Avsnitt

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 19 ngày hôm nay, xin mời các bạn lắng nghe ba bài thơ trích trong tập thơ chữ Hán Ngục trung nhật ký, tức Nhật ký trong tù của chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Gồm 134 bài chữ Hán viết theo thể Đường luật, Nhật ký trong tù được Hồ Chí Minh sáng tác từ 29/8/1942 đến 10/9/1943 trong thời gian bị bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc bởi chính quyền Tưởng Giới Thạch. Không chỉ ghi lại cảnh sinh hoạt trong tù, tập thơ còn có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Tập thơ ra đời trong bối cảnh Nguyễn Ái Quốc từ Pác Bó sang Trùng Khánh, Trung Quốc với tư cách đại biểu của Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội và Quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội để kêu gọi các nước Khối Đồng Minh ủng hộ Mặt trận Việt Minh trong công cuộc đánh đuổi Pháp và Nhật. Khi đi, Nguyễn Ái Quốc mang theo danh thiếp in tên Hồ Chí Minh, vì vậy tên gọi Hồ Chí Minh chính thức được sử dụng từ đây.

    Hầu hết các chuyên gia và nhà phê bình đều nhận định thơ trong Nhật ký trong tù giản dị và mộc mạc, nhưng không vì thế mà tầm thường. Trần Huy Liệu cho rằng: “Đọc tập thơ của Hồ Chủ tịch, chúng ta không thấy những bài thuộc loại “hô to gọi giật” như thường thấy ở một số nhà cách mạng khác mà là những lời lẽ bình dị, mộc mạc rất dễ hiểu và dễ cảm. Những chữ Hán dùng trong thơ phần nhiều cũng là bạch thoại chứ không chất chứa những điển tích hay những câu chữ cầu kỳ. Chúng ta thấy Bác “đọc” ra thơ hơn là “nghĩ” ra thơ.” Hoài Thanh cũng chung ý kiến: “Thế giới quen thuộc trong thơ Bác là thế giới những hoàn cảnh cụ thể, những sự việc cụ thể trong đời sống hàng ngày: một người bạn tù không có cơm ăn, một em bé khóc, một cô gái xay ngô và rất nhiều sự việc khác có khi nhỏ nhặt, chi li. Nhưng từ những sự việc ấy, thơ Bác dẫn ra, đi sâu vào lối nhìn, lối nghĩ của người cộng sản, một cái gì rất bình thường mà vĩ đại…”

    Cho đến nay, Nhật ký trong tù đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và nhờ đó được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Ngày 1/10/2012, thủ tướng đã ra quyết định công nhận tập thơ là bảo vật quốc gia.

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe ba bài thơ bao gồm “Khai quyển” bản dịch của Nam Trân, “Văn thung mễ thanh” bản dịch của Văn Trực, Văn Phụng và "Tảo giải" bản dịch của Nam Trân qua giọng diễn ngâm của nghệ sĩ/hoạ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 18 hôm nay, xin mời các bạn đến với hai bài thơ chữ Hán của đại thi hào Nguyễn Du.

    Nguyễn Du tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh ngày 3/1/1766 tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm, từng đậu Hoàng giáp tức Nhị giáp tiến sĩ và làm quan đến chức Đại Tư đồ, tức Tể tướng dưới triều Lê trung hưng. Mùa thu năm 1802, vua Gia Long diệt nhà Tây Sơn, do mến tài và kính trọng dòng dõi nhà Nguyễn Nghiễm nên không những tha chết cho Nguyễn Du mà còn phong làm tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay là huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Nhờ thông thạo tiếng Trung mà chỉ mấy tháng sau, Nguyễn Du được đặc cách lên ải Nam Quan tiếp sứ nhà Thanh, và đến năm 1814 được thăng đến Lễ bộ hữu Tham tri (tòng Nhị phẩm).

    Nguyễn Du đóng góp không nhỏ trong suốt cuộc đời làm quan cho nhà Nguyễn, nhưng ông được nhớ tới nhiều hơn nhờ gia tài văn chương. Ngoài Truyện Kiều, ông còn làm thơ chữ Hán bằng nhiều thể thơ của Trung Quốc như ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành. Theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Du để lại ba tập thơ chữ Hán gồm Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục, đến nay đã sưu tập được tổng cộng 249 bài. Ba tập thơ này có thể được xem như ba tập nhật ký ghi trong khoảng thời gian dài, từ năm nhà thơ 21 tuổi đến năm 49 tuổi, do mỗi bài thơ đều chứa đựng một lời tâm sự.

    Nếu “Thăng Long kỳ 1” trong tập Bắc Hành tạp lục Nguyễn Du viết khi sứ bộ từ Phú Xuân dừng chân ở Thăng Long trước khi lên ải Nam Quan là nỗi hoài niệm quá khứ và cái bâng khuâng trước thế cục xoay vần “Ngàn năm dinh thự thành quan lộ / Một dải tân thành lấp cố cung,” thì “Độc tiểu thanh ký” trong Thanh Hiên thi tập lại là lòng thương cảm với số phận người con gái tài tình bạc mệnh Phùng Tiểu Thanh. Tương truyền, Phùng Tiểu Thanh sống khoảng đầu thời Minh, là con nhà gia thế nên từ nhỏ đã thông thạo cầm kì thi hoạ, phong tư lại lộng lẫy hơn người. Năm 16 tuổi, nàng được gả làm vợ lẽ cho Phùng Sinh, nhưng vợ cả tính ghen tuông lại cay độc nên ép nàng ra sống một mình trên Cô Sơn gần Tây Hồ. Những muộn phiền đau khổ nàng gửi gắm vào thơ phần lớn đều bị vợ cả đốt hết; chẳng bao lâu, Tiểu Thanh sớm sinh bệnh rồi qua đời khi chỉ mới mười tám xuân xanh.

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe “Thăng Long kỳ 1” bản dịch của Quách Tấn và “Độc tiểu thanh ký” bản dịch của Vũ Tam Tập qua giọng diễn ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

  • Saknas det avsnitt?

    Klicka här för att uppdatera flödet manuellt.

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 17 ngày hôm nay, xin mời các bạn lắng nghe bài thơ “Chơi Sài Sơn (lần thứ hai)” của tác giả Nguyễn Thượng Hiền.

    Nguyễn Thượng Hiền tên hiệu là Mai Sơn, người làng Liên Bạt, huyện Sơn Lăng, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội), sinh năm 1868, mất năm 1925. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, năm 1884 khi 17 tuổi đã đổ cử nhân khoa thi Hương ở Thanh Hoá. Đến năm 1892, ông thi Đình và cũng đỗ Hoàng giáp như cha mình là Nguyễn Thượng Phiên, nên được bổ nhiệm làm Toản Tu ở Quốc Sử quán, thăng Đốc học ở Ninh Bình rồi thuyên chuyển sang Nam Định, nên thường được gọi là ông Đốc Nam.

    Năm 1907, vua Thành Thái bị Pháp phế truất, Nguyễn Thượng Phiên qua đời, do vậy Nguyễn Thượng Hiền lấy cớ thọ tang cha mà xin tạm nghỉ việc quan, gấp rút chuẩn bị xuất dương tìm đường cứu nước. Chính ở Trung Quốc, ông đã gặp gỡ và rồi cùng Phan Bội Châu sang Nhật hưởng ứng phong trào Đông Du. Năm 1914, khi Phan Bội Châu bị bắt, ông đứng lên lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội, nhưng hoạt động của hội này nhanh chóng bị đàn áp. Nguyễn Thượng Hiền bôn tẩu khắp nơi, cuối cùng nương nhờ cửa Phật tại chùa Thường Tịch Quan Lan Nhược trên núi Vân Sơn ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc và ở đó đến khi mất vào năm 1925.

    Ngoài vai trò là một chí sĩ yêu nước, Nguyễn Thượng Hiền còn là một nhà văn hoá, nhà thơ lớn với gia tài sáng tác hơn 600 bài thơ văn bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Ngoài những bài thơ và bài ký phục vụ mục đích chính trị và cổ vũ đấu tranh, ông cũng viết nhiều bài thơ ký thác tâm sự bản thân, điển hình như bài “Chơi Sài Sơn (lần thứ hai).” Không để các bạn thính giả chờ lâu hơn nữa, sau đây xin mời các bạn lắng nghe bài thơ qua giọng ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 16 hôm nay, xin mời các bạn đến với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.   

    Nguyễn Bỉnh Khiêm, tên huý Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, sinh ngày 13/5/1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng), là một chính khách, nhà thơ, nhà chiến lược, một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử và văn hoá nước Việt trong thế kỷ 16. Ông sinh ra trong gia đình nhà nho truyền thống, cả cha lẫn mẹ đều thông tuệ và giỏi văn chương, nên năm 1535 ông thi đỗ Trạng nguyên rồi ra làm quan nhà Mạc và bày mưu tính kế giúp vua Mạc bảo toàn vương nghiệp. Vì thế, hoạn lộ của ông từ Lại bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ, trải thăng đến Lại bộ Thượng thư, Thái phó, Trình Tuyền hầu, rồi lại gia phong Trình quốc công nên đời thường gọi là Trạng Trình. Xuyên suốt chiều dài lịch sử phong kiến Việt Nam, ông là một trong số hiếm những người được phong tới tước Công, tức Quốc Công, mà chưa từng cầm binh ra trận hay là công thần khai quốc lẫn hoàng thân quốc thích.   

    Đến khi ngoài 70 tuổi, ông treo ấn từ quan, trở về quê nhà và dựng am Bạch Vân bên bờ sông Tuyết Hàn để mở trường dạy học và sáng tác thơ văn. Ông sáng tác cả chữ Hán và chữ Nôm, và với thơ Nôm trong tập Bạch Vân quốc âm thi tập, chủ đề nổi bật là cái nhàn. Nói về sự “nhàn” trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, GS. Nguyễn Huệ Chi nhận xét trong cuốn Bước đầu suy nghĩ về văn học thời Mạc: Cần phải thừa nhận rằng trong cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm có một phương diện gọi là tự tại. Nhàn ở đây không là ẩn, chưa phải xã hội thối nát đến mức mình không thể chấp nhận nổi mà trở về chăm nom vài luống cúc, hoặc lẩn trốn vào cửa thiền, hoặc tìm quên trong thú vui cần câu, chén rượu. Nhàn, bởi mình cảm thấy phải làm chủ cuộc sống của mình, cho nên tự mình trở về an nhàn nghỉ ngơi. Nhưng khi nhà Mạc kêu gọi đi đánh bọn phản loạn thì Nguyễn lại hăng hái ra giúp. Nhàn trong trường hợp này là nhàn tự tại. Nhàn tự tại chính là nét khác với nhàn ở nhiều thời đại khác là thứ nhàn chỉ muốn lánh đục, lánh triều đình, “dũng thoái”. Nhàn tự tại không cố chấp mà hồn nhiên hơn.”  

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe bài thơ số 79 và 129 trong tập thơ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi tập và bài thơ chữ Hán “Hạ cảnh” trích trong tập Bạch Vân am thi tập, bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường, cũng chính là cố vấn nội dung cho chương trình Ng-Âm Thơ.

  • Các bạn thân mến, trong số Ng-Âm Thơ ngày hôm nay, xin mời các bạn cùng lắng nghe hai bài thơ của nhà thơ thôn quê Nguyễn Bính.

    Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh ngày 13/2/1918 tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, nay là xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, mất ngày 20/1/1966 khi mới chỉ 47 tuổi. Ông vốn sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, lại mồ côi mẹ từ bé nên khi mới mười ba tuổi, ông đã phải rời quê hương, theo chân anh cả tới Hà Đông kiếm sống. Tuy có cuộc đời nhiều vất vả, nhưng do được cha và anh nhọc công dạy dỗ nên Nguyễn Bính cũng sớm bộc lộ năng khiếu thơ ca. Trong đó, giai đoạn 1940 - 1942 là giai đoạn hồn thơ Nguyễn Bính bung nở rực rỡ nhất, với nhiều tập thơ gây được tiếng vang: Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi (1940), Hương cố nhân (1941), Người con gái ở lầu hoa, Mười hai bến nước (1942). Trong kháng chiến chống Pháp, ông sáng tác nhiều. Thơ ông thời kỳ này chủ yếu phục vụ kháng chiến, với các tác phẩm được lưu truyền rộng rãi, đặc biệt là ở Nam Bộ: Ông lão mài gươm, Trăng kia đã đứng ngang đầu…

    Thơ Nguyễn Bính, như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã từng nhận xét, là một hồn thơ “quê mùa”, dung dị và đầy tình cảm. Thơ ông chủ yếu viết theo thể lục bát, đậm đà phong vị dân tộc. Lời thơ chân chất, đằm thắm, gần gũi với ca dao. Hình ảnh thường trở đi trở lại trong các sáng tác của Nguyễn Bính là những đôi trai gái mới yêu, những anh trai làng, những cô gái đò, những con người nặng tình khao khát tình yêu và luôn trăn trở với căn bệnh “tương tư” khó chữa. Bởi vậy, đọc thơ Nguyễn Bính, ta không tìm thấy những ước lệ mực thước, cổ điển như trong thơ cũ; dầu là thơ mới, ta cũng không tìm thấy vẻ siêu thực, kỳ dị như của các nhà thơ hiện đại cùng thời.

    Đọc thơ Nguyễn Bính, giống như Nguyên Sa từng nhận xét, đọc thơ ông, ta chỉ thấy đong đầy “tiếng hát”: “Tiếng hát võng đưa. Tiếng hát lũy tre, tiếng hát buổi chiều mùa thu còn chút nắng không đủ ấm tiếng hát trẻ nhỏ khóc, tiếng hát thiếu nữ ngồi hong tóc, tiếng hát của mẹ của Hà Nội xa tắp của Vân Đình lo sợ, của những ngôi làng ven đường số năm cuối cùng trong ảo vọng.” Một tiếng hát đậm đà chân quê.

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe hai tác phẩm “Trường huyện,” hay còn được biết đến với cái tên “Bươm bướm ngày xưa” và “Nhớ người trong nắng,” qua giọng diễn ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

  • Các bạn thân mến, thi phẩm các bạn vừa nghe có tên “Tự thán,” tương truyền là sáng tác của Nguyễn Trãi, qua giọng diễn ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.  Nguyễn Trãi sinh năm 1380, mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần. Nguyễn Trãi là nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử nước Việt; ông không chỉ là nhà chính trị, là quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất, là khai quốc công thần của nhà Hậu Lê sau khi khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu chống lại quân Minh xâm lược thành công vào năm 1428, mà còn là nhà văn hoá, nhà văn, nhà thơ xuất sắc. Ông được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hoá thế giới và nằm trong số 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.   

    Về sự nghiệp văn chương, không ngoa khi nói rằng Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận tài ba, với Quân trung từ mệnh tập và nổi tiếng nhất là Bình Ngô đại cáo. Ngoài ra, ông còn soạn thảo Dư địa chí, còn gọi là Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí. Về thơ ca, hai tập thơ nổi bật nhất của Nguyễn Trãi là Ức trai thi tập bằng chữ Hán gồm 105 bài thơ và Quốc âm thi tập bằng chữ Nôm gồm 254 bài thơ, mà theo Trần Huy Liệu thì đây là tập thơ Nôm có tuổi đời lâu nhất còn lại của Việt Nam đến nay. Nhờ Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã trở thành người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm nước nhà.  

    Tiếp sau đây, Ng-Âm Thơ xin giới thiệu đến các bạn Côn Sơn ca, thi phẩm nổi tiếng bậc nhất trong Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi, được viết trong khoảng thời gian ông từ quan về nghỉ ở núi Côn Sơn, thuộc xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi ông ngoại Trần Nguyên Đán của Nguyễn Trãi thường ngâm thơ uống rượu sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Qua giọng ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường, xin mời các bạn lắng nghe Côn Sơn ca, bản dịch thơ của Phan Võ, Lê Thước và Đào Phương Bình.

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 13 ngày hôm nay, trong khuôn khổ tháng tôn vinh nhà thơ nữ, xin mời các bạn lắng nghe hai bài thơ của thi sĩ Sương Nguyệt Anh.

    Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, tự Nguyệt Anh, sinh ngày 8/3/1864, mất ngày 20/1/1921, người làng An Bình Đông, nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Là con gái thứ tư của thi hào Nguyễn Đình Chiểu, từ bé Sương Nguyệt Anh đã thành thạo cả chữ Hán lẫn chữ Nôm nhờ được cha truyền dạy. Năm bà 24 tuổi thì cha mất, bà cùng gia đình chuyển về Rạch Miễu rồi kết hôn với phó tổng sở tại và sinh được một con gái, nhưng con gái được 2 tuổi thì chồng bà cũng qua đời. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, và thêm trước bút hiệu mình một chữ “Sương” thành “Sương Nguyệt Anh,” có nghĩa là Nguyệt Anh goá chồng.

    Năm 1917, Sương Nguyệt Anh trở thành người phụ trách tờ báo đầu tiên của phụ nữ xuất bản tại Sài Gòn mang tên Nữ giới chung, tức Tiếng chuông của nữ giới. Số đầu tiên ra mắt ngày 1/2/1918 với chủ trương nâng cao dân trí và quan trọng là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội, nhưng chỉ 5 tháng sau tờ Nữ giới chung đã bị đình bản.

    Ngoài viết báo, Sương Nguyệt Anh sáng tác khá nhiều nhưng không gom thành tập nên đến nay tác phẩm của bà chỉ còn rải rác một số bài thơ. Thơ Sương Nguyệt Anh phần lớn là thơ Nôm theo thể Đường luật, thường thể hiện tâm sự cá nhân của bà dưới vai trò người nữ trong xã hội phong kiến. Hai thi phẩm được giới thiệu trong số hôm nay là “Tự thán” và “Tỏ chí,” đều được sáng tác trong thời gian cư tang khi chồng bà tạ thế. Nếu “Tự thán” thể hiện nỗi cô đơn chăn đơn gối chiếc của người goá phụ, thì “Tỏ chí” là câu khẳng định đanh thép quyết định thủ tiết và tấm lòng kiên trinh của bà.

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe hai bài thơ “Tự thán” và “Tỏ chí” qua giọng diễn ngâm của nghệ sĩ/hoạ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn nguyệt của nghệ sĩ Hùng Cường.

  • Các bạn thân mến, trong số phát sóng thứ 12 thuộc tháng vinh danh các nhà thơ nữ của Ng-Âm Thơ hôm nay, xin giới thiệu với các bạn thính giả nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương.

    Không có tư liệu cụ thể nào ghi lại về lai lịch của Hồ Xuân Hương trước sách Giai nhân di mặc ấn hành tại Hà Nội năm 1916 của học giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Dẫu nhất trí rằng Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, học giới vẫn còn tranh cãi về gia thế của bà. Theo Giai nhân di mặc, thân phụ Hồ Xuân Hương là sinh đồ Hồ Phi Diễn, người hương Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An, nhưng học giả Trần Thanh Mại lại cho rằng bà là con gái ông Hồ Sĩ Danh, cũng người hương Quỳnh Đôi. Học giả Phạm Trọng Chánh khẳng định nguyên danh nữ thi sĩ là Hồ Phi Mai và bút hiệu bà là Cổ Nguyệt Đường. Hồ Xuân Hương được cho là có hai đời chồng nhưng đều không viên mãn, và tạ thế năm 1822.

    Hồ Xuân Hương sáng tác cả thơ chữ Hán và chữ Nôm, nhưng những thi phẩm nổi tiếng và đặc sắc nhất của bà là thơ Nôm theo thể thất ngôn tứ tuyệt hoặc thất ngôn bát cú. Không ngoa khi nói rằng thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh nữ quyền từ rất sớm: ngay giữa xã hội phong kiến hà khắc gia trưởng coi phụ nữ nói chung và cơ thể phụ nữ nói riêng là một món hàng thuộc sở hữu của đàn ông, Hồ Xuân Hương đã dõng dạc và thẳng thắn bày tỏ quan điểm và nguyện vọng về một mối quan hệ lứa đôi bình đẳng “chém cha cái kiếp lấy chồng chung.” Bà không ngại ngần phê phán hạng đàn ông phụ bạc, sở khanh và cảm thương cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

    Bởi vậy, bà trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho hậu thế. Tên bà được đặt cho nhiều con phố ở các tỉnh thành lớn, thậm chí đặt cho Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt. Bài thơ "Bánh trôi nước" và "Tự tình II" được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn cấp THCS, còn bộ môn Thơ Nôm Hồ Xuân Hương được giảng dạy cho sinh văn chuyên ngành văn học Việt Nam. Các tác phẩm lấy cảm hứng từ bà trở nên nổi tiếng có thể kể đến như truyện ngắn "Chút thoáng Xuân Hương" của Nguyễn Huy Thiệp và loạt hoạ phẩm Minh hoạ thơ Hồ Xuân Hương của Bùi Xuân Phái. Trong năm 2022 này, UNESCO sẽ kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của danh nhân văn hoá Hồ Xuân Hương.

    Sau đây, sau "Lấy chồng chung," xin mời các bạn lắng nghe bài thơ "Không chồng mà chửa" qua giọng diễn ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số 11 hôm nay, xin mời các bạn lắng nghe 16 câu đầu trong Chinh phụ ngâm khúc diễn ca, bản dịch Nôm tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn do Đoàn Thị Điểm chuyển dịch.

    Chinh phụ ngâm khúc diễn ca là bản dịch tiếng Nôm đầu tiên của tác phẩm Chinh phụ ngâm, hay còn có tên gọi khác là Chinh phụ ngâm khúc, do tác giả Đặng Trần Côn viết vào khoảng năm 1741 giai đoạn sơ kỳ Cảnh Hưng. Thi phẩm văn vần dài 476 câu thơ, viết theo thể trường đoản cú, câu dài nhất lên đến 12, 13 chữ, câu ngắn nhất chỉ 3, 4 chữ. Đoàn Thị Điểm đã chuyển dịch thành thể song thất lục bát gồm 412 câu. Bài thơ là lời than vãn độc thoại nội tâm của người phụ nữ có chồng đi đánh trận, xoáy sâu vào nỗi cô đơn, buồn tủi khi xa chồng và cả nỗi lo sợ khủng khiếp về số phận trượng phu giữa chiến trường khốc liệt.

    Bản dịch song thất lục bát của Đoàn Thị Điểm thường được so sánh với Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều cũng viết bằng chữ Nôm theo thể song thất lục bát. Theo đó, cả hai đều phản ánh số phận người phụ nữ giữa xã hội phong kiến, song bản diễn Nôm của Chinh phụ ngâm hướng về đời sống bình dị với nỗi nhớ mong chồng và khát khao đoàn tụ của người chinh phụ. Dẫu có nhiều bản dịch Nôm của Chinh phụ ngâm khúc nhưng nhờ tài văn và cách xử lý câu từ khéo léo của Đoàn Thị Điểm mà bản dịch của bà đến nay vẫn là bản phổ biến nhất, đến nỗi nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai phải cảm thán: "người ta chỉ biết có một bài chinh phụ, người ta chỉ nhớ đến một khúc ngâm chinh phụ: ấy là tập Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm."

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe 16 câu đầu trong Chinh phụ ngâm khúc diễn ca của Đoàn Thị Điểm qua giọng diễn ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

  • Các bạn thân mến, trong không khí se se lạnh của mùa thu Hà Nội, xin mời các bạn lắng nghe “Cảm thu tiễn thu,” một bài thơ của thi sĩ Tản Đà, trong Ng-Âm Thơ số 10 ngày hôm nay.

    Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1889 và mất ngày 7 tháng 6 năm 1939, quê ở làng  Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội), nguyên quán ở làng Lủ tức làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Tản Đà lên ba thì cha mất, lên bốn thì mẹ bỏ đi, nên phần lớn thời niên thiếu ông ở cạnh người anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Tái Tích. Nhờ sự cổ vũ và ủng hộ hết lòng của anh mà Tản Đà sớm nổi tiếng là thần đồng khắp tỉnh Sơn Tây.

    Nhiều nhà phê bình nhận định ông là người chuẩn bị cho sự ra đời của Thơ Mới, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại,” và “Cảm thu tiễn thu” chính là minh chứng cho sự giao thoa gạch nối này. Vẫn dùng đề tài và hình ảnh thơ ca trung đại khi miêu tả mùa thu hắt hiu, lạnh lẽo, nhưng cảnh thu không còn là trung tâm mà chính là con người đủ mọi tầng lớp thân phận: từ bậc tài tử - giai nhân đến kẻ tha hương, người kĩ nữ; từ bậc tu mi nam tử đến khách má đào; từ trai anh hùng đến gái thuyền quyên. Thể thơ không thống nhất mà là sự kết hợp của các hình thức thơ truyền thống như ngũ ngôn, lục bát, tứ tuyệt.

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe “Cảm thu tiễn thu” của Tản Đà qua giọng diễn ngâm của hoạ sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn đáy của NSND Xuân Hoạch.

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số thứ chín ngày hôm nay, xin mời các bạn lắng nghe “Trăng vàng trăng ngọc” của nhà thơ Hàn Mạc Tử, trích trong Phần 1: Hương thơm của tập Đau thương, hay có tên gọi khác là Thơ điên, xuất bản năm 1937.

    Hàn Mạc Tử có lẽ không còn là cái tên xa lạ với các bạn thính giả. Ông tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 tại làng Lệ Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và mất ngày 11/11/1940 tại nhà thương Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn vì bệnh phong khi vừa mới bước sang tuổi 28. Ông làm thơ từ năm 16 tuổi dưới bút danh Phong Trần rồi Lệ Thanh, sau đó đến năm 1936 mới đổi bút danh thành Hàn Mạc Tử, chứ không phải Hàn Mặc Tử như nhiều người vẫn nghĩ. Cũng chính vào năm 1936, Hàn Mạc Tử cùng Quách Tấn, Yến Lan và Chế Lan Viên lập thành nhóm Bàn thành tứ hữu ở Bình Định. Nhận thấy khuynh hướng trong nhóm thơ thể hiện rất rõ trong sáng tác của từng người, vào khoảng cuối năm 1936, Hàn Mạc Tử khởi xướng việc thành lập Trường thơ Loạn.

    Tuyên ngôn của Trường thơ Loạn được thể hiện không chỉ trong trong đề tựa tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên mà còn trong "Vài lời nói đầu" của tập Đau thương, tức Thơ điên: "Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói đến mộng là nói bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng: xung quanh Người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm dây quyến luyến làm bằng êm dịu, làm bằng thành bại....Gió phương mô đẩy đưa Người đến bờ xa lạ, đầy trinh tiết và đầy thinh sắc. Người dừng lại để hái những lá tinh hoa. Người nín lặng để mà nghe tiếng trăng reo vang vang như tiếng châu báo vỡ lỡ. À ra Người cũng dại dột, hốt vàng rơi bọc trong vạt áo..."

    Và trong cái thế giới say sưa huyền diệu ấy của người thơ họ Hàn, trăng là hình ảnh lặp đi lặp lại, là nguồn cảm hứng vô tận, là luồng ánh sáng thiêng liêng. Giữa không khí mùa thu tràn ngập này, xin mời các bạn thính giả lắng nghe một trong những sáng tác nổi bật nhất về trăng của Hàn Mạc Tử trong tập Thơ điên, “Trăng vàng trăng ngọc,” qua giọng diễn ngâm của họa sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số tám ngày hôm nay, nhân dịp Trung thu, xin mời các bạn lắng nghe bài thơ "Rằm tháng tám" của nhà thơ Anh Thơ.

    Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, sinh ngày 25/1/1921 tại Ninh Giang, Hải Dương, quê gốc ở Bắc Giang. Có tài liệu khác lại ghi bà sinh năm 1918 hoặc 1919. Cha bà đậu tú tài, thuộc thế hệ nhà nho cuối cùng của triều Nguyễn nên vẫn giữ nếp nhà theo lối Nho phong. Sợ con gái mê làm thơ mà lơ đễnh chuyện học hành, ông Vương nghiêm cấm con viết và quản lý gắt gao, có lần bắt được Anh Thơ viết còn đánh con gái và trách cứ vợ. Tuy vậy, Anh Thơ không từ bỏ được niềm đam mê ấy của mình. Bà tìm đến thơ như một cách giải thoát và tự khẳng định giá trị của người phụ nữ trong xã hội đương thời.

    Năm 1941, bà xuất bản tập thơ đầu tay mang tên Bức tranh quê gồm 45 bài thơ đặc tả phong cảnh và đời sống sinh hoạt của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ theo trình tự thời gian xuân hạ thu đông rồi lại xuân. Với tập thơ này, Anh Thơ đã giành giải khuyến khích trong cuộc thi do Tự lực văn đoàn tổ chức và chính thức xác lập tên tuổi mình trong phong trào Thơ mới. Thơ bà được bình luận khá sôi nổi. Các nhà phê bình đương thời xếp thơ Anh Thơ trong tập Bức tranh quê vào nhóm "tả chân" với chủ đề làng quê xuyên suốt, cùng Nam Trân, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân.

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe "Rằm tháng tám" qua giọng diễn ngâm của họa sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường. Hy vọng các bạn thính giả đã có một Trung thu vui vẻ và đầm ấm!

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số đầu tiên của tháng 9 ngày hôm nay, xin mời các bạn lắng nghe bài thơ “Mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng.

    Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh ngày 11 tháng 10 năm 1921, mất ngày 13 tháng 10 năm 1988, là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, nay thuộc thành phố Hà Nội. Trước Cách mạng tháng Tám, ông theo học ở Ban trung học trường Thăng Long, rồi đi dạy học tư ở Sơn Tây sau khi tốt nghiệp. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam và trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu.

    Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Quang Dũng xuất bản được mười tác phẩm, gồm tập thơ, tập truyện ngắn, bút kí, hồi kí, trong đó nổi bật nhất là hai bài thơ "Tây Tiến" và "Mắt người Sơn Tây" đều được phổ nhạc lần lượt bởi Phạm Duy và Phạm Đình Chương. Nếu "Tây Tiến" là bản hùng ca bi tráng không kém phần lãng mạn với hình ảnh "đoàn quân không mọc tóc" đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ, thì "Mắt người Sơn Tây" là nốt trầm buồn của mối duyên vừa tương phùng đã biệt ly giữa cảnh chiến tranh tang thương chết chóc: "Mẹ tôi em có gặp đâu không / Những xác già nua ngập cánh đồng / Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ / Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông."

    Bài thơ này có rất nhiều dị bản do chính tác giả sửa trong nhiều bản in khác nhau. Tiêu đề ban đầu là "Đôi mắt người Sơn Tây," sau Quang Dũng sửa lại là "Mắt người Sơn Tây." Trong số Ng-Âm Thơ này, xin mời các bạn lắng nghe bản chép tay của tác giả in trong tập Mắt người Sơn Tây - thơ văn tinh tuyển do NXB Hội nhà văn xuất bản năm 2012, qua giọng diễn ngâm của họa sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn nguyệt của nghệ sĩ Hùng Cường.

  • Các bạn thân mến, trong số thứ sáu của Ng-Âm Thơ hôm nay, xin mời các bạn cùng lắng nghe chùm ba bài thơ của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan.

    Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người làng Nghi Tàm, thuộc huyện Vĩnh Thuận, nay là phường Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tư liệu về cuộc đời bà đến nay còn rất sơ sài, các nguồn thông tin đều ít nhiều có điểm mâu thuẫn. Theo Lược truyện các tác gia Việt Nam do Trần Văn Giáp chủ biên, bà thành hôn với Lưu Nguyên Uân, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, đỗ cử nhân năm 1821 sau đó được bổ nhiệm làm tri huyện Thanh Quan, tức huyện Thái Ninh, nay là một phần huyện Đông Hưng và Huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cho nên bà Hinh được gọi là Bà Huyện Thanh Quan. Nổi tiếng là người hay chữ, có tài thơ, nên bà được triệu vào cung, ban cho chức Cung trung giáo tập, dạy chữ nghĩa cùng những nghi lễ phép tắc cho các công chúa và cung phi. Tương truyền khi vào dạy trong cung, vua ban thơ chữ Hán bà đều họa được.

    Tuy vậy, các tác phẩm để lại của Bà Huyện Thanh Quan đều là thơ Nôm Đường luật, cho thấy bà đã đạt đến độ điêu luyện của thể loại này. Cùng với Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan đã đưa thơ Nôm Đường luật lên đến đỉnh cao, thoát khỏi cái cổ kính nặng về điển cố khi nghiêng về chữ Hán và vượt lên cái quê kệch trúc trắc khi nghiêng về tiếng Nôm. Giáo sư Phạm Thế Ngũ nhận xét trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (quyển hai): “Thơ luật đời Nguyễn Sơ, ở tác phẩm của hai nữ sĩ là Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan, như vậy quả đã tiến đến cao độ mỹ diệu. Thơ Hồ Xuân Hương thiên về Nôm mà bóng bẩy, duyên dáng. Thơ Bà Huyện Thanh Quan thiên về Hán mà thanh thoát, nhẹ nhàng. Hồ Xuân Hương đại biểu cho cái tinh thần trào phúng bình dân vươn lên thể hiện một hình thức bác học. Bà Huyện Thanh Quan đại biểu cho cái tinh thần tao nhã nho sĩ kết tinh lại, cùng với tinh túy của Đường thi.”

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe "Qua đèo Ngang," "Thăng Long thành hoài cổ," và "Chiều hôm nhớ nhà" qua giọng diễn ngâm của nghệ sĩ/họa sĩ Ngọc Dân và tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hùng Cường.

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số thứ năm ngày hôm nay, xin mời các bạn cùng lắng nghe chùm ba bài thơ thu gồm “Thu vịnh,” “Thu ẩm” và “Thu điếu” của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

    Nguyễn Khuyến tên khai sinh là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, sinh năm 1835 tại làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam trong gia đình có truyền thống làm quan. Sau khi đỗ thủ khoa ba kì thi và thành danh Tam Nguyên Yên Đổ, Nguyễn Khuyến ra làm quan, nổi tiếng làm việc cần mẫn, tính thanh liêm lại có tài thao lược nên nhiều lần từ quan nhưng đều không được chấp thuận. Thành Hà Nội bị hạ năm 1883, và sang năm 1884, nước ta công nhận quyền đô hộ của nước Pháp trên khắp lãnh thổ Bắc và Trung Kì. Đau lòng trước cảnh mất nước, không chịu làm quan dưới thời bảo hộ, năm 1885 khi mới 51 tuổi, ông lấy cớ đau mắt xin về hưu ở ẩn, rồi từ đó chủ yếu lấy điền viên làm đề tài ngâm vịnh và trọng tâm sáng tác.

    Tâm tư nặng nề của người chí sĩ đau đáu chuyện nước non bao trùm lên toàn bộ ba bài thơ: trong "Thu vịnh," nhà thơ nghe tiếng ngỗng vẫn trầm ngâm nước nhà giờ còn hay mất; ở "Thu ẩm," nhà thơ uống rượu một mình nhưng mắt vẫn đỏ hoe; còn trong "Thu điếu," thi nhân kể chuyện câu cá mà như tả nỗi cô đơn trên con thuyền bé tẻo teo, tựa gối buông cần mà không màng cá đớp động.

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe chùm 3 bài thơ thu bài thơ “Thu vịnh,” “Thu ẩm” và “Thu điếu” của nhà thơ Nguyễn Khuyến, do họa sĩ/nghệ sĩ Ngọc Dân diễn ngâm, Nghệ sĩ Hùng Cường đệm đàn.

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số thứ tư ngày hôm nay, xin mời các bạn cùng lắng nghe bài thơ "Chân dung" của nhà thơ Du Tử Lê.

    Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, và mất vào tháng 10 năm 2019 tại nhà riêng ở Garden Glove, California, Hoa Kì. Năm 1956, ông vào Sài Gòn theo học trường Trần Lục, trường Chu Văn An và sau cùng là Đại học Văn Khoa. Ông là tác giả của hơn 70 tập thơ và văn xuôi, hơn 300 bài thơ trong số đó đã được phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng và được nhiều thế hệ yêu thích, như "Khúc thụy du" của nhạc sĩ Anh Bằng, "Đêm nhớ trăng Sài Gòn" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, "Trên ngọn tình sầu" của nhạc sĩ Từ Công Phụng… Du Tử Lê cũng là một trong số những thi sĩ Việt Nam có những thành tựu nhất định trên văn đàn quốc tế, là một trong số hiếm hoi các nhà văn châu Á có tác phẩm đăng trên Los Angeles Times (1983) và New York Times (1994).

    Được nhiều người gọi là ông hoàng thơ tình, nhưng Du Tử Lê không chỉ có thơ tình. Đến với thơ Du Tử Lê là đến với những cảm xúc thế sự và nỗi hoài nhớ cố hương. Nhà thơ là người ngồi-trong-cõi-nhân-gian, để rồi quanh quẩn với nỗi riêng một mình. Thơ ông không chỉ có "tôi - em," mà còn có "tôi - quê hương," những vết thương, những cái chết. Có bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu trăn trở, ông trút hết cho thơ. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét, "khi nói về thi ca là lúc [Du Tử Lê] không bao giờ do dự, là lúc ông sẵn sàng dấn thân cho dù con đường ấy đầy chông gai và cả thù hận."

    Sau đây xin mời các bạn lắng nghe bài thơ "Chân dung" của nhà thơ Du Tử Lê, do Hoạ sĩ/Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Dân diễn ngâm, Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Thanh Bình ngâm dẫn, Nghệ sĩ Lại Thanh Minh phối khí.

  • Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số thứ ba ngày hôm nay, xin mời các bạn cùng lắng nghe bài thơ "Cỏ Bồng Thi” của nhà thơ Hoàng Cầm, được in trong Nhịp 5: Còn em (Cỏ Bồng Thi phải cheo leo mỏm đá) của tập Về Kinh Bắc. Về Kinh Bắc gồm 48 bài thơ được chia làm 8 nhịp, sáng tác vài tháng cuối năm 1959 đầu năm 1960 nhưng phải tới năm 1994 mới được in lần đầu tiên đầy đủ thành sách. Cả tập thơ, theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, là một giấc mơ hồi cố với nhiều hình ảnh ngẫu nhiên, thoạt đầu trông có vẻ vô trật tự, hỗn độn nhưng nhìn toàn cảnh cấu trúc tập thơ khá rõ ràng, tuần tự. 

    Trong cả tám nhịp thơ ấy, sức nặng cảm xúc và tâm lý của tác giả dồn cả vào nửa đầu nhịp năm với nhóm năm bài thơ Em Chị theo thứ tự: "Cây tam cúc," "Lá Diêu Bông," "Quả vườn ổi," "Cỏ Bồng Thi," và "Nước sông Thương." Hai nhân vật Em, Chị ấy là hai người có thật, Em chính là tác giả năm lên tám và năm lên mười hai, còn chị là cô hàng xóm tên Vinh hơn nhà thơ đến 8 tuổi. Chính Hoàng Cầm kể lại trong Vĩ Thanh, rằng cậu bé lên tám khi thấy cô gái ngửng đầu lên thì "choáng người," vì người con gái đẹp đến mê hồn. "Rồi thứ bảy sau, về nhà, tôi trao bức thư tỏ tình đầu tiên viết bằng thơ lục bát, dài hơn một trang giấy kẻ học sinh trên có vẽ hoa vẽ bướm, một vài ngọn núi, một dòng sông với chữ viết đậm, mực tím, nắn nót: Em gửi Chị Vinh của Em."

    Sau đây, xin mời các bạn lắng nghe bài thơ "Cỏ Bồng Thi" của nhà thơ Hoàng Cầm, do Họa sĩ/Nghệ sĩ Ngọc Dân diễn ngâm, Nghệ sĩ Lại Thanh Minh và Đinh Quang Trung phối khí.

  • Trong số thứ hai này của Ng-Âm Thơ, xin mời các bạn cùng lắng nghe bài thơ “Sầu chung” của nhà thơ Trần Huyền Trân viết tặng danh ca ca trù Quách Thị Hồ. Quách Thị Hồ sinh năm 1909 tại làng Ngọc Bộ, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nơi trước đây thuộc địa phận quê hương quan họ Bắc Ninh. Sinh ra trong gia đình có truyền thống đàn hát lâu đời với mẹ là ca nương có tiếng, bà sớm được tiếp xúc với đàn phách. Năm 1930, trong thời kỳ phát triển rực rỡ và thịnh vượng nhất của văn hóa hát ả đào hay hát cô đầu, bà ra Hà Nội hát tại phố Khâm Thiên, cái nôi văn nghệ nức tiếng Hà thành.

    Thế nhưng cuộc đời của các ca nương cũng lắm nỗi bi ai, mà Trần Huyền Trân, người ngụ tại Cống Trắng, nay là ngõ Văn Chương ở phố Khâm Thiên, hiểu rõ hơn cả. Ở giai đoạn cực thịnh, nhà hát Đốc Sao chuyên chọn gái quê nghèo tầm tuổi 15-16 trông xinh xắn rồi thuê thầy dạy hát vài bài, nói dăm câu tiếng Pháp để làm vui lòng khách. Trần Huyền Trân kể, vì quanh khu gia đình ông ở cũng là nơi trọ của nhiều cô đầu, nên các cô có giọng hát hay mà không biết chữ thường nhờ ông viết thư tình cho các anh "chồng hờ" vòi vĩnh tiền đánh bạc, ông chỉ thương chứ không ghét. Có lẽ chính sự tiếp xúc gần gụi và niềm cảm thương này đã tạo cảm hứng cho Trần Huyền Trân viết “Sầu chung” năm 1942 tại Khâm Thiên để “gửi tặng người ngâm nhé / Cho vút giọng sầu tan bóng mây.”

    Bản thu được họa sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ Nguyễn Ngọc Dân diễn ngâm, NSND Xuân Hoạch đệm đàn đáy và Đinh Quang Trung đệm trống chầu. Xin mời các bạn cùng thưởng thức.

  • Trong số mở đầu của Ng-Âm Thơ hôm nay, xin mời các bạn lắng nghe bài thơ "Hồ trường" của Nguyễn Bá Trác. Nguyễn Bá Trác từng biên soạn nhiều sách nhưng nổi tiếng nhất với tập Hạn Mạn Du Ký, tức ký sự chuyện đi chơi phiếm, trước viết bằng chữ Hán rồi sau ông tự dịch cả 14 chương sang Việt văn và đăng trên Nam Phong tạp chí từ số 38 đến số 43 vào năm 1920. 

    "Hồ trường," hay "Nam Phương ca khúc," xuất hiện trong chương 10, số 41, tháng 11 năm 1920, không phải bài thơ tác giả tự sáng tác, mà là bản dịch thơ bài ca phương Nam do người đồng hương cùng chí hướng ông gặp khi lưu lạc tại Thượng Hải cao hứng hát tại tửu lầu trong một buổi chiều ngà ngà say. Không lâu sau khi đăng, bản dịch đã trở nên phổ biến, đặc biệt trong giới chí sĩ, bởi nó giãi bày nỗi lòng của người nam nhi "chí chưa thành, danh chẳng đạt" mà đành mượn rượu giải sầu.

    Bài thơ được chép lại nhiều lần nên có nhiều dị bản, sau đây là bản dịch được sử dụng trong số phát sóng này, do Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân diễn ngâm, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hà đệm đàn tranh, và Nghệ sĩ Lại Thanh Minh phối khí. Xin mời các bạn cùng thưởng thức.

    Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường
    Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha hương.
    Trời Nam nghìn dặm thẳm, mây nước một màu sương.
    Chí chưa thành, danh chẳng đạt, trai trẻ bao lăm mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.
    Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang ai người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.

    Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?
    Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng loạn.
    Rót về Tây phương, mưa Tây Sơn từng trận chứa chan.
    Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vì vụt cát chạy đá giương.
    Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng.
    Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
    Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.