khả năng hai siêu cường kinh tế thế giới trực tiếp lao vào một cuộc xung đột vũ trang. 

    Valérie Niquet : « Theo tôi, Trung Quốc không thể giành lấy phần thắng nếu như xảy ra xung đột vũ trang tại eo biển Đài Loan cho dù là Mỹ có tham gia hay không. Cái giá Trung Quốc phải trả sẽ rất là đắt. Cái giá phải trả về mặt phát triển kinh tế lại càng đắt hơn nữa, bởi tới nay tiến trình phát triển về kinh tế, về công nghiệp của quốc gia này vẫn chưa hoàn tất. Theo tôi khai mào chiến tranh với Đài Loan sẽ là hành động tự sát. Điều đó không có nghĩa là chúng ta loại trừ 100 % kịch bản điên rồ nhất. Nhưng tôi cho rằng, có nhiều người ở Bắc Kinh chống đối khả năng xâm chiếm Đài Loan bằng sức mạnh quân sự ».

    Trước mắt những nỗ lực nối lại đối thoại Mỹ- Trung đang bị « quả khinh khí cầu » xuất hiện trên bầu trời bang Montana thách thức. Sự cố đó làm dấy lên một loạt các câu hỏi về dụng ý của Bắc Kinh, về quyền lực của ông Tập Cận Bình trong nội bộ Đảng, về khả năng phòng thủ của siêu cường số 1 thế giới là Mỹ, về khả năng Washington -Bắc Kinh tìm một lối thoát danh dự cho cả hai phía trước khi nối lại đối thoại.

    Có một điều chắc chắn, là các nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài phải kiên nhẫn thêm một thời gian nữa mới hy vọng trông thấy viễn cảnh « thuận lợi hơn ». Về ngoại giao và thương mại, kinh tế, cảnh « gương vỡ lại lành » đã nhiều lần lặp đi lặp lại  tronglịch sử. Chắc chắn tại Hội Nghị An Ninh Munich cuối tuần này, ống kính truyền hình thế giới sẽ tập trung vào hai nhân vật là ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc.