Avsnitt
-
72. NGÃ PHÁP
Nghe luận bàn về ngã và pháp đã lâu nhưng không thông được, một thiền sinh bèn hỏi Sư:
- Có phải Tiểu Thừa hết ngã chấp nhưng còn pháp chấp, Đại Thừa thì ngã pháp đều không chấp?
Sư nói:
- Mau đi rửa lỗ tai kẻo năm trăm kiếp hóa thành lỗ tai lừa!
Rồi Sư ngâm bài kệ:
Không đúng không sai không đại tiểu
Chẳng hai chẳng một chẳng vơi tăng
Há miệng mắc quai đừng bép xép.
Chuyên cần giác niệm chớ lăng xăng.
-
71. THỰC VÀ MỘNG
Sáng nào Sư cũng thấy một thiền sinh trang nghiêm quỳ trước Phật đài, vừa lạy vừa lâm râm khấn nguyện rất mực chí thành. Hôm đó, Sư có việc đi vào thiền đường, vô tình nghe được: “Lạy Phật, con nguyện trở thành vị Đại Bồ Tát có lòng vị tha vô lượng, con nguyện đạt được trí tuệ như hải để mau kiến tánh thành Phật, con nguyện sanh Tây Phương Tịnh độ để giúp Đức Phật A Di đà tiếp dẫn tất cả chúng sanh vào miền Cực Lạc, con nguyện... con nguyện...”
Hôm sau, Sư gọi thiền sinh đó đến và kể cho nghe một câu chuyện: “Thuở xưa có một chàng thanh niên vừa đến tuổi cập kê. Cha mất sớm nên mẹ già lo chọn trước cho anh một người vợ tương lai vừa ý. Rủi ro bà đau nặng nên chưa kịp dẫn anh ra mắt đàng gái. Biết mình khó qua khỏi, bà liền kêu con tới tả hình dáng vị hôn thê cho con và dặn sau khi bà chết, anh nhớ đi tìm người con gái ngoan hiền và tuyệt đẹp đó mà cưới làm vợ. Thế rồi bà mẹ qua đời.
Nhớ lời mẹ, sẵn là một họa sĩ, anh lấy giấy bút ra vẽ một bức “chân dung” vị hôn thê theo lời mẹ tả. Thế rồi mỗi ngày, anh đi cùng làng khắp xóm lục lọi kiếm tìm. Gặp người con gái nào, anh cũng đưa bức tranh tuyệt sắc giai nhân của mình ra để so sánh, nhưng tuyệt nhiên không có người con gái nào như vậy. Cuối cùng, quá thất vọng, anh đành ôm bức tranh tương tư héo mòn mà chết.
Tiếc thay, vị hôn thê hiền thục của anh lại chính là người bạn láng giềng mà hàng ngày anh vẫn thường chuyện trò thân mật.”
Thiền sinh không hiểu ý, hỏi:
- Thưa Thầy, câu chuyện Thầy vừa kể có giúp ích gì cho con đâu?
Sư nói:
- Thế thì cũng tiếc thay, hàng ngày anh cứ đem bức vẽ lý tưởng của bản ngã mình ra mà cầu nguyện, còn bản lai diện mục ngày đêm diện kiến thì chẳng bao giờ anh mới thấy được!
-
Saknas det avsnitt?
-
70. VÔ NGÃ
Từ khi vào thiền viện, anh nhất định phải thực hiện tinh thần vô ngã mà anh đọc được trong một số sách thiền: thể nhập pháp giới.
Một ngày kia anh mừng rỡ trình với Sư:
- Thưa Thầy, con đang tưới hoa, bỗng thấy con với hoa là một.
Sư nói:
- Anh đã thấy anh với hoa là một thì cứ việc tưới anh là được, cần gì đi tưới hoa cho mệt!
Rồi Sư ngâm bài kệ:
Bịnh tưởng làm lòa mắt
Thấy mình, người là một
Vô ngã chẳng thấy đâu
Coi chừng ba mươi trượng!
-
69. LẶNG LẼ HỒN NHIÊN
Một thiền sinh mới gia nhập thiền đường.
Sư dạy:
- Hãy nhìn vạn pháp với cái nhìn hồn nhiên lặng lẽ và trong sáng.
Từ đó, mỗi ngày anh nhìn mọi sự vật trước mắt với tâm hồn nhiên, lặng lẽ và trong sáng: mây trôi trên bầu trời, giọt sương long lanh đầu ngọn cỏ, con chim hót trên cành, đóa hoa vàng mới nở,... nhất nhất hiện ra như một thế giới tinh nguyên mà anh vừa thể nhập vào.
Rồi một buổi sáng mùa xuân, bên cửa sổ thiền đường bỗng hiện ra bóng dáng một giai nhân tuyệt sắc, nổi bậc giữa muôn hoa rực rỡ trong ánh nắng bình minh. Cảnh vật như chìm đi sau hình bóng của nàng. Thế giới như thu lại chỉ còn một mình nàng là hình ảnh duy nhất đóng lại trong tâm hồn anh.
Nàng đã đi qua từ lâu mà lòng anh còn bồi hồi như mộng.
Chợt nhớ lời Thầy, anh hoảng hốt như lạc lõng giữa mây trời cây cỏ... chợt thấy rằng thế giới tinh nguyên mà anh vừa thể nhập chỉ còn là ảo ảnh. Còn ảo ảnh của nàng thì độc chiếm một cách hiện thực rõ ràng trong tâm khảm của anh.
Không giải quyết được xung đột nội tâm này anh đành tìm Sư xin lời giáo huấn.
Sư nói:
- Hãy nhìn hình ảnh bên trong với cái nhìn hồn nhiên lặng lẽ và trong sáng.
-
68. TÁNH HỮU
Một thiền sinh phấn khởi nói:
- Bạch Thầy, con đã thấy được chỗ hạ thủ công phu rồi. Chỉ cần thấy được tánh không của ngũ uẩn là giác ngộ giải thoát.
Sư hỏi:
- Nhưng anh đã thấy được tánh hữu của ngũ uẩn chưa?
- Dạ, bạch Thầy, xin Thầy chỉ dạy.
- Anh có khi nào yêu đơn phương một cô gái không?
- Dạ có, hồi con đi học con yêu một cô gái lớp bên cạnh. Mặc dù chưa bao giờ được làm quen với nàng, nhưng lần đầu tiên nhìn thấy nàng con đã thầm yêu trộm nhớ. Con tưởng tượng được sống bên nàng, hạnh phúc, rồi có con, rồi xây dựng một tổ ấm thật tuyệt vời,... Con nuôi mộng tưởng đó cho đến khi ra trường, con định nhờ bạn bè mai mối, nhưng con được biết nàng đã yêu một người khác và họ đã đính hôn. Con vô cùng đau khổ, thất vọng trong nhiều năm dài, cho đến khi gặp Thầy, con học đạo tu tập và đến nay hình ảnh đó hầu như đã hoàn toàn phai nhạt.
Sư nói:
- Tất cả những thứ mà anh vừa nói như yêu thương, tưởng tượng, hạnh phúc, đau khổ, hy vọng, thất vọng, v.v... chính là “tánh hữu” của vọng tâm anh, vì lúc đó chúng thật còn hơn những vật thể mà anh đã có thể sờ đụng được. Nhưng tất cả những hình ảnh của anh về người con gái đó có phải chính là người con gái đó không?
- Dạ không.
- Và tất cả hình ảnh đó thật hay giả?
- Dạ giả, vì đó là ảo ảnh, còn con người thật của nàng con gần như hoàn toàn không biết.
Sư nói:
- Vậy anh chỉ cần thấy thật tánh “giả hữu” của ngũ uẩn chứ không cần đi tìm tánh không trong ý niệm, bởi vì tánh không đó cũng chính là con đẻ của ngũ uẩn như chính hình ảnh người yêu trong mộng của anh mà thôi.
-
67. TÁNH KHÔNG
Sư hỏi chúng:
- Thế nào là tánh không?
Một thiền sinh đáp:
- Vì các pháp có sinh có diệt nên gọi là tánh không.
Sư nói:
- Đó là hiện tượng luận chứ không phải tánh không. Các nhà khoa học hiểu rõ tánh vô thường sinh diệt của các hiện tượng không lẽ đều đã giác ngộ tánh không? Hơn nữa, có sinh có diệt là tánh không, vậy vô sinh bất diệt là tánh gì?
Một thiền sinh khác thưa:
- Vì các pháp do nhân duyên hòa hợp mà thành hiện tượng chứ bản tánh vốn không.
Sư nói:
- Đó là bản thể luận của ngoại đạo chứ không phải tánh không. Nếu bản thể của pháp là không thì ngoại đạo cũng có thể giác ngộ được. Hơn nữa chỉ có bản thể mới không, còn hiện tượng thì sao?
Một thiền sinh tỏ ra tự tin nói:
- Bậc trí tuệ rốt ráo thấy “sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất dị không, không bất dị sắc”. Đó là tánh không của pháp.
Sư hỏi:
- Anh có thể cho ví dụ không?
Thiền sinh đáp:
- Ví như cái bóng của Thầy ngồi đó, tuy có mà không, tuy không mà có.
Sư hỏi:
- Thế còn chính ta ngồi đây thì sao?
Thiền sinh lúng túng:
- Dạ, dạ...
Sư than:
- Các anh toàn là nói chuyện bên ngoài qua ý niệm. Các anh chưa thấy pháp ở đâu làm sao thấy được tánh không của pháp!
-
66. VÔ PHÂN BIỆT
Thấy nhiều thiền sinh chấp lầm lý vô phân biệt, Sư lại giảng:
- Các vị chớ có lầm tâm vô phân biệt là cái tâm không biết phân biệt sự sự vật vật muôn sai ngàn khác. Vô phân biệt chính là thấy pháp nào đúng như chính pháp đó chứ không thấy ra thành một tướng khác của vọng tâm. Như người sợ hãi thấy sợi dây thành con rắn, người mất búa thấy đứa bé hàng xóm là đứa ăn cắp. Đó chính là tướng phân biệt chủ quan của vọng tâm, nên gọi là tâm phân biệt. Thấy sợi dây đúng là sợi dây, thấy thằng bé như nó đang là, tức vô phân biệt. Vậy tâm vô phân biệt chính là trí tuệ phân biệt rành rẽ phân minh pháp nào ra pháp đó.
Một thiền sinh véo vào lưng người bạn nói:
- Thấy chưa, may Thầy giảng chứ nếu anh không tin tôi thì đã đổi cái đồng hồ thiệt lấy đồng hồ giả rồi!
-
65. PHÂN BIỆT MINH BẠCH
Sư giảng pháp nói:
- Các vị cần phải nghiêm mật thận trọng trong mỗi hành vi động tịnh của thân, khẩu, ý; phải lấy trí tuệ phân biệt minh bạch vi tế đối với thiện ác, đúng sai, chân giả, xấu tốt v.v... Nếu không, chẳng biết khi nào ra khỏi sông mê bể khổ...
Một thiền sinh đứng dậy thưa;
- Xưa nay kinh luận cũng như thiền đều nói: “Tâm vô phân biệt”, sao Thầy lại dạy phân biệt quá minh bạch như vậy?
Sư hỏi:
- Vậy đưa anh một chén cơm với một chén đất, anh ăn chén nào?
-
64. MỤC ĐÍCH PHẠM HẠNH
Thấy tu viện của Sư tổ chức chu đáo, có người hỏi:
- Phải chăng mục đích đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Thầy là đào tạo Tăng tài cho Giáo Hội?
Sư nói:
- Không, bản nguyện của ta là giúp họ có khả năng “ra đời”.
-
63. ĐỒNG HAY BẤT ĐỒNG
Một học giả nghiên cứu về những điểm dị đồng giữa các tôn giáo hỏi ý kiến Sư:
- Đạo Khổng nói “thuận thiên lập mệnh”, Đạo Thiên Chúa nói “vâng ý Cha”, Đạo Lão nói “Đạo pháp tự nhiên”, còn Đạo Phật cũng nói “Tùy Pháp Hành”. Những giáo lý ấy có giống nhau không?
Sư nói:
- Giống ở người thấy, không giống ở người không thấy.
-
62. KHÁN THOẠI ĐẦU
Sư hỏi một thiền sinh:
- Ngươi đang làm gì đó?
- Dạ, con đang khán thoại đầu.
- Sao không khán tự tánh mà lại khán thoại đầu?
- Dạ, con chưa thấy tự tánh làm sao khán được?
Sư nói:
- Người căn cơ bậc thượng chỉ khán tự tánh chứ không khán thoại đầu.
Thiền sinh thưa:
- Bạch Thầy, con căn cơ chậm lụt xin Thầy chỉ dạy.
Sư hỏi:
- Ngươi khán thoại đầu để làm gì?
- Dạ, để thấy tự tánh.
- Tự tánh sinh từ thoại đầu hay tánh tự nó có?
- Dạ, tự nó có.
- Vậy ngươi nhớ cho kỹ, đừng để thoại đầu sinh ra tự tánh nhé.
-
61. CHẲNG CÓ AI TIN
Thị giả của Phật Tổ Thích Ca là Ngài A-nan được lịnh xuống trần xem thời mạt pháp như thế nào. Chẳng bao lâu, Ngài đã trở về trình bạch:
- Bạch Đức Thế Tôn! Hình như sau khi thế Tôn nhập diệt, ở dưới trần còn có nhiều Phật khác xuất hiện.
- A- nan, sao con lại nói vậy?
- Bạch Thế Tôn! Thứ nhất là có nhiều hình tượng Phật diện mạo khác nhau, dĩ nhiên là khác xa Thế Tôn, được thờ cúng khắp nơi. Hai là có nhiều kinh điển, pháp môn đều nhận là giáo lý của Thế Tôn nhưng khác xa giáo pháp mà con đã được nghe và thuộc nằm lòng do chính Thế Tôn thuyết giảng. Ba là có rất nhiều tông phái khác nhau tự xưng là truyền thừa chính thống từ Thế Tôn, nhưng hoàn toàn mâu thuẫn với nhau... Chính vì vậy, con chắc rằng có nhiều Phật đã xuống trần sau khi Thế Tôn nhập diệt.
- A-nan, chớ có nói vậy. Sau Như Lai, chỉ có Phật Di-Lặc mà thôi. Nhưng Bồ Tát Di-Lặc chưa đến thời giáng thế. Vậy nếu có ai xưng Phật, chắc chắn là Phật giả. Con mau xuống trần đính chính kẻo chúng sanh lầm lạc.
- Bạch Thế Tôn! Con không thể đi được, vì từ lâu họ đã gán cho con là tiểu thừa rồi, chẳng còn ai tin con nữa!
- Thôi A-Nan, thời mạt pháp nghiệp dĩ như vậy thì cứ là như vậy.
-
60. CẢNH GIỚI LÝ TƯỞNG CỦA THIỀN
Một thiền sinh nói:
- Cảnh giới lý tưởng nhất của thiền là hoàn toàn tự do thoải mái. Tất cả luật lệ, khuôn phép,, giáo điều, lễ nghi, quy tắc v.v... đều chỉ là những ràng buộc, nên chúng hoàn toàn vắng bóng trong thế giới thiền.
Một thiền sinh khác cãi lại:
- Cảnh giới lý tưởng nhất của thiền là hoàn toàn nghiêm túc. Anh không nghe người ta nói “trang nghiêm Phật Quốc” hay sao? Vì vậy theo tôi, cái gì thiếu quy củ, thiếu điều độ, thiếu nghiêm chỉnh, thiếu mực thước đều là buông lung phóng dật, nên chúng hoàn toàn không có mặt trong thế giới thiền.
Sư nói:
- Các anh đều đúng, nhưng đó là những cảnh giới lý tưởng nhất trong ý niệm của mỗi người, chứ thiền làm gì có cảnh giới mà nhì với nhất!
-
59. TÌNH NGUYỆN ĐI THEO
Trong buổi lao tác mệt mỏi, một chú tiểu đang mơ được nghỉ ngơi thoải mái, bỗng nghe chú tiểu bạn hỏi:
- Hỏi thiệt nghe, nếu có một điều ước, chú sẽ ước gì?
- Ư, thế thì hay lắm! Tôi sẽ ước được tái sanh vào một cảnh giới chỉ có ăn, chơi và ngủ chứ không làm lụng gì cả.
-Ê, tôi tình nguyện theo chú đó!
- Ủa, chú cũng đồng minh với tôi hả?
- Không đâu, tôi chỉ theo chữa bịnh cho chú kẻo tội nghiệp chú mà thôi!
-
58. ĐẠI BỊNH
Một thiền sinh nọ tự cho mình là đã thấy tánh.
Sư hỏi:
- Tự tánh ông thế nào?
Thiền sinh khẳng định một cách rất tự tin:
- Hoàn toàn rỗng rang thanh tịnh.
Sư nói:
- Đó là bịnh tưởng!
Thiền sinh vô cùng tức giận, cho rằng chính thiền sư cũng không thấy được chỗ thậm thâm vi diệu mà anh đã chứng ngộ, bèn cật vấn:
- Sao gọi là bịnh tưởng?
Sư đáp:
- Cổ đức dạy: “Tri tâm thanh tịnh thời bất sanh thanh tịnh tưởng”. Nay anh lấy cái tướng thanh tịnh làm tự tánh thì không phải bịnh tưởng là gì.
Thiền sinh nhất mực phản đối:
- Đó là sự thật mà tôi chứng ngộ chứ đâu phải là tưởng tượng.
Sư than:
- “Sự thật đó” chỉ là một trong muôn ngàn tướng của Pháp (tâm) mà lại gán cho cái tên là tự tánh mới sinh ra bịnh tưởng, chứ còn giả tưởng của tưởng tượng thì còn nói làm gì.
Nói xong, Sư ngâm bài kệ của cổ đức:
“Thức đắc bổn tâm bổn tánh
Chính thị tông môn đại bịnh.”
-
57. KHÔNG CÓ ĐƯỜNG ĐẾN NIẾT BÀN
Ai cũng biết mục đích tối hậu của Đạo Phật là Niết Bàn. Như vậy, chẳng cần nghĩ bàn gì, người ta cứ việc khẳng định rằng Đạo Phật chính là con đường đi đến Niết Bàn đó.
Nhưng Sư lại nói:
- Chẳng bao giờ có con đường đến Niết Bàn, chỉ có đường vào luân hồi sinh tử mà thôi.
Các thiền sinh rất lấy làm lạ, thắc mắc:
- Như vậy, Đức Phật dạy Đạo để làm gì?
Sư nói:
- Đạo chỉ để xóa tan Tập đế, như ánh sáng xóa tan bóng tối chứ đâu phải đường đến Niết Bàn. Ví như trong bóng tối anh không tự nhìn thấy mình, đến khi thắp đèn lên mới thấy được mình. Như vậy, anh không cần phải đi đâu mà tìm kiếm chính anh. Niết Bàncũng y như vậy.
-
56. CHUYỆN BỰC MÌNH
Đời sống trong thiền viện không phải luôn luôn phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Thỉnh thoảng cũng có vài chuyện bất hòa. Hai thiền sinh nọ bất đồng ý kiến về cách thể hiện kỷ luật. Một người thích nghiêm minh, một người thì ưa phóng khoáng. Họ thường tranh luận với nhau không ai chịu nhịn, vì vậy hay gây bực mình cho các thiền sinh khác.
Trình với Sư để xin hòa giải thì Sư chỉ cười không nói gì khiến họ càng bực mình thêm. Cuối cùng, Sư nói:
- Hai chú ấy bất hòa đâu phải cốt để các anh bực mình. Còn đã bực mình thì chính các anh cũng đã bất hòa nói gì đến hòa giải ai được!
-
55. BẮT CHƯỚC THIỀN SƯ
Nhiều thiền sinh sau khi đọc hành trạng của các thiền sư cổ đức, mỗi người tâm đắc hành trạng của một vị thiền sư nào đó và bắt chước y hệt những gì ghi lại trong các ngữ lục.
Có thiền sinh đưa lên một ngón tay, thiền sinh khác chỉ cây tùng trước sân, có người toan chẻ tượng Phật, có người lại định giết cả mèo v.v...
Sư nói:
- Các sách vở chỉ ghi chép một điểm nhỏ trong đời sống phong phú của các thiền sư, các ngươi chỉ bắt chước được một điểm nhỏ đó thôi chứ làm sao bắt chước được đời sống toàn diện của các Ngài. Chẳng lẽ các Ngài suốt đời chỉ làm một chuyện đó thôi sao?
-
54. THIÊN THỦ THIÊN NHÃN
Một thiền sinh hỏi:
- Thưa Thầy, theo Mật Tông, Đức Chuẩn Đề có ngàn tay ngàn mắt là ý nghĩa gì?
Sư nói:
- Ngươi cũng có ngàn tay ngàn mắt nhưng chưa vô ngại đại bi đó thôi.
- Làm sao con có ngàn tay ngàn mắt được?
- Sao lại không? Nóng lạnh, đói no, vui buồn, mừng giận, đẹp xấu, dở hay, phải trái,... cho đến ngàn chuyện ngươi đều biết, đó không phải ngươi có ngàn mắt hay sao? Lại còn làm lụng, đi đứng, ăn ngủ, nói năng, suy tính, tạo tác, động tịnh,... cho đến ngàn việc ngươi đều làm được, đó không phải ngàn tay là gì?
-
53. NIẾT BÀN
Một thiền sinh tự cho mình là đã suốt thông kinh tạng, chỉ còn tinh tấn hành trí là sẽ đạt được Niết Bàn. Nhưng anh hành đến sốt ruột cũng chưa thấy Niết Bàn đâu. Anh bèn đến cầu kiến Sư:
- Lý sự con đều đã trải qua mà vẫn chưa được Niết Bàn, bây giờ phải làm sao?
Sư nói:
- Niết Bàn là tịch tịnh (santi), là nguội lạnh (sìta) mà ngươi nôn nóng như thế làm sao đạt được?
- Visa fler